Hình minh họa. Cụ bà Lê Thị Có (117 tuổi) tại nhà của mình ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, cùng con trai thứ 10 (65 tuổi). AFP
Luật Thuế thu nhập Việt Nam quy định con cái sẽ được giảm trừ gia cảnh trên thu nhập của mình, nghĩa là được giảm một phần thuế thu nhập hàng năm, nếu có những người phụ thuộc là người thân (cha, mẹ, con cái, kể cả cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế…). Với điều kiện những người này hoàn toàn không có thu nhập, hoặc có nhưng mức thu nhập bình quân không vượt quá 1.000 triệu đồng/tháng.
Nghĩa là nếu cha, mẹ của bạn đã mất sức lao động, hoặc là người khuyết tật nhưng vẫn đi bán vé số, bán hàng rong, bán trà đá, hoặc ngồi ăn xin ở các lề đường, nhưng mang về một tháng được một triệu lẻ một đồng, thì bạn vẫn sẽ phải nộp trọn vẹn thuế thu nhập cá nhân của bạn cho nhà nước. Bạn không được giữ lại thêm một đồng nào trong số thuế đó để chi tiêu cho con cái, phụng dưỡng cha mẹ. Vì với cách tính của nhà nước, thì 1 triệu đồng/tháng là đủ để những người ấy sống rồi. (Một người được xem là ngoài độ tuổi lao động tại Việt Nam khi trên 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ).
Một triệu đồng, chia ra 30 ngày, mỗi ngày được 33.000 đ. Số tiền này bằng một suất cơm bụi ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ… Nhưng đó là chi phí cho tất tần tật nhu cầu ăn uống, điện, nước, vệ sinh, chất đốt, quần áo, thuốc men, điện thoại, nhà ở, văn hóa tinh thần… cho 01 người/01 ngày. Còn với trẻ con, phải cộng thêm chi phí sữa + học hành nữa.
33.000 đ/ngày, cho toàn bộ cuộc sống của một con người. Có ăn chay trường kỳ gian khổ như Đức Thích Ca cũng không thể sống nổi với chi phí đó.
Nhưng đó là quy định của Nhà nước. Đó là chuẩn cận nghèo của Chính phủ. Giải thích cho bạn đọc xa quê: có chuẩn nghèo (thu nhập 700.000 đ/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đ/tháng ở khu vực thành thị) và chuẩn cận nghèo. Cận nghèo tức là đã hết nghèo, thu nhập cao hơn một tí (độ 300.000 đ/tháng) và thiếu hụt vài thứ trong các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, vệ sinh, y tế, thông tin.. Tuy vậy, họ vẫn còn tiệm cận với nghèo, thu nhập rớt xuống một tí là lại đến đáy ngay.
Quy định nói trên được ban hành cuối năm 2015 và vẫn còn hiệu lực đến nay. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm nay, giá điện bình quân tăng 8,36%; chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,36% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,73%. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,21%, trong đó giá thịt lợn tăng 8,04% … (theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê 9 tháng năm 2019). Một triệu đồng của năm 2019 thì giá trị chỉ còn tương đương đâu độ 800.000 đ của năm 2015 mà thôi.
Người ta cần bao nhiêu tiền để sống?
Với công nhân đang trong độ tuổi lao động, tối thiểu là 4 triệu đồng. “Chị Nguyễn Thị Mận (27 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân một công ty may tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TPHCM), cho biết vì phải thường xuyên làm việc tăng ca 10 tiếng/ngày, chị không có thời gian để chăm sóc con cái. Ngoài ra, do học phí khi gửi con đi nhà trẻ cũng khá cao trong khi lương công nhân ít ỏi, chị buộc lòng phải gửi con về quê nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. “Nếu không làm tăng ca, lương của tôi chỉ hơn 4 triệu đồng trên tháng. Xoay qua một cái là đã hết.” (trích báo Sài Gòn giải phóng).
Vẫn theo báo Sài Gòn giải phóng, theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam vào năm 2018, có 69% công nhân làm việc trong ngành dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng, 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh, và 23% công nhân đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ.
Bốn triệu đồng/tháng cho một người mà mức sống, không-phải nói là mức tồn tại như nêu trên. Thì với một triệu đồng/tháng, cha mẹ già của họ sống-hay ngắc ngoải sống, như thế nào?
Nhưng không sao, dân ta sống giỏi lắm. Với 33.000đ/ngày, cha mẹ của bạn chưa chết ngay đâu mà lo. Những đứa con có hiếu vẫn nên cày cuốc chăm chỉ để được đóng đầy đủ thuế thu nhập, không bớt một cắc giảm trừ gia cảnh nào. Để còn có tiền mà xây tượng đài và bắn pháo hoa, quên đi cái nghèo, cái khó-như lời ông Phan Đăng Long, phó Ban tuyên giáo Hà Nội đã cất lên năm nào chứ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét