Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

15337 - Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh – Người như tôi được biết

Ký sư Nguyễn Ngọc Ánh. Ảnh: internet
Trước phiên tòa:
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1980 tại Hà Nội. Ông cùng vợ lập nghiệp tại Bình Đại, Bến Tre. Hai vợ chồng ông có một con trai sinh năm 2014. Ông là chủ hai tài khoản Facebook gồm “Line Conan” (trước đó là “Nguyễn Ngọc Ánh”) và “Cùng Đồng Loạt”. Thông qua các tài khoản FB này, ông thường xuyên tham gia các buổi live tream với những Fbker nổi tiếng như Hoàng Ngọc Diêu, Tan Thai, Rosa Dao, Huy Chương Đoàn… Nhưng thực tế, tên tuổi của ông lại khá lặng lẽ trong giới hoạt động dân chủ.
Ông bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bến Tre khởi tố và bắt giữ vào ngày 30/08/2018 với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều luật 117 Bộ luật hình sự.
Trước đó, từ tháng 10/2017, ông đã liên hệ với luật sư để nhờ bảo vệ quyền lợi nếu gặp phải các rủi ro pháp lý. Thế nhưng, rất bất ngờ, khi thật sự gặp rủi ro, ông lại viết văn bản từ chối luật sư ngay sau khi được thông báo luật sư đã lập thủ tục bào chữa, bảo vệ cho ông tại Cơ quan ANĐT. Ông đã duy trì sự từ chối đến tận thời điểm tòa án xét xử sơ thẩm vào tháng 06/2019. Căn nguyên về điều này, trong phiên tòa xét xử ông đã được làm rõ.
Tòa án tỉnh Bến Tre tuyên ông có tội và phải chịu hình phạt 06 năm tù giam cộng với 05 năm quản chế sau khi mãn hạn tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, ông kháng cáo.
Sau khi kháng cáo, ông nhắn người nhà nhờ luật sư bảo vệ, bào chữa cho ông tại phiên tòa phúc thẩm. Sau hơn ba tháng đăng ký, đến trước phiên xét xử ít ngày, thì luật sư mới được tòa án cấp giấy chấp nhận bào chữa (dù luật quy định 24 giờ), và tiếp cận bộ hồ sơ vụ án đồ sộ gồm 18 tập, gần 7.000 bút lục, tương đương với khoảng hơn 10.000 trang tài liệu.
Vài ngày trước phiên tòa xét xử phúc thẩm, gặp luật sư trong trại tạm giam, ông cười tếu táo kể : Gia đình em có “duyên” với tù Cộng Sản, đến em là đời thứ ba rồi. Từ ông nội, cha đến em. Khởi đầu “duyên” ấy là từ đời ông nội Nguyễn Phú Lãi, một nhà tư sản dân tộc đã hào hiệp mở kho thóc cứu đói cho dân chúng vào năm 1945. Đồng thời, cũng rất hồ hởi đóng góp tài sản trong “Tuần lễ vàng” theo lời kêu gọi chính phủ khi ấy. Đến năm 1953, giai đoạn thực hiện cải cách ruộng đất thì ông bị đưa ra đấu tố, hành hạ đến chết để khảo của. Khi gần chết, ông được “đặc ân” gặp vợ vì những kẻ khảo của hy vọng ông sẽ trối trăng với vợ nơi cất giấu của.
Nhưng có lẽ quá kinh hãi với sự giàu có, nên lời trối trăng của ông với vợ trước khi mất chỉ là phải đổi tên lót Phú (giàu có) của hai con trai, thay vào đó là tên lót Dục (giáo dục) và Phổ (phổ biến đạo đức) và cứ giữ như thế đến ba đời sau mới được đặt tên lót Phú trở lại. Đến đời cha em, vì mua một chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc mà cũng phải đi tù, bị tra tấn đến ho ra máu. Giờ đến em!
Luật sư hỏi về các “Sơ đồ biểu tình thông minh” bị coi là chứng cứ chống lại ông có trong hồ sơ vụ án. Ông hồ hởi cười giải thích “Sáng kiến của em đó, nếu thực hiện thì bảo đảm đoàn biểu tình sẽ không bị xâm nhập, pha loãng, kéo giãn và suy yếu như cách mà công an chống biểu tình hiện nay đang áp dụng!”.
Trong buổi làm việc, ông hào hứng nói về hàng loạt sáng kiến, ý tưởng mà ông ấp ủ từ bao lâu nay cho việc củng cố, cải tổ các tổ chức xã hội dân sự để bảo đảm hoạt động hiệu quả, an toàn, tránh sự manh mún, mất đoàn kết hoặc bị xâm nhập. Thậm chí, ông xây dựng cả những dự án đầy tham vọng về cải cách hoạt động của các tổ chức quốc tế, kể cả tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Cuối buổi làm việc, luật sư khuyên ông giữ gìn sức khỏe và giữ vững tinh thần lạc quan, niềm hy vọng trong hoàn cảnh tù đày. Ông trấn an lại luật sư bằng các câu đối và thơ:
Thân trong tù ngục mang mãn bệnh
Xuân trong tư tưởng tưởng mãi xuân

Và:
Đi ngàn cây số chẳng ra khỏi buồng
Ở yên một chỗ dạo khắp muôn nơi
Nhiều tên hầu hạ chẳng một chút buồn
Một mình suy tưởng thấy đời lên hương

Đây có vẻ lại là một phiên bản khác của “Ngục trung nhật ký”, nhưng được bảo đảm về tác giả.
—//—
Trong phiên tòa:
Sáng ngày 07/11/2019, tại trụ sở Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh ra tòa trong phiên xử phúc thẩm hình sự về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán …” theo điều luật 117 Bộ luật hình sự. Điều 117 này vốn là hậu thân của tội danh theo điều luật 88 về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” rất nổi tiếng trước đây theo Bộ luật hình sự năm 1999.
Sáng hôm ấy, cả tòa nhà to rộng của tòa án ấp cao đều ngưng hoạt động chỉ để phục vụ cho vụ án xét xử kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh. Chận ngay từ kế cổng tòa nhà là xe cứu hỏa, xe cứu thương và vài trăm cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục tay cầm bộ đàm đi lại với thái độ rất nghiêm trọng.
Điểm khá lạ so với các vụ án khác là một số công chúng quan tâm đến vụ án đều được tạo điều kiện vào tòa án. Họ được dẫn vào một phòng trong nội viên của tòa nhà để theo dõi vụ án qua màn hình ti vi. Chỉ có điều, theo lời thuật của những người dự khán trong phòng này, khi đến đoạn bị cáo hoặc luật sư phát biểu thì ti vi sẽ bị mất tín hiệu một cách rất nhất quán!?
Một điểm lạ khác là phương tiện làm việc của luật sư (laptop) đã bị nhân viên an ninh yêu cầu để lại bên ngoài. Sau một hồi giằng co, giải thích, thuyết phục các kiểu rằng laptop đó chứa đựng hồ sơ và bài bào chữa trong vụ án, không cho mang vào thì luật sư bào chữa theo kiểu … Úc chăng ? Cuối cùng, luật sư được mời vào một phòng làm việc riêng với thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Ông thẩm phán đề nghị luật sư hợp tác, đổi lại, ông ấy sẽ giúp cho in các tài liệu cần thiết để luật sư làm việc. Luật sư đồng ý và đề nghị tòa án in giúp 10.000 nghìn trang tài liệu và bài bào chữa. Nghe vậy thì ông thẩm phán trợn tròn mắt và chốt hạ “Nếu luật sư không đồng ý thì tùy”. Đương nhiên, luật sư phải nhượng bộ để được cho in khoảng 50 trang tài liệu để có cái mà hành nghề.
Đổi lại, luật sư đã bổ sung thêm một ý trong phần mở đầu bài bào chữa:
“Chúng tôi thành thật cảm ơn tòa án đã in giúp bài bào chữa này. Vì lẽ, trong khoảng ¼ thế kỷ hành nghề tranh tụng, đây là lần đầu tiên chúng tôi được tòa án chiếu cố như vậy. Và có lẽ, tôi cũng hân hạnh nằm trong số rất ít luật sư được đặc ân này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không đồng tình với việc bị gây khó khăn trong khi hành nghề bằng cách ngăn cản, không cho mang phương tiện hành nghề là laptop vào trong phòng xét xử. Chúng tôi có thể thông cảm với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho phiên tòa, nhưng một khi các biện pháp ấy ảnh hưởng đến việc hành nghề của luật sư, thì lẽ ra phải được báo trước để chúng tôi chủ động trong công việc chứ không phải bị động như thế này, đồng thời làm ảnh hưởng đến chất lượng bào chữa mà chúng tôi đã chuẩn bị cho thân chủ của mình”.
Trong phần xét hỏi, ông Ánh thẳng thắn thừa nhận tất cả hành vi mà cáo trạng đã nêu, nhưng khẳng định mình vô tội. Theo ông, các hành vi ấy đều là các quyền công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình và quyền tham gia nhà nước và xã hội theo các điều 25 và 28 của hiến pháp.
Với câu hỏi của luật sư: “Lý do ông thực hiện các hành vi như cáo trạng nêu?”, thì ông Ánh trả lời “Do tôi lo lắng về hiện tình đất nước và lo lắng cho thế hệ con cháu”.
Với câu hỏi sau của luật sư: “Lý do ông từ chối luật sư tại giai đoạn điều tra và phiên tòa sơ thẩm?”, ông trả lời: “Do ông L. “dụ”, nếu từ chối luật sư thì sẽ được cộng thêm yếu tố giảm nhẹ hình phạt vì đã cộng tác với cơ quan điều tra, mức án chỉ độ 2 đến 2,5 năm tù thôi! Nhưng đến khi bị tuyên án 6 năm tù cộng 5 năm quản chế thì mới biết bị lừa!?”.
Tại phần tranh luận, luật sư đã ba lần yêu cầu VKS tranh luận, trả lời về phương cách giám định của giám định viên tư pháp về tư tưởng, nhận thức, quan điểm chính trị của một người. Vì lẽ, định chế giám định viên tư pháp kiểu này trên thế giới chưa từng có. Nhưng hai lần đầu đều bị lờ, luật sư nhắc đến lần thứ ba thì được trả lời phương cách giám định là bằng “Tiếng Việt”?! Đến đây thì chủ tọa “bịt miệng” luật sư bằng tuyên bố chấm dứt phần tranh luận và trả lời phản đối của luật sư rằng VKS đã trả lời rồi thì không cần phải tranh luận thêm…
Trong lời nói sau cùng, ông Ánh khẳng định vắn tắt: “Tôi vô tội!”.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử trở ra tuyên y án sơ thẩm, xác định ông Ánh có tội và phải chịu hình phạt 6 năm tù cộng 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Suốt thời gian đứng nghe tuyên án, ông Ánh vẫn giữ nguyên nụ cười mỉm nhẹ nhàng cho đến sau khi chủ tọa dứt lời. Khi cảnh sát tư pháp vây quanh ông đang loay hoay tra còng vào tay, ông khẽ khàng gật đầu chào luật sư rồi bình thản quay lưng bước đi.
Độ mươi phút sau, hai chiếc mô tô trắng từ trong sân tòa án lao ra dẫn đầu đoàn xe hùng hậu chở ông về lại trại tạm giam Bến Tre.
—//—
Hầu như đã biết trước, nhưng rời phiên tòa, lòng tôi vẫn trĩu nặng, ám ảnh về những năm tháng tù đày làm hình phạt cho người ái quốc. Xứ sở này khốn khó chứ giàu có gì cho kham mà hao phí nhân tài? Bao nhiêu bậc hiền tài, ái quốc đến nồng nàn như thế đã phải đứng đằng sau song sắt nhà tù ? Rồi bao nhiêu vị như vậy đã ngậm ngùi chọn con đường lưu vong, hoặc thiết tha ở lại với đất nước nhưng vẫn phải là người ngoại cuộc với những hoạch định chính sách phát triển quốc gia chỉ vì khác chính kiến. Xứ sở này lại tiếp tục tự mình đánh mất những nguồn nguyên khí quốc gia, lại lỡ bước chuyển mình về phía trước của sự văn minh đến bao lần mới đủ?
Đau xót lắm, không chỉ vì phận người, mà còn ngẩn ngơ tiếc nuối cho xứ sở khốn khó này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét