Đông Âu 1989 – 30 Năm Nhìn Lại
Đông Âu hậu Cộng sản và Việt Nam ngày nay*
Biến cố Đông Âu đã đưa đến nhiều thay đổi khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo thượng tầng của các đảng Cộng sản, tùy theo sự khôn ngoan và nhanh chóng thoái lui nhượng bộ của họ trước những phản ứng đấu tranh của quần chúng. Chỉ riêng trường hợp vợ chồng Nicolae Ceausescu, cựu chủ tịch nhà nước Romania, đã bị xử tử hình sau phiên tòa đặc biệt kéo dài không quá 1 giờ đồng hồ vào ngày 25 tháng 12, 1989, còn lại các giới lãnh đạo khác không bị đe dọa đến sinh mệnh.
Cựu tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Bulgaria là Todor Zhivkov bị đưa ra tòa vào năm 1992, vì tội biển thủ tài sản quốc gia trong 35 năm cai trị, lãnh án 7 năm cấm cố; nhưng vì tuổi quá già nên được miễn thọ án.
Cựu Tổng thống Wojciech Jaruzelski (Chủ tịch đảng Cộng sản Ba Lan, người đã ra lệnh đàn áp dã man Công đoàn Đoàn kết vào đầu thập niên 1980), đã về hưu năm 1990, sau đó viết hồi ký. Ngày 14 tháng 11, 1994, Jaruzelski đang ngồi ký tên lưu niệm cho quan khách tham dự buổi ra mắt quyển hồi ký của mình tại một tiệm sách ở phía tây thành phố Brotswarf th́ bị một thanh niên ném đá làm sưng mặt. Thanh niên này sau đó bị cảnh sát bắt, và cung khai là từng bị ở tù dưới thời Jaruzelski đàn áp Công đoàn Đoàn kết.
Tại Tiệp Khắc, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Gustav Husak (nổi tiếng về vụ cầu cứu Hồng quân Liên Xô để đàn áp cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 1968), đã bị thất sủng năm 1989, nhưng vẫn không bị chính quyền mới gây khó khăn. Gustav Husak chết vì bệnh vào tháng 1 năm 1991. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Adamec và cựu tổng bí thư sau cùng của đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Milos Jakes, đã về hưu, sống với tiền trợ cấp hưu bổng. Cả hai người này đã từng ra trước Quốc hội để trả lời về một số vấn đề liên quan đến các cuộc đàn áp trong quá khứ, nhưng không bị buộc tội.
Tại Hungary, cựu Ngoại trưởng Gyula Horn (dưới thời nội các Miklos Nemeth) đã giúp cho dân Đông Đức băng qua Áo xin tỵ nạn tại Tây Đức vào mùa hè năm 1989, trở thành chủ tịch đảng Xã hội (nguyên là đảng Cộng sản đổi tên) và giữ chức vụ thủ tướng Hungary từ ngày 22 tháng 6, 1994 đến năm 1998. Còn cựu Thủ tướng Miklos Nemeth thì cộng tác với Ngân hàng Phục hưng và Phát triển Âu Châu trong một thời gian sau khi Hungary dân chủ hóa.
Tại Đông Đức, cựu Tổng bí thư Honecker, tuy bị tòa án Liên bang Đức truy tố 49 tội trạng liên quan đến các vụ khủng bố và ám sát các nhân vật đối lập, nhưng vì sức khoẻ quá suy yếu nên tòa đã đình chỉ vô hạn định vụ xử. Sau đó, Honecker được chính quyền Thủ tướng Kohn cho xuất ngoại sang sống lưu vong với gia đình người con gái ở Chili, và chết già tại đây vào ngày 29 tháng 5, 1994.
Ngoài ra những nhân vật lãnh đạo khác trong các chế độ cộng sản tại Đông Âu cũ, ngoại trừ một số vì có liên hệ đến các tội ác khủng bố và biển thủ thì bị truy tố, còn hầu hết đều trở về đời sống dân sự bình thường, hoặc tiếp tục là cán bộ cao cấp trong chính quyền mới.
Nói chung, đã không xảy ra cái gọi là “trả thù” như người cộng sản vẫn tuyên truyền dọa dẫm trong thời gian xảy ra cuộc cách mạng vào năm 1989 nhằm giữ yên hàng ngũ. Trái lại, những người nào có khả năng và có tinh thần phục vụ đất nước thì vẫn được quần chúng ủng hộ. Đây là sự khác biệt giữa thể chế chính trị đa đảng và độc tài đảng trị.
- XEM THÊM Bài 1: Không ai đoán được hiệu ứng Domino năm 1989*
Tuy nhiên, điểm đáng nói là sự tan rã của khối cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô cũ đã đưa đến hai thay đổi quan trọng.
Thứ nhất, trong tương quan kinh tế, các nước như Tiệp Khắc, Slovakia, Ba Lan và Hungary đã hội nhập vào khối Tây Âu qua việc gia nhập vào Liên minh Âu châu (EU) năm 2004.
Thứ hai, trong tương quan an ninh khu vực, từ khi khối Quân sự Warsaw tan rã, các nước Đông Âu cũ đã vận động xin gia nhập vào khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chương trình Tham gia Vì Hòa bình (PFP). Mục tiêu của chương trình này nhằm gìn giữ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên. Các nước tham gia sẽ phải đóng góp một ngân khoản để lập ra những chương trình cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình và thao diễn quân sự.
Mặt khác, từ ngày 1 tháng 1, 1995, Tổ chức Hợp tác An ninh Toàn Âu Châu (OSCE) chính thức ra đời quy tụ 53 quốc gia tham gia, trong đó có 16 nước trong Khối NATO, sáu nước trong Tổ chức Hiệp ước Warsaw (Warsaw Treaty Organization) cũ, những quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ và ở ngoài Âu Châu. Đây là tổ chức biến thể của Hội nghị Hợp tác An ninh Toàn Âu Châu (CSCE) được thành lập từ tháng 7 năm 1975 giữa đại diện của 35 quốc gia thời đó như 16 nước trong khối NATO, sáu nước trong khối Warsaw, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, có mục tiêu giảm thiểu tình trạng căng thẳng của chiến tranh lạnh thời bấy giờ.
Nói chung, từ năm 1990, các nước trong khối Đông Âu cũ đã bắt đầu mở rộng cánh cửa tiếp cận, đặc biệt là đến gần hơn với các nước Tây Âu và thế giới bên ngoài; nhờ đó, đã thúc đẩy khá nhanh chương trình dân chủ hóa trong nước, tuy cũng gặp nhiều nan đề rất phức tạp từ di sản xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, đảng Cộng sản Việt Nam từ chối đi theo con đường của các nước Đông Âu mà lấy Trung Quốc làm mẫu mực để cải tổ theo chủ trương: đổi mới kinh tế song xiết chặt chính trị dưới khẩu hiệu “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Nói cách khác, trong khi các quốc gia tại Đông Âu từ bỏ đường lối độc tài độc đảng, thì tại Hội nghị Thành Đô năm 1990, lãnh đạo CSVN đã khẩn cầu Bắc Kinh tiếp tục giương ngọn cờ lãnh đạo khối xã hội chủ nghĩa, kiên trì với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Sau này, ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng Ngoại giao đã viết trong hồi ký, có tên là “Hồi ức và Suy nghĩ,” cho rằng chính lãnh đạo CSVN đã tự kéo đất nước rơi vào con đường tụt hậu và lệ thuộc Trung Quốc. Vì theo ông Cơ, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc “không phải là bình thường hóa quan hệ, mà là phụ thuộc hóa quan hệ.”
Trong quan hệ đó, ngay từ năm 2001, cách nay gần 20 năm, ông Cơ đã đưa ra dự báo rằng:
Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chủ yếu của những thách thức, đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe dọa nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều là những vấn đề hiện thực đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe dọa của các đối tượng khác, kể cả của Mỹ, có phần nào chỉ là giả định.
oOo
Ba mươi năm đã trôi qua (1989-2019), các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản không chỉ thành công trong việc cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường tự do, mà còn tạo dựng được một nền tảng chính trị dân chủ đa đảng vững chắc, từ những khởi điểm khác nhau.
Trong 10 năm đầu sau khi thoát khỏi ách cộng sản, ngoại trừ Đông Đức nhờ có Tây Đức tiếp cứu, chỉ có Tiệp Khắc nhờ sự cân bằng kinh tế trong nước và nợ ngoại trái ít hơn, nên được coi là nước có nhiều ưu thế hơn Ba Lan, Hungary, Romania và Bulgaria trong việc ổn định tình hình và trở thành những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Âu.
Nhưng nếu không kể những khác biệt này, người ta thấy là những nan đề căn bản mà mỗi quốc gia phải đối đầu rất giống nhau, kể cả những thách đố về chính trị. Các nước đều áp dụng một số chương trình ổn định để đối đầu với nạn thâm thủng ngân sách và chỉnh đốn lại guồng máy tham nhũng, chuyên chế – một di sản của thời Cộng sản.
Lý do là các quốc gia đã được sự cố vấn tích cực từ những định chế tài chánh quốc tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cho tự do định giá và cho phép trao đổi ngoại tệ trong nước là những phương cách được ứng dụng để mở rộng nền kinh tế ra với thị trường quốc tế, cũng như để thiết lập hệ thống giá cả thực sự trên thị trường nhằm buộc các xí nghiệp phải dùng các nguồn nguyên liệu và nhân công một cách hữu hiệu hơn.
Nhiều kế hoạch đã được chuẩn bị và bắt đầu ứng dụng để phá bỏ sự độc quyền trong một số ngành công nghiệp của hệ thống quốc doanh, đồng thời tích cực nâng đỡ tư doanh, cũng như tổ chức lại hoặc bán hẳn những xí nghiệp quốc doanh lỗ lã lâu năm.
Bên cạnh đó, các nước Đông Âu cũ còn phải trực diện với những thách đố chính trị đến từ nhiều phía, một phần từ hệ thống nhà nước cũ chỉ mới tháo gỡ được một phần ở cấp trung ương, và một phần lớn hơn là áp suất từ sự kỳ vọng của quần chúng.
Thứ nhất, có những thành phần quần chúng muốn sự cải tổ không được đụng đến quyền lợi mà họ đã được thụ hưởng từ chế độ cũ.
Thứ hai, người dân mong muốn những thay đổi tốt đẹp phải xảy ra nhanh chóng và sớm vươn tới tiêu chuẩn sống của Tây phương.
Thứ ba, hầu hết người dân quen với tinh thần thụ động của thời kỳ cũ, như được ban phát, không quen tự do suy nghĩ và hành xử độc lập, nên đã không chủ động tham gia trong những nỗ lực chuyển hóa tốt đẹp cho đất nước.
Sau khi chuyển đổi sang thể chế sinh hoạt đa đảng, hàng loạt các loại nghiệp đoàn, đảng phái chính trị ra đời, cạnh tranh lẫn nhau để tìm hậu thuẫn của quần chúng, bằng cách tấn công chính quyền ngày một gay gắt, tạo ra những phân hóa trong cơ cấu chính trị.
Ở nhiều nước, sự phân chia vai trò tổng thống, quốc hội, thủ tướng chưa được rõ ràng, dẫn đến sự tranh giành quyền lực nhiều lúc rất gay gắt, khiến cho một số quần chúng mất niềm tin. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và có thể tiếp tục đấu tranh trong hoàn cảnh mới, các đảng cộng sản Đông Âu cũ đã đổi tên, thay đổi cương lĩnh và điều lệ theo khuynh hướng trung tả.
Những đảng này đã tích cực khai thác những khó khăn của các chính quyền dân chủ, tranh giành ảnh hưởng trong thành phần quần chúng vốn mang một số bất mãn vì những thay đổi do chính sách cải tổ đưa đến.
Vì thừa hưởng một di sản kinh tế rã nát, chính trị hỗn loạn, cộng thêm quán tính trì trệ của chế độ cộng sản cũ, các tân chính quyền dân chủ của những nước Đông Âu cũ khá vất vả trong việc ổn định tình hình. Trong vòng năm năm đầu sau khi từ giã ách độc tài cộng sản, hầu hết các nước này tuy thoát ra khỏi những trì lực về kinh tế, nhưng lại đối diện với rất nhiều bất ổn về chính trị lẫn xã hội. Chính trong bối cảnh này, khi các quốc gia tái tổ chức bầu cử quốc hội hay tổng thống sau giai đoạn chuyển tiếp vào các năm 1994 và 1995, một số đảng tả phái cựu cộng sản đã trở lại vị trí cầm quyền như tại Ba Lan, Hungary và Romania.
Nhưng sự hồi sinh của các đảng cựu cộng sản đã không thể nào đảo ngược được tình hình và quay trở lại thể chế cai trị như trước năm 1989. Hơn nữa, dù những đảng cựu cộng sản như đảng Xã hội ở Hungary hay Liên minh Dân chủ Tả khuynh ở Ba Lan, chiếm ưu thế so với các đảng hữu khuynh, nhưng vẫn không thể đơn độc cầm quyền mà phải liên hiệp với một hay nhiều đảng phái khác, và phải hành xử ngang bằng với các đảng đối lập. Đây là ưu điểm của nền chính trị dân chủ đa đảng. Nó vừa phản ảnh phản ứng chính trị của quần chúng trong từng giai đoạn, vừa thúc đẩy mọi thế lực chính trị phải thay đổi, sáng tạo để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đây cũng chính là khát vọng làm bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu.
oOo
Tại Việt Nam, 30 năm qua cho thấy cũng đã thay da đổi thịt rất nhiều từ những ngày tháng u ám của thập niên 1990. Năm 1995 là năm đánh dấu thời kỳ CSVN chấm dứt tình trạng bị thế giới cô lập kinh tế và phong tỏa ngoại giao khi Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7, 1995. Đây cũng là năm mà Hà Nội nộp đơn xin vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), nhưng mãi đến hơn 10 năm sau mới được chấp thuận.
Nói cách khác, sau khi “bắt tay” được với Hoa Kỳ, Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào thế giới tự do như gia nhập ASEAN vào tháng 7, 1995; ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000; cùng với khối ASEAN ký các hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với Trung Cộng (2004); với Hàn Quốc (2006); với Nhật Bản (2008) và nhất là được Hoa Kỳ ủng hộ để gia nhập WTO vào tháng 1, 2007.
Tuy nhiên, nếu năm 1995 là năm đánh dấu thời kỳ mở cửa hội nhập, thì cũng là thời điểm mà thượng tầng lãnh đạo CSVN rơi vào tình trạng xung đột gay gắt về hướng đi, và những ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục chi phối rất lớn lên đường lối đối nội và đối ngoại kéo dài đến ngày hôm nay.
Nhân đánh dấu 30 năm biến cố Đông Âu, lãnh đạo CSVN cần có một đánh giá công minh về thành quả của Đông Âu và cần sự dũng cảm để nhìn nhận rằng lựa chọn của Việt Nam trong 30 năm qua đã không phù hợp, tương xứng với sức sống vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Bài học cho Việt Nam là bài học của các nước nhỏ vùng Đông Âu đã thành công trong cả cải cách chính trị và kinh tế, không dựa vào thế lực của những đại cường Trung Quốc và Nga vốn luôn có những tính toán vị kỷ và trục lợi của họ.
Đây là lúc mà người Việt Nam, kể cả giới lãnh đạo đảng Cộng sản, cần nhận thức rằng hiển nhiên là chúng ta đã và đang bị tụt hậu khi so sánh những chỉ số phát triển giữa các nước Đông Âu và Việt Nam ngày nay.
Thứ nhất, chỉ số Thu nhập Quốc dân (Gross National Income – GNI), là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một năm, và là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia.
Theo số liệu công bố năm 2018 của IMF, thứ tự chỉ số GNI của 192 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới cho các nước cựu cộng sản: Cộng hòa Tiệp (Czech), 20.260 Mỹ kim – đứng thứ 43/192; Cộng hòa Slovakia, 18.330 Mỹ kim – đứng thứ 47/192; Hungary, 14,500 Mỹ kim – đứng thứ 58/192; Ba Lan, 14.150 Mỹ kim – đứng thứ 60/192); và Romania, 11,290 Mỹ kim, đứng thứ 65/192. Trong khi đó, GNI của Việt Nam là 2.400 Mỹ kim và đứng thứ 139/192.
Chỉ số GNI nói trên cho thấy là tiềm năng kinh tế của các quốc gia tại Đông Âu đã không những phục hồi tốt đẹp mà còn bỏ xa Việt Nam ngày nay, trong khi trình độ kinh tế của Đông Âu và Việt Nam vào năm 1990 có cùng một điểm xuất phát là rất nghèo.
Thứ hai, chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index – HDI) là chỉ số tổng hợp của tuổi thọ trung bình, tỷ lệ biết chữ, giáo dục và các tiêu chuẩn về cuộc sống của các quốc gia trên thế giới. Đây là chỉ số đánh giá tiêu chuẩn của chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phúc lợi trẻ em. Đây cũng là chỉ số xác định ảnh hưởng của các chính sách kinh tế đến chất lượng cuộc sống.
Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào năm 2017 đã công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của 189 quốc gia và khu vực để so sánh, với kết quả cho thấy: Cộng hòa Tiệp ở vị trí 27/189; Ba Lan ở vị trí 33/189; Cộng hòa Slovakia ở vị trí 38/189; Hungary ở vị trí 45/189; Romania ở vị trí 52/189. Việt Nam đứng ở vị trí 116/189 thuộc hạng nước kém phát triển.
Thứ ba, chỉ số Tự do Kinh tế (Indices of Economic Freedom) đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ số tự do kinh tế đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế như buôn bán, thương mại, tiền tệ, quyền tư hữu, độ lớn của nhà nước, tự do công khố và đầu tư, được công bố hàng năm bởi tờ The Wall Street Journal và Quỹ Di sản (The Heritage Foundation).
Chỉ số tự do kinh tế được công bố năm 2018 sắp thứ hạng của 180 quốc gia như sau: Cộng Hòa Tiệp, 23/180; Bulgaria, 37/180; Romania, 42/180; Ba Lan, 46/180; Hungary, 64/180; Cộng hòa Slovakia, 65/180. Việt Nam ở thứ hạng 128/180. Kết quả này cho thấy Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế vẫn là quốc gia không có tự do kinh tế.
Định nghĩa năm 2008 về tự do kinh tế của Quỹ Di sản được đề ra như sau: “Tự do kinh tế, trong hình thái cao nhất, cho người dân quyền tư hữu tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quyền tự do lưu thông về nhân công, tiền vốn, hàng hóa, và hoàn toàn không có sự chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó.”
Thứ tư, chỉ số Tự do Báo chí (Press Freedom Index) do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hàng năm, dựa trên những khảo cứu được trả lời từ các tổ chức liên hệ, thông tín viên của tổ chức cũng như từ những nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia và các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới.
Năm 2019, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã công bố kết quả xếp hạng của các quốc gia về chỉ số báo chí như sau: Cộng hòa Slovakia xếp hạng 35/180; Cộng hòa Tiệp, 40/180; Romania, 47/180; Ba Lan, 59/180; Hungary, 87/180; Việt Nam, 176/180 chỉ đứng trước Trung Quốc, Triều Tiên, Syria, và Cuba.
Thứ năm, chỉ số Dân chủ (Index of Democracy) do tạp chí Economist ở Anh khảo sát dựa trên năm phân loại chung: 1) Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; 2) Các quyền tự do của công dân; 3) Sự hoạt động của chính quyền; 4) Việc tham gia chính trị; và 5) Văn hóa chính trị.
Năm 2018, Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã xếp hạng các quốc gia cựu cộng sản Ðông Âu về chỉ số dân chủ như sau: Cộng Hòa Tiệp đứng hàng thứ 34/167; Cộng Hòa Slovakia, 44/167; Bulgary, 46/167; Ba Lan, 54/167; Hungary, 57/167; Hungary, 57/167; Romania, 66/167; và Việt Nam, 139 /167.
Dựa vào các chỉ số nói trên, rõ ràng là người dân tại những quốc gia cựu cộng sản Đông Âu sau 30 năm thay đổi, đã được hưởng những quyền lợi căn bản về an sinh xã hội, giáo dục, chính trị và các quyền tự do căn bản khác như người dân tại các quốc gia Tây Âu vốn có một nền dân chủ lâu đời.
Đương nhiên, những chính sách cải cách kinh tế của nhà cầm quyền CSVN từ năm 1987 đến nay cũng đã mang lại một số thay đổi. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, và ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương.
Nhưng về căn bản, đất nước và xã hội Việt Nam đã không phát triển lành mạnh như các quốc gia Đông Âu vì chính bộ máy ðộc tài của đảng Cộng sản Việt Nam đã biến Việt Nam thành một xứ tư bản hoang dã, cạnh tranh theo quy luật “mạnh được yếu thua.” Nói cách khác, sau 30 năm mở kinh tế – siết chính trị, Việt Nam là một quốc gia phát triển bất bình đẳng về mọi mặt.
Vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã công bố hồ sõ điều tra về thu nhập của người Việt Nam từ ngày đổi mới kinh tế vào nãm 1987 cho thấy là bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong hai mươi năm qua và đáng chú ý hơn là số người giàu đang chiếm phần thu nhập quá lớn.
Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang gia tăng từ năm 2004, và số người siêu giàu cũng tăng. Theo tính toán của tổ chức Oxfam, một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức tìm giải pháp cho vấn đề nghèo đói và bất công toàn cầu, cho thấy mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam như sau: Nhóm giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của nhóm Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm, và tài sản của nhóm giàu nhất này lớn tới mức có thể tiêu một triệu Mỹ Kim mỗi ngày trong sáu năm mới hết.
Cùng với khối tài sản lớn là tiềm năng thu nhập từ tín dụng cũng lớn. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Tại một số tỉnh, nhóm 20% người giầu nhất có thu nhập cao gấp 21 lần nhóm 20% nghèo nhất. Thu nhập một năm của 210 cá nhân siêu giàu ở Việt Nam (được định nghĩa là những người có tài sản trị giá trên 30 triệu Mỹ kim) có thể giúp cho 3.2 triệu người vượt mức nghèo đói.
Ngoài ra, theo số liệu điều tra của tổ chức Knightfrank thì mức gia tăng thu nhập của nhóm siêu giàu tại Việt Nam từ 2006-2016 tăng 320%, nghĩa là cao hơn cả Ấn Độ (290%), Trung Quốc (281%), và gấp sáu lần Hong Kong (50%), và kể như đứng đầu thế giới. Con số này dự trù cho giai đoạn 2016-2026 vẫn đứng đầu thế giới ở mức 170%.
Theo Wealth Report, số lượng triệu phú Mỹ kim ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 trong 10 năm tới. Đa số những triệu phú này đến từ lợi ích của kinh doanh bất động sản.
Nói cách khác, đa số những người giàu này là những cá nhân nhờ móc ngoặc hoặc những thân nhân, bà con của cán bộ có liên hệ rất lớn trong các dự án đầu tư xây dựng và nhất là trong các chương trình cổ phần hóa, giải tư hàng ngàn xí nghiệp quốc doanh từ năm 2000 cho đến nay.
Vì thế, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng mạnh và đang đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam. Một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra cách đây vài năm cho thấy thu nhập gia đình tăng chủ yếu trong nhóm những người giàu có.
Theo đó, vào năm 2014, những người nghèo nhất Việt Nam chỉ kiếm được 521.000 đồng một tháng, tức 24 Mỹ kim, trong khi những người khá giả hơn thu nhập khoảng 4.8 triệu đồng, hay 227 Mỹ kim, một tháng. Báo cáo này cũng cho thấy sự bất ổn trong xã hội Việt Nam tăng cao với tình trạng tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản bong bóng và người dân bất mãn biểu tình chống đối gia tăng bất chấp sự cấm đoán và đàn áp của nhà nước.
oOo
Tháng 7 năm 2014, nhà cầm quyền CSVN với sự hợp tác của Ngân Hàng Thế giới đưa ra sáng kiến thực hiện báo cáo Việt Nam 2035. Dự án này có tham vọng là trong vòng 20 năm, nếu Việt Nam đẩy mạnh việc chuyển đổi sáu nhu cầu quan trọng sau đây thì sẽ có triển vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Sáu nhu cầu đó là:
1) Hiện đại hóa nền kinh tế với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân;
2) Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm;
3) Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường nối kết giữa các thành phố và vùng phụ cận;
4) Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu;
5) Bảo đảm công bằng và hội nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển xã hội trung lưu; và
6) Xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập, và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.
Chương trình phát triển này dựa trên ba trụ cột chính: 1) Thịnh vượng về kinh tế; 2) Công bằng và hội nhập xã hội; và 3) Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Qua chương trình phát triển này, nhà cầm quyền CSVN ước muốn nền kinh tế từ GDP (Gross domestic products) 200 tỷ Mỹ kim năm 2014 đạt tới GDP 1000 tỷ Mỹ kim vào năm 2035, và một nửa dân số dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu, với mức tiêu dùng 15 Mỹ kim/ngày hoặc cao hơn.
Việt Nam đã đi qua một phần tư chặng đường, tức đã trải qua năm năm (2014-2019) của chương trình phát triển nói trên, nhưng nền kinh tế mới chỉ nhích lên được một chút với GDP năm 2019 đạt khoảng 240 tỷ Mỹ Kim. Như vậy 15 năm còn lại kể từ 2020, GDP của Việt Nam phải làm sao tăng lên thêm khoảng 750 tỷ Mỹ kim. Muốn như vậy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phải giữ được 8% liên tục trong 15 năm tới thì mới đạt kết quả mong muốn. Đây là một thách đố không những quá khó khăn mà còn cho thấy là hoàn toàn bất khả thi.
Nhìn vào kinh nghiệm của các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc, của cải một quốc gia tích lũy được liên quan nhiều đến thương mại, nhưng không phải chỉ ở trong thị trường nội địa, mà còn chính là sự vói tay mở rộng doanh nghiệp tư nhân ra khắp thế giới.
Trong khi đó, thực chất nền kinh tế của Việt Nam không chỉ yếu về nội lực mà còn đi theo một định hướng sai lầm là tập trung “o bế” và “ưu đãi” đầu tư ngoại quốc, nhưng lại tạo rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế mà nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam vừa nhỏ bé, vừa chất lượng yếu kém và khó cạnh tranh với hàng hóa các nước. Việt Nam đa số chỉ xuất khẩu chủ yếu như dầu khí, thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may hay đồ gỗ. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam không nhỏ, nhưng phần lớn là từ doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài (FDI) chứ không đến từ các công ty Việt Nam.
Khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) thực sự đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này hiện chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, và trên 17% tổng thu ngân sách nhà nước. Đầu tư nước ngoài đóng góp 20% GDP. Tuy nhiên có đến 59% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lãnh vực sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử.
Phần giá trị gia tăng của Việt Nam trong các lãnh vực sản xuất nói trên rất thấp khi nền kinh tế công nghiệp như của Việt Nam chiếm một tỷ lệ nhỏ. Như vậy, sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, nhưng thực tế là sản phẩm của nước ngoài. Hưởng lợi chủ yếu của Việt Nam là giải quyết việc làm cho người dân. Do đó, nếu trông đợi vào doanh nghiệp FDI thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là con số 0. Điều này còn cho thấy là những doanh nghiệp FDI mới thực sự là người hưởng các lợi ích của những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký chứ không chỉ doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế lớn, hoạt động trong các lãnh vực chủ chốt với những ưu đãi từ nhà nước; nhưng lại kém hiệu quả. Các doanh nghiệp nhà nước phải chi ra 10 đồng vốn đầu tư thì mới thu ðýợc 1 ðồng tãng trýởng, cao gấp 2 lần so với mức vốn chi 5 ðồng của khu vực kinh tế FDI và cao gấp 1,5 lần so với mức vốn chi 6 ðồng của khu vực kinh tế tý doanh. Ðóng góp của khối doanh nghiệp nhà nýớc khoảng 28% GDP.
So với khối doanh nghiệp ngoại quốc và khối doanh nghiệp nhà nước, tỷ trọng đóng góp cho GDP của khu vực kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể lên đến 40%. Điều này cho thấy là sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không thể trông chờ vào lực lượng sản xuất nào khác ngoài khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo thống kế, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có hơn 1 triệu doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được đăng ký; nhưng trong thực tế chỉ có gần 450.000 doanh nghiệp tư nhân đang thực sự hoạt động, tức là có khai báo.
Lý do là vì năng lực nội tại của nền kinh tế tư nhân còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế gia đình, cá thể nên có đến 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đa số không có trình độ công nghệ cao, năng lực tài chính yếu kém và năng suất lao động thấp, nên nói chung là khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.
Nhưng điều đáng nói là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn bị chèn ép, không được nhà nước đối xử bình đẳng như khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư ngoại quốc.
Gần đây, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kêu gọi phát động phong trào khởi nghiệp với giấc mơ sáng tạo tại Việt Nam qua Made in Vietnam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin cho rằng: “Công nghệ số bây giờ đã trở thành chuyển đổi số, từ đó tạo nên kinh tế số, xã hội số sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tạo một bước nhảy vọt thay đổi thứ hạng kinh tế của mình trong cộng đồng thế giới.” Ông Hùng khẳng định rằng chuyển đổi số (digital transformation) không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đang đi sau về công nghệ như Việt Nam lại là nước có cơ hội chuyển đổi nhanh hơn do không bị ràng buộc nhiều với công nghệ cũ. Ông Hùng cũng cho rằng nền tảng chuyển đổi này dựa trên nền tảng khát vọng vươn lên của người Việt Nam.
Điều mà ông Hùng nói chẳng khác gì cách nay 3 năm lúc còn đang làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cũng đã cho rằng sở dĩ khát vọng vươn lên của người Việt đã không thành hiện thực vì Việt Nam vẫn ôm cứng hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển.
Ông Bùi Quang Vinh đã cho rằng: “việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách… Đây là yếu tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.”
Ông Bùi Quang Vinh cũng như rất đông chuyên gia, trí thức đều nhận thấy rằng, chính hệ thống chính trị giáo điều độc tài độc đảng hiện nay đã không chỉ kềm hãm sức vươn lên của đất nước, mà còn đẩy Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và giật lùi nhiều thập niên so với đà tiến triển của thế giới.
Nói cách khác, Việt Nam dù có cố gắng thu hút đầu tư ngoại quốc, đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.600 Mỹ Kim/năm, nhưng vẫn thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình thấp và mắc kẹt trong mức này, khó trở nên thịnh vượng. Đó là nhận xét của nhiều đại biểu trong hội thảo khoa học “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 15 tháng 4, 2017 tại Hà Nội.
oOo
Cách đây 30 năm, Việt Nam và tám nước cựu cộng sản Đông Âu đã có cùng một xuất phát là thay đổi hệ thống kinh tế chỉ huy, áp dụng nền kinh tế thị trường để phát triển quốc gia. Nhưng chính yếu tố cải cách chính trị khác nhau giữa Đông Âu (chấp nhận đa nguyên đa đảng) và Việt Nam (đảng Cộng sản tiếp tục độc quyền) đã cho thấy hai lối rẽ của thành quả phát triển. Đó là một Đông Âu giàu có, thịnh vượng, độc lập, tự chủ, không còn ai dám bắt nạt. Trong khi Việt Nam thì vẫn không có dấu hiệu gì sáng sủa hơn để “hóa rồng” sau những ngày tháng đổi mới dù tiềm năng thiên nhiên và nhân lực dồi dào.
Những biến cố chính trị xảy ra ở các nước cựu cộng sản tại Đông Âu trong các năm cuối thập niên 1980 đã để lại cho nhân loại hai điều đáng ghi nhớ:
Một, những chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân sớm muộn gì cũng bị sụp đổ. Như Nguyễn Trãi, tác giả tuyên ngôn lịch sử “Bình Ngô Đại Cáo” đời nhà Lê, vào thế kỷ thứ 14 đã nói rất rõ trong câu: “Nước chở thuyền cũng có ngày nước lật thuyền.”
Hai, sức mạnh toàn dân là sức mạnh vạn năng. Chính sức mạnh này khi được huy động đúng lúc và đúng hướng sẽ tạo nên lịch sử.
“Lịch sử chỉ là sự lập lại,” và chúng ta có quyền tin tưởng rằng cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam đang được nuôi dưỡng, hâm nóng từng ngày bởi khát vọng dân chủ và sức đối kháng mạnh mẽ của các thành phần dân tộc. Khát vọng và sức đối kháng ấy sẽ bộc phát trong một ngày không xa để quét sạch độc tài và mở ra trang sử mới tự do, nhân bản và khai phóng cho dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét