Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

15316 - Kiện Trung Quốc: “Thập thò lo chẳng chết”


Hình minh họa. Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 ở Hà Nội từ ngày 6 đến 7 tháng 11 năm 2019
Hình minh họa. Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 ở Hà Nội từ ngày 6 đến 7 tháng 11 năm 2019


Thứ trưởng Ngoại giao CSVN tại Hội thảo về Biển Đông (từ ngày 6 đến 7/11 ở Hà Nội) ám chỉ sẽ dùng công cụ pháp lý đối với Trung cộng. Tuy nhiên, phát biểu này hiện đang gây nên một khủng hoảng truyền thông ở trong nước… Điều này gợi nhớ lại chuyện anh chàng cù lần nọ bị cướp vợ, nhưng do đầu óc lú lẫn nên chẳng dám làm gì. Nhờ học lỏm được mấy câu của người khác, nhại lại đúng chỗ, khiến thiên hạ tưởng anh này hết ngốc, cả nể và trả lại vợ cho anh ta!
Nhưng cái kết cục ngoài đời đối với việc kiện Trung Quốc về Biển Đông sẽ không thể kết thúc có hậu như trong câu chuyện cổ tích về “chàng ngốc học khôn” nói trên. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bỏ ra khoản kinh phí khá lớn để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông suốt hai ngày trời, về một đề tài còn nóng hơn cả chảo lửa: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Qua 8 phiên toàn thể, giữa phiên thứ nhất, đánh giá hiện trạng trên Biển Đông đến phiên cuối cùng, củng cố nền tảng hoà bình và trật tự dựa trên luật lệ, là các đề tài nhánh như chiến lược các nước lớn, hội tụ của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và việc ngăn ngừa sự cố và xây dựng lòng tin… Một cuộc gặp mặt – kỷ niệm 11 năm giao lưu giữa các chuyên gia thượng thặng – về Biển Đông, với nội dung khá phong phú như vậy, mà truyền thông hầu như bị gạt ra ngoài rìa, đủ thấy quyền thông tin của người dân mong manh đến nhường nào!
Dù sao, so với các cuộc họp từ 2009 đến nay, phải thừa nhận dư luận quốc tế năm nay có những điểm thuận lợi hơn cho Việt Nam. Thế giới một lần nữa thấy được tính chất “vô căn cứ, phi pháp và phi lý” trong các đòi hỏi về chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng vạch ra được bản chất côn đồ của Trung cộng như những tên hải tặc trên các vùng biển quốc tế là một chuyện, còn quy tụ dư luận thế giới để thành một diễn đàn pháp lý làm hậu thuẫn cho Việt Nam và các nước yếu thế trên Biển Đông trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa bá quyền, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cơ bản ở đây là não trạng và bản lĩnh của quốc gia bị xâm hại. Một khi CSVN vẫn duy trì “chính sách ba không”, khư khư giữa “cái đại cục” với quan thầy và vẫn coi Hoa Kỳ là đối tượng tác chiến trong học thuyết quân sự, thì Trung cộng hẳn nhiên nhếch mép “cười ruồi” và chấp cả chục lần kiểu phát biểu như của Thứ trưởng Lê Hoài Trung. Với hệ thống chính sách “bất biến” của Hà Nội, Trung cộng vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ “luật pháp là tao!”
Cũng lạ là ngay đến cả cái “ám chỉ rụt rè” của Thứ trưởng Trung vẫn gây ra được một “cơn bão trong cốc nước”. Vào ngày đầu của Hội thảo, hãng tin Reuters đã chạy tít lớn: “Vietnam mulls legal action over South China Sea dispute”. Hãng truyền thông có tên tuổi này đương nhiên dựa vào phát biểu của Thứ trưởng Lê Hoài Trung sáng 6/11 rằng, Việt Nam chuẩn bị các biện pháp (đối phó với Trung Quốc) bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng ta áp dụng những biện pháp này. Nhưng khi được bao chí trong nước đôn đáo chất vấn thì hình như chính vị Thứ trưởng Ngoại giao này lại “đính chính” rằng, ông không hề đề cập đến chuyện khởi kiện Trung Quốc! Thế mới biết, phát âm được hai chữ “Trung Quốc” đối với lãnh đạo cấp cao Hà Nội đã khó, tuyên bố được cả một mệnh đề, “khởi kiện Trung Quốc”, đối với ông Thứ trưởng, lại càng khó hơn!
Dư luận hiện đang lo ngại, đến hai tiếng “Trung Quốc” còn không dám nhắc đến, thì liệu sang 2020, Việt Nam làm thế nào để ngồi vào cái ghế Chủ tịch ASEAN một cách vững chãi được. Và Bắc Kinh càng được nước trước sự ươn hèn về chính sách của Hà Nội. Cứ xem cách phản ứng của đại diện Trung Quốc tại Hội thảo thì rõ! Khi các đại biểu chất vấn về thái độ coi thường công pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông hồi mùa hè qua thì trong trả lời, đại biểu Bắc Kinh lại huyên thuyên về triển vọng của bang giao Trung – Mỹ (?) Còn phát ngôn viên của BNG Hà Nội, ngay hôm 7/11, ngày Hội thảo kết thúc, vẫn né tránh khi phóng viên hỏi Việt Nam đã chuẩn bị cụ thể gì cho vụ kiện? Phó phát ngôn viên Ngô Toàn Thắng lặp lại như một robot: “Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về UNCLOS 1982”. Rõ là ông hỏi gà, bà trả lời vịt!
Và cũng chẳng cần đợi lâu, ngay khi các quan khách chưa rời Hà Nội, Bắc Kinh đã tố ngược Việt Nam là xâm lấn vùng biển Trung Quốc. Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội không nên “làm phức tạp” vấn đề Biển Đông. Lời tố cáo ngược này được đưa ra ngay sau khi Thứ trưởng Trung chỉ mới hàm ý, Hà Nội không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc. Phát ngôn viên BNGTQ Cảnh Sảng hôm 8/11 khẳng định rằng, cốt lõi của vấn đề Biển Đông là việc Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc. Theo ông Cảnh Sảng, “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được… đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp tình hình, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.
Vẫn liên quan đến khả năng khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, chuyên gia hàng hải Poling khẳng định trong Hội thảo nói trên rằng, Việt Nam nên nghiêm túc cân nhắc việc này. Bởi vì cho tới nay, đã khá rõ ràng rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược cưỡng ép, hiếp đáp, nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ). Suốt trong vòng 4 tháng qua kể khi tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, mọi cơ chế giao tiếp song phương đều tỏ ra không hiệu quả. Các ý kiến chuyên gia cố động viên Hà Nội rằng, nếu Việt Nam lần này kiện, thì xác suất thắng kiện là cao. Tuy nhiên, các đại biểu trong Hội thảo cũng nói rõ rằng, Việt Nam nên tuyên bố công khai, đừng úp úp mở mở về “bên liên quan” hay “nước ngoài” vi phạm vùng EEZ của mình. Ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN-35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn không dám đả động một từ nào đến “Bãi Tư Chính” và cái tên “Trung Quốc”. Trước thái độ đó của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, có thể cắt nghĩa được, đã chẳng có bất kỳ ý kiến nào từ các nước  ASEAN bày tỏ “ủng hộ Việt Nam”, bất chấp Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của khối này vào năm 2020./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét