Một gia đình Việt Nam chạy khỏi Suối Cát phía Đông Sài Gòn hôm 2/4/1975 khi chiến sự bùng nổ. AP
Như rất nhiều người Việt Nam nói chung và người miền Nam nói riêng, cứ vào tháng Tư tôi thường có tâm trạng khá nặng nề khi nghĩ lại biến cố lịch sử năm 1975, và vận nước kể từ đó.
Tháng Tư năm nay càng đau hơn khi nhìn thấy cái bắt tay lịch sử của hai nhân vật đứng đầu Bắc Hàn, Nam Hàn, khi thấy một chế độ độc tài phi nhân, bị cả thế giới coi là man rợ hóa ra vẫn còn hơn đảng cộng sản VN mấy cái đầu; đó là biết tự lực xây dựng quân đội, vũ khí hạt nhân cho mạnh để láng giềng dẫu có to xác, hung hăng hiếu chiến cũng không dám bắt nạt và không quyết thống nhất đất nước đến cùng bằng xương máu của nhân dân.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới có 3 quốc gia bị chia đôi là Đông Đức-Tây Đức, Bắc Hàn-Nam Hàn, Bắc Việt-Nam Việt, ngoài ra còn có Đài Loan cũng tự tách mình khỏi Trung Hoa đại lục để thành lập quốc gia riêng. Người Đức thông minh chọn con đường thống nhất đất nước trong hòa bình đã đành, Bắc Hàn và Nam Hàn cũng chỉ chiến tranh dữ dội trong 3 năm (1950-1953), nhờ thế mà Nam Hàn mới có thể phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay, và ngày 27.4 vừa qua thì Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn đã chính thức gặp gỡ Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in để đàm phán hòa bình lâu dài (tương lai của bán đảo Triều Tiên như thế nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, nhưng thế giới có thể thấy rằng cả hai bên đều mong muốn giảm thiểu tối đa nguy cơ chiến tranh). Hay ngay cả Trung Cộng, xúi dân khác đánh nhau, cướp đảo cướp biển của dân khác thì được chứ cũng chưa dùng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan vì “người Hoa không đánh người Hoa”.
Chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là nhất quyết thống nhất đất nước bằng chiến tranh, bằng máu, máu của chính người VN, quyết đánh Mỹ từ khi Mỹ chưa có mặt ở VN và đánh Mỹ khi Mỹ đã đi rồi, đánh đến cùng kể cả khi Hiệp định Hòa bình vừa được ký chưa ráo mực. Tất cả chỉ nhằm giành độc quyền lãnh đạo đất nước mà thôi.
Rốt cuộc sau 43 năm VN bây giờ như thế nào?
Đứng về phía đảng cộng sản, họ đã thắng một cuộc chiến. Để rồi đại bại trong hòa bình.
Có người sẽ bảo sao gọi là thất bại khi mà hai mục đích tối thượng đối với đảng cộng sản họ đã làm được: giành toàn quyền lãnh đạo đất nước bằng mọi giá, và giữ được quyền lãnh đạo đó, cũng bằng mọi giá. Sau 43 năm, họ vẫn giữ được chế độ, và đất nước bây giờ là tài sản riêng của đảng, muốn sử dụng, khai thác, cầm cố, cho vay…thế nào tùy ý. Hơn 90 triệu nhân dân thì trở thành đàn cừu ngoan ngoãn, muốn bóc lột, trừng phạt thế nào cũng được.
Song, thắng một cuộc chiến để rồi đi ngược lại toàn bộ lý tưởng, lý thuyết, lý luận, mục tiêu chiến đấu ngày xưa cho tới mô hình xây dựng đất nước tương lai mà họ tự vẽ ra trước kia, là thất bại.
Thắng một cuộc chiến, thống nhất được giang sơn nhưng không thống nhất được lòng người, hay nói cách khác, không thu phục được nhân tâm đại đa số nhân dân, ngược lại, thời gian càng lùi xa thì lòng dân càng chia rẽ, oán hận, là thất bại.
Thắng một cuộc chiến nhưng không làm cho đất nước giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, thậm chí, ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc chưa bao lâu, người Việt đã ồ ạt bỏ nước ra đi và suốt hơn 40 năm, dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại, là thất bại.
Không những thế, đảng cộng sản đã thực sự trở thành một đảng cầm quyền phản bội. Phản bội lý tưởng, phản bội nhân dân, phản bội đất nước. Làm mất thêm một phần lãnh thổ lãnh hải và để đất nước lún sâu vào vòng lệ thuộc với Trung Cộng.
Đứng về phía người dân VN, dù ở bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, cũng đều đại bại. Nhưng sau 43 năm, chúng ta càng là một dân tộc thất bại vì vẫn để cho một đảng cầm quyền độc tài tham nhũng tiếp tục tồn tại, tàn phá đất nước.
Cái giá máu xương phải trả cho cuộc chiến 20 năm đã quá đắt. Lại càng đắt gấp bội, tính cả vốn lẫn lãi, sau 43 năm.
Cả một cuộc chiến tranh dài, máu người Việt từng chảy thành sông, xương phơi thành núi, đất nước tan hoang, mọi giá trị vỡ nát... Bên nào cũng thua, từ người Mỹ, người Việt cho tới đảng cộng sản. Rốt cuộc ai thắng? Trung Cộng. Từ chỗ không một mảnh đất cắm dùi trên biển Đông, khởi đầu là đánh chiếm Hoàng Sa rồi một phần Trường Sa và bây giờ thì toàn bộ khu vực biển Đông này gần như đã trở thành ao nhà của Trung Cộng, với Hoàng Sa, Trường Sa và cảc đảo nhân tạo trở thành những căn cứ quân sự, hải quân vô cùng vững chắc; đáng nói hơn, Bắc Kinh chưa cần đánh mà từ lâu nay đã có thể khống chế VN từ ngoài khơi cho tới trên bờ, từ Nam chí Bắc cho tới toàn bộ Bộ Chính trị của Hà Nội!
Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu…(tựa tiếng Việt cuốn tiểu thuyết "Cry, the Beloved Country" của nhà văn Nam Phi Alan Stewart Paton (1903 –1988)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét