Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

6947 - An ninh thăm nhà cựu Công an: 4 điều không nên làm

Nguyễn Đăng Quang



Sáng nay (23/10/2018), vừa bật TV để đợi theo dõi xem VTV có truyền trực trực tiếp buổi QH lựa chọn và giới thiệu danh sách ƯCV Chủ tịch Nước ra sao, thì vợ tôi gọi giật lên tầng 2 là có khách đến chơi. Lập tức 2 người (1 trung niên, 1 thanh niên) đường đột xông thẳng lên phòng khách tầng 2. Tôi kịp chặn lại ở cầu thang, hỏi sao các anh không gọi điện hẹn trước với tôi? Lần trước các anh đã hành xử như vậy, tôi đã không tiếp, do vậy lần này xin mời các anh về cho!

Người lớn tuổi trong 2 người nói trên tên là Trung, cấp hàm Trung tá, là cán bộ lâu năm của Cục A67. Thực ra đã vài lần viên Trung tá này tìm đến nhà gặp tôi nhưng do có điện hẹn trước, nên đều được tôi tiếp đoàng hoàng. Tôi gặp Trung tá Trung lần đầu cách đây đã hơn 5 năm. Hôm đó là chiều ngày 26/8/2013 tại Đồn 23 CA quận Nam Từ Liêm. Tôi có ngôi nhà cấp IV ở khu Tập thể M1 (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đang cho sinh viên thuê.

Lần gặp đầu tiên đó, Trung xưng là Thượng tá, là Điều tra viên cao cấp của Công an Hà Nội. Trong buổi gặp ấy, họ đặt thẳng vấn đề yêu cầu tôi đuổi số thanh niên và sinh viên này đi, không cho họ thuê nhà nữa! Tôi hỏi lý do, họ nói đây là số thanh niên xấu, hay đi biểu tình chống Trung Quốc! Tôi nói: Việc tôi cho thuê nhà đều có Hợp đồng ký kết giữa 2 bên, còn các cháu đều có đăng ký tạm trú, và tôi không thấy hàng xóm phản ảnh gì là các cháu gây rối an ninh, trật tự cả! Việc công dân đi biểu tình là họ thực hiện quyền quy định trong Hiến pháp, cũng như tự do cư trú là quyền của công dân đã được quy định bởi Luật Cư trú! Nhưng tôi sẽ chiều theo ý các anh, không cho số này thuê nữa với điều kiện là các anh cung cấp cho tôi bằng văn bản có chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ lý do như các anh đã nêu. Tôi sẽ thực hiện đúng nội dung theo văn bản! Trung hứa là sẽ sớm gửi tôi văn bản như đã nói!

FB Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang.
Nhưng sau đấy không thấy Trung thực hiện lời hứa. Tôi có trao đổi lại sự việc này với lãnh đạo Cục A67 hồi đó. Các anh ấy bảo là Trung có báo cáo lại sự việc đó, nhưng bác biết đấy, làm sao có thể thực hiện được điều bác yêu cầu? Thôi việc nhỏ này, xin bác hãy quên đi, coi như không có! Bọn em sẽ bảo Trung đến xin lỗi bác!

Và tất nhiên tôi chẳng nhận được văn bản như đã hứa, và Trung cũng không đến gặp tôi xin lỗi. Nhưng sau đấy, căn nhà đó của tôi nhiều lần bị “người lạ” ban đêm đến ném mắm tôm trộn sơn và dầu luyn vào sân và cửa nhà! Nghiêm trọng hơn, lúc nhá nhem một buổi chiều tối, cháu Nguyễn Tiến Nam (tức Binh nhì) nghe tiếng gọi mở cổng để thu tiền vệ sinh, thì lập tức có một đám côn đồ ập vào hành hung và chém cháu Nam 2 nhát vào bả vai và cánh tay, khiến cháu bị thương và chảy khá nhiều máu. Nghe tiếng la, cháu Nguyễn Trí Đức kịp chạy ra kéo Nam vào nhà, chốt chặt cửa và kêu cứu hàng xóm! Bọn côn đồ buộc phải lủi nhanh! Mấy hôm sau, các cháu gọi điện cho tôi để xin trả lại nhà!

Sự việc trên tôi đã gần như quên hẳn. Nhưng sáng nay, sau khi tôi không tiếp và mời khách ra về, thì Trung tá Trung khi xuống nhà, thay vì ra về thì lại nán lại, xin được nói chuyện với vợ tôi 5 phút. Nhưng cuộc nói chuyện này diễn ra không phải 5 phút mà là gần 20 phút! Khi ra về, Trung tá Trung tỏ vẻ quan tâm và xã giao, hỏi vợ tôi về ngôi nhà ở Tây Mỗ hiện đã cho ai thuê chưa? Vợ tôi nhận ra đây chính là lực lượng đã ngăn cản trái pháp luật các cháu sinh viên thuê nhà tôi. Vợ tôi bật lên những bức xúc, hỏi thẳng lý do vì sao các chú lại đuổi các cháu ấy đi? Trung tá Trung nói vì đây là số thanh niên xấu! Vợ tôi bực quá, nói thẳng: Nếu vì chống TQ là xấu thì toàn dân VN là xấu hết! Các chú không nên coi những người chống TQ là kẻ thù, không nên răm rắp thực thi mệnh lệnh của ai đó, ngược lại cần và phải mạnh dạn góp ý kiến tham mưu, đề xuất để Đảng có đường lối, chủ trương đúng đắn, làm sao giữ vững được độc lập, chủ quyền đất nước, tuyệt đối đừng để mất đất, mất biển cho kẻ thù! Nếu mất nước vào tay Tầu Cộng, hỏi lúc đó Đảng sẽ còn không để các chú phục vụ?

Sau 1 tuần người đã cảm thấy đỡ mệt nhiều. Đây có lẽ là kết quả chuyến viếng thăm của nhà văn, nhà báo Lê Phú Khải trong Tp. HCM ra chơi, rủ đi dã ngoại một số nơi, trong đó có địa danh hồ Tiên Sa (Ba Vì). Đây là cơ sở du lịch sinh thái của nhà thơ Bành Thanh Bần. Đã là lần thứ 6 lên hồ Tiên Sa, và lần nào cũng được 2 vợ chồng thi sĩ Bành Thanh Bần đón tiếp trọng thị và rất thịnh tình. Xin chân thành cảm ơn thi sĩ Bành Thanh Bần và gia đình lần nào cũng tiếp đón chúng tôi và những người bạn một cách vô cùng thân tình và chu đáo. Sao mà khó quên món đặc sản lợn sữa quay và rượu quê anh chị chiêu đãi đoàn chúng tôi thế? Mong có dịp sớm quay lại để tận hưởng lòng mến khách của gia chủ!

Còn bây giờ xin được tiếp tục câu chuyện dang dở tuần trước, và xin mời mọi người nghe tiếp như sau:

Lúc khách xuống nhà, vợ tôi đã mở cửa sẵn để tiễn khách. Thay vì ngỏ lời xin lỗi gia chủ bởi sự đường đột thì khách nán lại xin gặp và nói chuyện với vợ tôi, mặc dù thừa biết chủ nhân không muốn tiếp. Vì phép xã giao, vợ tôi miễn cưỡng tiếp chuyện! Câu chuyện tóm lược như sau:

Trung tá TRUNG: Thưa bác gái, 2 bác vừa vào Tp. Hồ Chí Minh 3 tuần lễ thăm con cháu. Bác trai đi những đâu, gặp những ai và làm những gì, bác gái có nắm được không?

Vợ chủ nhà: Tôi vốn không tò mò nên không quan tâm và cũng chẳng có thói quen yêu cầu nhà tôi phải “trình báo” với tôi là đi đâu, gặp ai và làm gì mỗi khi ông ấy có việc ra khỏi nhà. Nguyên tắc “độc lập, tự chủ” này không phải tôi “ban” cho ông ấy gần đây, mà nó đã được xác lập nửa thế kỷ qua từ khi chúng tôi thành hôn với nhau. Đây là quyền riêng tư của mọi công dân, ngay cả giữa vợ chồng với nhau cũng cần tôn trọng nguyên tắc này!

Trung tá TRUNG: Bác gái không biết đấy thôi chứ bọn em thì ngược lại, biết rất rõ và nắm rất vững. Đợt vào Tp. HCM vừa qua, bác trai đi đâu, gặp những ai và bàn những chuyện gì, bọn em biết hết và biết rất cụ thể! Trong số những người bác trai gặp gỡ, có nhiều kẻ xấu. Trong số này, bọn em đã bắt vài đứa rồi!

Vợ chủ nhà: Các chú theo dõi nhà tôi thực sao, và làm việc đó để làm gì? Thời thế đã đổi thay, đảo lộn từ khi nào vậy? Cách đây 45 năm (đầu 1973), khi đất nước còn chia cắt, ông ấy được cử vào Huế và sau đó vào Sài Gòn, mỗi khi đi đâu, gặp ai, làm gì, ... nhất nhất bọn “tay sai ngụy quyền” đều bám theo ông ấy không rời nửa bước! Năm 1984, ông ấy được cử sang công tác ở New York, lúc ấy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn chưa có quan hệ ngoại giao, Cơ quan FBI luôn bám theo ông ấy rất chặt. Nhiều lần nhà tôi quay lại nói với các nhân viên FBI đang theo dõi: “Cuối tuần mà bọn mày không được nghỉ sao? Bọn tao đi thăm bạn bè, không làm tổn hại gì đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ đâu. Tin tao đi, rồi thế nào 2 nước chúng ta cũng sẽ sớm là bạn bè thân thiết với nhau! Bọn bay về nhà hú hí với vợ con đi, theo tao làm gì cho vất vả!”. Chúng mỉm cười, chìa bàn tay thân thiện với nhà tôi, rồi nói: “Yes, certainty, Sir! Have you a nice weekend!”. Thế là họ nghe lời, hôm đó họ thôi, không bám theo ông ấy nữa!

Trung tá Trung: Hôm nay đến thăm sức khỏe hai bác. Nhân đây, bọn em muốn đề nghị bác gái khuyên giải bác trai không nên làm BỐN ĐIỀU sau đây, cụ thể như sau: 

A/. Không xuống đường tham gia biểu tình và tiếp xúc, gặp gỡ những đối tượng xấu.

B/. Không lên tiếng, trao đổi, ký kiến nghị về những chủ đề tế nhị, phức tạp.

C/. Không viết bài bình luận, phản biện, phê phán những vấn đề nhạy cảm.

D/. Không trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài.

Sau khi nghe BỐN ĐIỀU KHUYÊN trên, vợ tôi cảm thấy “bị sốc” nhưng vẫn bình thản, nhắc lại thứ tự và nội dung “4 điều không làm” để khách xác nhận là đã truyền đạt đúng, đồng thời chủ đã nghe và hiểu rõ. Rồi vợ tôi thong thả nói với khách: Trong cuộc sống, nhà tôi luôn đặt ra những giới hạn đỏ, và ông ấy không bao giờ vượt qua chúng: Đó là không làm điều gì trái Hiến pháp và vi phạm pháp luật! Không chỉ công dân, Chính quyền và công chức Nhà nước cũng phải tôn trọng nguyên tắc này! Hẳn các chú phải biết, công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, còn cán bộ nhà nước như các chú chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép! 4 điều trên xét cho cùng là các quyền dân sự của công dân, đồng thời là các quyền tự do, dân chủ tối thiểu của người dân, các quốc gia văn minh trên thế giới ngày nay đều áp dụng cho công dân nước mình. Xin hỏi các chú, 4 điều mà các chú vừa nói, có điều nào luật pháp nước ta cấm công dân Việt Nam không được làm không?

Trung tá Trung “giữ quyền im lặng”, không trả lời, một lúc sau mới lên tiếng: Chúng em xin nói thực, đấy là những lời khuyên chân thành. Nếu việc trên còn tiếp diễn, xin bác nói rõ với bác trai là Chính quyền sẽ mời ra làm việc, chắc chắn lúc đó sẽ ảnh hưởng và bất lợi không chỉ cho bác trai mà còn cho cả con cháu trong gia đình nữa! Có thể các quyền lợi và tiêu chuẩn bác ấy đang được hưởng như lương hưu và chế độ khám chữa bệnh chẳng hạn, sẽ có thể bị ảnh hưởng đấy! Ngoài ra còn liên lụy đến việc kiếm sống và tiến thân của con và cả của cháu nữa, chẳng hạn như anh Quốc Dũng nhà mình! (Dũng là cháu gọi tôi bằng chú ruột, hiện là Thượng tá, Trưởng phòng của Cục An ninh Kinh tế - BCA).

Nghe đến đây, vợ tôi liền hỏi khách: Vậy là chủ trương, đường lối và luật pháp của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay là “Ai làm người đó chịu” đã thay đổi rồi sao, và thay đổi từ khi nào vậy? Còn lương hưu, tôi tưởng đó là tiền dành dụm của người lao động khi còn trẻ đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để được hưởng lúc về già, khi không còn sức lao động nữa! Hóa ra lâu nay mọi người đều hiểu sai cả hay sao?

Nói đến đây, chắc nhà tôi không kìm được bức xúc mà lâu nay đã cố nén chịu, bèn nói thẳng 2 vấn đề sau: Hồi đầu tháng 6/2018, nếu Quốc Hội không dừng lại, cứ thông qua “Luật Đặc khu” thì chẳng khác nào đấy là hiệu lệnh để toàn dân xuống đường, nhất loạt nổi dậy chống lại chủ trương bán đất, bán biển để rước kẻ thù vào chiếm đóng VN. Cũng may Đảng đã kịp thời hoãn lại, chứ nếu không thì chưa biết đâu mà lường! Ngày nay không chỉ VN mà toàn thế giới đều ghét và chống lại dã tâm của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, sao Đảng ta cứ kết thân với họ? Các chú về phản ảnh với Đảng và Nhà nước là phải biết lắng nghe dân và làm theo mong muốn, nguyện vọng của dân, chứ không nên phục vụ quyền lợi của bất cứ tổ chức hoặc nhóm lợi ích nào khác!

Còn hiện tượng người phụ nữ ở Thủ Thiêm rút chiếc giầy đang đi ném vào bà Chủ tịch HĐND Tp.HCM (nhưng không trúng), Đảng và Nhà nước phải thấy đấy không phải là hiện tượng bình thường, mà là hiện tượng chính trị - xã hội cực kỳ lớn, cực kỳ nghiêm trọng lâu nay, nó phản ảnh sự cùng cực uất ức của người dân Việt Nam nói chung, người dân Thủ Thiêm nói riêng đã đến lúc không còn chịu đựng được nữa, Đảng phải điều chính lại đường lối, chính sách của mình! Và việc này không thể nhắm mắt giải thích như xưa nay đây là phản ứng bột phát, thiếu suy nghĩ của một cá nhân, mà cá nhân này là kẻ xấu, không đại diện cho đa số người dân bị mất nhà, mất đất, mất nơi sinh sống ở Thủ Thiêm được! Giải thích như vậy sẽ chỉ có tác dụng ngược mà thôi!

Nói đến đây thì đúng lúc có khách của con trai tôi đến, nếu không thì vợ tôi có khi còn nói tiếp. Hai vị khách không mời liền xin phép ra về. Trưa hôm đó cả hai vợ chồng tôi ăn không ngon miệng. Tối đó bà xã tôi phải uống 2 viên thuốc ngủ nhưng vẫn không ngủ được ngon giấc! Cả tôi cũng vậy!

Việc theo dõi công dân, cụ thể một cán bộ hưu trí cao tuổi như tôi - và chắc còn nhiều người nữa - như Trung tá Trung tiết lộ, tôi cảm thấy không có gì lạ, nhưng xin nhường cho các bạn xa gần bình luận! Nhưng ắt hẳn các bạn cũng phải đồng ý với tôi đây là nhiệm vụ mà họ phải thực hiện và phục tùng, tôi đoán đây là mệnh lệnh cấp trên giao, phải là của CQAN cấp trên của Trung tá Trung giao thực hiện lệnh này. Còn ai ra lệnh cho CQAN làm cái việc tiêu tiền thuế của dân này thì tôi chưa định hình nên không dám khẳng định, nếu bạn nào biết chính xác, xin chia xẻ với cộng đồng! 
Riêng về chi tiết “bọn em vừa bắt vài đứa rồi”, thì tôi cho rằng đây là tin thất thiệt có chủ ý, song tôi chưa rõ người ta tung ra để lừa ai, nhằm mục đích gì? Tôi đã gọi điện hỏi tất cả những người tôi đã đến thăm và gặp gỡ trong chuyến vào Sài Gòn vừa qua, mọi “đối tượng” đều bình an, chẳng hề có ai bị bắt cả! Hay họ bắt nhầm ai đây? Nếu đúng vậy thì oan uổng và tội nghiệp cho người vô tội! Vì nếu như bắt được những người gọi là “các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước”, thì Ban Tuyên giáo và các cơ quan thông tin đại chúng của ta, trước hết là báo Nhân Dân, QĐND hoặc VTV hay VOV thế nào mà chẳng đưa tin đầu tiên! “Vụ này” hơi lạ, phải chăng đây có thể là việc cố tình bắt cóc hoặc bắt nhầm ai đó nên báo chí mới im ắng vậy?

Còn về “4 Điều không làm” mà vợ tôi được tin cậy “ủy nhiệm” nói lại và khuyên bảo tôi, vợ tôi đã thực hiện "nhiệm vụ được giao" một cách hoàn hảo trên cả mức mong đợi! Nhưng tôi thiển nghĩ và đã tỷ tê giải thích với vợ tôi như sau: Điều 25 Hiến pháp hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam đã quy định rõ ràng là “Công dân có quyền Tự do ngôn luận, Tự do báo chí, Tiếp cận thông tin, Hội họp, Lập hội và Biểu tình”. Song có thể Ban Tuyên giáo và các CQAN của Đảng lập luận rằng “Ừ thì đúng là Hiến pháp của Đảng ta ban hành các quyền như vậy, nhưng thực hiện thế nào thì phải đợi luật pháp quy định đã, đến nay những quy định trên đã được luật hóa đâu, do vậy mọi hoạt động nói trên là vi phạm pháp luật”! 

Nếu ai nói như vậy, xin phép được hỏi, Điều 4 Hiến pháp quy định ĐCSVN độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều 4 này đến nay chưa được luật hóa, thế nhưng Đảng ta vẫn thực hiện quyền này suốt gần ¾ thế kỷ qua đấy thôi, Đảng ta có đợi ai đâu? Sao lại áp dụng tiêu chuẩn kép như vậy, những ai nói như vậy, xin giải thích cho!

Ai trong chúng ta đã nghe được lời giải thích thuyết phục, xin chia xẻ cho vợ chồng tôi cùng biết. Xin có lời cảm ơn chân tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét