Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

6951 - Vài nét chấm phá về vai trò của cố vấn Mỹ bên cạnh các giới chức VNCH trong cuộc chiến tại Việt Nam (Kỳ I)

Những ngày gần đây một vài bạn trẻ sau khi xem xong một số “văn hóa phẩm” phát hành sau 1975 đề cập đến vai trò của các cố vấn Mỹ tại Việt Nam trong những năm chiến tranh trước 1975, có gọi điện hay inbox cho người viết bài này. Họ cho biết trong những “văn hóa phẩm” đó, các cố vấn Mỹ được miêu tả như những tên thái thú quyền uy nhất và các quân nhân, viên chức VNCH như những tên tay sai đê tiện nhất.
Họ bày tỏ sự nghi ngờ những sản phẩm mà họ cho là “lôm côm” đó và đề nghị người viết bài này, với những ký ức còn sót lại của một thời tuổi trẻ, kể lại một số chi tiết mắt thấy tai nghe về vai trò của các cố vấn Mỹ bên cạnh chính quyền VN và về mối quan hệ giữa các viên chức, sĩ quan trong bộ máy công quyền hay quân sự đối với họ như thế nào. Một bạn còn nêu câu hỏi về “tin đồn” một sĩ quan cấp tá VN đã tát tai một cố vấn Mỹ, và một cấp tá VN khác đã bắn chết hai quân cảnh Mỹ tại một phòng trà ở Sài Gòn, không biết có thật không.
Từ lâu, tôi không hề có ý định viết về chuyện này, nay để đáp ứng phần nào tinh thần ham tìm hiểu của các bạn trẻ sinh sau 1975 hoặc còn quá nhỏ vào thời điểm này, xin kể mấy câu chuyện liên quan đến câu hỏi của các bạn, hai câu chuyện đầu là những sự kiện khách quan mà nhiều người ở độ tuổi U70 – U80 trở lên sống ở Sài Gòn những năm 1960 hẳn còn nhớ; hai câu chuyện sau (kỳ II), người viết là chứng nhân và là người trong cuộc.
Vào những năm chiến tranh ác liệt, các sĩ quan cố vấn Mỹ được rải khắp các đơn vị quân sự VN, từ cấp quân đoàn/vùng chiến thuật, sư đoàn/khu chiến thuật, trung đoàn, tiểu đoàn quân chính quy, đến cấp địa phương là tỉnh/tiểu khu và quận/chi khu. Có sự khác biệt khá lớn trong vai trò của cố vấn Mỹ ở các cấp thuần túy quân sự (quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn) và cấp địa phương, tỉnh và quận. Ở các đơn vị thuần túy quân sự, vai trò của các cố vấn Mỹ khá quan trọng và đa dạng, từ việc đề nghị hỗ trợ trang bị vũ khí, quân dụng, vật tư quân sự (mục tiêu lâu dài), đến việc tham gia vào các cuộc hành quân qui mô lớn, đề nghị với các cấp cao hơn về phía Mỹ để yểm trợ hay phối hợp với phía VN trong các cuộc hành quân trực thăng vận, yểm trợ bằng không quân, kể cả pháo đài bay B52, trong những cuộc đụng độ ác liệt nhất với đối phương.
Trong khi đó, công việc của các cố vấn Mỹ tại tỉnh/tiểu khu và quận/chi khu “tĩnh” hơn, chủ yếu theo dõi kết quả các chương trình hợp tác tại địa phương, phối hợp giải quyết những khó khăn cần có sự phối hợp của cả hai phía. Ở cấp Vùng chiến thuật, Khu chiến thuật, Tỉnh và Quận, hai chương trình có sự phối hợp chặt chẽ của hai phía là chương trình Xây dựng nông thôn (XDNT) và chương trình Nhân dân Tự vệ (NDTV), không kể một số chương trình khác như: chiêu hồi, an ninh tình báo…
Những năm 1966-1970, chương trình XDNT góp vào ngân sách chung của chính phủ VNCH những ngân khoản khổng lồ do chính phủ Mỹ cung cấp, đa số được thực hiện tại các địa phương cấp quận, xã và ấp. Sự lớn lao của nguồn kinh phí này buộc Bộ Nội Vụ phải điều chỉnh tổ chức của Ty Tài chánh các tỉnh, tại đây, ngoài Phòng Ngân sách tỉnh và Phòng Ngân sách xã theo lệ thường, Bộ lập thêm Phòng Ngân sách XDNT để quản lý nguồn kinh phí viện trợ dùng làm đường, xây cầu, cất trường học “ấp tân sinh”, bệnh xá, nhà hộ sinh … ở hai cấp thấp nhất là xã và ấp. Chương trình này đặc biệt phát triển mạnh vào năm 1968, sau những thiệt hại lớn lao về hạ tầng cơ sở trong cuộc chiến tết Mậu Thân.
Trái với những “văn hóa phẩm” tuyên truyền nhằm triệt hạ “người thua cuộc”, tinh thần chung của sự phối hợp giữa các giới chức quân sự và hành chánh VN với các cố vấn Mỹ trước 1975 là tinh thần bình đẳng và sòng phẳng. Hai câu chuyện thật xảy ra tại Thủ Đức và Sài Gòn mà một bạn muốn được kể lại một cách tương đối rõ ràng và chính xác, tuy không nhất thiết là biểu hiện hoàn toàn của tinh thần sòng phẳng đó, song chúng cũng giúp mỗi người có thêm chút ý niệm về một giai đoạn đã qua và đã bị làm cho méo mó khá nhiều.
* Câu chuyện thứ nhất liên quan đến một Đại tá VNCH có biệt danh Lam Sơn. Ông có tên thật Phan Đình Thứ, là hậu duệ trực tiếp của nhà cách mạng Phan Đình Phùng, song không mấy người biết tên này, mà chỉ biết biệt danh ngắn gọn “Đại tá Lam Sơn”. Ông mang cấp bậc Đại tá từ những năm 1956-1957, khi các ông Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu còn ở cấp Thiếu tá, Trung tá. Khoảng đầu thập niên 1960, Đại tá Lam Sơn giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (sau là Trường Bộ Binh Thủ Đức).
Chuyện kể rằng, ngày nọ, Đại tá Lam Sơn cùng viên Đại tá cố vấn Mỹ chứng kiến cuộc diễn hành của sinh viên sĩ quan (SVSQ) tại Vũ đình trường, một quảng trường rộng của trường huấn luyện.
Cần nhắc lại là ở quân trường thời đó, có một khẩu hiệu thú vị: “súng là vợ, đạn là con”, hàm ý các SVSQ phải lau chùi, gìn giữ súng thật sạch sẽ, đạn bảo quản đầy đủ. Ai từng trải qua thời kỳ ở quân trường mới cảm thấu nỗi lòng của các SVSQ đối với việc làm sạch khẩu súng Garant nặng 4,7kg mỗi khi đi học chiến thuật về, nhiều người phải thức đến quá nửa đêm để làm sạch “cô vợ” này. Trong cuộc duyệt binh hôm đó, trong lúc mọi người còn tại hàng, viên Đại tá cố vấn Mỹ đến trước mặt một SVSQ, cắc cớ thọc một ngón tay vào ổ đạn súng garant của sinh viên này. Anh ta rút ngón tay ra, thấy có chút dầu bẩn trên ngón tay, tiện thể quẹt vào má anh SVSQ. Trước tình huống nhanh chóng và bất ngờ đó, Đại tá LS vẫn kịp phản ứng. Cho là anh Đại tá cố vấn Mỹ cố ý làm nhục SVSQ dưới quyền mình, ông giơ tay thẳng cánh tát vào mặt anh ta, một phản ứng “sòng phẳng” mà anh cố vấn Mỹ phải trả giá vì một phút nông nổi của mình.
Ở cấp bậc Đại tá từ thập niên 1950, mãi đến 15-16 năm sau, ông Lam Sơn mới được thăng Chuẩn tướng, phục vụ tại Quân đoàn 2 (cao nguyên Trung phần), một “kỷ lục” trong quân đội. Nhiều người suy diễn rằng sự chậm trễ thăng tiến này một phần do cái tát đó, khiến phía quân sự VN bị “áp lực” của phía Mỹ mà ra. Sự suy diễn này chỉ có giá trị tương đối, không có gì rõ rệt.
Sau 30.4.1975, Chuẩn tướng Lam Sơn đi tù cải tạo 13 năm, trở về nhà năm 1988, nghe đâu ông không chịu đi Mỹ theo chương trình HO vì không nỡ bỏ lại ba cô con gái đã lập gia đình. Tôi kính phục ông ở tính cang cường của một sĩ quan VN, tôi lại thêm quý trọng ông, vì lý do tôi từ chối đi diện HO năm 1995 cũng hao hao giống với lý do của ông.
* Câu chuyện thứ hai xảy ra khoảng gần cuối thập niên 1960, khi Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, một trong 4 tướng sạch nhất thời đó (nhất Thắng, nhì Thanh, tam Chinh, tứ Trưởng), làm Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật kiêm Quân đoàn 4 (Cần Thơ). Và nhân vật chính trong câu chuyện này là em trai của ông Thanh, Trung tá Nguyễn Viết Cần, Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn nhảy dù.
Chuyện khá đơn giản, song trả giá bằng hai mạng người. Trong một cuộc va chạm (hay xô xát) tại một phòng trà ở Sài Gòn, Trung tá Cần đã rút súng hạ gục hai quân cảnh Mỹ. Khoảng đầu thập niên 2010, một vài bài báo viết theo kiểu thô bỉ nhằm bôi nhọ người thua cuộc, cho rằng vụ việc là hậu quả của một cuộc giành gái của hai phía Việt-Mỹ. Song theo một số người sống tại Sài Gòn vào thập niên 1960 kể lại thì chuyện xảy ra tại phòng trà Tour d’Ivoire ở Sài Gòn. Đêm nọ, một số quân cảnh Mỹ vào phòng trà để kiểm soát “quân phong, quân kỷ” các quân nhân Mỹ, rồi xấc xược đòi xem giấy tờ các quân nhân VN, và trung tá Cần không dằn được sự bất bình, đã rút súng hạ gục hai quân cảnh Mỹ.
Có điều là một chuyện tày trời như thế, nhưng kết cục khá êm thắm. Trung tá Nguyễn Viết Cần không bị đưa ra tòa án quân sự, có thể do sự can thiệp của tướng Nguyễn Viết Thanh, song nguyên nhân được suy đoán nhiều nhất là do phía Bộ tư lệnh Mỹ nhận thấy hai quân cảnh Mỹ cũng có lỗi trong vụ việc, sợ rằng đưa nội vụ ra tòa có thể gây nên những dư luận bất lợi cho phía Mỹ và đối phương có thể lợi dụng để làm rùm beng, nên đề nghị phía VN dẹp êm.
Năm 1970, tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn trong chuyến thị sát tại vùng 4 chiến thuật của ông, khi chiếc trực thăng chở ông cùng với các cố vấn Mỹ bị rơi. Trung tá Nguyễn Viết Cần, người sẵn sàng vào tù để bảo toàn danh dự sĩ quan VNCH trước người Mỹ, sau được thăng Đại tá, được cử làm Trung đoàn trưởng một trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh và tử trận tại chiến trường An Lộc năm 1972, giữa “mùa hè đỏ lửa”. Cái chết của hai anh em ruột xứng danh là cái chết của trai thời loạn.
KỲ SAU: Hai câu chuyện của chứng nhân và người trong cuộc




Chuẩn tướng Lam Sơn
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh. Ảnh: Lê Nguyễn
Đại tá Nguyễn Viết Cần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét