Học sinh lớp hai trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội. AFP
Ép trái non chín sớm
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn học xác suất - thống kê sẽ được áp dụng cho học sinh từ lớp 2. Việc này đang gây tranh cãi khi nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ lớp hai không thể tiếp thu môn học dành cho người lớn như vậy. PGS.TS Ngô Hoàng Long, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết môn học xác suất - thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12.
Lý giải về việc này, PGS Long cho biết, ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản thì học sinh ngày nay cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất để vận dụng xử lý, phân tích thông tin. Việc có kiến thức về xác suất, thống kê sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Ông Chế Quốc Long, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bật cười khi nghe tin này và nói vui rằng chỉ có người điên mới bắt trẻ con học môn này. Ông nói thêm:
“Môn này ngay cả sinh viên đại học còn học rất khó khăn. Với đứa trẻ 7 tuổi, tuổi để chơi chứ đâu phải vùi đầu vô học. Trẻ con hiện nay đã bị ép học quá sức với chương trình nặng nề, quá tải, thiên về nhồi nhét kiến thức, giết chết sáng tạo, làm cho trẻ em không thể suy nghĩ độc lập. Thêm môn học này thì nền giáo dục càng thêm bệ rạc.”
Cô giáo Xuân Mai thì chỉ biết kêu Trời khi nghe thông tin này qua báo chí vì theo cô môn học này rất khó, không phải ai cũng học được, phải là học sinh chuyên toán cấp 3 trở lên mới có thể học được. Cô cho rằng chương trình học bây giờ đã quá nặng, các cháu học ngày học đêm, học thêm, học không ăn không ngủ…bây giờ còn học xác suất thống kê thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần đứa trẻ. Cô nói:
“Học trò lớp hai còn nhỏ lắm làm sao nó học nổi? Môn đó đâu thể dành cho học sinh tiểu học. Cô nghĩ mấy ông việt cộng này muốn giết chết thế hệ trẻ. Nếu học sinh lớp hai bị bắt học như vậy thì các cháu sẽ bị tâm thần hết luôn.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc từng tốt nghiệp cao học kinh tế cũng không thể tin vào mắt mình khi đọc thông tin này trên báo chí nhà nước. Theo ông, môn học xác suất - thống kê là một môn học vô cùng khó ngay cả đối với sinh viên đại học. Môn học này có hai phần là xác suất và thống kê. Mục đích của môn học này là để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày; Ứng dụng vào kinh tế để xác định mức độ rủi ro trong đầu tư, kinh doanh. Cao hơn nữa là để phân tích đường lối, dự báo kinh tế cho những chiến lược, kế hoạch dài hạn 10, 20 thậm chí 30 năm cho đất nước … Ông cũng cho rằng trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nếu bị nhồi nhét môn học của người lớn này:
“Tôi không biết những đứa trẻ lớp hai, làm còn chưa thông pháp cộng phép trừ mà được dạy xác suất thống kê thì dạy cái nỗi gì?
Tôi nghĩ đưa môn xác suất - thống kê vào thì các cháu sẽ bị hoảng loạn tâm lý nếu nhẹ, còn nặng thì bị tâm thần.”
Theo ghi nhận của RFA, hầu hết phụ huynh và giáo viên đều cho rằng chương trình học phổ thông của trẻ hiện nay quá nặng khiến đứa trẻ không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà chỉ biết lao đầu vào học đến kiệt sức nhưng kết quả lại không như ý muốn của cha mẹ và thầy cô nên nhiều trẻ có phản ứng rất tiêu cực.
Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011-2015 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố, mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng bởi đứa trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong một lần trao đổi với RFA về nền giáo dục hiện nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Thuý Hằng, PGĐ trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng Việt Nam hiện nay đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia cho công cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Muốn thực sự cải cách phải có kế hoạch và tài chính hùng hậu, phải có cái tâm trong sáng, có chính kiến, định hướng rõ ràng và phải “biết lắng nghe”.
Từ sau năm 1975, giáo dục ở Việt Nam đã nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học... khi Chính phủ ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009); chưa kể những thay đổi ở các bậc học khiến ngành giáo dục càng ngày càng mất cân đối.
Giáo dục Việt Nam bị cho là đang đi lạc đường với bao lần cải cách vì không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục rõ ràng nào.
Ông Nguyễn Đình Ngọc cho rằng:
“Việc đưa môn xác suất thống kê dạy cho trẻ lớp hai thì lại thêm một bằng chứng cho thấy giáo dục ở Việt Nam hiện nay là nền giáo dục phản khoa học, phản giáo dục, phi triết lý.
Những vị chấp bút soạn ra những giáo trình như vậy thì cần phải được xem xét lại xem trình độ của họ có đủ để làm nên một nền giáo dục thực tế không chạy theo những hư danh vô bổ hay không? Tôi nghĩ đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ Giáo dục.”
Ông yêu cầu phụ huynh và các giáo viên phải lên tiếng bởi chưa chắc các thầy cô giáo ở bậc tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) hiểu được môn học xác suất - thống kê này.
Cô Xuân Mai còn nói: “Xin lỗi chứ ông Bộ trưởng Nhạ chưa chắc học được chứ đừng nói tới mấy cháu.”
Theo nhận định của một số người quan tâm đến tình hình trong nước thì trách nhiệm chính trong việc một nền giáo dục cứ loay hoay trong cải cách như vậy chắc chắc thuộc về các vị lãnh đạo trong Bộ giáo dục, nhưng phụ huynh và giáo viên cũng không thể không chịu trách nhiệm liên quan khi chỉ biết nhắm mắt làm theo mệnh lệnh.
Với việc bắt trẻ lớp hai học môn học xác suất - thống kê, bà Trịnh, một phụ huynh có con nhỏ đang học lớp 1 ở TP.HCM nói với RFA rằng dù đã tốt nghiệp đại học nhưng bà vẫn không hiểu được môn học đó là gì mà chỉ nghe qua thôi. Bây giờ bắt trẻ con học thì buộc bà phải cho con đi học thêm chứ không biết đâu mà chỉ cho cháu, nhưng bà vẫn không lên tiếng với nhà trường hay giáo viên. Bà nói:
“Giờ chỉ có theo thôi chứ lên tiếng sao được? Ở đây là phải chịu vậy thôi. Thường cái gì đề xuất thì mạng xã hội như zalo, facebook quan tâm lên tiếng. Thầy cô giáo, hiệu trưởng cũng thấp cổ bé họng thôi, chỉ có “thằng” trên Bộ soạn sách, bán sách là có quyền.”
Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, cô giáo Xuân Mai nhận định đứa trẻ phải được dạy dỗ, chăm sóc đúng cách để tư duy phát triển theo lứa tuổi cho nên vì quyền lợi của con trẻ thì phụ huynh phải lên tiếng. Cô nói:
“Không thể để nhà trường muốn làm gì thì làm. Lỗi cũng là do phụ huynh học sinh. Mình phải phản đối chứ. Con em mình đâu phải chuột bạch mà muốn đem ra thí nghiệm thì đem?!”
Ngoài những ý kiến mà RFA nhận được từ các nhà giáo, phụ huynh như đã nêu ở trên, chúng tôi cũng đã ghi nhận có khá nhiều ý kiến phản ứng của các facebookers về đề nghị đưa môn xác suất - thống kê vào lớp 2.
Trích sau đây nguyên cảm thán của facebooker Đỗ Văn Ngà đăng trên trang cá nhân của ông, để khép lại câu chuyện về cải cách “thụt lùi” của ngành giáo dục Việt Nam: “Ép bộ óc non nớt phải gánh vác nhiệm vụ của bộ óc trưởng thành là hình ảnh về phương pháp giáo dục sai. Đấu đá nội bộ là hình ảnh bộ máy quản lý giáo dục nát. Già vô đạo đức và trẻ thiếu hiểu biết là kết quả của ngành giáo dục ấy. Đấy là toàn cảnh của nền giáo dục Việt Nam, không biết bắt đầu từ đâu để sốc lại cho nó đi đúng hướng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét