Sau khi phát xít Đức sụp đổ vào năm 45, các nước đồng minh chiếm đóng và phân chia nước Đức làm chiến lợi phẩm. Nước Đức được chia làm 4 phần cho các nước Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, trong đó LX được diện tích lớn nhất và cũng được đền bù chiến phí lớn nhất (LX và Ba Lan được 50% giá trị đền bù). Liên Xô đem về nước rất nhiều chiến lợi phẩm liên quan đến công nghiệp và các nghiên cứu về nguyên tử.
Năm 1949, ba vùng đất của Anh, Pháp, Mỹ nhập vào làm một và thành lập nước CHLB Đức, ngay sau đó trên vùng đất do LX kiểm soát thành lập nước CHDC Đức. Lúc đó phe CS công nhận CHDC Đức đồng thời không công nhận CHLB Đức, phe tư bản thì ngược lại.
Việc thành lập hai nước Đức này gần như giống hệt việc thành lập hai nước Triều Tiên, thời điểm gần giống, nhưng không giống lắm với hai chính quyền VN, vào cùng thời điểm năm 49, tuy cũng có sự giống nhau là mỗi phe chỉ công nhận một chính quyền VN.
Người Đức có sự may mắn hơn người Việt ở chỗ Đông Đức không có ý đồ “giải phóng” Tây Đức. Lý do chính, theo mình, là do Đông Đức chỉ có một đại ca duy nhất là LX, TQ không có vai trò gì ở đây. Tây Đức lại có tới ba đại ca hùng mạnh là Anh, Pháp, Mỹ. Vì thế nên Đông Đức không dám manh động bằng bạo lực.
Mình cho là hành động gây hấn lớn nhất của LX là vào năm 1948 – 1949, LX phong tỏa Tây Berlin, chặn toàn bộ đường bộ vào lãnh thổ này, vì nó nằm lọt thỏm giữa Đông Đức và hoàn toàn tách rời khỏi Tây Đức. Tây Berlin là lãnh thổ ủy trị của Anh, Pháp, Mỹ. Về pháp lý, nó không thuộc Tây Đức, nhưng rất gần gũi với Tây Đức. Dân Tây Berlin không được có hộ chiếu Tây Đức. Mỹ phải lập chiến dịch không vận để tiếp tế cho Tây Berlin, kéo dài 15 tháng cho đến tháng 5/1949 (thời điểm lập CHLB Đức).
Ngay từ khi phân chia lãnh thổ, dân ở vùng thuộc LX, rồi Đông Đức, hay trốn sang phía Tây, khiến Đông Đức chảy máu chất xám. Đỉnh điểm là năm 1961, Đông Đức cho xây bức tường bọc lấy Tây Berlin, chỉ mở các cửa khẩu và có lực lượng biên phòng canh gác cẩn mật.
Kể từ đó, đã có những đổ máu do người vượt biên bị lính biên phòng Đông Đức bắn chết. Nhưng hai nước Đức vẫn không hề có xung đột vũ trang hay thái độ thù địch, trước ngưỡng cửa chiến tranh, dù 2 nước đều là tiền đồn của mỗi phe và quân đội LX và Mỹ đều đồn trú ở hai nước. Có lẽ Đông Đức đã thực hiện đúng giải pháp chung sống hòa bình theo quan điểm của Khrushchev? Trong khi hai nước CS anh em là VNDCCH và CHDCND TT lại có biện pháp bạo lực cách mạng theo chân đại ca TQ.
Từ năm 1970, hai nước Đức đã có những động thái công nhận lẫn nhau và thiết lập ngoại giao với các nước thuộc phe đối lập. Đến năm 1972, hai nước chính thức công nhận lẫn nhau và cùng được gia nhập LHQ vào năm 73. Đó là động thái rất quan trọng để dẫn tới việc thống nhất sau này. Đây là điều mà VN và Triều Tiên không thể có. Trước mình đã viết stt về khả năng đàm phán giữa 2 nước VN, nhưng không có kết quả. Còn hai miền TT thì vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình, chỉ mới tạm đình chiến.
Đúng ngày này 30 năm trước, từ một sự “hiểu nhầm” về lời phát biểu của lãnh đạo Đông Đức, người dân Đông Đức ùn ùn đòi mở cửa khẩu và trèo tường sang Tây Đức, mà lính biên phòng không ngăn cản. Điều đó dẫn đến sự sụp đổ theo đúng nghĩa đen và bóng của bức tường ô nhục. Đó là tiền đề dẫn đến việc CHDC Đức được nhập vào CHLB Đức (chứ không phải sự thống nhất cân bằng lực lượng).
Đông Đức nhập vào Tây Đức trên thế yếu, bởi vì kinh tế Đông Đức tuy mạnh nhất khối XHCN (gấp đôi thu nhập đầu người của LX) nhưng vẫn chỉ bằng khoảng hơn 1/2 của Tây Đức vào thời hoàng kim. Vào thời điểm thống nhất, kinh tế Đông Đức bên bờ vực sụp đổ và không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ.
Cứ nhìn hai nước Đức, khi hoàn toàn chung sống hòa bình, với xuất phát điểm gần như nhau, thì một nước phát triển thần kỳ, thành cường quốc của châu Âu. Nước kia tuy phát triển nhất khối XHCN nhưng vẫn thua xa người anh em của mình. Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sự quyết định của thể chế chính trị đối với sự phát triển kinh tế. Dù sự thống nhất đã được 30 năm, nhưng khoảng cách về phát triển giữa hai miền Đông Tây Đức vẫn rất rõ rệt. Sự khác biệt cả từ suy nghĩ, lối sống của người dân hai miền. Điều đó cho thấy di chứng CS nó dai dẳng ghê gớm thế nào.
Từ sự thống nhất nước Đức, nhìn lại hai nước VN, chúng ta có thể sự tai hại của chiến tranh như thế nào. Di sản của chiến tranh là lòng thù hận giữa hai phe, tuy đất nước đã thống nhất được 44 năm nhưng lòng người vẫn chưa hề thống nhất. Điều đáng tiếc nhất là sự thù hận lại không chỉ có từ những người từng tham chiến với nhau, mà cả từ thế hệ bò đỏ thứ hai, ba.
Khi đã có chiến tranh là có thù hận, thì rất khó để có được sự thống nhất dựa trên hòa bình. Ngoài ra, vai trò của TQ đối với chiến tranh VN và TT là vô cùng to lớn. Nếu không có Trung cộng mà chỉ có LX thì cũng chưa chắc có chiến tranh VN. TQ luôn sát cánh với VNDCCH với xu hướng bạo lực cách mạng, trong khi LX thời Khruschev lại không ủng hộ Bắc Việt gây chiến với Nam Việt. Trong khi đó, LX lại có vai trò rất lớn trong việc chung sống hòa bình từ thời Khrushchev, cả sau này và việc không can thiệp thời Gorbachev, khi Đông Đức sắp sụp đổ (trước kia LX vẫn can thiệp quân sự bằng tank để duy trì chính quyền CS ở Đông Âu).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét