Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

15272 - Săn chuột đồng miền Tây

Tô Văn (motthegioi.vn)


 Tưởng săn chuột đồng là công việc dễ dàng nhưng rất kỳ công và cực khổ - Ảnh: Tô Văn

Bước vào mùa gặt, dọc theo các ruộng lúa thấp thoáng những bóng người đi săn chuột. Đi săn chuột trên đồng tưởng như công việc dễ dàng nhưng thật ra rất kỳ công và cực khổ.

Như đã lên lịch hẹn, người em Đỗ Tiến Tới (30 tuổi ngụ ấp Kênh Đào, xã Phú Thuận) rước tôi bằng chiếc honda cà tàng băng qua những con lộ nông thôn trên địa bàn xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Dừng chân tại một cánh đồng đang gặt lúa, trước mặt tôi là 1 chiếc máy cắt gặt đập liên hợp đang phì phò chạy, xa xa những thanh niên đang đứng xem.


Thấy người lạ, một thanh niên tiến về phía chúng tôi: “Bạn em hả Tới? Rủ đi bắt chuột à! Nhìn tướng này bắt được hông?”. Tới cho biết: “Anh ta tên Nguyễn Văn Hải (42 tuổi, ngụ cùng địa phương). Ở cái xã này, anh Hải mà đi săn chuột rồi nhìn cách cầm cây đập chuột, dùng chân đá rơm, tai nghe tiếng động của chuột, ai mà đi sau có nước xách xe không đi về. Khi bắt chuột trên đồng, anh Hải thường bắt được từ 4-5 kg chuột to, hiếm có ai trong xã bắt chuột bằng anh ta”.
Cứ sau vụ thu hoạch lúa vụ 3, lại có nhiều người tranh thủ rủ nhau đi săn chuột đồng - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo Tới, vài năm trở lại đây, khi chuột trở thành món đặc sản thì người dân các nơi lại lên cơn sốt săn lùng chuột đồng để ăn hoặc làm thịt đem bán. Nhiều cánh đồng ở các xã lân cận trở thành nơi lý tưởng cho các nhóm chuyên bắt chuột.
Gần 9 giờ sáng, cuộc đi săn bắt đầu. Tôi cùng Tới và nhóm anh Hải băng đồng trong ánh nắng cháy da. Thấy tôi cứ lập cà lập cập bước run rẩy, anh Hải luôn miệng giục tôi bước sát theo anh cố quan sát và nghe tiếng động trong đám rơm mà chiếc gặt đập liên hợp đi qua. Song phần vì quên đem theo nón và chưa quen đường nên tôi cố bám theo anh với dáng đi chân thấp chân cao như bị tật.
Khi đi săn chuột đồng là phải theo nhóm, đi chân đất, dụng cụ là cây tre - Ảnh: Tô Văn
Bộ đồ nghề của thợ săn chuột đơn giản chỉ có cây tre, rọng đựng chuột. Bám riết theo anh Hải, chỉ cần thấy một vài thao tác của anh cũng đủ thấy anh là một tay săn chuột giỏi. Đặc biệt là cái tài quan sát - như một thứ linh cảm, một giác quan thứ sáu và chỉ có ở người làm nghề chuyên nghiệp mới sở hữu được. Trên cánh đồng đang thu hoạch, chỉ cần rảo một vòng là trên tay anh đã có 2 con chuột to đùng.
Chỉ cần một cú lướt chân qua bụi rơm, anh Hải cũng có thể phát hiện một cách chính xác nơi ẩn nấp của chuột. Ngoắc cây tre sang vệt đường bên phải để chụp con chuột cơm mới vừa chạy nằm dưới bụi rơm, anh Hải nói: “Chuột cơm lẹ lắm, khi nghe tiếng bước chân người là nằm thu gọn một chỗ. Chúng chui rút lòn lách qua các bụi khác nên khó phát hiện. Lắm lúc nó ở ngay dưới chân mình hoặc lấy tre đập đập ngay nó thà chết chứ không chạy ra”.
Thao tác đá chân, căng mắt tìm chuột - Ảnh: Tô Văn
Cười tươi sau khi bắt được con chuột to, anh Hải vui vẻ bật mí: "Kỷ lục của nhóm tôi là 1 ngày bắt được hơn 60 kg chuột sống. Bình thường, mỗi ngày mấy anh em bắt được khoảng 25 - 30 kg chuột sống. Mỗi lần cân chuột sống bán ra với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn chuột được làm sẵn có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Tính sơ sơ, mỗi người đút túi nửa triệu đồng/ngày, gấp nhiều lần so với đi làm thuê".
Ngoài anh Hải, tại đây tôi còn được diện kiến anh Võ Văn Tùng (42 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khánh, H.Thoại Sơn) người có thâm niên hàng chục năm trong nghề săn chuột. Cứ sau mỗi vụ lúa tại 1 xã nào đó, khi hay tin thì anh phóng xe máy cả chục cây số để săn chuột.
2 con chuột không thoát khỏi bàn tay anh Tùng - Ảnh: Tô Văn
“Ở huyện này, nhiều thanh niên theo nghề săn chuột đồng nên chuột bây giờ ít lắm, phải đi các nơi mới có nhiều chuột để bắt. Chuột đồng bắt sau vụ lúa cuối (lúa vụ 3) là thời điểm chuột có thịt ngon, béo hơn những mùa vụ khác trong năm. Vì vậy, cứ sau vụ thu hoạch lúa vụ 3 lại có nhiều người tranh thủ rủ nhau đi săn chuột đồng. So với năm rồi, lượng chuột năm nay nhiều và béo hơn nên cánh tụi tui cũng thu hoạch được khá”, anh Tùng lý giải.
1 con chuột to săn được - Ảnh: Tô Văn
Với kinh nghiệm bắt chuột lâu năm, anh Tùng tiết lộ: “Để săn được nhiều chuột mà ít tốn công sức thì phải tìm chỗ nào mà người dân vừa gặt xong là hay nhất, vì những ruộng lúa cuối cùng bao giờ cũng có rất nhiều chuột tập trung về phá lúa. Không cần đào phá nhiều, cả nhóm chỉ cần khoét 1 hố nhỏ rồi chờ thời cơ đến là bắt được trọn ổ”.
Hơn 20 phút cả nhóm săn số chuột khoảng 5 kg - Ảnh: Tô Văn
“Chụp chuột theo lúa thường theo lối phán đoán. Người bắt phải quan sát thật kỹ vạt lúa lúc chuẩn bị cắt xong, xem hướng đi của chuột. Sau đó nhào vào nhanh tay chụp chuột đang chạy ra sau vạt lúa vừa mới cắt. Người nào tinh mắt, chụp nhanh thì bắt được vài ký chuột đồng/ngày, còn ai chậm tay, chưa thành thạo thì chỉ bắt được khoảng 1-2 kg/ngày, như anh thấy đó, hôm nay gặp anh Hải tại nơi đây chắc tụi tui thất thu”, anh Tùng chia sẻ.
Mỗi ngày mấy anh em bắt được khoảng 25 - 30 kg chuột sống. Tính sơ sơ, mỗi người đút túi nửa triệu đồng/ngày, gấp nhiều lần so với đi làm thuê - Ảnh: Tô Văn
Sau buổi săn chuột, anh Hải rủ tôi và Tới về nhà và được tận mắt nhìn anh chế biến món chuột nướng sa tế, chuột khìa nước dừa xiêm. Riêng khâu chế biến món chuột khìa nước dừa thì khá là công đoạn. Trước tiên phải làm sạch chuột lấy 2 cục hạch ở 2 bẹn đùi, cắt hết lớp mỡ trắng nằm trên ổ bụng, cháy mỡ tỏi cho thơm vàng đổ vào thau ướp chuột. Tiếp đó nêm gia vị gồm: ngũ vị hương, đường, tiêu, tỏi, ớt, nước mắm… để cho chuột thấm khoảng 30 phút rồi đem khìa.
Rót 1 ly rượu, gắp miếng thịt chuột, nhâm nhi dưới gốc tre già, hưởng cơn gió làng quê thì còn gì bằng - Ảnh: Tô Văn
Cầm con chuột vừa được khìa trên tay, mùi thơm tỏa ra khiến người ngồi kế bên không cầm lòng được… Rót một ly rượu gấp miếng thịt chuột dưới gốc tre già, hưởng cơn gió làng quê thì còn gì bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét