Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He bắt tay một thỏa thuận thương mại ban đầu
Ngày càng có nhiều hy vọng là Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng cạnh tranh giữa hai siêu cường không chỉ đơn thuần là thương mại, mà còn là kinh tế, quốc phòng, văn hóa và công nghệ. Vậy Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ cuối cùng của Mỹ là gì?
Câu trả lời ngắn gọn là thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay trong Phòng Bầu dục vào tháng trước.
Nhưng căng thẳng giữa hai nước đi sâu nhiều hơn chỉ giao thương và không ai tôi từng nói chuyện với ở Washington nghĩ rằng thỏa thuận phác thảo này sẽ tự nó tạo ra được nhiều khác biệt.
Thái độ về Trung Quốc đã có một sự thay đổi tiêu cực rất rõ rệt tại Mỹ trong những năm gần đây và điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự thay đổi này có từ trước khi ông Trump đến Nhà Trắng.
"Tôi nghĩ rằng nếu bà Hillary Clinton, hoặc một thành viên đảng Dân chủ khác, hoặc đảng Cộng hòa khác lên làm tổng thống vào năm 2016, bạn sẽ thấy bước ngoặt sắc nét này", Daniel Kliman, cựu cố vấn cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ nói.
"Đã có một suy nghĩ rằng cách tiếp cận của chúng ta với Trung Quốc không có hiệu quả", Tiến sĩ Kliman, hiện là giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nói.
Có nhiều lý do cho sự gia tăng căng thẳng này.
Những lợi ích kinh tế kỳ vọng từ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 không bao giờ trở thành hiện thực, Ray Bowen, người từng làm việc cho chính phủ Mỹ với tư cách là nhà phân tích kinh tế từ năm 2001 đến năm 2018, nói.
Trung Quốc không bao giờ có ý định tuân theo luật, ông nói. "Đúng ra thì là Trung Quốc dự định tham gia các diễn đàn đa phương để bắt đầu thay đổi cách các diễn đàn đa quốc gia điều chỉnh thương mại toàn cầu." Nói cách khác, Trung Quốc tham gia có ý định tạo sự thay đổi thay vì phải thay đổi.
Kết quả là một làn sóng mất việc lớn và đóng cửa nhà máy ở Mỹ, được gọi là "cú sốc Trung Quốc". Các tiểu bang được mệnh danh là "các tiểu bang vành đai rỉ sét" đã dồn phiếu cho Tổng thống Trump vào năm 2016 là số nạn nhân lớn nhất của cú sốc này.
Nhiều công ty Mỹ chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. Tuy nhiên, theo Daniel Kliman, các công ty chuyển đến Trung Quốc phải trả một giá rất đắt: "Trung Quốc đã buộc những công ty này phải bàn giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho họ." Ông nói.
Và, ngay cả những công ty không mang sản xuất qua Trung Quốc cũng thấy rằng Trung Quốc bằng cách nào đó đã lấy được bí mật thương mại của họ. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ có một danh sách dài những cáo buộc các cá nhân và công ty Trung Quốc tội gián điệp và hack máy tính.
Giám đốc FBI, ông Christopher Wray, gần đây nói với Quốc hội Hoa Kỳ rằng có ít nhất 1.000 cuộc điều tra đang tiến hành về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ có xuất xứ từ rung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ ước tính rằng tổng giá trị tài sản trí tuệ bị Trung Quốc đánh cắp trong bốn năm tính tới 2017 là 1,2 triệu đôla.
Theo ông Dean Cheng thuộc Tổ chức Di sản, một nhóm chuyên gia tư tưởng bảo thủ của Mỹ, đây là lý do chính khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ.
"Khi các công ty khám phá ra rằng bằng sáng chế của họ bị cuỗm mất, sản phẩm của họ bị cho qua một tiến trình 'kỹ thuật đảo ngược' (reverse engineering), các quy trình R & D của họ bị hack, ngày càng nhiều công ty kết luận rằng việc hợp tác với Trung Quốc không mang lại lợi nhuận, và thực sự có thể hoàn toàn tiêu cực," ông nói.
Từ bên trong chính phủ, nhà phân tích kinh tế Ray Bowen nói rằng ông nhận thấy sự thay đổi tâm trạng vào cuối năm 2015. Những người trước đây ủng hộ sự tham gia với Trung Quốc giờ đã hoảng hốt khi thấy Trung Quốc bắt kịp nhanh như thế nào.
Đồng thời, tại Lầu năm góc, Chuẩn Tướng Robert Spalding đang lãnh đạo một nhóm người cố gắng hoạch định một chiến lược an ninh quốc gia mới để đối phó với sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Spalding đã rời quân đội và viết một cuốn sách có tên ""Stealth War, How China Took Over While America's Elite Slept'' (Chiến tranh Tàng hình, Trung Quốc đã thống lĩnh ra sao khi giới tinh hoa của Mỹ đang say ngủ).
Khi được hỏi về mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ, câu trả lời của Tướng Spalding rất rõ ràng. "Đó là mối đe dọa cho sự sinh tồn quan trọng nhất kể từ Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai.
"Tôi nghĩ đó là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với mối đe dọa từ Liên Xô. Là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, tầm với của nó, đặc biệt là vào các chính phủ và trong tất cả các tổ chức của phương Tây, vượt xa những gì Liên Xô có thể làm."
Kết quả nỗ lực của Tướng Spalding tại Lầu năm góc là Chiến lược An ninh Quốc gia xuất bản vào tháng 12 năm 2017.
Chiến lược này được xem là tài liệu chính cho chính phủ Mỹ, được làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi cơ quan, và thể hiện sự thay đổi sâu sắc của Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, theo Bonnie Glaser, giám đốc của Dự án điện Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế."
Hiện nay có một khuynh hướng không chú tâm vào cuộc chiến chống khủng bố. Cạnh tranh giữa các cường quốc là mối đe dọa lớn với Hoa Kỳ, thay cho chủ nghĩa khủng bố trước đây." Bà Glaser nói.
Bộ quốc phòng Mỹ hiện tin rằng giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những mục tiêu quân sự lớn của Hoa Kỳ trong những thập niên tới. Tốc độ mà Trung Quốc xây cất, và sau đó quân sự hóa, một chuỗi các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế đã khiến nhiều người ở Washington hoảng sợ.
Theo ông Dean Cheng, 5,3 triệu đôla của giao thương đi qua khu vực này mỗi năm. "Hành động của Trung Quốc là một nỗ lực để có thể cắt đứt động mạch của thương mại toàn cầu," ông Dean Cheng nói.
Trung Quốc đã rất rõ ràng trong tham vọng dẫn đầu thế giới về các công nghệ quan trọng của tương lai, như robot và AI. Bonnie Glaser nói:
"Điều này rất cốt lõi đối với sự cạnh tranh, bởi vì nếu Trung Quốc thành công trong các lĩnh vực này, thì có lẽ nó sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới."
Đó là những gì đang bị đe dọa. Quyền lực tối cao của quân đội Mỹ không dựa trên một đội quân thường trực khổng lồ, mà dựa trên các hệ thống vũ khí công nghệ cao. Nếu Trung Quốc dẫn đầu các công nghệ quan trọng này, thì Mỹ có lẽ không thể theo kịp trong tương lai gần.
Daniel Kliman tin rằng cuộc đua công nghệ phi quân sự cũng rất quan trọng. "Trung Quốc không chỉ hoàn thiện các công nghệ giám sát và kiểm duyệt tại nhà, mà ngày càng xuất khẩu các công nghệ này cũng như tài chính và bí quyết ra nước ngoài."
Ông Kliman tin rằng cuộc chiến với cái mà ông gọi là "chủ nghĩa độc đoán công nghệ cao" là một cuộc chiến sẽ ngày càng trở thành trọng tâm trong những thảo luận về Trung Quốc.
Vì vậy, đừng hy vọng lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thay đổi trong nhiệm kỳ gần, ngay cả khi Tổng thống Trump thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tâm trạng ở Washington đã khác đi. Câu chuyện chính trị duy nhất không phải là về việc có nên đối đầu với Trung Quốc hay không mà là làm thế nào để đối đầu tốt nhất với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét