Hôm qua 31.10, báo chí đưa tin một vị bộ trưởng trong nội các Nhật của thủ tướng Shinzo Abe, ông Katsuyuki Kawai, đứng đầu Bộ Tư pháp, đã tự giác từ chức. Lý do: khi ông tranh cử nghị viên, bà vợ ông đã thật thà biếu khoai và ngô, những thức cây nhà lá vườn, tự trồng được, cho cử tri. Dư luận Nhật bảo rằng đó cũng là hành vi mang tính hối lộ, mua chuộc. Người Nhật dứt khoát không chấp nhận sự lem nhem. Ông Kawai không muốn mang tiếng là người lem nhem. Chuyện này sẽ bàn thêm ở phần cuối.
Nhắc tới khoai, nghĩ ngay tới xứ mình. Khoai là một phần của cuộc sống người Việt, là bản sắc Việt, có khi còn hơn cả hoa sen, áo dài, những thứ gần đây được xưng tụng, tung hô thành quốc này quốc nọ. Khoai có nhẽ chỉ chịu xếp đứng sau rau muống và truyện Kiều.
Suốt thời thò lò mũi xanh, quần đùi cởi trần đánh dậm, tới tận khi biết để ý gái làng, tôi rặt ăn khoai. Bữa chính khoai, bữa phụ cũng khoai. Sáng khoai, tối khoai, đến nỗi đùa nhau, nhà mày ăn cơm chưa, chứ nhà tao khoái ăn sang (sáng ăn khoai). Nồi cơm, gọi là cơm cho ra vẻ chứ thực ra một phần gạo bốn phần khoai. Đang dở bữa, thấy khách tới, chị tôi kín đáo đậy vung nồi lại kẻo người ta nhìn thấy sẽ cười thày bu. Chị tôi bảo vậy. Chị thường giành ngồi đầu nồi, không phải để tranh ăn, mà chủ động nhặt nhạnh bới xới những chỗ có cơm rải rác dồn vào bát thày bu, sau đó là các em, khi tới phần mình chỉ rặt khoai là khoai. Ký ức về khoai, chị tôi và sự tử tế cứ theo mãi tới bây giờ.
Suốt bao nhiêu năm như thế, cái thời thiếu đói và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp nữa là chiến tranh “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, khoai với người nông dân miền Bắc chả khác gì người bạn thân thiết, như vị cứu tinh. Nhiều khi, ăn độn, ăn khoai ngán tận cổ, đám trẻ con chúng tôi thiếu điều kêu trời, đả đảo khoai, coi nó như quân thù quân hằn, buộc cho nó tội hành hạ, tra tấn mình, làm khổ mình, ác hơn cả quân Mỹ Diệm. Tới khi có miếng cơm trắng thường xuyên mới vỡ nhẽ mình tệ, mình bạc. Lại nhớ trong sách tập đọc lớp 2 hay lớp 3 gì đó, có câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.
Sau năm 1975, vào miền Nam mưu sinh, tôi lẩn mẩn hỏi các anh chị đồng nghiệp cùng lứa tuổi, rằng hồi xưa các bác trong này có phải ăn độn không, ăn khoai không. Nhiều người ớ ra, không biết “độn” là cái gì, có người còn hỏi là thứ củ gì. Còn khoai á, ăn hoài, đủ kiểu ăn chơi làm từ khoai. Khi tôi kể đám chúng tôi phải ăn khoai trừ bữa, thay cơm, thầy Long dạy lý cười hềnh hệch bảo mấy thầy nói giỡn hoài, miền Bắc xã hội chủ nghĩa giàu có, làm chi nghèo đói như vậy. Thầy Vy cười bảo thầy Long, thầy đừng tin, nó nói chơi đó, nói đùa thôi, chứ ngoải cơm trắng gạo tám thơm quanh năm xơi chả hết, làm gì có chuyện ăn khoai ăn độn. Nói xong, thầy Vy cấu cho tôi một nhát, kiểu như ai khảo mà xưng, mặc dù thừa biết làm sao giấu được các bố ấy.
Nhưng chỉ vài tháng sau, cuối năm 1977, tôi và thầy Vy chẳng cần chứng minh nữa, mà thầy Long cũng không phải tìm hiểu thêm nữa. Khẩu phần 16 ký lương thực mỗi tháng chỉ còn 5 ký gạo, thậm chí suốt năm 1978 - 1979 mỗi tháng chỉ còn 3 ký gạo. Còn lại là khoai lang, khoai mì (củ sắn), mì sợi, và nhất là đặc sản của thời đại xã hội chủ nghĩa vẻ vang: hạt bo bo. Bo bo là tên gọi nôm na của người miền Nam, chứ dân Bắc vẫn trịnh trọng gọi bằng cái tên hạt mạch, lúa mạch. Thứ mà người ta dùng nuôi lợn nuôi bò, suốt hơn chục năm xứ ta dùng để nuôi người. Nhiều năm sau, cứ nhắc tới bo bo, người đời vẫn rùng mình. Ngay cả tôi, cũng không có cảm giác biết ơn nó như mình từng biết ơn khoai. Bo bo là thứ ký ức buồn, đau khổ, đen tối. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét