Cách đây 30 năm, tôi yêu mến thành phố Bá Linh. Lúc đó là một sinh viên hậu đại học nghèo từ Anh với đồng lương bèo tiền bảng Anh chứ không phải đồng deutschmarks cao giá, tôi có thể sống ở đó rẻ hơn là ở Hamburg hay Munich, thành ra mùa hè năm 1989 tôi ở chung nhà người bạn trong khu Kurfürstenstrasse, chia đôi giờ học tập cho ngành văn khố và báo chí. Tây Bá Linh chẳng những rẻ mà còn vui nữa. Nhưng điểm thu hút thật sự là cái thế giới song song của “xã hội chủ nghĩa” bên kia bức tường.
Thời đó, theo thỏa thuận bộ tứ của các quốc gia chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến, một công dân Anh có thể di chuyển gần như tự do từ phía tây thành phố sang phía đông và quay về, nhưng bạn phải trả giá cho đặc quyền đó. Khi bạn lên xe điện S-Bahn ở trạm Friedrichstrasse ở phía đông thành phố để đi về hướng Tây Bá Linh, bạn sẽ là người khách duy nhất trên xe. Đó là một chặng đường rờn rợn, lạ kỳ, cô độc trên xe, chạy ngang qua tòa nhà Reichstag vẫn còn đầy vết đạn. Tôi đọc nhiều tiểu thuyết gián điệp đủ để có cảm giác hồi hộp, ly kỳ mỗi lần đi tuyến đường đó.
Rồi vào mùa hè 1989, mọi thứ đổi thay. Rất đột ngột tôi không còn là người duy nhất trên tuyến xe điện đó nữa. Chung quanh tôi đầy dân Hungarian và Ba Lan vì các chính quyền đó, lần đầu tiên, cho phép dân của họ tự do đi qua các nước Tây Phương. Quá phấn khởi về chuyện này tôi viết một bài cho một tờ báo Anh, với tít đề nghị là “Bức Tường Bá Linh đang sụp đổ.”
Nếu mà tờ báo cho đăng bài đó thì tôi đã trở thành một trong số ít ỏi bình luận gia tiên đoán đúng phoóc sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. (Nhà tiên tri thần sầu là ký giả Mỹ James P. O’Donnell, với bài báo đăng trên tạp chí Das Beste của Đức vào tháng Giêng 1979, dự kiến trước sự tiêu vong của bức tường 10 năm sau đó và đoán đúng luôn cả việc bán các mảnh vụn của bức tường làm quà lưu niệm.) Tiếc là người phó chủ bút bên London bảo là tôi “ăn phải bả của Ronald Reagan nhiều quá”. Tài tiên tri của tôi bị đâm phải một nhát dao.
Tệ hơn nữa là khi bức tường sụp đổ vào ngày 9 tháng Mười Một 1989, tôi lại ở bên Anh lúc đó, đau khổ để lắng nghe bản tin của đài BBC do anh bạn Matt Frei trực tiếp tường thuật từ đường phố Bá Linh. Lịch sử đang diễn ra và chẳng những tôi đoán trật mà còn vuột không chứng kiến được.
Niềm an ủi duy nhất là phe tôi — phe cánh của Margaret Thatcher, Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng John Paul II — đã thắng, và niềm vui của hết chiến thắng này đến chiến thắng nọ khi từng con cờ đôminô sụp ngã đã khắc phục nỗi sợ bị vuột.
Mượn lời của Francis Fukuyama, tác giả của một bài viết đượm tính tiên tri vào mùa hè 1989, “Điều quan trọng … là chủ nghĩa tự do chính trị đã theo sau chủ nghĩa tự do kinh tế, tuy có chậm hơn một số người mong đợi nhưng chắc chắn sẽ đến.” Khi chọn đứng về phe Thatcher và Reagan thời sinh viên đại học, tôi thấy mình là một phần của nhóm nhỏ punk Tories (trong số đó có Boris Johnson). [Boris Johnson, đương kim thủ tướng Anh, BBT]
Chúng tôi đã lập luận rằng thị trường tự do và công dân tự do đi đôi với nhau. Chúng tôi reo hò hoan hô vào năm 1987 khi Reagan nói với Gorbachev, “phá bỏ bức tường này.” Và chỉ hai năm sau lời phát biểu đó, chúng tôi được chứng minh là mình đúng.
Có một luận cứ hiện thời cho rằng chúng tôi đã phán đoán 1989 sai be bét. Trong lúc chúng tôi vui sướng ăn mừng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại đông Âu và trung Âu, chúng tôi hoàn toàn đánh giá thấp tầm quan trọng của sự tồn tại của nó tại Trung Quốc. Với lối suy nghĩ rất Âu, chúng tôi xem trọng sự kiện ở Timisoara hơn là ở Thiên An Môn, nơi mà chủ nghĩa cộng sản lộ ra bản mặt đàn áp thật của nó vào tháng Sáu.
Ba mươi năm sau, sự kiện khối EU và NATO phình ra — hay ngay cả sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991 — cũng không mấy quan trọng về mặt lịch sử bằng sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc sau năm 1989. Nhớ lại: vào năm 1989 GDP của Trung Quốc chỉ bằng 8,2% của Hoa Kỳ. Ngày hôm nay, theo IMF, GDP Trung Quốc bằng hai phần ba: 66,6%. Nếu điều chỉnh theo sức mua tương đương thì nền kinh tế Trung Quốc thật ra lớn hơn của Hoa Kỳ từ 2014 đến nay. Liên Bang Xô Viết chưa bao giờ đạt được con số đó. Vào đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh, giữa thập niên 70, nền kinh tế Xố Viết chỉ khoảng 44% của Hoa Kỳ.
Trong nhiều năm chúng ta tự bảo nhau là Trung Quốc rồi cũng sẽ rơi vào vòng tay ôm ấp của Tây Phương. Chúng ta mơ mộng là internet sẽ giúp cho điều đó. Nếu Trung Quốc tìm cách kiểm soát internet thì nỗ lực đó như “đóng đinh thạch lên tường”, như Bill Clinton phát biểu. Sai hết.
Chúng ta cũng sai luôn, khi nghĩ rằng các quốc gia trung Âu sau khi được tự do sẽ dần dà biến thành Tây Âu, gạt bỏ những quá khứ nhức nhối của 40 năm cộng sản và trở nên giống chúng ta. Điều đó chưa xảy ra — không xảy ra cho Ba Lan, mặc dầu kinh tế có thành công trong 30 năm qua, và không xảy ra tại Hungary, mà dưới tay Viktor Orban đã trở thành quốc gia mang tiếng dân túy của EU.
Những người bạn đã từng một thời hân hoan ăn mừng sự kiện 1989 với tôi thì nay chia sẻ tâm trạng vỡ mộng đắng cay với diễn biến tại Warsaw và Budapest. Một số khác hỏi tôi là thành quả là gì khi mà đảng phái chính trị phổ thông nhất tại tiểu bang Thuringia của Đông Đức cũ là đảng cực tả Die Linke và đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD), chiếu theo kết quả bỏ phiếu tuần rồi.
Tuy thế cũng cần nhìn lại vấn đề cho phù hợp. Trung Âu bây giờ là nơi có tự do hơn, giàu có hơn, hạnh phúc hơn nhiều so với thời gian dưới gót giày sắt của Nga và đám tay sai. Vùng này cũng ít xác suất bị vỡ nát và phân hóa chính trị hơn so với thời gian giữa hai cuộc thế chiến.
Quan trọng hơn, tôi không tin lời những ai bảo rằng ngày hôm nay Trung Quốc đang trong tiến trình vực dậy chủ nghĩa toàn trị, đó là chưa nói đến kinh tế hoạch định với hỗ trợ của dữ kiện lớn, công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo. Nói thế là đã hiểu sai 7 bài học cốt lõi của sự kiện 1989.
1. Đế quốc Xô Viết không bị tấn công được ngày nào nó còn có khả năng tăng trưởng. Khi kinh tế đình trệ bắt đầu — lúc năng suất giảm xuống mức trừ trong thập niên 1970 — hệ thống bắt đầu mục nát. Giữa 1973 và 1990, tăng trưởng đầu người là mức trừ. Khi Trung Quốc chậm lại, số liệu tài chính và kết cấu dân số buộc như thế, quần chúng sẽ vỡ mộng, cũng như đã từng xảy ra tại Đông Âu.
2. Tăng trưởng thường tạo dựng ra tầng lớp trung lưu, và giới trung lưu mong đợi nhiều hơn là những khẩu hiệu hô hào rỗng tuếch, ngay cả khi họ không mong chờ dân chủ. Trừ ra một số ngoại lệ như Lech Walesa ở Ba Lan, giới đối kháng đi đầu trong việc đòi cải tổ và cách mạng là giới trí thức tiểu tư sản: như Vaclav Havel ở Tiệp Khắc, hay Bronislaw Geremek ở Ba Lan. Mẫu người đó có ở Trung Quốc ngày hôm nay — như nghệ sĩ Ai Weiwei (Ngải Vị Vị) chẳng hạn — và sự bất mãn sâu sắc của họ không khác gì với đợt người đi trước ở trung Âu.
3. Tham nhũng, bất tài, môi trường suy đồi là những đặc tính cố hữu của một chế độ độc đảng thiếu thượng tôn pháp luật. Trong một hệ thống vốn dĩ đã thối nát cơ bản mà lại thiếu trách nhiệm thật sự thì ngay cả chiến dịch chống tham nhũng cũng trở thành nhũng lạm. Điều mà kinh tế gia Đại Học Harvard Andrei Shleifer gọi là “bàn tay chụp giựt” sẽ luôn luôn chụp giựt. Nếu đảng đứng trên luật pháp thì mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn.
4. Bao nhiêu sức lực theo dõi, giám sát cũng không đủ để duy trì một chế độ mất chính nghĩa. Mật vụ Stasi của Đông Đức không cần đến AI để biết gần hết mọi chuyện xảy ra tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức: Họ sử dụng một mạng lưới to lớn bao gồm gián điệp bán thời và điềm chỉ viên được biết dưới tên gọi “đồng nghiệp không chính thức.” Tuy thế dầu có biết bàng dân thiên hạ nói chuyện gì trong nhà riêng cũng không cứu được chế độ. Ngược lại là đằng khác.
5. Trong một chế độ bị theo dõi, mọi người nói láo quen miệng. Nhưng khi mọi người nói láo, thì sẽ có thảm họa như vụ nổ lò hạt nhân Chernobyl, vào ngày 26 tháng Tư 1986 — hồi chuông kết liễu nhà nước Xô Viết — hay vụ thất bại quan hệ công chúng dẫn đến sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh: trong buổi họp báo cẩu thả của thành viên Bộ Chính Trị Günter Schabowski, ông ta gợi ý đại khái là việc đi ra nước ngoài “có thể được cho mọi công dân“, bắt đầu “ngay bây giờ, ngay lập tức“.
Trong quyển sách rất hay The Collapse: The Accidental Opening of the Berlin Wall (Sụp Đổ: việc vô tình mở cửa của Bức Tường Bá Linh), Mary Elise Sarotte nêu ra một điểm quan trọng là việc thiếu tin tưởng nhau trong giới lãnh đạo đảng và guồng máy an ninh khiến không thể rút lại lệnh đó và khi đối diện với đám đông tụ tập trước trạm kiểm soát khi họ nghe lời phát biểu của Schabowski, nhân viên Stasi Harald Jäger đã chọn mở cửa cho qua thay vì bắn vào đám đông.
6. Quyền lực của Xô Viết vỡ bể trước nhất ở ngoại biên. Đó là lý do tại sao Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan là các vùng chính cần quan sát hiện nay, chứ không phải Bắc Kinh. Bức tường Bá Linh sụp đổ vì là một phần của chuỗi phản ứng khởi đi từ Ba Lan vào mùa hè 1988 và lan qua Hungary rồi đến tới Leipzig (địa điểm quyết định, có thể nói là quảng trường Thiên An Môn của Đức) trước khi tới Bá Linh. Và sau Bá Linh, nó lan xa hơn đến: Sofia, Prague, Timisoara, Bucharest — rồi đến Vilnius, nơi mà Lithuania tuyên bố độc lập vào tháng Ba 1990, và cuối cùng đến Moscow năm 1991.
Một tiến trình tương tự, cuối cùng sẽ phá vỡ Vạn Lý Hỏa Thành (Tường Lửa Lớn) của Trung Quốc.
7. Tuy nhiên có một điểm chót cần trình bày. Ý kiến của giới học giả (không mặn mà lắm với Ronald Reagan) cho rằng Bức Tường Bá Linh sụp đổ vì áp suất nội tại hơn là từ bên ngoài. Theo lời của nhà đối kháng Đông Đức Marianne Birthler, “Đầu tiên chúng tôi tranh đấu cho sự tự do và vì thế mà bức tường sụp đổ.”
Những lời nói như thế đã đưa đến một quan điểm khác là diễn văn 1987 của Reagan dường như không có tác động gì. Tôi từng tranh cãi với môt chủ bút người Mỹ về việc này gần đây. Trong một bản thảo, tôi đề cập đến “Hoa Kỳ chiến thắng Liên Bang Xô Viết“. Người chủ bút phản bác lại rằng “điểm này vẫn còn tranh cãi vì nó hàm ý là Hoa Kỳ thắng Chiến Tranh Lạnh. Chúng ta cần ghi nhận là ý niệm chiến thắng của Hoa Kỳ vẫn còn được các sử gia tranh luận.”
Nhưng biện bạch như thế là xét lại một cách phi lý. Nói thế hàm ý là giới đối kháng gỡ bỏ ách Xô Viết bằng cách nào đó mà chẳng cần đến áp suất từ Hoa Kỳ; chẳng cần đến phản ứng của NATO khi Xô Viết đem các giàn tên lửa SS-20 vào Đông Âu cuối thâp niên 1970; chẳng cần đến bài diễn văn 1987 của Ronald Reagan với lời kêu gọi Gorbachev phá bỏ bức tường.
Thực tế là trong thời Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ và phe đồng minh thực hiện một chuỗi sự việc hậu thuẫn cho giới đối kháng, cũng như gửi lời động viên cho những người tuy ghét nhưng chưa đủ can đảm để phản kháng lại chế độ cộng sản. Bao gồm những việc như: phát thanh qua Đài Châu Âu Tự Do và Đài Tự Do từ thập niên 1940; thúc đẩy Xô Viết ký kết vào đạo luật Helsinki Final Act năm 1975 cam kết tôn trọng một số quyền con người mà họ vi phạm trắng trợn trước đó; hé mở cho dân Đông Âu xem một cuộc sống tốt đẹp hơn ở bên kia Bức Màn Sắt. Như Garton Ash cho thấy, tính đến năm 1986 có 244 ngàn người Đông Đức viếng thăm Tây Đức mỗi năm. Họ thấy rõ nét khác biệt giữa chiếc xe Trabant của Đông Đức và chiếc xe BMW của Tây Đức.
Trong quyển Civilization (Nền Văn Minh) (2011), tôi lập luận rằng sự kiện 1989 chủ yếu là về vấn đề tiêu thụ hơn là vấn đề bảo thủ. Bốn năm trước khi bức tường sụp đổ, triết gia cánh tả Pháp và một thời là đồng chí với Che Guevara, Régis Debray, nhận xét: “Quyền lực trong nhạc rốc, video, quần jean, thức ăn nhanh, mạng lưới thông tin và vệ tinh TV còn mạnh hơn cả quân đội Hồng Quân (của Xô Viết)“.
Ông ấy nói đúng. Khi tôi từ Tây Bá Linh bước qua Đông Bá Linh trước thời điểm mà người Đức gọi là “bước ngoặt” (die Wende) — điểm khác biệt nổi bật nhất không phải là thiếu vắng tự do (cần thời gian mới thấy được điều đó). Mà là thiếu nhạc rốc, video, quần jean, thức ăn nhanh, mạng lưới thông tin và vệ tinh TV. Khi những thường dân Đông Bá Linh chạy qua bên Tây Bá Linh, họ không đi tìm sách vở nói về tự do dân chủ. Họ đi tìm nước uống Coca-Cola.
Đối với giới đối kháng, đây là thắng lợi lớn của tự do. Đối với đại giới dân Đông Đức, đây là thắng lợi lớn của tiền chùa, đạt được khi đồng mark Đông Đức giá trị như giấy vụn lại được đổi qua đồng mark Tây Đức một ăn một — một khoản tiền không nhỏ. Tác động phụ là làm cho cả nền kinh tế Đông Đức mất tính cạnh tranh, mà sau này mới thấy rõ, lúc đó thì những người khôn ngoan đã chạy qua mé Tây.
Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên là sau 30 năm, sự tàn lụi của cộng sản trung Âu đã bật lên một số thất vọng. Điều ngạc nhiên hơn là không có nhiều tai họa xảy ra. Chỉ có một nơi thiên đường lao động cũ — Nam Tư (Yugoslavia) — là rơi vào chiến tranh và diệt chủng. Không có quốc gia cựu thành viên của Khối Warsaw nào gây chiến với nhau. Bây giờ thì người ta có thể chế diễu quyển sách “Kết Thúc của Lịch Sử” của Francis Fukuyama khi ông này có những kết luận quá sớm. Nhưng thật ra ông ta có nhiều điểm đúng hơn là trật. Ngày nay, những xã hội không có tự do chiếm 35% của dân số thế giới và 22% của GDP toàn cầu. Nhưng trong số đó, Trung Quốc chiếm phần lớn (19% và 16%).
Liệu các lãnh tụ Bắc Kinh cuối cùng có chứng minh Fukuyama sai không? Bài học của 1989 chắc chắn không phải là đánh cuộc vào một chế độ cơ bản vẫn là một nhà nước độc đảng kiểu Lênin và Stalin. Đúng là 70 năm sau khi thành lập, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chắc chắn là vững vàng hơn là Liên Bang Xô Viết 70 năm sau cách mạng Bolshevik. Hơn nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết không phạm vào các lỗi lầm của Liên Bang Xô Viết; do đó sẽ không có đổi mới kiểu glasnost, không có vụ minh bạch về chính trị tại Trung Quốc — cũng không tại Hong Kong, và ngầm hiểu là sẽ không tại Đài Loan.
Tuy thế, tôi xin phép kết thúc nơi đây với một tiên đoán khác. Thời gian gần đây tôi ở Bắc Kinh nhiều hơn Bá Linh và đây là điều tôi dự kiến. Hệ thống tín dụng xã hội (social credit system) cùng với công nghệ theo dõi 24/7, sẽ không ngăn ngừa được Trung Quốc sụp đổ trong vòng 10 tới 20 năm tới, vì kết hợp của các lý do sau đây: kinh tế chậm lại, giới trung lưu lớn mạnh và mong muốn nhiều hơn, một hệ thống chính trị thối nát kinh niên, một nếp sống giấu giếm xoi mòn, và rạn nứt bắt đầu từ ngoại biên.
Vạn Lý Hỏa Thành của Trung Quốc đang rạn nứt. Và như Bức Tường Bá Linh 30 năm trước, áp suất từ bên ngoài sẽ thúc đẩy tiến trình này.
Niall Ferguson là nghiên cứu gia cấp cao Milbank Family tại Viện Hoover, Đại Học Stanford.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét