Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

*6923 - Phát biểu của ông Ngô Sỹ Tồn: Những thách thức địa chính trị trên Biển Đông mà Trung Quốc đang phải đối mặt

(Bài đọc để tham khảo)



Ghi chú: Nội dung dưới đây là toàn bộ bản dịch sang tiếng Việt từ bài phát biểu bằng tiếng Trung Quốc của ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc tại Diễn đàn Chiến lược Biển Trung Quốc lần thứ ba tổ chức tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) ngày 21/9/2018, bài viết được dịch sang tiếng Việt nhằm mục đích cung cấp thông tin và tư liệu nghiên cứu cho độc giả. Do đó, không thể hiện quan điểm của website nghiencuubiendong.vn hay quan điểm của Việt Nam.
Sau đây tôi muốn kết hợp tình hình ở Biển Đông (Trung Quốc trong văn bản gốc gọi là Biển Nam Trung Hoa, hoặc Biển Đông) hiện nay với một số tình hình mà tôi đã nắm được qua cuộc trao đổi với chuyên gia, học giả các viện nghiên cứu chính sách nhân chuyến công tác tới Mỹ, Nhật Bản và Úc gần đây, đưa ra một số phán đoán và phân tích để mọi người cùng tham khảo về tình hình địa chính trị ở Biển Đông hiện nay.
Thứ nhất, cuộc đọ sức quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là thách thức lớn nhất đối với tình hình Biển Đông hiện nay, vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến xu hướng quan hệ Trung-Mỹ và tình hình an ninh trong khu vực.
Hiện nay, các học giả và giới hoạch định chính sách của Trung Quốc, Mỹ, Úc và Nhật Bản đều cùng có ý kiến thống nhất là: Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông liên quan đến cuộc tranh giành lợi ích địa chính trị và quyền làm chủ trật tự khu vực, và đã hình thành xu thế tăng dần đều, hai bên rất khó có dư địa cho sự thỏa hiệp trong thời gian ngắn sắp tới. Giới hoạch định chính sách của Mỹ xuyên tạc việc Trung Quốc xây dựng các đảo, đá và triển khai trang thiết bị ở Biển Đông là đang tìm cách kiểm soát toàn bộ vùng biển này, vì thế thường xuyên thực hiện chương trình tự do hàng hải và có các hành động quân sự với hình thức khác để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc ở trên biển, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mâu thuẫn và cuộc đọ sức giữa hai bên leo thang. Thứ hai, về mặt lựa chọn chiến lược, các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Úc đều áp dụng sách lược đối đầu, trực tiếp chĩa mũi nhọn về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Từ năm 2010 đến 2016, Mỹ coi can thiệp vào các vấn đề ở Biển Đông là điểm tựa cho việc thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, triển khai một loạt hoạt động chiến lược ở khu vực Biển Đông. Ví dụ: mượn cớ thực thi chương trình tự do hàng hải để áp sát trinh sát và thu thập tình báo, ký kết với Philippines Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng thời hạn 10 năm, vì vậy được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này. Sau khi Mỹ đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào tháng 11/2017, nhiều học giả Mỹ cho rằng ý đồ đằng sau chiến lược này là xây dựng một khối an ninh khu vực để bao vây Trung Quốc, duy trì ưu thế chủ đạo của Mỹ trong cục diện quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển nối liền Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á và châu Đại Dương, cũng có thể nói là trái tim của bản đồ địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rõ ràng đây là sự cân nhắc quan trọng khi Mỹ thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong khuôn khổ của chiến lược trên, Mỹ đang thông qua việc tiến hành thường xuyên chương trình tự do hàng hải và biểu dương lực lượng, tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam, tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Philippines, lôi kéo Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, thậm chí cả Anh và Pháp can thiệp vào vấn đề nội bộ ở Biển Đông, dùng chương trình tự do hàng hải để thách thức lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhật Bản đang đẩy nhanh xây dựng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trong đó coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược đặc biệt, Biển Đông và các vấn đề trên biển đã trở thành một điểm rất quan trọng khi Nhật Bản thúc đẩy ý tưởng chiến lược này. Gần đây, Quỹ hòa bình Sasakawa của Nhật Bản đã tài trợ kính phí cho học giả 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cùng viết báo cáo “Kiến nghị chính sách của 4 nước về tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương”, đề xuất muốn tăng cường sự hợp tác giữa 4 nước trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự và an ninh, như mời Úc tham gia cuộc tập trận chung Malabar, cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho Ấn Độ Dương. Báo cáo này có những nội dung trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, và Biển Đông đã trở thành khu vực trọng điểm để 4 nước này bắt tay với nhau. Báo cáo này cho rằng 4 nước nên thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để ngăn chặn các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Bản báo cáo cũng đề nghị Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc liên kết với các nước khác phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự vĩnh viễn ở Ấn Độ Dương, hỗ trợ các nước ở Ấn Độ Dương thoát khỏi sự phụ thuộc vào đầu tư và chính trị của Trung Quốc, hỗ trợ các nước này độc lập về mặt kinh tế và an ninh.
Úc cho rằng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được đưa ra xuất phát từ những cân nhắc về lợi ích địa chính trị và kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng và trọng tâm quyền lực của hệ thống quốc tế đẩy nhanh dịch chuyển về Đông Á. Đặc biệt, Úc cho rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để “làm thay đổi nguyên trạng”, không tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở Biển Đông, khiến nước này không còn lòng tin và có cảm giác mất an toàn. Úc sẽ coi liên minh quân sự với Mỹ là cơ sở, mở rộng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, hỗ trợ các hành động quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với khả năng Trung Quốc giữ chủ đạo trong các vấn đề an ninh, kinh tế của khu vực này.
 Vì vậy, dù Mỹ hay các đồng minh như Nhật Bản và Úc cũng đều đã lên kế hoạch thiết lập khối quân sự mang tính khu vực và cơ chế an ninh khu vực mang tính khu biệt mới, tình hình địa chính trị từ biển Hoa Đông, Biển Đông cho tới Ấn Độ Dương do vậy sẽ chịu tác động lớn. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển nối liền Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, là khu vực trung tâm để Mỹ, Nhật Bản và Úc thực thi chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, từ đó dẫn tới các cuộc cạnh tranh địa chính trị sẽ ngày càng trở nên khốc liệt.
Thứ ba, việc Mỹ lấy danh nghĩa thực hiện chương trình tự do hàng hải để chĩa mũi nhọn vào các hoạt động tự do hàng hải và thu thập tình báo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho cuộc đọ sức quân sự trên biển giữa hai nước trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Kể từ khi Trump nhậm chức tổng thống tới nay, Mỹ đã thực hiện 7 chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông, trong đó 3 lần có các hoạt động áp sát vùng biển gần quần đảo Trường Sa và Đá Vành Khăn. Mỹ cho rằng Đá Vành Khăn “nổi khi triều thấp” nên Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền đối với nó. Xuất phát từ nhận định này, Mỹ có thể coi vùng biển nằm ngoài vùng an toàn 500m gần đá Vành Khăn là vùng biển quốc tế. Đồng thời, Mỹ còn lập luận rằng tàu ngầm không người lái thuộc tài sản quốc gia, được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, dù ở bất cứ vùng biển nào Trung Quốc cũng không được tịch thu, từ đó Mỹ có thể sử dụng tàu ngầm không người lái để thu thập thông tin tình báo và các hoạt động do thám ở Biển Đông.
Rõ ràng, Mỹ đã thường xuyên thực hiện chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong và ngoài khu vực như Úc, Nhật Bản, Anh, Pháp, thậm chí cả Hàn Quốc. Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa hài lòng, cho rằng so với các cuộc diễn tập quân sự liên tục, quy mô lớn ở khu vực có tranh chấp, chương trình tự do hàng hải là hành động quân sự hòa bình nhất ở Biển Đông. Mỹ “nếu muốn kiềm chế Trung Quốc thì cần có những biện pháp mạnh tay hơn chương trình tự do hàng hải”.
Thứ tư, Mỹ, Nhật Bản, Úc đều cho rằng Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đá ở Biển Đông, đồng thời coi đó như một cái cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông nhằm tìm cách tối đa hóa lợi ích địa chính trị.
Trung Quốc và Mỹ có những khác biệt lớn trong định nghĩa và nhận thức về khái niệm quân sự hóa các đảo và đá ở Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng việc xây dựng các đảo, đá cũng như triển khai trang thiết bị có liên quan ở vùng biển này xuất phát từ việc nâng cao khả năng cung cấp các sản phẩm công cho khu vực và là sự phòng vệ cần thiết, trong khi phía Mỹ cho rằng chỉ cần xây dựng và triển khai các cơ sở và trang thiết bị với đặc tính và sử dụng cho mục đích quân sự  là Biển Đông đã có năng lực quân sự, đây chính là quân sự hóa. Dù là Anh, Pháp, Nhật Bản hay Việt Nam thì ban đầu cũng đều sử dụng biện pháp quân sự hóa để hiện diện ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng đảo, đá ở Trường Sa, đặc biệt là xây dựng 3 căn cứ quân sự ở Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi đã làm thay đổi xu hướng địa chính trị của Biển Đông. Các học giả Mỹ cho rằng, Trung Quốc hiện nay đã triển khai các trang thiết bị ở các đảo và đá ở Biển Đông như máy bay quân sự, tên lửa, dùng vũ lực thu hồi các đảo, đá bị chiếm lĩnh ở Trường Sa, kiểm soát Biển Đông. Rõ ràng là việc xây dựng đảo, đá và triển khai quân sự của Trung Quốc đã không còn mang tính phòng thủ nữa, mà đang phát đi tín hiệu đe dọa tới Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng...
Dựa trên những nhận định như vậy, một số học giả Mỹ chẳng hạn như chuyên gia vấn đề an ninh Trung Quốc thuộc Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie Michael Swaine cho rằng Chính quyền Obama đã có những hành động quá mềm yếu trong vấn đề Biển Đông, không ngăn chặn có hiệu quả việc Trung Quốc xây dựng, quân sự hóa các đảo, đá, trong tương lai Mỹ phải ngày càng kiên định hơn khi đối phó các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Úc cho rằng, mặc dù Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh xây dựng các đảo, đá và triển khai trang thiết bị liên quan ở Biển Đông với mục đích tự vệ và cung cấp các sản phẩm công, nhưng cộng đồng quốc tế rất khó xác định sự khác biệt giữa các vũ khí mang tính phòng thủ và tấn công, không thể phán đoán Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trong tình huống nào. Dựa trên đánh giá này, Úc cảm thấy vô cùng bất an trước việc Trung Quốc xây dựng các đảo, đá và triển khai trang thiết bị liên quan ở Biển Đông, cho rằng Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh từ phía Bắc và phía Tây Úc, từ eo biển Đài Loan, Hoa Đông và Biển Đông tạo thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Do đó, các học giả Úc đề xuất nước này nên xem xét ý nghĩa chiến lược của Biển Đông đối với đất nước mình từ góc nhìn xa hơn. Ví dụ, Úc nên đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp để ngăn chặn Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ ở xung quanh Biển Đông; đi đầu trong hợp tác an ninh phi truyền thống như tấn công cướp biển; cử tàu chiến và máy bay đến Biển Đông tham gia chương trình tự do hàng hải của Mỹ, ngăn chặn hành vi Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đá ở Biển Đông.
Nhật Bản dựa vào chủ đề quân sự hóa các đảo, đá để tiếp tục mở rộng sức mạnh và các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Báo cáo nghiên cứu của 4 nước trình lên Quỹ hòa bình Sasakawa gần đây đã đề xuất Nhật Bản cần tăng thêm hạm đội hải quân ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, triển khai tàu ngầm, nâng cao khả năng chiến đấu tầm xa. Điều này đã được chứng thực qua một loạt hành động của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản trong thời gian gần đây. Sau khi Lực lượng phòng vệ trên biển đưa tàu chở máy bay trực thăng Izumo tiến vào Biển Đông vào tháng 6/2017, thì lại tiếp tục cử tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo (gồm cả tàu ngầm) tiến vào hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương vào tháng 8/2018. Nhật Bản còn công khai tuyên bố sẽ định kỳ cử tàu chiến tiến vào Biển Đông và Ấn Độ Dương để thể hiện sự hiện diện quân sự liên tục của nước này ở Biển Đông. Ngày 13/9, Nhật Bản lần đầu tiên cử tàu ngầm Kuroshio, lớp Oyashio cùng tàu sân bay trực thăng Kaga tiến hành diễn tập bí mật ở Biển Đông.
Có thể nhận thấy Mỹ, Nhật Bản và Úc đang mở rộng sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông bằng cách nhào nặn Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đá ở Biển Đông. Nhưng sự bóp méo và các hành động đối đầu gay gắt của 3 nước nói trên đối với việc Trung Quốc xây dựng các đảo, đá ở Biển Đông chỉ làm gia tăng những phán đoán sai và thái độ thù địch, dẫn tới rủi ro của xung đột trên biển không ngừng tăng lên.
Thứ năm, về việc thành lập trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp, cuộc tranh giành quyền phát ngôn và sức ảnh hưởng giữa Trung Quốc với các nước như Mỹ, Nhật Bản xoay quanh cơ chế hợp tác và xây dựng quy tắc là không thể tránh khỏi.
Kể từ đầu thế kỷ 20 tới nay, Trung Quốc luôn dốc sức hợp tác với các nước ASEAN, thông qua các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thiết lập các quy tắc và cơ chế để ổn định tình hình Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa bình, đẩy mạnh hợp tác khu vực. Vì vậy, kể từ năm 2017 tới nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC, hiện nay các cuộc tham vấn đã bước vào giai đoạn mang tính thực chất hơn. Nhưng dưới ảnh hưởng của tư duy chiến lược đối địch truyền thống, Mỹ, Nhật Bản, Úc có ý đồ thông qua can thiệp vào việc ban hành các quy tắc, duy trì sự cân bằng ảnh hưởng ở Biển Đông, ngăn chặn cái gọi là Trung Quốc đơn phương giữ chủ đạo trật tự ở Biển Đông. Các học giả Nhật Bản đề xuất Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ nên khuyến khích việc ban hành các nguyên tắc chuẩn mực quốc tế có sức ràng buộc ở Biển Đông. Úc cũng cho rằng Trung Quốc đã dùng sức mạnh làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế, khiến họ không thể tin tưởng nên sẽ ủng hộ Mỹ tiếp tục giữ chủ đạo trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc. Xem xét tình hình hiện tại, các nước châu Âu như Anh và Pháp cũng giữ lập trường tương tự với Nhật Bản và Úc.
Từ kinh nghiệm thực tế quốc tế trong một thời gian dài cho thấy các quy tắc và cơ chế tự do, cởi mở, công bằng và hợp lý là sự lựa chọn khả thi để quy chuẩn hóa hành vi trên biển của các nước, giảm bớt tác động tiêu cực của địa chính trị đối với hợp tác quốc tế trên biển. Hiện nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đang xuất phát từ những cân nhắc lâu dài để xây dựng trật tự khu vực dựa trên các quy tắc và cơ chế, thiết lập hệ thống quy tắc và cơ chế có hiệu quả cho hợp tác trên biển ở Biển Đông, cuối cùng có những đóng góp lớn cho việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại.
Tháng 8/2018, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được nhất trí về văn bản duy nhất đàm phán COC, điều này có nghĩa là các cuộc tham vấn để đi tới ký kết COC đã bước vào giai đoạn mang tính thực chất. Trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đẩy nhanh thực hiện 5 lĩnh vực hợp tác (nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, an ninh giao thông trên biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, tấn công tội phạm xuyên quốc gia) trong khuôn khổ COC, các cuộc tham vấn COC sẽ coi việc thiết lập cơ chế hợp tác thiết thực ở Biển Đông một cách chi tiết và cụ thể hơn là chủ đề quan trọng. Trên thực tế, các cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong việc cùng tìm kiếm cứu nạn, tấn công cướp biển cũng đảm bảo về mặt chế độ cho việc duy trì tự do và an ninh hàng hải cho các tuyến đường quốc tế. Vì vậy, cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Úc nên ủng hộ, chứ không nên gây phiền phức hoặc phá hoại.
Bài phát biểu của ông Ngô Sỹ Tồn tại Diễn đàn Chiến lược Biển Trung Quốc lần thứ ba tổ chức tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) ngày 21/9/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét