Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

8072 - Làm thế nào để mua đứt một quốc gia?


CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA
Làm thế nào để mua đứt một quốc gia? Vài “điều kiện” dưới đây sẽ giúp “thỏa mãn” được tham vọng biến một quốc gia thành thuộc địa.
– Quốc gia đó không xây dựng được nền kinh tế đủ mạnh và có khả năng tự lập, tự chủ.
- Quốc gia đó không có nền chính trị dân chủ, không có hệ thống chính trị tam quyền phân lập để kiểm soát “hành vi” chính phủ. Mọi vấn đề đều do đảng cai trị quyết định.
– Quốc gia đó không có những nhóm trí thức đủ ảnh hưởng để xây dựng sức mạnh tập thể chống lại sự độc tài nhà nước.
– Quốc gia đó không có những chính trị gia đúng nghĩa sẵn sàng từ bỏ quyền lực chính trị lẫn quyền lợi cá nhân để đứng về phía người dân.
– Quốc gia đó không có một nền giáo dục tự do.
– Quốc gia đó không có hệ thống báo chí phản biện và những nhà báo dũng cảm; và quốc gia đó sẵn sàng mở rộng cửa nhà tù đối với bất kỳ ai dám nói sự thật.
– Quốc gia đó không có chiến lược đầu tư nhân lực và sử dụng nhân tài.
– Quốc gia đó bị ngoại bang can thiệp trong vấn đề nhân sự; và quốc gia đó cũng tự gắn liền số phận mình với ngoại bang.
Câu chuyện Campuchia dưới đây là bài học gần nhất và rõ ràng nhất cho thấy làm thế nào một quốc gia có thể mất chủ quyền, hay nói cách khác, làm thế nào mà một quốc gia có thể bị mua đứt một cách dễ dàng…
………

Thứ tư 19-9-2018, Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã tiếp Quốc vương Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk của Campuchia tại Điếu ngư đài. Tập hoan hỉ nói về sự đơm hoa kết trái “ngày càng rực rỡ” kể từ khi quan hệ hai nước hình thành cách đây 60 năm. Quan hệ này không chỉ dựa trên kinh tế. Nó đã biến thành đồng minh chính trị mà trong đó Campuchia ngày càng giống như một chư hầu – trung thành và “ngoan ngoãn”…
Khi “thái thú” có mặt
Không khí như một lễ hội náo nhiệt. Hơn 50.000 đảng viên trung thành, mặc áo trắng, vẫy cờ xanh, đang tề tựu tại thủ đô Phnom Penh. Thanh thế đảng Nhân Dân Campuchia của Hun Sen như rồng chầu hổ phục, trong khi đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia đã bị Tối cao pháp viện giải tán và thủ lĩnh Kem Sokha bị nhốt tù. Người nổi bật nhất chiến dịch tranh cử vào tháng 7-2018 là Hun Sen, một thủ tướng trị vì lâu nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương (33 năm, tính đến nay). 7g15 sáng, Hun Sen xuất hiện. Ông bắt đầu phát biểu. Bài diễn viên soạn sẵn được đọc suốt 70 phút, trừ một chút gián đoạn bởi cơn mưa bất chợt.
Trong số khách mời danh dự có Hùng Ba (Xiong Bo), đại sứ Trung Quốc tại Campuchia. Không có đại sứ nước nào khác hiện diện, kể cả đại sứ Hoa Kỳ William Heidt. Sự có mặt Hùng Ba là đáng chú ý, vì trước đó Bắc Kinh luôn nhấn mạnh yếu tố “trung lập” của cuộc bầu cử và liên tục cảnh báo “sự can thiệp nước ngoài”. Bắc Kinh đã “trung lập” và “đứng bên ngoài” bằng việc… hỗ trợ đến 20 triệu USD trang thiết bị cho cuộc bầu cử, từ phòng phiếu, laptop đến computer (tiết lộ của tờ Bloomberg ngày 30-7-2018). Kết quả, Hun Sen giành trọn 125 ghế Quốc hội. Một trong những việc đầu tiên Hun Sen làm sau ngày chiến thắng là gửi thư cám ơn Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Sự có mặt của “thái thú” Hùng Ba trong chiến dịch bầu cử đã nói lên mức độ hiện diện sâu của Trung Quốc tại Campuchia. “Đây là một bước đi táo bạo đối với Trung Quốc” – nhận xét của Chheang Vannarith thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) – “Trong quá khứ, Trung Quốc luôn giữ thái độ kín kẽ trong các cuộc bầu cử lẫn sinh hoạt chính trị địa phương của Campuchia. Lần này Trung Quốc rất công khai và tự tin”. Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất từ năm 2014. Điều mỉa mai ở chỗ, hồi thập niên 1980, Campuchia đã nhận viện trợ Việt Nam và Liên Xô để đánh lực lượng Khmer Đỏ được Bắc Kinh chống lưng. Nhật Bản là nước đóng góp nhiều nhất trong chiến dịch cứu trợ 2 tỷ USD do LHQ phát động năm 1993 giúp Campuchia ổn định hòa bình và xây dựng dân chủ. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và cả “người anh lớn” Việt Nam đều đang bị đẩy ra rìa. Trong diễn văn ngày 2-7-2018, Hun Sen nói rằng Trung Quốc giờ là nhà đầu tư lớn nhất tại nước mình. Năm 2017, Trung Quốc đã bơm 1,644 tỷ USD vào Campuchia (so với 600 triệu năm 2012). Chỉ riêng hợp đồng xây dựng hạ tầng mà Trung Quốc ký tính đến cuối năm 2017 đã lên đến 17,54 tỷ USD, tại một nước mà GDP chỉ nhỉnh hơn 20 tỷ USD!
Hun Sen trong lòng bàn tay Bắc Kinh
“Vì Phnom Penh xinh đẹp, chúng tôi trân trọng mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn” – đó là hàng chữ trên băngrôn của công ty bất động sản Guangzhou R&F Properties (treo trước một khu đất đang xây dựng trị giá đến hơn 2 tỷ USD). Guangzhou R&F Properties đang biến một đầm lầy 7 hecta thành khu dân cư giáp một xa lộ bốn làn được đặt tên “Hun Sen”. Bộ du lịch Campuchia cho biết, hơn 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến “đất nước Campuchia xinh đẹp” năm 2017, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Sihanoukville đã cấp 4.498 giấy phép làm việc cho người Trung Quốc. Năm 2017, số du khách Trung Quốc đến Sihanoukville lên đến gần 160.000 lượt người, trong khi dân số thành phố này chỉ là 157.000!
Đất đai Campuchia đang rơi vào tay Trung Quốc, kể cả số phận quốc gia, cũng như số phận chính trị của cá nhân Hun Sen. Ngày 27-2-2018, Chính phủ Mỹ tuyên bố cắt viện trợ Campuchia vì cuộc bầu cử Thượng viện “không đáp ứng ý nguyện người dân”. Gần như trong cùng thời gian, Đức cũng loan báo hạn chế visa cho các thành viên Chính phủ Campuchia trong đó Hun Sen. Kem Sokha, thủ lĩnh đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, bị bắt giam vào tháng 9-2017 với cáo buộc âm mưu đảo chính bằng “tài trợ Mỹ”. “Mỹ muốn chia rẽ Campuchia và phá hoại đất nước chúng ta” – phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan nói – “Mỹ hoang tưởng điên rồ và luôn muốn nhà nước Campuchia phải suy yếu để họ có thể trở lại và đuổi Trung Quốc đi”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, Hun Sen chưa bao giờ tin và có cảm tình với Mỹ. Khi làm lãnh đạo bù nhìn cai trị một nội các do Hà Nội dựng lên, Hun Sen cảm thấy uất giận vì Washington từ chối không nhìn nhận chính quyền mình. Hun Sen cũng chưa bao giờ được Washington mời đến Tòa bạch ốc. Trong khi đó, ông đã đến Trung Quốc nhiều lần và được Bắc Kinh đón tiếp nồng hậu. Năm 2016, đích thân “hoàng đế” Tập Cận Bình công du Phnom Penh. Mức độ “thù địch” công khai với Mỹ của Hun Sen tăng dần, tương ứng với sự “bảo kê” ngày có vẻ chắc chắn hơn từ Bắc Kinh. Trong buổi lễ khánh thành một cây cầu Mekong, Hun Sen chỉ vào nhóm phóng viên New York Times, gằn giọng rằng nếu bài viết của họ có nội dung “không đủ tích cực” thì “nhân dân Campuchia sẽ ghi nhớ bộ mặt các ông”. Ngày 3-3-2018, Hun Sen gọi đại sứ Mỹ William Heidt là “một tên dối trá”.
Khó có thể nói Trung Quốc không dính dáng hoặc không có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 7-2018. Chuyên gia Đông Nam Á học Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ghi nhận rằng quan hệ giữa đảng Nhân Dân Campuchia của Hun Sen với Trung Quốc được củng cố sau khi đảng Cứu Nguy Dân Tộc suýt thắng trong cuộc bầu cử 2013 và lực lượng đối lập tổ chức loạt cuộc biểu tình chống Hun Sen. Bắc Kinh không thể để vuột tay khỏi Hun Sen và mất trắng một ván bài địa chính trị mà họ đang nắm lợi thế.
Cho nên trong cuộc bầu cử tháng 7-2018, Trung Quốc đã lộ liễu thò tay. Vào giữa mùa bầu cử, Bắc Kinh loan bố cho vay 259 triệu USD để xây một con đường ở Phnom Penh. Vài ngày sau, “thái thú toàn quyền” Hùng Ba ca ngợi chính sách ngoại giao “tuyệt vời” của Campuchia và chỉ trích đề xuất cấm vận công nghiệp dệt của nước này từ Liên minh châu Âu. “Cho dù EU quyết định làm gì thì Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu hợp tác hơn nữa với Campuchia ở mọi lĩnh vực, đặc biệt thương mại và kinh tế” – Hùng Ba nói. Cuối tháng 3-2018, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị, Hun Sen viết trên Facebook cá nhân: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ủng hộ và muốn Samdech Techo (Hun Sen) giành chiến thắng để dẫn dắt số phận đất nước đi đến con đường phát triển trong tương lai”. Tháng 6-2018, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) công du Phnom Penh, tuyên bố cung cấp gói viện trợ quân sự 100 triệu USD…
Bán rẻ đất nước
Campuchia đang mắc vào bẫy nợ Bắc Kinh. Trung Quốc chiếm gần 44% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Campuchia từ 1994 đến 2014. Khoảng 70% cầu đường Campuchia đều được thực hiện với kinh phí từ nguồn vốn vay 2 tỷ USD của Trung Quốc. Theo một số nghiên cứu, Campuchia hiện nợ Trung Quốc hơn 4 tỷ USD, chiếm 2/5 nợ quốc gia nước này. Campuchia dưới thời Hun Sen đã biến thành một quốc gia chư hầu, với cái giá phải trả không ít. Viết trên Foreign Affairs (17-8-2018), giáo sư Charles Edel cho biết, Chính phủ Campuchia đã bí mật nhượng hơn 20% bờ biển cho một công ty Trung Quốc. Hun Sen luôn bảo vệ lợi ích các dự án Trung Quốc tại nước mình, bất chấp những cảnh báo về tổn hại môi trường lẫn các xáo trộn ảnh hưởng người dân địa phương.
Để được “bảo kê”, Hun Sen tỏ ra trung thành tuyệt đối với “Đảng và nhân dân Trung Quốc”. Đứng kế một viên chức cấp cao thuộc Bộ tuyên truyền Trung Quốc vào tháng 4-2017, Hun Sen “vui mừng” thông báo việc phát hành tập “triết học” của tác giả Tập Cận Bình bằng tiếng Khmer đồng thời khuyến khích “viên chức, giáo sư và sinh viên” đọc. Trong khi báo chí đối lập bị bịt miệng (tờ The Cambodia Daily với 24 năm tồn tại buộc phải đóng cửa từ ngày 4-9-2017), truyền thông Campuchia giờ đầy ngập bài viết ca ngợi Trung Quốc, cùng các ấn phẩm của China Daily, Global Times và Xinhua nhan nhản sạp báo thủ đô Phnom Penh.
Sự ổn định chính trị Campuchia ít nhiều đang nằm dưới ảnh hưởng và thao túng của Bắc Kinh. Số phận cá nhân Hun Sen cũng gần tương tự. Chính sách thân Trung Quốc của ông không chỉ mang lại lợi ích riêng ở thời điểm hiện tại. Nó còn cho tương lai lâu dài của hậu duệ. Hun Sen đã cài cắm con cái vào hệ thống chính quyền. Cậu út Hun Many đang chịu trách nhiệm “công tác thanh niên”. Hiện là dân biểu trẻ thứ hai tại Campuchia, Hun Many – từng học tại Mỹ và Úc – đã bày tỏ mong muốn trở thành thủ tướng. Cậu con cả Hun Manet (tốt nghiệp Học viện quân sự West Point-Hoa Kỳ) đang được xem là ứng cử viên số một ghế tổng tư lệnh quân đội. Trong khi đó, cậu thứ hai Hun Manith là “ngôi sao đang lên” của lực lượng tình báo.
Chỉ gắn bó với Trung Quốc mới có thể đảm bảo cho quyền lực độc tài. Chỉ bằng việc bán đứng quốc gia mới có thể duy trì chế độ, dù chỗ đứng đó sẽ bị lịch sử nguyền rủa như thế nào.
CÒN TIẾP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét