Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

15360 - Nhà cầm quyền CSVN thừa nhận ‘thất bại’ với chiêu thức thu phí BOT không dừng


Thu phí tự động được chính quyền kỳ vọng là chiêu thức đối phó với phong trào chống BOT ‘bẩn." (Hình: VietNamNet)


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ còn hơn một tháng rưỡi trước hạn chót 31 Tháng Mười Hai buộc tất cả các trạm thu phí BOT phải hoàn thành việc thu phí tự động không dừng, doanh nghiệp thực hiện việc này đã xin trả lại dự án cho Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN và báo lỗ 300 tỷ ($12.9 triệu).
Báo điện tử VietNamNet cho hay: “Công Ty Thu Phí Tự Động VETC (VETC) nói rõ việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc nên đề xuất Bộ Giao Thông-Vận Tải trợ giúp hoặc trả dự án, cho làm thủ tục phá sản. Công ty này đã ký hợp đồng với bộ về việc triển khai lắp đặt, vận hành thu phí tự động tại 44 trạm BOT.
Tới nay chỉ mới lắp đặt hệ thống thu phí tự động tại 27 trong số 44 trạm BOT và trong số này chỉ có 23 trạm đang thu phí tự động không dừng. Dự án thu phí tự động không dừng được xem là giải pháp ‘đặc trị’ để công khai minh bạch trong thu phí BOT cũng như chống kẹt xe tại các trạm BOT.”
Theo tờ báo của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN, các nguyên nhân khiến việc thu phí tự động không dừng thất bại là: Chủ đầu tư các BOT không đồng ý mức hoa hồng cho VETC; Các ngân hàng, chính quyền địa phương không đồng ý đàm phán để ký hợp đồng hoặc đồng ý mức hoa hồng nhưng xin trả chậm…
Công Ty VETC thuộc sở hữu của ông Phạm Quang Dũng, người còn có khác là Phạm Văn Nấng, là đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tại Việt Nam. Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN chỉ định mọi doanh nghiệp đầu tư trạm BOT từ Nam ra Bắc đều phải ký cho VETC thầu dịch vụ thu phí.
Hồi Tháng Bảy, Facebooker Hoàng Dũng phân tích trên trang cá nhân: “Bộ Giao Thông-Vận Tải ép các chủ đầu tư BOT phải ký hợp đồng lắp đặt thiết bị thu phí không dừng, nếu không sẽ cho dừng thu phí. Nghe qua thì rất hợp lý và hiện đại hoá 4.0 nhưng chủ BOT nào cũng cay. Cay lắm mà không biết làm sao. Là vì VETC sẽ được chia doanh thu từ các trạm theo %. Điều này ko oan nghiệt bằng việc mọi dữ liệu doanh thu sẽ chảy về VETC và từ đó Nấng sẽ là ông vua của BOT. Mọi gian dối về doanh thu sẽ không qua mặt được Nấng và các ông chủ BOT phải chi thêm tiền để Nấng im lặng. Đã nuôi mấy thằng ăn hại Bộ Giao Thông-Vận Tải rồi, giờ phải nuôi thêm Nấng.”
Đầu tư trạm BOT từng được cho là lãnh địa làm ăn béo bở của các nhóm lợi ích bắt tay với chính quyền địa phương và Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN. Tuy vậy, từ khi phong trào chống BOT “bẩn” và xã hội dân sự tiến triển trong một vài năm qua, việc kiếm ăn từ các dự án này không còn “ngon lành” như trước. Thậm chí một số trạm thu phí như BOT quốc lộ 91 và 91B nằm gần cầu Vàm Cống, BOT Cai Lậy nay rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan,” không hẹn ngày thu phí trở lại sau khi bị giới tài xế phản đối kịch liệt.

Báo Tuổi Trẻ hồi Tháng Bảy, 2019 viết: “Nếu cứ lời ăn, lỗ đem trả cho nhà nước thì không khác gì nhà nước phải đi vay tiền làm dự án BOT và không giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn chịu lợi nhuận cho chủ đầu tư dự án. Không thể cứ mỗi khi gặp phản ứng [của giới tài xế] về vị trí đặt trạm thu phí, hoặc báo cáo lỗ là doanh nghiệp đầu tư đòi tăng phí, trả lại dự án cho chính phủ và nhân dân cùng chịu. Thực tế cho thấy cách làm dự án BOT đang rất nghịch lý, vốn đầu tư chủ yếu huy động từ ngân hàng và đưa cả gốc lẫn lãi vay vào phương án hoàn vốn. Vấn đề của các trạm BOT hiện nay là đặt nhầm chỗ, không minh bạch, sự bức xúc của tài xế là có thật… Tất cả những vấn đề này cần được xử lý sớm. Không thể để các chủ đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc lời ăn, còn lỗ thì dân và nhà nước chịu.” (T.K.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét