Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2/1965. Ảnh: Tạp chí
Life.
Tôn Tử (544-496 Trước Công Nguyên), binh gia nổi tiếng
của Trung Hoa, đã dành hẳn một chương trong cuốn Binh pháp nổi tiếng
của ông, Thiên thứ 13, để bàn về vấn đề tình báo trong quân sự, cụ
thể là tầm quan trọng của việc sử dụng gián điệp trong chiến tranh.
Hơn 2500 năm sau khi ông mất, những gì ông viết trong Thiên thứ 13 đó vẫn
còn nguyên giá trị của nó. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trong
thời cận và hiện đại, từ các Thế Chiến I và II cho đến các cuộc
chiến tranh địa phương, cục bộ và giới hạn, tình báo đều đóng một
vai trò quan trọng. Chiến tranh Việt Nam cũng không đi ra ngoài quy luật
này. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Ðồng Minh Hoa Kỳ cũng như phe Cộng
sản đều sử dụng tình báo đến mức độ tinh vi. Bài viết này được
thực hiện nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát về hệ
thống tình báo của cả hai phe lâm chiến, và một cái nhìn chi tiết
hơn trong một vài trận đánh quan trọng của cuộc chiến.
Mục Tiêu và Nhiệm Vụ của Công Tác Tình Báo
Mục tiêu của công tác tình báo là cung cấp cho các
cơ quan và cá nhân có trách nhiệm về chính trị và quân sự những
thông tin cần thiết về mọi khía cạnh, đặc biệt là về ý đồ, của phe
địch để họ có thể kịp thời đối phó và chiến thắng đối phương. Do
đó, chức năng chính yếu của công tác tình báo bao gồm 3 lãnh vực
chính sau đây:
• Thu thập tin tức về địch
• Phân tích / tổng hợp và đánh giá tin tức về địch
• Khai thác tin tức: suy đoán ý đồ của địch và tiên
đoán hành động của địch
Ngoài chức năng chính yếu vừa kể, công tác tình báo
cũng bao gồm luôn cả các lãnh vực phản gián sau đây:
• bảo vệ an ninh, đề phòng sự xâm nhập của địch vào
trong hệ thống của mình
• ngụy tạo tin tức để che dấu ý đồ và đánh lừa
địch
Trong lãnh vực thu thập tin tức, có rất nhiều phương
thức khác nhau, trực tiếp cũng có mà gián tiếp cũng có, nhưng nói
chung, hai phương thức chính là:
• qua con người (thí dụ: các điệp viên), tức là tình
báo nhân sự (tiếng Anh gọi là Human Intelligence hay HUMINT)
• qua máy móc, theo dõi các tin tức của địch, tức
là tình báo tín hiệu (tiếng Anh gọi là Signal Intelligence hay SIGINT)
HUMINT bao gồm công tác thu thập tin tức từ rất nhiều
nguồn tin (loại người) khác nhau, nhưng quan trọng nhứt là những tin
tức do điệp viên của phe ta cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau,
cũng như tin tức thu thập được qua thẩm vấn các tù hàng binh, các cá
nhân hoạt động cho địch bị bắt hay các điệp viên của địch đã về
hàng.
SIGINT bao gồm tất cả các hình thức theo dõi, chặn
bắt tín hiệu truyền thông và điện tử giữa người và người, cũng như
giữa máy và máy, trong đó có rất nhiều trường hợp phải giải mã vì
các thông điệp đã được đối phương ngụy trang bằng mã số trước khi
truyền đi.
Do đòi hỏi của các công tác chuyên môn phức tạp vừa
kể trên, các hệ thống tình báo luôn luôn phải có các trung tâm huấn
luyện để đào tạo nhân viên, các trung tâm thẩm vấn để khai thác tin
tức từ các người của phe địch, và phải có đầy đủ các trang thiết
bị cần thiết để theo dõi và chặn bắt tín hiệu truyền thông và điện
tử của phe địch.
Hệ Thống Tình Báo của VNCH
Những thông tin trình bày dưới đây phần lớn tập trung
trong khung thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, tức là trong thời gian
cuộc chiến đã leo thang với sự tham gia của quân đội Mỹ. Trong thời
Ðệ Nhất Cộng Hòa, hệ thống tình báo của VNCH còn rất thô sơ, gần
như chỉ là một bộ máy mật vụ với nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ
chế độ mà thôi. Cho đến cuối năm 1960, VNCH chỉ có 2 cơ quan sau đây:
• Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội: thành lập năm
1956, trực thuộc Phủ Tổng Thống, do Bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy, có
nhiệm vụ chính là công tác tình báo và bảo vệ chế độ. Họạt động
của Sở bên ngoài lãnh thổ VNCH rất giới hạn, chủ yếu chỉ có tại Cao
Miên.1 Sở này bị giải thể năm 1962, sau vụ ném bom Dinh Ðộc Lập của 2
phi công Không Lực VNCH là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.
• Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung: thành lập năm
1957, do Dương Văn Hiếu chỉ huy, có nhiệm vụ chính là công tác tình
báo, phản gián, nhằm phá vỡ các tổ chức nội tuyến của Bắc Việt
tại Miền Nam. Ðoàn này bị giải tán sau vụ đảo chánh ngày 1-11-1963
lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm.
Hệ thống tình báo của VNCH khá phức tạp, bao gồm
một số cơ quan và đơn vị, với chức năng về an ninh và tình báo chồng
chéo lên nhau, trong đó quan trọng nhứt là Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt
(thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), Nha An Ninh Quân Ðội, Tổng Nha An
Ninh Hành Chánh, Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Phòng 2 và Phòng 7
Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.
Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt (CSÐB)
Sắc Lệnh số 17A/TT/SL do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
ký ngày 1-3-1971 cải tổ ngành cảnh sát công an, biến Tổng Nha Cảnh
Sát Quốc Gia (CSQG) thuộc Bộ Nội Vụ, thành Bộ Tư Lệnh CSQG trực
thuộc Phủ Thủ Tướng. 3 Khối CSÐB là một bộ phận quan trọng của Bộ Tư
Lệnh CSQG, dưới quyền chỉ huy của 1 vị Trưởng Khối, Phụ Tá Tư Lệnh
CSQG, Ðại Tá Huỳnh Thới Tây, về sau, ngày 1-2-1975, thăng cấp Chuẩn
Tướng.
Nhiệm vụ của Khối CSÐB thuộc về 2 lãnh vực Tình
Báo và Phản Tình Báo:
• Tình Báo: thu thập tin tức về phe Cộng sản và
những tổ chức ngoại vi của Cộng sản thông qua 3 bộ phận là Tình Báo
Diện Ðịa, Tình Báo Xâm Nhập, và Kế Hoạch Phượng Hoàng
• Phản Tình Báo: cài người vào các đoàn thể chính
trị, tôn giáo, nghiệp đoàn, thanh niên, sinh viên, vv. để phát hiện các
phần tử Cộng sản trà trộn vào các đoàn thể này.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ vừa kể trên, Khối CSÐB
đã được quy định với một hệ thống tổ chức có quy mô toàn quốc như
sau:
• Tại trung ương, đứng đầu là 1 vị Trưởng Khối được
xếp ngang hàng với một Tổng Giám Ðốc, bên dưới gồm một số Nha do
các vị Giám Ðốc chỉ huy; đó là các Nha Tình Báo, Nha Phản Tình
Báo, Nha Ðiều Hành Công Tác, và Nha Yểm Trợ; dưới các Nha có các Sở
(do Chánh Sở chỉ huy), Phòng (do Chủ sự chỉ huy), và Ban (do Trưởng
Ban chỉ huy) đảm trách các công tác chuyên môn khác nhau
• Tại địa phương có các cấp:
– Cấp Ðô Thành
và các Khu: do một Giám Ðốc chỉ huy, với 4 Sở (Nghiên Cứu, Huấn
Luyện, Công Tác và Yểm Trợ), bên đưới có các Phòng, Ban chuyên môn
– Cấp Tỉnh và
Thị Xã: do một Trưởng F chỉ huy, được xếp ngang hàng với một Chánh
Sở, bên dưới có các Trưởng G điều khiển 4 Phòng (Nghiên Cứu, Công
Tác, Yểm Trợ, và Thẩm Vấn)
– Cấp Quận: do
một Trưởng G chỉ huy, được xếp ngang hàng một Chủ Sự, bên dưới có
các Trưởng Ban điều khiển 4 Ban (Nghiên Cứu, Công Tác, Khai Thác, và
Văn Thư + Yểm Trợ) 5
Nha An Ninh Quân Ðội
Tên của cơ quan an ninh này được giữ như thế suốt
thời Ðệ Nhất Cộng Hòa cho đến ngày 19-6-1965 thì đổi thành Cục An
Ninh Quân Ðội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.6 Nhiệm vụ
chính yếu của Cục thuộc lãnh vực phản gián, nhằm chống lại sự xâm
nhập của địch vào hàng ngũ quân nhân QLVNCH.
Tại trung ương, Cục gồm có 5 Khối: Hành Chánh, Huấn
Luyện, An Ninh, Phản Gián, và Tiếp Vận.
Tại địa phương, Cục có các đơn vị (Phòng, Ban) theo
từng cấp:
• Khu: Thủ đô và tất cả 4 Vùng Chiến Thuật
• Tiểu Khu: tất cả các Tỉnh và Thị Xã
• Chi Khu: tất cả các Quận
Ngoài nhiệm vụ chính là phản gián như vừa kể trên,
Cục còn được giao một số nhiệm vụ khác về an ninh như:
• Nhận xét, cho ý kiến về các bổ nhiệm, thăng cấp
trong QLVNCH
• Cấp thông hành về an ninh (security clearances) cho
quân nhân và công chức
• Duyệt xét và chấp thuận cho các đơn xin xuất ngoại
du học hay tu nghiệp của các quân nhân và công chức
Cục An Ninh Quân Ðội có một đội ngũ nhân sự gồm tất
cả 4328 người, trong đó Tổng Hành Dinh tại Sài Gòn có 657 người,
Biệt Khu Thủ Ðô có 221 người, mỗi Quân Khu có 50 người, mỗi Tiểu Khu
(cấp Tỉnh) có 30 người, mỗi Chi Khu (cấp Quận) có 6 người; ngoài ra
mỗi Quân Ðoàn có 20 người, và mỗi Sư Ðoàn có 25 người.7
Cục An Ninh Quân Ðội được quyền bắt giữ và thẩm vấn
mọi công dân của VNCH, cả quân nhân lẫn dân sự.
Tổng Nha An Ninh Hành Chánh
Năm 1971, sau vụ gián điệp Việt cộng Huỳnh Văn Trọng,
một cơ quan an ninh tình báo cho phía dân sự, giống như Cục An Ninh Quân
Ðội dành cho bên quân sự, được thành lập và mang tên là Tổng Nha An
Ninh Hành Chánh.8 Tổng Nha này hình thành do quyết định nâng Nha An
Ninh Hành Chánh của Bộ Nội Vụ lên thành Tổng Nha An Ninh Hành Chánh,
đặt trực thuộc Phủ Thủ Tướng, với vị Tổng Giám Ðốc đầu tiên là Ðại
Tá Nguyễn Văn Tuấn, và gồm có một số Sở. Sở đầu tiên được thành
lập là Sở Huấn Luyện với vị Chánh Sở là Thiếu Tá Võ Thành Ðức
(từ Khối CSÐB của Bộ Tư Lệnh CSQG đặc phái sang). Sở Huấn Luyện đã
tổ chức được một vài khóa huấn luyện tại các Quân Khu cho các vị
Phó Quận Trưởng Hành Chánh thuộc các tỉnh trong Quân Khu về các vấn
đề An Ninh Cơ Sở, An Ninh Nhân Sự, và An Ninh Tài Liệu.9 Tổng Nha này
vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển cơ sở khi Miền Nam thất trận
nên chưa lập được nhiều thành tích như Cục An Ninh Quân Ðội.
Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo
Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo (sau đây sẽ viết tắt
là PÐU; tài liệu của Hoa Kỳ khi dịch sang tiếng Anh thường dùng từ
Central Intelligence Organization, hay Central Intelligence Office = CIO) được
thành lập bởi Sắc Lệnh số 109/TTP do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký
ngày 5-5-1961.10Tuy nhiên PÐU chỉ chính thức hoạt động từ năm 1962 sau
khi hoàn tất cơ cấu tổ chức và bắt đầu tuyển dụng nhân viên và huấn
luyện.11 Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, lật đổ chế độ Ngô Ðình
Diệm, PÐU trải qua nhiều xáo trộn với 5 vị Ðặc Ủy Trưởng (toàn là
quân nhân, 4 tướng lãnh và 1 đại tá) trong 4 năm liền (1963-1967).12
Ngày 7-5-1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Ðặc Ủy Trưởng, bị thương
nặng trong một cuộc đụng độ với Việt Cộng (trong đợt 2 của cuộc
Tổng Tấn Công Mậu Thân) và được đưa ra nước ngoài trị thương. Tháng
9-1968, Trung Tá Nguyễn Khắc Bình (Bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu) được cử thay thế và PÐU được đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống.
Ðặc Ủy Trưởng Nguyễn Khắc Bình về sau thăng lên cấp Ðại Tá tháng
6-1969, thăng Chuẩn Tướng ngày 1-11-1972, và thăng Thiếu Tướng ngày
1-2-1975.13 Chính Ðặc Ủy Trưởng Bình là người đã lên kế hoạch và
thực hiện việc cải tổ PÐU.
Sau khi hoàn tất việc cải tổ, PÐU có một cơ cấu tổ
chức như sau: 14
• Khối Kế Hoạch: bí danh là Ban A, có nhiệm vụ tổng
hợp tất cả các tin từ 2 Khối Quốc Nội và Quốc Ngoại; 2 Ban quan
trọng của Khối Kế Hoạch là:
– Ban A10: có nhiệm vụ soạn thảo bản tin tình báo
hàng ngày để trình lên Tổng Thống vào mỗi buổi sáng 15
– Ban A8: phụ trách các công tác đặc biệt do Ðặc Ủy
Trưởng giao phó
• Khối Tình Báo Quốc Ngoại: bí danh là Ban E, Khối
này đặc trách công tác tình báo tại một số quốc gia như Lào,
Kampuchia, Thái Lan, Nhật, Hong Kong và Pháp.
• Cục Tình Báo Quốc Nội: bí danh là Ban T, Cục này
đặc trách công tác phản gián trong nước, với các 3 Phân cục được giao
phó các công tác như sau:
– Phân cục Ðiệp
báo: bí danh là Ban K, thu thập tin tức của địch qua các đội công tác
tại tất cả các tỉnh và thị xã.
– Phân cục Phản
gián: bí danh là Ban U, với công tác chính là cài người vào hàng
ngũ địch và phát hiện những điệp viên của địch cài vào hàng ngũ
của ta.
– Phân cục An ninh
Chính trị: bí danh là Ban Z, công tác chính là theo dõi, xâm nhập vào
các chính đảng, phong trào, hội đoàn, nghiệp đoàn để phát hiện và
phá vỡ các âm mưu xâm nhập của địch.
• Khối Yểm Trợ: bí danh là Ban Y, ngoài các công tác
yểm trợ thông thường qua 2 Sở là Sở Nhân Viên và Sở Hành Chánh Tài
Chánh, Khối này còn có Sở Kỹ Thuật, với bí danh là Ban M, phụ
trách tất cả các công tác kỹ thuật chuyên môn trong ngành tình báo
như chụp hình, quay phim, in ấn, truyền tin, nhận tin, giải mã, vv.
• Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo Quốc Gia: bí danh là
Ban D, phụ trách huấn luyện nghiệp vụ tình báo cho tất cả nhân viên
các cấp của PÐU
• Trung Tâm Quốc Gia Thẩm Vấn: bí danh là Ban Q, với
nhiệm vụ chính là thẩm vấn các tù hàng binh và cán binh Cộng sản
đã được chiêu hồi.
Từ tháng 11-1971, một ban mới được thành lập trong
Khối Kế Hoạch với bí danh là Ban A17 do một Phụ tá Ðặc biệt của
Ðặc Ủy Trưởng điều khiển, với nhiệm vụ chính là theo dõi và xâm
nhập vào các phong trào và tổ chức thanh niên – học sinh – sinh viên,
đặc biệt là Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, để phá vỡ các âm mưu và
hoạt động của các cán bộ và đoàn viên mà Thành Ðoàn Thanh Niên Cộng
Sản Hồ Chí Minh đã cài vào các phong trào và tổ chức đó.16
Tổng số nhân viên của PÐU là 1.400 người trong đó nhân
viên cao cấp có trình độ tốt nghiệp đại học chiếm đến 60%, được
hưởng các quy chế đặc biệt như được hoãn dịch (gốc dân sự) hay được
giải ngũ (gốc quân nhân).17
Tuy được tổ chức rất có quy củ với ngân sách dồi
dào và một lực lượng nhân sự có trình độ cao, PÐU đã không hoàn
thành tốt trong công tác tình báo chiến lược vì càng ngày càng
nghiêng nặng về chính trị và sau cùng trở thành một “cơ quan tình
báo của Phủ Tổng Thống”.18
Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) QLVNCH là một cơ cấu quân sự
khổng lồ của VNCH với nhiệm vụ yểm trợ và điều hợp hoạt động của
tất cả các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH qua rất
nhiều Nha Sở và Phòng Ban, trong đó Phòng 2 là Phòng giữ nhiệm vụ
về tình báo nhân sự (HUMINT), do một sĩ quan cấp Ðại Tá chỉ huy. Vị
Trưởng Phòng 2 cuối cùng của BTTM là Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung, xuất
thân Trường Sĩ Quan Nam Ðịnh, Khóa 1 (năm 1951).19
Phòng 2 BTTM có cơ cấu tổ chức như sau: 20
Tuy không phải là cơ quan tình báo duy nhứt của QLVNCH
(vì ngoài Phòng 2 BTTM còn có Phòng 7 BTTM, Cục An Ninh Quân Ðội, các
cơ quan tình báo của Hải Quân và Không Quân), Phòng 2 BTTM là bộ phận
quan trọng nhất chịu trách nhiệm về quân báo, đặc biệt là tình báo
tác chiến (combat intelligence), của QLVNCH, với một hệ thống đơn vị
trực thuộc trải rộng khắp các đơn vị từ cấp Quân đoàn xuống đến cấp
Tiểu đoàn, và từ cấp Vùng xuống đến cấp Chi Khu (Quận). Tại trung
ương, Phòng 2 BTTTM có 2 đơn vị là Ðơn Vị 101 phụ trách thu thập tin
tức tình báo, và Ðơn Vị 306 tức Trung Tâm Quân Báo phụ trách khai
thác tin tức tình báo. Sĩ quan Phó Trưởng Phòng 2 đương nhiên kiêm
mhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Ðơn Vị 306.
Ðơn Vị 101
Ðơn vị này đã được đổi tên nhiều lần như sau:
• 1961-1963: Biệt Ðội Sưu Tập
• 1964-1965: Biệt Ðoàn 300
• 1965-1968: Liên Ðoàn Yểm Trợ 924
• 1968-1975: Ðơn vị 101
Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Ðơn Vị 101 là Ðại
Tá Lê Ðình Luân tốt nghiệp Khóa 2 (tháng 4-1953) Trường Sĩ Quan Thủ Ðức.21
Tất cả các sĩ quan của đơn vị đều phải trải qua khóa huấn luyện
tình báo tại Trường Tình Báo của Lục Quân Hoa Kỳ tại Okinawa (Nhật
Bản).
Ðơn Vị 101 có tổ chức hàng dọc như sau: 22
• Ðoàn: ở cấp Vùng hay Quân Ðoàn, có tất cả 5 Ðoàn
mang bí số 65, 66, 67, 68, và 69 (cho Biệt Khu Thủ Ðô), chỉ huy trưởng
là một sĩ quan mang cấp bậc Trung Tá
• Toán: ở cấp Khu hay Sư Ðoàn, chỉ huy trưởng là một
sĩ quan mang cấp bậc Thiếu Tá
• Lưới: ở cấp Tiểu Khu, chỉ huy trưởng là một sĩ
quan mang cấp bậc Ðại Úy
Công tác thu thập tin của Ðơn Vị 101 bao gồm cả 2
lãnh vực: tình báo tác chiến và tình báo lãnh thổ (territorial
intelligence) và phương thức thu thập chính được sử dụng là tình báo
nhân sự (HUMINT) qua 2 lối:
• Công khai: thu thập và khai thác tin của các Phòng 2
và Ban 2 của các cấp đơn vị từ quân đoàn xuống đến tiểu đoàn, và
các cấp lãnh thổ từ khu xuống đến chi khu, qua việc thẩm vấn và khai
thác tin từ tù hàng binh, các tài liệu bắt được của địch, và việc
chận bắt tín hiệu truyền tin của địch
• Bí mật: thu thập tin của mật báo viên của các
Lưới được tổ chức cho xâm nhập vào các vùng xôi đậu, ngay cả trong
hậu phương của địch
Ðơn Vị 306 (Trung Tâm Quân Báo)
Dưới quyền chỉ huy của Phó Trưởng Phòng 2 BTTM, Ðơn
Vị 306 thật ra gồm nhiều trung tâm quân báo với những chức năng khác
nhau bao gồm: 23
• Trung tâm quân báo hỗn hợp: cung cấp tin tình báo
tác chiến và lãnh thổ cho Phòng 2 BTTM QLVNCH, và Ban 2 của Bộ Tư
Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (J2-MACV)
• Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp: tập trung và
khai thác tất cả các loại tài liệu (kể cả sách báo, phim ảnh chính
thức của Bắc Việt) thu được của địch, và báo cáo cho Phòng 2 TTM và
J2-MACV
• Trung tâm khai thác quân dụng hỗn hợp: tìm hiểu,
khai thác tất cả các loại vũ khí, đạn dược, quân dụng tịch thu được
của địch, và soạn thảo tài liệu Chiến cụ của Việt Cộng để phổ
biến cho tất cả các đơn vị của QLVNCH học tập
• Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp: có nhiệm vụ thẩm vấn
các tù hàng binh, hồi chánh viên quan trọng, từ cấp đại đội trở lên;
khi tình hình chiến trường sôi động, có thể tăng phái người cho các
đại đơn vị
• Trung tâm quản trị quân báo: quản trị toàn thể nhân
viên quân báo tại trung ương cũng như tại địa phương.
Sau khi quân Mỹ rút khỏi VNCH, Ðơn Vị 306 được cải tổ
thành các Khối như sau:
• Khối Quốc nội: gồm có các Ban như sau:
– Ban quốc nội
tại 4 Vùng Chiến Thuật
– Ban ước tính:
cung cấp các báo cáo định kỳ
– Ban nghiên cứu:
về tổ chức của địch
• Khối Quốc ngoại: bao gồm các công tác:
– Theo dõi tình
hình Bắc Việt, đặc biệt là viện trợ của các nước Cộng sản
– Theo dõi tình
hình chính trị, quân sự của Lào và Kampuchia
– Gồm các Ban:
Bắc Việt, Ðông Nam Á, Nghiên Cứu, Liên Lạc Quốc Ngoại (phối hợp, khai
thác các báo cáo của các Tùy Viên Quân Sự tại các Tòa Ðại Sứ của
VNCH)
• Khối Sưu tập: thu thập, lưu trữ, kiểm soát tất cả
các loại tin thu thập được từ mật bào viên, tù hàng binh, hồi chánh
viên, cũng như từ các bộ phận tình báo tín hiệu (SIGINT)
• Khối Kế, huấn, tổ: phụ trách các lãnh vực kế
hoạch, huấn luyện và tổ chức cho toàn ngành quân báo
Việc huấn luyện cho nhân viên Phòng 2 BTTM được thực
hiện tại Trường Cây Mai. Trước năm 1961 Trường Cây Mai mang tên là
Trường Quân Báo và Chiến Tranh Tâm Lý mà Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá
Phạm Văn Sơn. Từ đầu năm 1961, Trường Cây Mai đổi tên là Trường Quân
Báo và bắt đầu cung cấp những khóa huấn luyện về tình báo chiến
trường (Field Operation Intelligence, hay FOI) do Biệt Ðội Sưu Tập phối
hợp tổ chức với các huấn luyện viên Hoa Kỳ, giảng dạy trực tiếp
bằng tiếng Việt. Khóa 1 gồm 16 sĩ quan, khóa 2 gồm 25 sĩ quan, và
các khóa kế tiếp về sau được gửi đi học tại Okinawa, Nhật Bản.24
Phòng 2 BTTM còn có 1 bộ phận nữa rất quan trọng,
mặc dù không có hiện diện trong sơ đồ tổ chức: đó là Phòng Tình
Hình (Situation Room). Phòng này được sử dụng như một trung tâm hành
quân của Phòng 2 BTTM trong những thời điểm sôi động với những trận
đánh lớn ngoài chiến trường, với những hệ thống truyền tin trực
tiếp với các Quân đoàn, Sư đoàn, vv. để kịp thời trao đổi các tin
tức về tình báo và chiến thuật với các đơn vị đang lâm chiến.25
Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Phòng 7 BTTM QLVNCH chịu trách nhiệm về công tác tình
báo tín hiệu (SIGINT) và các hoạt động về an ninh truyền tin. Về
SIGINT, Phòng 7 đảm nhận cả 2 lãnh vực: Tình Báo Thông Tin
(Communications Intelligence = COMINT) và Tình Báo Ðiện Tử (Electronic
Intelligence = ELINT). Vị sĩ quan đã chịu trách nhiệm thành lập Phòng
7 vào năm 1964 và đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 7 cho đến tháng
4-1975 là Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, tốt nghiệp Khóa Sĩ Quan Trừ Bị
Nam Ðịnh (1951).
Phòng 7 BTTM được tổ chức như sau: 26
Phòng 7 BTTM gồm có tất cả 3.500 nhân viên phục vụ
tại các đơn vị ở trung ương và một số đơn vị tại địa phương. Tại
trung ương, Phòng 7 được chia thành 3 Khối, 3 đơn vị đặc biệt và Biệt
Ðội Kỹ Thuật. Tại địa phương, nhân viên của Phòng 7 hoạt động trong 4
Trung Tâm SIGINT tại Ðà Nẵng (Vùng I), PLeiku (Vùng II), Sài Gòn (Vùng
III), và Cần Thơ (Vùng IV).
Khối I gồm có 3 Ban: 3, 4 và 5. Ban 3 phụ trách giữ
liên lạc với các Phòng 2 (Tình Báo) và Phòng 3 (Hành Quân) của BTTM,
cập nhật thông tin về tình hình địch, soạn thảo và phổ biến các
báo cáo về tình báo kỹ thuật. Ban 4 soạn thảo các báo cáo về không
thám và phát hiện điện đài, theo dõi các chuyến bay và báo cáo
những thay đổi về kỹ thuật của các điện đài của địch. Ban 5 xử lý
các cung từ của tù hàng binh liên quan đến tình báo tín hiệu, các
bản tin của các đài bạn (BBC, VOA) và địch, soạn thảo các bản tin
hàng ngày, và duy trì liên lạc với các cơ quan tình báo dân sự và
quân sự khác về những vấn đề có liên quan đến tình báo tín hiệu.
Khối II gồm 2 Ban, Ban 6 và Ban 7, và phụ trách về an
ninh truyền tin. Ban 6 xử lý các dữ liệu kỹ thuật và soạn thảo các
báo cáo về an ninh truyền tin và đề nghị những biện pháp sửa chữa.
Ban 7 nghiên cứu các biện pháp an ninh về mật mã, duy trì liên lạc
với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM và tổ chức thanh tra về mật mã
trong toàn quân.
Khối III, gồm 3 Ban là Ban 8, Ban 9 và Ban 10, chịu
trách nhiệm về nghiên cứu, cải thiện, và phối hợp giữa yểm trợ và
huấn luyện. Ban 8 lo về các vấn đề tổ chức, tuyển mộ, hoạt động,
yểm trợ, bảo trì và vận chuyển. Ban 9 chịu trách nhiệm về kiểm tra
các kế hoạch hoạt động ngắn hạn. Ban 10 lo về huấn luyện chuyên viên,
theo dõi huấn luyện, và soạn thảo tài liệu huấn luyện.
Ðơn Vị 15, trong khoảng thời gian 1961-70, là đơn vị
duy nhất chịu trách nhiệm về kiểm thính. Về sau công tác này được
giao cho các trung tâm SIGINT tại các vùng chiến thuật, và đơn vị này
được giao nhiệm vụ giải mã các thông địch được mã hóa của địch.
Ðơn Vị 16 chịu trách nhiệm về an ninh truyền tin cho
QLVNCH và một số cơ quan trọng yếu của chính phủ, soạn thảo các báo
cáo về các vi phạm an ninh truyền tin, thanh tra các cơ sở về mật mã
và tài liệu mật, và phối hợp với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM để
duyệt xét các thủ tục về mật mã trong QLVNCH.
Ðơn Vị 17, được thành lập vào năm 1970 để phối hợp
với hai Phi Ðoàn 716 và 718 của Không Quân VNCH trong việc thiết lập
các phi trình cho các phi vụ tình báo tín hiệu. Các Phi Ðoàn này là
đơn vị của Không Ðoàn 33 thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân đóng tại căn cứ Tân
Sơn Nhất. Phi Ðoàn 716 có 5 chiếc phi cơ U-6A, và Phi Ðoàn 718 có 33
chiếc phi cơ EC-47.
Bốn Trung Tâm SIGINT tại 4 vùng chiến thuật có trách
nhiệm thu thập tin tức qua các công tác kiểm thính và khám phá địa
điểm phát tuyến của các điện đài của địch. Ðể hỗ trợ cho hoạt
động của các Trung Tâm này còn có thêm một số trạm kiểm thính tại
Phú Bài (Vùng I), Sông Mao (Vùng II), Vũng Tàu (Vùng III) và đảo Côn
Sơn. Tại các vùng chiến thuật, mỗi sư đoàn bộ binh đều có 1 đơn vị
thuộc Biệt Ðội Kỹ Thuật chịu trách nhiệm về tình báo tín hiệu.
Hệ Thống Tình Báo của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ cũng có 2 hệ thống tổ chức tình báo song
hành tại VNCH. Ðó là Trạm CIA Sài Gòn (CIA Saigon Station, Central
Intelligence Agency = Cơ quan Trung Ương Tình Báo) nằm trong Tòa Ðại Sứ
Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Ban 2 của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại
Việt Nam (J2-MACV).
Trạm CIA Sài Gòn
Trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam, từ 1961đến 1975,
Trạm CIA Sài Gòn đã trải qua các đời Trưởng Trạm (Chief of Station,
hay COS) sau đây:
• 1961-1962: William Colby, về sau trở thành Giám Ðốc
CIA (Director of Central Intelligence, hay DCI) 1973-1976
• 1962-1963: John Richardson
• 1963-1965: Peer de Silva
• 1965: John L. Hart
• 1966: John Lapham
• 1966-1968: Gordon L. Jorgensen
• 1968-1972: Theodore Shackley
• 1972-1975: Thomas Polgar
Trạm CIA Sài Gòn không những thu thập tin tình báo
về Việt Cộng mà còn theo dõi tất cả các hoạt động của chính phủ
VNCH, và, sau khi Hoa Kỳ gửi quân tham chiến tại Miền Nam, soạn thảo
và phổ biến những báo cáo hàng tuần về tình hình tại VNCH và cuộc
chiến. Loại báo cáo hàng tuần này, với tựa đề là “Situation in South
Vietnam,” thường gồm khoảng 20-30 trang với một số bản đồ và biểu đồ, và được
thực hiện theo một dàn bài thống nhất như sau: 27
• Toát yếu
• Bản đồ Nam Việt Nam
• Tình hình Miền Nam Việt Nam
– Tình hình chính trị
– Tình hình quân sự
– Xây dựng nông thôn
• Bản đồ Bắc Việt Nam
• Các phát triển trong Khối Cộng sản
• Các phát triển tại các nước đệ tam
• Phụ đính:
– Thống kê chiến trường của QLVNCH: số thương vong
– Thống kê chiến trường của QLVNCH: số các cuộc giao
tranh và tấn công của địch
– Các chỉ số kinh tế của VNCH
– Thống kê giá bán lẻ hàng tuần tại Sài Gòn
Ngoài ra, Trạm CIA Sài Gòn còn thực hiện rất nhiều công tác
an ninh tình báo khác tại VNCH trong suốt thời gian chiến tranh. Công
tác được nói đến nhiều nhất là Chiến dịch Phượng Hoàng nhằm nhận
diện và tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
(Việt Cộng) tại nông thôn Miền Nam. Từ 1965 cho đến 1972, Chiến dịch
Phượng Hoàng đã “vô hiệu hóa” tổng cộng 81.740 cá nhân bị tình nghi
là người của Mặt Trận,28 và “góp phần tiêu diệt và phá hoại đến 95% cơ sở
cách mạng ở một số khu vực tại miền Nam Việt Nam.” 29
J2-MACV
Khi Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại VNCH
(MACV = Military Assistance Command Vietnam) được thành lập vào tháng
2-1962, sau rất nhiều tranh cãi trong chính phủ của Tổng Thống John
F.Kennedy, và đặt dưới quyền chỉ huy của một vị tướng 4-sao, Ðại
Tướng Paul Harkins, vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong việc giúp đỡ
chính phủ VNCH chống lại phong trào nổi dậy (counterinsurgency) của
Cộng sản tại Miền Nam được nâng lên một tầm quan trọng cao hơn. Lúc
đó Phái Bộ Cố Vấn Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại VNCH (MAAG =
Military Assistance Advisory Group dưới quyền chỉ huy của một vị tướng
3-sao, Trung Tướng Lionel C. McGarr) vẫn còn tiếp tục hoạt động thêm
một thời gian gần một năm mới bị hủy bỏ và hoàn toàn sáp nhập vào
MACV. Tuy nhiên, trong một thời gian hơn 3 năm (từ tháng 2-1962 đến tháng
3-1965), bộ phận J2-MACV chỉ làm nhiệm vụ cố vấn, hỗ trợ và huấn
luyện cho hệ thống quân báo của VNCH mà thôi. Ðứng đầu J2-MACV lúc đó
chỉ là một sĩ quan cấp Ðại Tá, Ðại Tá James M. Winterbottom, một sĩ
quan Không Quân.30 Ðầu năm 1964, sau khi cuộc cải tổ cơ cấu chỉ huy của
MACV được hoàn tất, do đề nghị của Tướng Harkins và được Bộ Trưởng
Quốc Phòng Robert S. McNamara chấp thuận, cấp số của chức vụ Phụ Tá
Tham Mưu Trưởng MACV, Trưởng Ban 2 (Assistant Chief of Staff MACV, J2) được
nâng từ cấp Ðại Tá lên cấp Tướng. Ngày 15-1-1964, Chuẩn Tướng Carl A.
Youngdale, thuộc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, được cử làm Trưởng
J2-MACV và tổng số nhân viên của J2 tăng từ 76 lên 135 người.31 J2-MACV
lần lượt hoạt động dưới quyền chỉ huy của các vị tướng sau đây:
• Từ 1-1962 đến 7-1965: Chuẩn Tướng Carl A. Youngdale,
Thủy Quân Lục Chiến, hồi hưu với cấp bậc Thiếu Tướng
• Từ 7-1965 đến 5-1967: Thiếu Tướng Joseph A.
McChristian, Lục Quân, hồi hưu với cấp bậc Thiếu Tướng
• Từ 5-1967 đến 5-1969: Thiếu Tướng Philip B. Davidson,
Lục Quân, về hưu với cấp bậc Trung Tướng
• Từ 5-1969 đến 8-1972: Thiếu Tướng William E. Potts,
Lục Quân, hồi hưu với cấp bậc Trung Tướng
Về phần MACV, vì không tán thành chủ trương lật đổ
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Tướng Harkins có mâu thuẫn lớn với Ðại sứ
Hoa Kỳ lúc đó là ông Henry Cabot Lodge, Jr., và sau cùng bị thay thế
bằng phó tướng của ông là Trung Tướng (3-sao) William C. Westmoreland,
được thăng lên cấp Ðại Tướng (4-sao) vào cùng ngày 1-8-1964 khi được
cử nắm giữ chức vụ Tư Lệnh MACV.
Sau khi Hoa kỳ ồ ạt đưa quân bộ chiến vào VNCH năm
1965 (vào cuối năm 1965, quân số Hoa Kỳ tại Miền Nam đã tăng từ 23.000
lên đến 184.000), nhu cầu về tình báo chiến trường (combat intelligence)
của MACV gia tăng mãnh liệt. Cấp số của Trưởng Ban J2-MACV cũng được
nâng thêm một bậc từ cấp Chuẩn Tướng lên cấp Thiếu Tướng. Thiếu
Tướng Joseph A. McChristian được cử thay thế Chuẩn Tướng Carl A.
Youngdale từ tháng 7-1965. Về sau những người kế nhiệm Trưởng J2-MACV
đều mang cấp Thiếu Tướng: Thiếu Tướng Philip B. Davisdon và Thiếu
Tướng William E. Potts.
Cả 3 vị Thiếu Tướng vừa nêu tên bên trên tiếp tục mở
rộng và phát triển J2-MACV về cả 2 mặt thu thập và khai thác tin
tình báo, đồng thời phối hợp hoạt động rất chặt chẽ với phía VNCH.
Với đà phát triển mạnh mẽ đó, dưới quyền chỉ huy của
Thiếu Tướng Joseph A. McChristian, đến giữa năm 1967, J2-MACV đã có tổng
số nhân viên trên 600 người.32 với một cơ cấu tổ chức như trong biểu
đồ sau đây: 33
Thật ra, số người mà J2-MACV điều động còn cao hơn
rất nhiều. Theo tường trình của chính Thiếu Tướng McChristian, các đơn
vị tình báo thuộc Lục Quân Hoa Kỳ đặt dưới sự điều động của ông
vào tháng 6-1967 đã có tổng số nhân sự từ 102 tăng lên đến 2.466, và
tổng số cố vấn (cho các cơ quan tình báo của VNCH) đã từ 218 tăng lên
đến 622. Các đơn vị tình báo thuộc Lục Quân Hoa Kỳ nói trên bao gồm
các đơn vị sau đây: 34
• Ðoàn 525 Quân Báo (525th Military Intelligence Group)
• Ðoàn 149 Quân Báo (149th Military Intelligence Group)
có nhiệm vụ Thu Thập tin)
• Tiểu Ðoàn 1 Quân Báo (1st Military Intelligence
Battalion; phụ trách Yểm Trợ Không Thám = Air Reconnaissance Support) có
nhiệm vụ cung cấp không ảnh cho các đơn vị tác chiến)
• Tiểu Ðoàn 519 Quân Báo (519th Military Intelligence
Battalion) cung cấp nhân sự và yểm trợ cho các Trung Tâm Hỗn Hợp)
Riêng Ðoàn 525 Quân Báo thì chịu trách nhiệm điều
động các đơn vị quân báo sau đây:
• Một đại đội tín hiệu (a signal company) có trách
nhiệm chận bắt truyền tin của các đơn vị địch
• Một phân đội không quân (an aviation detachment) có
trách nhiệm thực hiện và diễn giải các không ảnh về hoạt động của
các đơn vị địch
• Ðoàn 135 Quân Báo (135th Military Intelligence Group)
phụ trách công tác phản gián, với các tổ phân phối khắp 4 Vùng
Chiến Thuật bên cạnh các tổ của Cục An Ninh Quân Ðội VNCH)
Phối Hợp Công Tác Tình Báo Giữa VNCH và Hoa Kỳ
Vì khối lượng rất lớn cũng như mức độ phức tạp
của tin tức tình báo (cộng thêm sự khác biệt về ngôn ngữ Anh-Việt),
và vì cùng chiến đấu chống lại một kẻ địch chung, Phòng 2 Bộ TTM
QLVNCH và Ban J2-MACV đã đồng ý thiết lập một số cơ quan và đơn vị
tình báo hỗn hợp để chia sẻ tin tức và phối hợp hoạt động. Vị sĩ
quan QLVNCH đồng nhiệm với Thiếu Tướng McChristian, Trưởng J2-MACV, là
Ðại Tá Hồ Văn Lời, Trưởng Phòng 2 BTTM QLVNCH. Ðại Tá Hồ Văn Lời,
sinh năm 1928 tại Ðịnh Tường, là một sĩ quan hiện dịch thuộc Bộ Binh,
tốt nghiệp Khóa 3 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt (Khóa Trần Hưng Ðạo,
năm 1951).35 Sự thỏa thuận giữa hai nước đồng minh trong cuộc chiến đưa
đến sự hình thành và hoạt động của 4 Trung Tâm Hỗn Hợp về tình
báo: Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Sự Hỗn Hợp (Combined Military Interrogation
Center – CMIC), Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hợp (Combined Document
Exploitation Center – CDEC), Trung Tâm Khai Thác Quân Dụng Hỗn Hợp
(Combined Materiel Exploitation Center – CMEC), và Trung Tâm Tình Báo Hỗn
Hợp Việt Nam (Combined Intelligence Center Vietnam – CICV).
Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Sự Hỗn Hợp
Công tác thẩm vấn các tù hàng binh và hồi chánh
viên được cả 2 phía Việt Mỹ đặt ưu tiên cao trong công tác tình báo
hỗn hợp. Các trung tâm thẩm vấn quân sự được thiết lập tại các quân
đoàn và sư đoàn. Riêng tại các tiểu khu (tỉnh) thì các trung tâm thẩm
vấn được đặt dưới quyền điều khiển CSQG (đơn vị CS đặc biệt của địa
phương), nhưng khi cần thì các đơn vị quân báo Việt-Mỹ cũng được
quyền sử dụng. Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp trung ương (CIMC) được đặt
tại Sài Gòn, dưới sự chỉ huy kết hợp của Trung Tá Frederick A.
Pieper, Thiếu Tá Lawrence Sutton và Ðại Úy Lâm Văn Nghĩa.36
Công tác thẩm vấn được thực hiện theo những quy định
rất chặt chẽ. Trước tiên là sự phân biệt rõ rệt giữa tù hàng binh
và hồi chánh viên. Hồi chánh viên luôn luôn được đối xử một cách thân
thiện và đặc biệt hơn, với chủ đích tạo cho họ cảm giác ấm áp, và
cho họ thấy rõ là sự “trở về” của họ rất được hoan ngênh. Trong thời
gian thẩm vấn, hồi chánh viên cũng được thoải mái, có nhiều tự do
hơn. Sau khi chấm dứt thẩm vấn, họ được quyền chọn trung tâm chiêu hồi
mà họ muốn về làm việc. Một số hồi chánh viên quan trọng, như
Thượng Tá Tám Hà, Chính Ủy Sư Ðoàn 5 (Việt cộng), hồi chánh tại
Bình Dương năm 1970, hay Trung Tá Lê Xuân Chuyên, thuộc bộ đội chính quy
của Bắc Việt, hồi chánh tại Bình Tuy năm 1967, đã được chính phủ
VNCH cử nhiệm vào một số chức vụ quan trọng tại Bộ Dân Vận Chiêu
Hồi hay Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.37
Tuy có phân biệt đối xử, nhưng về nội dung thẩm vấn
thì hoàn toàn giống nhau đối với tù hàng binh hay hồi chánh viên,
với mục tiêu nhằm khai thác tin tức về 5 lãnh vực sau đây:
• Lực lượng địch bên ngoài lãnh thổ của VNCH, nghĩa
là tại Bắc Việt, Miên, và Lào.
• Lực lượng địch bên trong lãnh thổ của VNCH.
• Chiến thuật, vũ khí, quân dụng, hạ tầng cơ sở và
các hoạt động tâm lý chiến của địch.
• Phản gián: các kế hoạch và hoạt động phá hoại,
cài người (nội tuyến) vào các cơ sở của VNCH và các quân đội đồng
minh.
• Lộ trình, hành lang, và phương thức xâm nhập từ
Miền Bắc.
Các báo cáo thẩm vấn thực hiện tại các trung tâm
thẩm vấn địa phương phải được đánh giá về mức độ quan trọng của tin
tức khai thác được, và sau đó chuyển về trung ương. Các đối tượng
thẩm vấn cũng phải được xếp hạng về chức vụ của họ trong hệ thống
của địch quân và tầm quan trọng của tin tức mà họ cung cấp. Tùy theo
mức độ quan trọng, đối tượng thẩm vấn sẽ được bảo vệ và di chuyển
nhanh hay chậm về các trung tâm thẩm vấn ở cấp cao hơn, hay có thể đưa
về ngay Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương tại Sài Gòn.
Sau khi thẩm vấn hoàn tất, các tù hàng binh sẽ được
đưa ra giam giữ tại trại giam trên đảo Phú Quốc.
Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hợp
Tài liệu thu thập được của địch cũng là một nguồn
tin tình báo rất quan trọng. Cả hai cơ quan quân báo của VNCH (Phòng 2
BTTM) và Hoa Kỳ (J2-MACV) đã đồng ý thành lập Trung Tâm Khai Thác Tài
Liệu Hỗn Hơp, đặt trụ sở gần căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và bắt đầu
hoạt động từ ngày 24-10-1966, với trên 300 nhân viên quân sự và dân sự
Việt Mỹ.
Tiến trình khai thác tài liệu của địch gồm các giai
đoạn sau đây:
• Phân loại tài liệu
• Ðánh giá tài liệu
• Phiên dịch tài liệu
• Phân phối tài liệu
Trong công tác phân loại, tài liệu của địch được phân
ra làm 5 loại như sau:
• Loại A: cần phải được xử lý ngay lập tức, ví du
một bản kế hoạch của địch nhằm phục kích một đơn vị bạn, với kết
quả được thông báo ngay bằng “đường dây nóng” (hot line) cho đơn vị
bạn.
• Loại B: tài liệu có giá trị tình báo chiến lược,
thí dụ như các giấy ban khen có ghi tên cá nhân và đơn vị phục vụ,
hay các sổ sách ghi chép thành phần, quân số, vị trí đóng quân của
các đơn vị địch; loại tài liệu này sẽ nhanh chóng được dịch sang
tiếng Anh để phổ biến và đánh số tài liệu ngay; phần lớn tài liệu
được xử lý tại Trung Tâm thuộc loại tài liệu này.
• Loại C: tài liệu không có giá trị tình báo, thí
dụ một tấm bản đồ của Châu Phi; loại tài liệu này sẽ không được xử
lý mà chuyển giao ngay cho phía VNCH để tùy nghi.
• Loại D: loại tài liệu tuyên truyền, thí dụ một tờ
truyền đơn kêu gọi lính Mỹ viết thư cho một tổ chức phản chiến chẳng
hạn; loại này bao gồm cả các loại giấy bạc của Bắc Việt; loại này
cũng không được xử lý tại Trung Tâm, tài liệu tuyên truyền thì được
chuyển giao cho các cơ quan chiến tranh tâm lý, giấy bạc thì chuyển cho
các cơ quan thích hợp.
• Loại E: loại tài liệu về mật mã truyền tin, loại
tài liệu này cũng sẽ không được xử lý tại Trung Tâm mà chuyển giao
ngay cho các cơ quan về SIGINT.
Sau đó, các tài liệu thuộc 2 loại A và B sẽ được
chuyển đến một nhóm các chuyên viên cao cấp về tài liệu để họ viết
ra các bản tóm lược nội dung cho từng tài liệu. Những tài liệu quá
chi tiết sẽ được chuyển đến Ban Dịch Thuật để được dịch sang tiếng
Anh toàn văn tài liệu.
Trong suốt thời gian hoạt động, Trung Tâm đã xử lý
một số lượng tài liệu rất lớn, lên đến hàng triệu trang. Xin đơn cử
một thí dụ để minh họa: nội trong 2 tháng đầu năm 1967, với 2 cuộc
Hành Quân lớn của quân đôi Mỹ (Cedar Falls, tháng 1-1967, trong Vùng Tam
Giác Sắt; và Junction City, tháng 2-1967, tại Chiến Khu C ở Tây Ninh),
gần một triệu trang tài liệu tịch thu được của địch đã được xử lý
tại Trung Tâm. Khoảng 10% của tổng số tài liệu này đã được tóm lược
hay chuyển dịch sang tiếng Anh và phân phối đến các cơ quan và đơn vị.
Với những trang thiết bị tối tân nhứt của thập niên
1960, trong đó có cả máy in có thể in đến 6.000 trang một giờ, Trung
Tâm đã có thể cung cấp, ngay từ đầu năm 1967, mỗi ngày 1.400 cân anh
(pounds) tài liệu đã được tóm lược, chuyển dịch và sao chụp. Tất cả
các tài liệu đều được chụp vi phim, làm bảng dẫn (indexed) và đưa
vào một hệ thống máy tính (IBM 1401) đặt tại Trung Tâm Tình Báo Hỗn
Hợp Việt Nam (CICV).38
Trung Tâm Khai Thác Vũ Khí Hỗn Hợp
Ðối với giới quân sự, thông tin về tất cả các loại
quân dụng do địch quân sử dụng được xem là rất quan trọng và cần
thiết. Trung Tâm Khai Thác Quân Dụng Hỗn Hợp được thành lập để hai
quân đội đồng minh Việt-Mỹ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về vũ khí
của địch.
Trung Tâm được giao cho nhiệm vụ thu thập và khai thác
tất cả các loại vũ khí và quân dụng của địch. Công tác khai thác
bao gồm các mặt: xem xét (observation), xác định (identification), phân
tích (analysis), và đánh giá (evaluation). Mục tiêu của công tác khai thác
là tìm hiểu cặn kẽ khả năng và giới hạn của vũ khí – quân dụng,
thông báo các thông tin này cho các cơ quan và đơn vị có liên hệ để
tìm biện pháp đối phó.
Trung Tâm được tổ chức với các đơn vị chuyên môn như
sau:39
• Ban Hình Ảnh (Graphics Section): thực hiện và cung
cấp các ảnh vẽ và hình chụp
• Phòng Thí Nghiệm (Laboratory): thực hiện các phân
tích hóa học cần thiết để xác định thành phần của các chất lạ
• Ban Truyền Thông và Ðiện Tử
(Communications-Electronics Section): khai thác tất cả các loại quân dụng
có liên hệ đến truyền tin, nhiếp ảnh, và điện tử
• Ban Cơ Ðộng (Mobility Section): phân tích và đánh giá
tất cả các loại mìn bẫy cũng như các quân dụng và vật liệu về công
binh, vận tải, và xây dựng
• Ban Vũ Khí và Ðạn Dược (Weapons and Munitions
Section): xem xét (tháo ra từng mảnh), phân tách và đánh giá tất cả
các loại vũ khí và đạn dược tịch thu được của địch
• Ban Y Khoa (Medical Section): đánh giá các loại tiếp
liệu, thiết bị, và khả năng về y khoa của địch
• Ban Tiếp Liệu và Thiết Bị Tổng Quát (General Supply
and Equipment Section): phân tích và đánh giá các trang phục, vật dụng
cá nhân, lương thực, các sản phẩm về dầu khí, và các thiết bị hóa
học, vi trùng và quang tuyến của địch.
Tất cả các loại vũ khí – quân dụng tịch thu được
của địch từ các đơn vị chiến đấu đều được chuyển về các cấp lữ
đoàn hoặc sư đoàn và từ đó chuyển về cho Trung Tâm để khai thác,
ngoại trừ các trường hợp cần khai thác ngay tại chổ thì Trung Tâm sẽ
gửi các toán cơ động (“Go” Teams) đến để thực hiện công tác này.
Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam
Cả 3 Trung Tâm vừa kể trên đều có một mục tiêu chung
là tạo ra một cơ sở dữ liệu trung ương (centralized database), tối cần
thiết cho hoạt động hữu hiệu của Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp Việt Nam
(CICV).
Tòa nhà dành cho Trung Tâm được khánh thành ngày
17-1-1967 và Trung Tâm được đặt dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Frank I.
Schaf, Jr. và Thiếu Tá Cao Minh Tiếp, về nhân sự gồm có tất cả 651
nhân viên Mỹ và 164 nhân viên Việt, với sơ đồ tổ chức như sau:40
Trung Tâm hoạt động 24 giờ mỗi ngày với các ca nhân
viên luân phiên nhau. Mục tiêu của Trung Tâm là tập hợp, biên soạn và
cung cấp tin tình báo về mọi lãnh vực (quân số, diện địa, không ảnh,
mục tiêu, vv.) cho các Ban 2 (Tình Báo) của tất cả các đơn vị tác
chiến Việt-Mỹ từ cấp Quân đoàn xuống đến cấp Tiểu đoàn.
Với một lực lượng nhân viên đông đảo như vậy, cộng
thêm một cơ sở dữ liệu trung ương được tự động hóa (của Bộ Phận Xử
Lý Ðiện Tử, sử dụng máy tính tối tân nhứt của thời đó là máy INM
360-30) và chứa đựng các thông tin về mọi lãnh vực đã được thu thập
từ những Trung Tâm Hỗn Hợp kể trên và đã được các chuyên viên phân
tích và đánh giá, CICV đã có thể hoạt động với hiệu quả cao trong
việc cung cấp một cách nhanh chóng và kịp thời tất cả các loại tin
tức tình báo cần thiết cho các cơ quan an ninh cũng như các đơn vị
tác chiến.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét