Hình minh hoạ. Bà Trần Thị Huệ (giữa) bà của nạn nhân Lê Văn Hà (30 tuổi), một trong 39 người bỏ mạng trên xe container vào Anh. AFP
Tối 09-11, sau khi Cảnh sát Essex (Anh) và Bộ Công an Việt Nam đồng thời phát đi thông báo tên tuổi, quê quán của 39 nạn nhân người Việt thiệt mạng trong chiếc xe đông lạnh tại Essex. Những ai theo dõi báo chí Việt Nam tối 08-11 sẽ quan sát thấy một cảnh tượng đầy thú vị. Tôi chắc nếu ai ghi nhận lại cặn kẽ thì nó có thể trở thành một ca tham khảo vô cùng lý thú trong lịch sử báo chí Việt Nam sau này.
Tôi phải nói lại một chút lý do vì sao vụ việc này được quan tâm.
Vụ việc chấn động thế giới không chỉ vì cái chết bi thảm của 39 con người, mà còn do nó một lần nữa tiết lộ những đường dây buôn người xuyên quốc tế và tình trạng nô lệ hiện đại. Một lần nữa, nó nhắc cho những con người đang vui vẻ trên thế giới rằng rất nhiều đồng loại của họ vẫn đang dấn thân trong các nẻo đường di cư bất hợp pháp đầy hiểm nguy, mà với không ít người đó là tìm sự sống.
39 mạng người, trong đó có những thanh niên 17, 18, 19 tuổi, có những người cha, người mẹ để lại 2, 3, 4 đứa con thơ và món nợ khổng lồ với gia đình. Có cả 2 trẻ vị thành niên mới 15 tuổi. Tại sao họ phải đi? Tại sao hầu hết họ đều xuất thân từ ba tỉnh nghèo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình?
Nhưng, “các cơ quan chức năng” (được hiểu là Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông) đã ra nhiều lệnh cấm báo chí tìm hiểu hoàn cảnh sống và đưa danh tính những người thiệt mạng, mặc dù chính tên tuổi và hoàn cảnh gia đình của các nạn nhân mới chính là các thông tin được quan tâm (Lý do là từ đó mới có thể hiểu được động cơ và mục đích nào thúc bách họ chọn con đường bất hợp pháp và đầy nguy hiểm đó). Không còn là câu chuyện riêng tư của từng gia đình, nó đã là vấn đề xã hội.
Và đây là cuộc leo dây của các báo Việt Nam:
Tuổi Trẻ, tờ báo vốn có uy tín về các vấn đề thời sự rất nhạy bén làm một tấm ảnh tưởng niệm, thu hút người đọc ngay lập tức. Nhưng dưới đó chỉ lặp lại của thông tin từ trang web Bộ Công an, cho biết danh tính của tất cả nạn nhân đã được xác định, liệt kê tuổi tác lớn nhỏ, quê quán của họ, nhưng không có dòng nào ghi rõ tên tuổi. Đây là cú hẫng bất ngờ cho độc giả của báo Tuổi Trẻ, vì trong suốt vụ việc, tờ báo này đã thông tin rất đầy đủ.
Báo điện tử Zing tuân lệnh, giống Tuổi Trẻ.
Báo Thanh Niên rất khéo léo và thông minh, cài trong dòng tin trung tính các cụm từ khóa khác màu, trỏ đến trang web của Cảnh sát Essex và Bộ Công an Việt Nam, để người đọc ngay lập tức biết rõ toàn bộ thông tin họ muốn biết. Mà Thanh Niên vẫn không vi phạm lệnh cấm gì cả, vì họ có trực tiếp đưa tên tuổi quê quán nạn nhân lên đâu!
Nhóm gan lì, gồm Thông tấn xã Việt Nam, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, VNExpress, Vietnamnet, Lao Động, Công an nhân dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam… bất chấp lệnh cấm, đưa rõ toàn bộ danh sách nạn nhân.
Ngạc nhiên và đáng khen là báo Hà Tĩnh. Không chỉ bất chấp lệnh cấm mà họ còn chọn lọc ra 10 nạn nhân quê quán ở Hà Tĩnh để đăng trước trong danh sách. Kèm theo đó là những thông tin về chia buồn, hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng. Tôi nói ngạc nhiên vì là một tờ báo Đảng ở tỉnh nhỏ, ngoài phạm vi Hà Tĩnh ra thì không có tiếng nói nào trên làng báo Việt Nam, thế nhưng với ứng xử kể trên họ đã cho thấy khả năng tác nghiệp phục vụ người đọc hơn hẳn sự nửa vời của Tuổi Trẻ.
Báo Nghệ An, nơi có đông nạn nhân nhất trong vụ Essex, cũng là nơi trực tiếp hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn kiều hối các di dân lậu và không lậu gửi về (đến nỗi xã này được chính báo Nghệ An mệnh danh là “làng tỷ phú” với tinh thần hân hoan khen ngợi từ nhiều năm trước) cũng đưa toàn bộ danh tính nạn nhân.
Sự việc diễn ra ngay tại địa bàn cho nên lẽ ra các tờ báo này phải là hàng đầu trong việc thông tin đầy đủ, tuy nhiên do cái mũ báo Đảng bộ địa phương quá lớn nên họ đã phải nhường sân cho các tờ báo ít chính thống bằng.
Đặc biệt, báo Nhân Dân chỉ có vỏn vẹn khoảng chục tin bài và không có bất cứ dòng nào làm rõ hoàn cảnh, nhân thân, động cơ nào đã đẩy các nạn nhân chọn con đường hiểm nguy như vậy. Ngoài các bài viết thông tấn (nhưng cũng tích cực) như nêu lại động thái của các lãnh đạo Nhà nước chia buồn, hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước, tờ Nhân Dân có bài báo rất độc đáo mang tên “Đừng có lúc nào cũng đổ tội cho nhà nước”, nội dung nói nước nào thì cũng có người di dân cả, sống ở Việt Nam cũng rất tốt nhưng những người đi chỉ là do đồng bảng Anh thu hút thôi.
Ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh…, những đêm nay mấy chục gia đình không ngủ. Một hai ngày nữa, thi thể các nạn nhân được đưa về, một đỉnh điểm đau đớn sẽ lại trào lên.
Nhưng an táng xong, tất cả mọi người phải quay về với thực tế bi thảm hơn trước mắt: Người đã mất, nợ thì còn. Họ sẽ làm gì để sống tiếp và trả nợ? Địa phương nơi họ sinh sống cần làm gì để ngăn chặn nạn vượt biên tự nguyện này?
Cách đây vài ngày, tôi vừa xem một tài khoản facebook chụp hai tấm ảnh một thanh niên và một vị thành niên, nói rằng em trai “đã đến an toàn”. Điểm đến là một nước châu Âu. Ở dưới, rất nhiều bình luận chúc mừng, cả thương cảm (vì cuộc sống mưu sinh các con phải đi xa) và dặn dò giữ sức khỏe. Qua cách dùng từ và tò mò lần theo vài tài khoản, tôi nhận ra họ sống ở Nghệ An.
Không thể kết luận chàng trai kia đi sang châu Âu bằng con đường nào, nhưng cũng không khó để tạm kết luận rằng các cuộc di dân sang Anh trên xe tải và container vẫn sẽ tiếp diễn, chừng nào người dân vẫn còn thấy sức thu hút của đồng bảng Anh quá chênh lệch với tiếng gọi của quê hương họ, đến nỗi bất chấp sinh mạng.
Nhưng với động thái đáng khâm phục như đã kể trên của Ban Tuyên giáo, cái chết của 39 nạn nhân đã không mang lại sức cảnh báo mạnh mẽ như nó phải thế.
Thông tin đưa lên vào buổi tối cuối tuần (thứ Sáu), người đọc báo giảm đi rất nhiều so với ngày trong tuần, nên chỉ đến trưa thứ Bảy (9-11) thì hầu như mọi tin tức về tấn thảm kịch này trên các mặt báo Việt Nam đã rút hết vào trong, gần như chưa từng xuất hiện.
Qua một ngày chủ nhật nữa, và đến đầu tuần, toàn bộ câu chuyện này sẽ êm đềm đi vào quên lãng, như chưa bao giờ từng khuấy động xã hội dữ dội.
Thương thay 39 con người thiệt mạng và hàng trăm người thân của họ. Thương cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét