Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

15273 - Hiệp định Đối tác Kinh tế RCEP



Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 tại Thái Lan hôm 4 tháng 11,2019
Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 tại Thái Lan hôm 4 tháng 11,2019. AFP


Hôm Thứ Ba mùng năm, Tổng bí thư Tập Cận Bình khai mạc cuộc Triển Lãm Xuất Nhập Khẩu tại Thượng Hải với hứa hẹn cải cách và cởi mở nền kinh tế Trung Quốc theo trào lưu toàn cầu hóa. Nhưng sự thật lại không hẳn như vậy. Một ngày trước đó, tại Bangkok của Thái Lan, Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP do Bắc Kinh cổ võ từ bảy năm nay. Liệu rằng trào lưu bảo hộ mậu dịch có đang thắng thế hay không, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu…

Bảo hộ mậu dịch thắng thế?

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ, lãnh tụ Bắc Kinh là ông Tập Cận Bình có bài diễn văn tại Thượng Hải hôm mùng năm hàm ý đả kích tinh thần bảo hộ mậu dịch của Mỹ và hứa hẹn phá bỏ mọi ngăn cách kinh tế với các nước. Nhưng trước đó một ngày thì tại thủ đô Thái Lan, Ấn Độ lại quyết định ra khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP do Bắc Kinh vận động từ năm 2012. Như vậy, thưa ông, liệu thế giới có đi vào thời kỳ bảo hộ mậu dịch hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi từng bước chầm chậm để hiểu ra các vấn đề phức tạp của thế giới. Trước hết, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh đã bùng nổ từ mùa Xuân năm ngoái mà chưa ngã ngũ. Đôi bên đang cố dàn xếp một thỏa thuận sơ khởi tưởng sẽ hoàn tất giữa tháng này để lãnh đạo hai nước có thể ký kết nhân Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương gọi là APEC tại thủ đô Santiago của Chile. Nào ngờ xứ này lại có loạn và hủy bỏ hội nghị quốc tế đó trong khi hai nước còn tiếp tục đàm phán.
- Tại Thượng Hải, Tổng bí thư Tập Cận Bình đưa ra năm hứa hẹn cải cách kinh tế để hội nhập với thế giới nhưng vẫn chỉ là hứa hẹn không thực. Mục tiêu thật của ông là đả kích Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho việc đàm phán thương mại với Mỹ, chứ trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc chưa thể cải tổ trong hướng mở rộng luồng giao dịch tự do với các nước vì sẽ gặp khá nhiều rủi ro ở bên trong. Chúng ta sẽ còn nói thêm về chuyện này.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP, vì sao Ấn Độ lại rút lui?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiệp định đó muốn mở rộng việc buôn bán giữa 10 nước của Hiệp hội ASEAN và sáu nước khác là Ấn Độ, Nam Hàn, New Zealand, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc. Đấy là một sáng kiến do Bắc Kinh đề xướng từ năm 2012 với tham vọng hoàn thành vào năm 2015. Nhưng sau 26 vòng đàm phán trong bảy năm trời, việc đó vẫn chưa thành và là một thất bại của Bắc Kinh.
- Chúng ta không quên là vào thời ấy, có 12 nước đang thương thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP. Hiệp định này không có Trung Quốc và thực tế là cơ chế hợp tác toàn diện về kinh tế nhằm cô lập Bắc Kinh. Nhưng cuối cùng thì phía Hoa Kỳ lại ngần ngại vì tính chất toàn diện ấy đòi hỏi quá nhiều đổi thay và sau khi đắc cử rồi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định này.

Khác biệt giữa TPP và RCEP

Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì Hiệp định TPP là sáng kiến của Hoa Kỳ từ năm 2009 mà sau khi hoàn thành năm 2015, Hoa Kỳ lại triệt thoái. Còn Hiệp định RCEP là sáng kiến của Trung Quốc nhằm phá vỡ áp lực của Mỹ khi liên kết với 15 nước, không có Hoa Kỳ. Thưa ông, hai sáng kiến này có gì là khác biệt?

Đại diện các nước thành viên CPTPP trước lễ ký hiệp định ở Santiago, Chile.diện các nước thành viên CPTPP trước lễ ký hiệp định ở Santiago, Chile. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiệp định TPP có tham vọng hội nhập toàn diện 12 nền kinh tế của thế giới, trong ý nghĩa bao hàm từ thương mại đến đầu tư, bảo vệ giới lao động và môi sinh. Nó khiến các thành viên đều phải cải cách cơ chế luật lệ bên trong cho tự do, thông thoáng và minh bạch hơn. Nhưng chính lý tưởng đó lại khiến Quốc hội Hoa Kỳ ngần ngại và bác bỏ, nên Tổng thống Barack Obama không dám đưa ra cho Quốc hội phê chuẩn vào năm 2015 và trong cuộc bầu cử năm 2016, các ứng viên tranh cử tổng thống của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều muốn bác bỏ hay tu chính lại. Sau khi Mỹ rút lui thì Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực đó với 10 nước kia.
- Đối diện thì Hiệp định RCEP do Bắc Kinh đề xướng giữa 16 nước có mục tiêu thu hẹp hơn, là chỉ hạ thấp hàng rào thuế quan trong luồng giao dịch thương mại giữa các nước, chứ không có tham vọng thay đổi cơ chế về đầu tư hay lao động và môi sinh, v.v…. Vậy mà việc đó vẫn không thành khi Ấn Độ đòi triệt thoái. Lý do nhỏ là luồng giao dịch bất lợi của Ấn Độ khi bị nhập siêu quá lớn với kinh tế Trung Quốc, tử 20 tỷ đô la vào năm 2009 đã tăng gần gấp ba, là 57 tỷ vào năm ngoái. Lý do lớn hơn là dù nước nào cũng đề cao tự do mậu dịch thì vẫn lặng lẻ bảo vệ quyền lợi của mình, hai nền kinh tế mạnh nhất và đông dân nhất Á Châu là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều có phản ứng đó.

Việt Nam nên làm gì?

Nguyên Lam: Và Việt Nam có tham dự cả hai Hiệp định này. Khi quốc gia nào cũng ngấm ngầm bảo vệ quyền lợi của mình, ông nghĩ rằng Việt Nam nên làm gì để cho mục tiêu bảo vệ đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên nghĩ tới cái trục nằm giữa bốn cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đó là Hiệp hội 10 nước ASEAN tại Đông Nam Á. Năm tới, Việt Nam sẽ làm chủ tịch luân phiên của khối ASEAN thì nên tăng cường hội nhập kinh tế với các nước đó. ASEAN có hơn 600 triệu dân và sản lượng kinh tế gần ba ngàn tỷ đô la chứ không ít, nhưng lại thiếu lãnh đạo, đang bị Bắc Kinh khuynh đảo và uy hiếp về an ninh.
- Trong Hiệp định gọi là “Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP” do Bắc Kinh khởi xướng, Việt Nam có lợi, nhưng chỉ là một phần nhỏ. Trong Hiệp định TPP đã cải thiện với 11 nước còn lại, Việt Nam có thế mạnh hơn vì chỉ có Malaysia là thành viên trong khối ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam đã có hiệp ước tự do kinh tế với Liên hiệp Âu châu, cho nên cần khai thác ưu thế này cho mình. Và cách khai thác quan trọng nhất là tự cải cách về kinh tế, xã hội và chính trị, việc cải cách đầu tiên là luật lệ và giáo dục đào tạo.
Nguyên Lam: - Đặt lại vấn đề trong bối cảnh sâu rộng là trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Ấn Độ, thưa ông, Việt Nam nên nghĩ gì và làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc đầu tiên là đừng thò ngón tay vào giữa hai răng cưa Mỹ-Hoa khi bán hàng của Tầu qua Mỹ dưới thương hiệu “Made in Vietnam”.
- Chế độ Hà Nội cứ đòi kiểm soát tất cả mà chỉ có mạng lưới rất rộng và nông cho nên chẳng thể kiểm soát hay thực thi chính sách và vẫn có quá nhiều lỗ hổng. Chuyện buôn lậu đồ Tầu qua Mỹ là một trong cả trăm thí dụ.
- Thứ hai, trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, người ta đã thấy nhiều doanh nghiệp quốc tế muốn tìm ra nguồn chế biến khác tại Đông Nam Á, và tại Việt Nam, như Apple khi ráp chế Airpods, hay Google với điện thoại Pixel, hoặc Nintendo Switch. Ngoài Việt Nam, thì Đài Loan, Malaysia hay Thái Lan, v.v… cũng đang chiêu dụ giới đầu tư đang muốn rút khỏi Trung Quốc. Nhưng lợi thế đó của Việt Nam vẫn có giới hạn và không bền vững. Lý do khách quan là chuyển dịch đầu tư như vậy là tốn kém và đòi hỏi thời gian. Lý do chủ quan từ phía Việt Nam là vẫn thiếu hạ tầng cơ sở về vật chất, luật lệ và giáo dục đào tạo.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi rằng ông kết luận thế nào về những vấn đề kinh tế và chính trị quá phức tạp và đan kết vào nhau như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhìn từ xa, là cả chục năm trước, Trung Quốc đã mất dần ưu thế dân số đông và nhân công rẻ để là công xưởng chế biến toàn cầu. Vì vậy, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã thấy một cơ hội mới vì cũng đã đầu tư vào khu vực chế biến để xuất khẩu ra ngoài. Việt Nam còn tham gia vào Hiệp định TPP, cùng với Malaysia và trước Indonesia hay Thái Lan, nên có lợi thế sớm hơn. Ngày nay, khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, giới đầu tư đi tìm bãi đáp khác thì Việt Nam mới thấy rằng lợi thế của mình lại có giới hạn nếu so sánh với các nước lân bang tại Đông Nam Á. Kết luận của tôi là Hà Nội đang được cảnh báo, nhưng có kịp cải tiến không thì tôi chưa biết.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét