Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

15233 - Trần Quốc Vượng bắt đầu được cho ‘xuất cảnh’?



Kết quả hình ảnh cho trần quốc vượng và tập cận bình
Trần Quốc Vượng trong một lần gặp Tập Cận Bình, ngày 20/8/2018 Photo Vnews.gov.vn

Ít ngày sau khi Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền ở Việt Nam kết thúc, quan chức Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã có một chuyến công du vừa công khai vừa lặng lẽ đến Cộng hòa Séc từ ngày 22 đến 24 tháng 10, được báo đảng mô tả là “theo lời mời của Phó chủ tịch Thứ nhất Hạ viện Séc, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM) Vojtech Filip”.
Bắt đầu ‘xuất cảnh’
Kể từ khi Trần Quốc Vượng được Nguyễn Phú Trọng bố trí vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương và sau đó được đôn lên chức Thường trực Ban bí thư để trở thành nhân vật số 2 trong đảng, đây là một trong hiếm hoi lần ông ta xuất hiện ở nước ngoài trên danh nghĩa ‘quan hệ kênh đảng’.
Séc là quốc gia có tiền thân là cộng sản từ thời Tiệp Khắp và được xem là có mối quan hệ khắng khít ‘anh em xã hội chủ nghĩa’ với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào những năm 90 của thế kỷ XX, Séc vẫn được Việt Nam xem là ‘quốc gia thiện chí’ về quan hệ thương mại. Quốc gia này cũng là bến đỗ của hàng trăm ngàn người Việt, trong đó không thiếu mặt dân giang hồ buôn lậu và rửa tiền.
Vào năm 2017, cái tên Séc còn trở nên nổi bật khi nổ ra vụ sân bay Bratislava ở thủ đô của nước láng giềng với Séc là Slovakia bị giới cảnh sát điều tra của Slovakia và Đức nghi ngờ là trạm trung chuyển cho nhóm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nhóm bắt cóc này lại bị đặc tả là mật vụ Việt Nam và có dính dáng đến đương kim bộ trưởng công an Tô Lâm. Một người Việt sống ở Séc tên là Nguyễn Hải Long, được cho là đã tiếp tay cho nhóm bắt cóc Thanh, đã bị đưa ra tòa án thượng thẩm Berlin xử và phải nhận án tù giam. Quan hệ Séc - Việt cũng bởi thế đã trở nên lạnh nhạt và có phần căng thẳng trong một thời gian khá dài.
Việc lựa chọn Séc là điểm đến cho quan chức ‘đảng phó’ rất có thể là do Séc ‘dễ chơi’ - theo cách nhìn của Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam. Những người lãnh đạo của Cộng hòa Séc, tuy có thể đã biết tỏng thói khôn lỏi và ‘xin không được thì bắt cóc’ của giới quan chức Việt, dù sao vẫn còn đối xử nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc Nhà nước Đức đã thẳng tay tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9 năm 2017, hai tháng sau khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Chuyến công du Séc của Trần Quốc Vượng vào lần này, ngoài chuyện ‘quan hệ kênh đảng’, còn là những cuộc gặp của Vượng với một số quan chức bậc trung cao của Séc như Phó Thủ tướng Thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Séc, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) Jan Hamacek; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Karel Havlicek, hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM) “nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn”.
Tuy nhiên, đã không có tin tức nào về việc Trần Quốc Vượng tiếp xúc với cấp cao hơn cấp phó thủ tướng. Với nhân vật có quyền lực đứng thứ hai trong đảng CSVN, kết quả như vậy là hơi đáng thất vọng.
Nhưng dù gì với chuyến công du trên, Trần Quốc Vượng đã có chuyến ‘xuất khẩu hình ảnh’ gần như đầu tiên của mình, bắt đầu có thể chạy đua với ‘hình ảnh đối ngoại’ mà hai ứng cử viên tổng bí thư khác là Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc đã có thừa thời gian để vun vén.

Đảng có ‘thay ngựa giữa dòng’?

Từ năm 2017 đến nay, Ngân và Phúc đã dồn dập đi châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu, nhằm vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Sau những hình ảnh về nhiều bộ áo cánh diêm dúa của Nguyễn Thị Kim Ngân được phô bày lả lướt, hay tiếng nổ vang trời của Thủ tướng Phúc ‘cho bọn phản động rã rời chân tay luôn’ ở vùng Đông Âu, cả hai nhân vật này đều thu lượm kết quả đánh bóng không quá tệ trên mặt báo đảng về ‘vận động EVFTA thắng lợi’. Mà loại thành tích như thế lại đặc biệt có ích khi cần vận động tranh cử tổng bí thư.
Trong khi đó, những quan chức thuần túy thuộc khối đảng, làm công tác đảng và hình như chẳng biết gì ngoài đảng như Trần Quốc Vượng lại không có danh nghĩa nhà nước để xuất ngoại và để được chính phủ các nước ‘mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Ngoài chuyến công du Cộng hòa Séc, một chỉ dấu khác cho thấy Trần Quốc Vượng vẫn được Nguyễn Phú Trọng ‘tin yêu’ và vẫn giữ vai trò ứng cử viên số một cho ghế tổng bí thư ở đại hội 13 là tại Hội nghị trung ương 11 vào tháng 10 năm 2019, Vượng đã được Trọng phân công chủ trì hai ngày họp của ban chấp hành trung ương, bằng với số ngày chủ trì của Phúc và Ngân. Tuy nhiên tính chất chủ trì của Trần Quốc Vượng lại được một luồng phân tích chính trị cho là ‘chủ trì toàn diện’ mà do đó ‘làm thay tổng bí thư’, khác với Phúc và Ngân là ‘chủ trì thường’ và vẫn dưới bàn tay điều khiển của Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến ‘xuất khẩu hình ảnh’ của Trần Quốc Vượng tại Cộng hòa Séc diễn ra trong bối cảnh đảng cầm quyền ở Việt Nam đang chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 12 vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, mà nhiều khả năng sẽ chốt danh sách sơ bộ các ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Chuyến đi này cũng nằm trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đang có những dấu hiệu suy yếu sức khỏe khá rõ, không thể đi Mỹ gặp Trump và thậm chí khó lòng trụ nổi đến đại hội 13.
Nếu kịch bản Trọng bị ‘thay ngựa giữa dòng’ xảy ra, Trần Quốc Vượng sẽ là cái tên đầu bảng để trám vào ghế tổng bí thư.
Ngay khi chuyến xuất cảnh đầu tiên của Trần Quốc Vượng diễn ra, một dấu hỏi cũng theo đó xuất hiện: phải chăng trong tình thế không thể đi Mỹ mà phải tìm một người khác thay thế mình, Nguyễn Phú Trọng đang muốn Vượng tập làm quen với việc được chính giới phương Tây tiếp đón và hy vọng sau đó sẽ đến lượt Trump chìa tay ra với Vượng, thay vì ủy quyền cho Phúc bước qua ngưỡng cửa Phòng Bầu Dục?
Nhưng như thói đời kiêm thói đảng, càng lên cao càng dễ bị thị phi và cả ‘đâm dao sau lưng’. Từ năm 2018, cái tên Trần Quốc Vượng bắt đầu xuất hiện trong vài bài viết trên mạng xã hội và những bài viết đả kích ấy kéo dài cho đến nay với tần suất ngày càng dày hơn.
Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng vẫn có thể tự an ủi mình: dù sao tên ông ta không rơi vào lời sấm Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm “Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt; Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong” - mà đã cồn lên như sóng thần biển khơi sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang trên ghế chủ tịch nước vào tháng 9 năm 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét