Chủ nghia Xã hội tàn tạ
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính
chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Biến cố 30 Tháng Tư 1975 đã được
Chính quyền Việt Nam chào mừng như một cuộc giải phóng và thống nhất đất nước
dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, do một đảng độc quyền lãnh đạo. Nhìn về mặt kinh
tế thì Việt Nam có chuyển biến, nhất là sau 10 năm khủng hoảng và hai đợt đổi mới
vào các năm 1986 và 1991. Trong năm qua, Việt Nam còn đạt mức tăng trưởng khả
quan là 6,8 % nên Chính quyền có thể hài lòng với thành tích ấy. Riêng ông thì
thấy thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhìn trên cái trục thời gian thì quả thật
là Việt Nam đã có thay đổi sau khi tiến hành cải cách gọi là “đổi mới”. Nhưng tại
sao lại phải đổi mới nếu xã hội chủ nghĩa là điều hay đẹp và cần thiết cho Việt
Nam như giới lãnh đạo đã nói sau 1975? Nếu nhìn trên cái trục không gian, là so
sánh với các lân bang, thì Việt Nam vẫn còn tụt hậu sau khi đã trả một cái giá
quá đắt cho một cuộc chiến tương tàn. Điều thứ ba là cái đà tăng trưởng 6,8 %
do Tổng cục Thống kê đã tính ra cho năm 2017 qua, coi như thuộc loại cao của
Châu Á thì tôi cho là họ nên tính lại vì cũng áp dụng phương pháp kế toán quốc
gia của Bắc Kinh nên không đáng tin. Cứ cộng các nhập lượng ở đầu vào, như số
tín dụng hay mức tăng lương, mà coi đó là trị giá gia tăng của sản xuất là một
sai lầm về kế toán. Cũng thế, thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là tăng
mạnh nhất nhưng đã lên tới đỉnh và đang tuột đáy vào tuần trước. Dù sao đấy là
chuyện nhỏ. Chuyện lớn là hơn 40 năm sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ
nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ!
Nguyên Lam: Nhân chuyện 30 Tháng Tư, Thính giả của chúng ta mong
ông giải thích cho sự thể ấy. Thế nào là tàn tạ, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta khó quên khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh
tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật
thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được “xã hội chủ nghĩa” là gì mà
đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là “cải
tạo”. Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo
“quan hệ sản xuất” để từ đó nâng “phương thức sản xuất” lên một trình độ cao
hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Việc cải tạo quan hệ sản xuất chỉ
xóa bỏ quyền tư hữu vật liệu sản xuất và tổ chức lại hệ thống lao động và phân
phối sản phẩm. Đã vậy, cũng do ý thức hệ Xô viết, Hà Nội còn lao vào cuộc chiến
Kampuchia trong 10 năm khiến tổng sản lượng bị mất mỗi năm 5%. Hậu quả là kinh
tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng. Vì vậy, Hà Nội phải tiến
hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường, nhất là sau khi Liên Xô tan rã,
nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.
Định hướng Xã hội chủ nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông có phải vì vậy mà lãnh đạo của Việt Nam mới
phát minh ra phạm trù “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” hay
không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như bên Tầu, họ vừa mò chân tìm đá mà bước qua
dòng! Ban đầu còn là “kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước”, sau Đại hội
X mới lết cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” mà chẳng ai minh định nổi nội dung đó là
gì!
- Gần 20 năm trước, tôi gặp lại
ông bác họ, là người đã tiến hành đổi mới đợt đầu, và được ông bảo rằng trong Bộ
Chính Trị không ai giải thích được cái định hướng ấy là gì. Ông còn hỏi tôi
nghĩ sao! Tôi có trình bày như thế này và ngày nay nhìn lại thì thì càng thấy
ra sự tàn tạ:
- “Khi sinh con đẻ cái thì ai ai
cũng ưa đặt tên thật đẹp, nhưng quan trọng là việc giáo dục sau đó. Lãnh đạo một
nước nghèo, bị chiến tranh và cả sự u mê tàn phá, thì cần ưu tiên lo cho đa số
dân nghèo trong xã hội. Ra khỏi sự u mê và áp dụng quy luật thị trường thì sản
xuất có thể tăng, nhưng ai sẽ hưởng các sản phẩm đó một cách công bằng? Trong
20 năm đầu, thì nhà nước nên ưu tiên lo cho dân nghèo từ nông thôn trở lên chứ
đừng duy ý chí đi từ trên xuống cho bằng các quốc gia đi trước. Mọi chính sách
đều phải đi từ dưới lên và coi công bằng là trọng, cho đa số có thể tham gia sản
xuất với năng suất cao hơn thì sẽ có lợi tức khá hơn. Nếu gọi đó là “xã hội chủ
nghĩa” thì cũng được, nhưng phải ra khỏi bóng rợp của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Nguyên Lam: Ông kể lại câu chuyện của gần hai chục năm trước và đối
chiếu với ngày nay thì thấy sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày nay, cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” vô
hình và vô tâm đó đang phá sản! Kinh tế mắc nợ ngập đầu vì thiểu số ăn trên ngồi
chốc, ngân sách bị bội chi vì quá nhiều lãng phí cho bộ máy cầm quyền, nên người
ta đòi giảm chi và tăng thuế trong khi xã hội trở thành cực kỳ bất công hơn, với
đại đa số vẫn sống trong cảnh bần cùng. Hơn 40 năm sau khi được hứa hẹn thiên
đường xã hội chủ nghĩa, những người u mê nhất cũng thấy rằng đấy là một cơn ác
mộng.
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ phải đi từng bước để hiểu ra kết luận bi
quan vừa rồi của ông.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng ưu tiên của
xã hội chủ nghĩa trong các nước văn minh là công bằng xã hội, trong các xứ nhược
tiểu là dân nghèo. Các đảng phái chính trị thuộc hai cánh tả hữu có thể đề ra
ưu tiên ấy và phải thực thi, nếu không thì thất cử. Tại Việt Nam, chuyện bầu cử
đó không thể có vì đảng và nhà nước quyết định tất cả dưới chiêu bài “xã hội chủ
nghĩa”.
- Khác với ngày xưa thì “chuyên
chính vô sản” là “chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản”, ngày nay Việt Nam đã
khá hơn khi theo quy luật thị trường, nhưng chỉ để xây dựng chế độ tư bản nhà
nước, y hệt như Trung Quốc, mà thực chất là chế độ tư bản thân tộc cho tay chân
của đảng và nhà nước, là đảng viên cán bộ.
- Vì cái định hướng xã hội chủ
nghĩa đó, Việt Nam có chế độ sở hữu mập mờ về quan hệ sản xuất. Quyền tư hữu được
chấp nhận nhưng chế độ công hữu vẫn giữ vị trí chủ đạo, thể hiện qua khu vực
kinh tế nhà nước, với các tập đoàn hay tổng công ty được yểm trợ bằng các
phương tiện sản xuất như đất đai và tín dụng và được bảo vệ với chính sách cạnh
tranh bất chính. Các cơ sở sản xuất này thu dụng ít nhân công mà chất lên núi nợ,
khi bị lỗ lã và sức ép của quốc tế cùng các nước cấp viện thì cũng tư nhân hóa
hay cổ phần hóa rất chậm. Khi tiến hành việc đó thì các cơ sở quốc doanh được định
giá thấp vì trị giá “bèo” của quyền sử dụng đất và được bán rẻ cho “tư nhân” là
tay chân thân tộc ở bên trong. Vì vậy, ngân sách thu về được ít tiền, nay đòi
đánh thuế để giảm bội chi quá nặng. Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sản sinh ra các đại
gia tỷ phú trong khi đa số người dân vẫn cực nghèo.
Hậu quả
Nguyên Lam: Thế còn việc quản lý ngân sách thì cái định hướng xã hội
chủ nghĩa dẫn tới những hậu quả gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có lẽ 40% ngân sách quốc gia Việt Nam phải
nuôi bộ máy nhân sự của đảng và nhà nước, từ đảng viên mọi cấp tới hệ thống
hành chính rồi bộ máy công an, cảnh sát và quốc phòng. Thành phần nhân sự đó
tăng quá mạnh, chủ yếu là vì tăng lương chứ cũng chẳng vì cấp số lao động.
Nhưng đa số ở dưới vẫn chưa đủ sống nên lấy bổng bù vào lương, là gây ra nạn
tham nhũng và sách nhiễu người dân để kiếm tiền. Vì ngân sách cạn tiền, Bộ Công
An trù tính giảm dần cấp số nhân sự theo tinh thần vu vơ là “quý hồ tinh bất
quý hồ đa”. Tuy nhiên, sự kiện nhiều ông tướng công an đang bị điều tra và kỷ
luật cũng cho thấy hậu quả của hệ thống quyền thế chính trị và thuộc tính của
nó là nạn tham nhũng.
-- Công an đã vậy, nhân sự về
giáo dục lại còn thê thảm hơn. Thành phần đào tạo ra thế hệ của tương lai cũng
là thành phần khó sống nhất. Mà các thế hệ cho tương lai khó được giáo dục và
đào tạo cho đúng với yêu cầu sau này. Trường ốc và học cụ thiếu thốn, học phí
gia tăng, đa số dân nghèo khó cho con đi học khi nhà nước chối bỏ trách nhiệm
dưới khái niệm “xã hội hóa giáo dục” là đòi xã hội trang trải.
- Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn
là bộ máy công quyền có “lực lượng lao động dư dôi”, tiếng là có việc có lương,
mà thiếu khả năng, làm không đủ sống và tìm cách trưng thu ở bên ngoài và trải
rộng mạng lưới tham ô vặt! Từ công an, giáo dục mà suy ra lĩnh vực y tế thì ta
cũng thấy vấn đề tương tự là sự kiệt quệ và sẽ vỡ nợ của quỹ an ninh xã hội, cơ
chế phụ trách về y tế, hưu liễm, trợ cấp thất nghiệp, v.v….
Nguyên Lam: Thưa ông, thế thì kinh tế thị trường có đóng góp được
gì cho việc phát triển tại Việt Nam không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chắc chắn là có. Nó đẩy lui bàn tay thô nhám
và bất tài của doanh nghiệp nhà nước nhưng trao lợi nhuận cho nhà đầu tư ngoại
quốc trong khi tư doanh vẫn bị chèn ép trừ phi liên doanh với doanh nghiệp nước
ngoài. Thí dụ ai cũng biết là từ nhiều năm nay, tập đoàn Samsung của Nam Hàn đã
đầu tư 17 tỷ đô la vào Việt Nam, trở thành doanh nghiệp lớn hơn PetroVietnam, đại
gia quốc doanh trong lĩnh vực dầu khí. Kết quả, Samsung giúp Việt Nam là nước
xuất khẩu máy điện thoại tinh khôn thứ nhì của thế giới, chỉ sau Trung Quốc, và
đóng góp một thần tư số xuất khẩu của Việt Nam, trị giá hơn 200 tỷ đô la. Họ
thu về số lời là gần 60 tỷ! Dân ta làm gia công cho họ mà lãnh đạo vẫn cứ nói
phét.
- Tôi nghĩ là về dài, khu vực
kinh tế quốc doanh sẽ suy bại dần, nhưng chưa nhìn thấy vai trò của tư doanh Việt
Nam trong khi các cơ sở kiếm lời nhiều nhất vẫn là của nước ngoài. Như vậy, cái
định hướng xã hội chủ nghĩa đang thành vô nghĩa.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông kết luận về bài phân tích u
ám này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hơn 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là nột
nước tụt hậu sau nhiều lân bang Đông Nam Á, nhưng đứng trên danh mục tham nhũng
nặng theo cuộc khảo sát của tổ chức Transparency International. Nguyên nhân là
đảng và nhà nước thiếu công minh, là công khai và minh bạch, với bộ máy công
quyền không bị trách nhiệm trước công luận. Trong khi ấy, chức năng then chốt của
một chính quyền xưng danh xã hội chủ nghĩa là lo cho xã hội và tránh nạn bất
công thì chính quyền lại còn đào sâu sự bất công đó. Vì vậy, dân nghèo hết than
vãn về nạn tham nhũng mà trở thành bi quan về đời sống trước mặt. Họ đã tụt đến
đáy rồi mà ở trên vẫn hô khẩu hiệu vu vơ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ
kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét