Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

8084 - Sự kiện Tất Thành Cang: ngày vui ngắn chẳng bằng gang tay?


Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Tp. HCM vừa bị cách chức ủy viên T.Ư Đảng, bước đầu để tiến hành "lột toàn bộ chức vụ" trong đảng và nhà nước.

Ông Cang, được VOV ví như là "một thanh củi lớn" đã được đưa vào "". Nhiều trang tin lấy ý kiến "cử tri đại diện", qua đó tuyên bố rằng, xử phạt ông Cang đã lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng.

Người đứng đầu ĐCSVN và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.

Khuôn mặt Trọng với lớp da chảy xệ dài, có vẻ ông đã "lao tâm khổ tứ" rất nhiều. Ông cũng cho biết, tính nhiệm kỳ khóa XII, có hơn 60 cán bộ thuộc diện T.Ư đã bị thi hành kỷ luật.


60 cán bộ trên tổng 200 ủy viên trung ương khóa XII là con số khá nhiều, nhưng nó chưa lột tả hết bản chất "tham nhũng, lạm quyền" như ngứa ghẻ trong thể chế hiện tại. Trọng, nuôi tham vọng diệt trừ tham nhũng, nhưng ông đã quá già, và tuổi già có đủ khiến ông hoàn thành việc thanh tẩy nhóm lợi ích còn lại?.

Sau Cang là ai? Là hàng chục người liên quan, bởi tính riêng sai phạm liên quan đến Thủ Thiêm, thì đã có tầm 20 cán bộ thành phố này được gọi tên, nhưng Cang là nặng nhất. 

Cang được "nêu gương", và vì thế vai trò của Cang là xử nặng tay. Cang cũng có biệt thự, thậm chí một tài khoản ở nước ngoài. Cang tích trữ mọi thứ cho mình về vật chất, được đánh đổi bởi 20 năm đời người của hàng vạn dân Thủ Thiêm. Cang nếu bị lột chức vụ, xử lý hình sự cũng là điều xứng đáng. Nhưng nếu dừng ở Cang thì không ổn, vì như đề cập trên, dưới Cang là tay chân, mà trên Cang là ô dù. Cang bị khởi tố, nó khiến cho nhóm lợi ích lùi lại, thậm chí biến chuyển sang dạng khác, chứ không vì thế mà mất đi. Không phải ngẫu nhiêm mà Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản của các công ty nhà nước, quy định chuyển nhượng đất thuộc đơn vị Đảng,... gây thiệt hại lớn, nhưng vẫn diễn ra hàng chục năm trời, dưới cái gọi là... Hội đồng Nhân dân Tp. HCM (cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan giám sát theo quy định của pháp luật).

Liệu Trọng có đủ sức để thanh tẩy những nhóm lợi ích chằng chịt trong thể chế? Rất khó, trong điều kiện chính trị thể chế đang vắt kiệt sức lực của ông. Và có vẻ trong cơn túng quẫn, Trọng cậy nhờ hoàn toàn vào luật đảng như một phương pháp kỳ diệu để duy trì sự tồn tại trường tồn của ĐCSVN.

Nhưng Trọng, bằng cách nào đó như một củ nhân sâm Ngọc Linh đầy đắt giá, được tập thể thống nhất sử dụng để cầm cự một cơ thể đã quá yếu ớt, trước khi cơ thể đó xuôi tay theo đúng quy trình. Miếng sâm đó dù làm cho khỏe hơn, nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cơ thể và sẽ bộc phát đến khi miếng sâm không còn đủ lực để níu kéo sức tấn công liên tục của mầm bệnh trong cơ thể già nua, yếu ớt.

Trọng, bằng ý chí chủ quan của mình đã ban hành các quy định, luật lệ với sự chủ quan hóa rằng, "luật đảng nghiêm" thì cán bộ sẽ trong sạch. Nhưng, ngay cả nghiêm như Trọng đánh giá, thì bản chất nó vẫn lộ ra những yếu kém và bất cập, từ quy định nêu gương thiếu tính chế tài cho đến một hệ thống công khai tài sản mà đến cả ông còn chưa thực hiện. Trong khi, về mặt luật lệ xã hội, một "Luật bảo vệ chế độ" ra đời, chủ yếu là nhằm chặn đứng các luồng thông tin bất đồng trên mạng xã hội.

Cấp dưới, bằng cách nhanh nhảu nhất, đã tung ra bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để làm hài lòng ý chí dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến. Còn tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với công an đấu tranh để xử lý các trang mạng xuyên tạc chủ trương xây khu lưu niệm 28 tỷ đồng.

Ngoài xã hội không còn bất đồng chính kiến về mặt hình thức và một xã hội giám sát từ trên xuống (thay vì từ dưới lên theo nguyên tắc dân chủ cơ sở) đang hình thành. Một xã hội run sợ, co rúm được bao vây bởi bộ máy an ninh đồ sộ sẽ là tiền đề cho tham nhũng, và lạm quyền gấp nhiều lần ra đời trong tương lai.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi vào bế tắc sau khi ông Trọng rời nhiệm sở, hoặc sau khi ông mất đi. Vì, ông triệt tiêu tất cả những biện pháp lâu dài nhất, hiệu quả nhất trong phòng chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực: sự giám sát từ nhân dân. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng bằng cách nào đó đề cao "luật đảng", hạ thấp "luật nhà nước". Chính vì vậy, các đối tượng tham nhũng sẽ lùi vào màn tối, và tiếp tục sản sinh trong cơ chế.

ĐCSVN giả như có tiêu vong trong tương lai xa gần đi chăng nữa, thì sự tiêu vong đó chắc chắn có sự góp phần không nhỏ từ Trọng. Một người tự tưởng mình là "ân nhân", nhưng hóa ra chỉ là "kẻ tội đồ" không hơn không kém. Bởi Trọng, không khác gì Tự Đức, người cấm đạo triệt để, mở rộng bế quan tỏa cảng để giữ gìn ngai vàng, nhưng cuối cùng đã mất cả vương triều nhà Nguyễn. Một nhà thơ (Tự Đức) được đặt lên Ngai vàng, và một nhà chuyên ngành xây dựng đảng từ Liên Xô (Trọng) được đặt lên ngai vàng. Kết cục sẽ không khác nhau là mấy.

Sự kiện Tất Thành Cang, vì thế ngày vui ngắn chẳng bằng gang tay!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét