Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

10334 - Lời xin lỗi của quan chức chỉ là hình thức, thiếu thành tâm


Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Hình minh hoạ

Truyền thông trong nước ngày 23/5 loan tin cho biết Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội đã gửi thư xin lỗi tới các phụ huynh và học sinh các trường tiểu học cũng như trung học cơ sở trong địa bàn quận. Trước đó, trong buổi lễ trao thưởng cho học sinh giỏi, các em được thưởng những gói quà đẹp nhưng chỉ có tờ giấy A4 màu xanh bên trong. Phía phụ huynh đã bức xúc trước sự việc này và lan truyền thông tin rộng rãi trên mạng.
Cũng trong ngày 23/5, báo trong nước cho biết Bộ Công Thương cũng đã phản hồi thông tin đề nghị ‘xử lý người góp ý kiến việc tăng giá điện’ gặp nhiều phản đối từ phía người dân thời gian gần đây.
Theo đó thì Bộ khẳng định không kiến nghị như vậy, đây chỉ là ‘lỗi diễn đạt’, phía Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ muốn đề nghị ‘chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội’.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch công ty Điện lực EVN, Đại biểu Quốc hội, trong phiên họp Quốc hội ngày 22/5 với phát biểu ‘trong số 27 triệu người dùng điện, chỉ có 19 trường hợp phản ánh lên báo chí và mạng xã hội, nghĩa là không phải số nhiều’. Lời phát biểu này nhanh chóng được người dùng mạng xã hội chia sẻ, nhắn tin chất vấn ông Thành và cả những người trong gia đình ông Thành. Sau đó ông phải lên tiếng công khai xin lỗi cho biết mình nói đùa.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, sự việc những nhà lãnh đạo trực tiếp xin lỗi dân chỉ xảy ra trong thời gian gần đây:
“Cách đây khoảng 10 năm, chuyện cán bộ xin lỗi dân rất hiếm, từ khi tinh thần dân chủ được phát huy, tôi thấy câu xin lỗi xuất hiện ngày càng nhiều, và trở thành câu cửa miệng, kiểu hứa để đấy, xin lỗi rồi không sửa lỗi, những lời xin lỗi như dao chém đá.”
Cùng suy nghĩ với Luật sư Hậu, từ Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết:
“Lời xin lỗi này chỉ là đối phó thôi, không phải chân thật vì bản chất của họ là đe dọa, khủng bố được người dân thì khủng bố, khi không được nữa, người dân phản ứng dữ dội thì bấy giờ mới rút lui bằng cách khác.”
Thư xin lỗi của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thư xin lỗi của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội. Internet

Còn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người làm trong ngành giáo dục hơn 30 năm và cũng là nhà hoạt động dân sự, lại cho rằng:
“Quan chức Việt Nam thì tất cả, có lẽ trừ cụ Hồ thời Cải cách ruộng đất thì cụ xin lỗi và khóc có lẽ là thật, chứ còn sau này tất cả họ xin lỗi chỉ là hình thức thôi, giả dối bởi vì xin lỗi nhưng họ không sửa chữa, không chuộc lỗi, không tạ lỗi, không thay đổi gì hết. Họ làm rất láo sau đó bị sức ép của dư luận thì họ mới nói một câu để xin lỗi. Đó là cách đối phó chứ thật tâm họ không hề có mặc cảm gì cả mà họ luôn luôn chối bỏ.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, việc xin lỗi là văn hóa đạo đức của con người. Ông cho rằng xin lỗi là phải tự người có lỗi nhận thấy họ sai thì trong lương tâm mới ân hận rồi xin lỗi một cách thành tâm. Nếu làm tổn thất người khác, không chỉ xin lỗi mà còn phải chuộc lỗi, tạ lỗi. Chỉ như thế mới có thể làm cho người bị hại tha thứ, đồng thời chính người gây ra lỗi đó mới có thể thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, mới thấy lòng mình nhẹ nhõm và có thể được tha thứ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng lãnh đạo ‘xin lỗi nhưng chưa tạ lỗi, chuộc lỗi’ lại thường xuyên xảy ra, trong đó điển hình nhất là vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các quan chức lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh liên tục gặp gỡ, lắng nghe những giãi bày của các cử tri, nhưng sau hơn 20 năm, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng cho người dân.
Giải thích vì sao lại có chuyện xin lỗi hình thức cho xong, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng:
“Quan niệm của quan chức cộng sản rất lạ, luôn nói vì dân, do dân, phục vụ dân nhưng họ độc tài, biết dân không làm gì được mới thành thói quen quan liêu, độc đoán, khinh dân, khi nào bị sức ép quá thì họ xin lỗi qua loa, đâu vào đấy, không thay đổi được bản chất bởi vì họ bao che cho nhau, không sao cả. Chưa thấy người nào ăn năn hối lỗi về lỗi lầm đối với nhân dân.”
Do đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, lời xin lỗi chỉ có giá trị khi người lãnh đạo biết nhận khuyết điểm, biết xin lỗi trước dân và có lộ trình khắc phục lỗi rõ ràng.
“Câu xin lỗi và mong được thông cảm của những người đứng đầu theo tôi nghĩ ai sẽ là người thông cảm cho người dân. Tôi thấy rằng phải biến lời xin lỗi đó bằng hành động thì người ta mới thấy là đúng với nghĩa đó.”
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, việc sửa đổi, khắc phục sau mỗi lần quan chức công khai xin lỗi dường như rất khó xảy ra ở Việt Nam:
“Lâu nay ở Việt Nam muốn sửa đổi điều gì về mặt chính sách, về mặt pháp lý thì nó cực kỳ khó, có những việc rành rành ra rồi nhưng mà hàng năm, thậm chí hàng chục năm không sửa đâu. Do đó tôi không tin lời xin lỗi của các vị quan chức kia là thành tâm và họ sẽ sửa đâu, họ sẽ mặc kệ. Ở Việt Nam chúng tôi lâu nay rất thất vọng vì những mong muốn thay đổi, chỉ ra những lỗi sai của quan chức nhưng họ không sửa chữa gì cả, những lời nói của họ chỉ sáo rỗng, nói ra chỉ để đấy.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét