Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018

8025 - Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội là nạn nhân của lừa đảo? (Kỳ 2)


Xem lại Kỳ 1: http://www.vietnamthoibao.org/2018/12/vntb-phong-canh-sat-hinh-su-cong-ha-noi.html


Vì sao PC 45 không đề nghị khởi tố vụ án mạo danh?

Việc dửng dưng trước các mạo danh PC 45 của Công an Hà Nội trong những vụ lừa đảo qua điện thoại, sẽ khiến người dân nghi ngờ về thế lực nào đó đứng đàng sau…Nhóm thực hiện bài viết này cũng từng bị “PC 45 Hà Nội hăm he khởi tố qua điện thoại”. Thoạt tiên, điện thoại để bàn đăng ký tên chủ sở hữu cá nhân sẽ nhận một cuộc gọi khiến người nghe ngỡ rằng được phát từ hộp thư cài tự động, về nội dung thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận, hoặc đang nợ cước rồi hướng dẫn khách bấm phím 9, hoặc phím nào đó để được biết thông tin chi tiết.

“Lần ấy, giọng người nữ chưa dứt, tôi chen ngang là mình đang rất bận, em cho tài khoản, tôi sẽ chuyển tiền ngay để thanh toán nợ. Có lẽ vì bất ngờ nên giọng nữ ‘thoại như cài tự động’ chựng lại vài giây rồi chuyển sang giọng bình thường, cho biết em chỉ là người được thuê gọi, còn chuyện thanh toán ra sao thì… cần kết nối với số khác. Tôi chưa kịp trả lời thì em vội cúp máy!”. Nhà báo M.T, nguyên là phóng viên mảng nội chính kể.


Bằng mối quan hệ cá nhân, tương tự như người anh của bà Phạm Trường Sơn (xem bài viết Kỳ 1: Trung úy Nguyễn Quốc Bảo, đội 11, PC 45 là ai?), nhà báo M.T đã trao đổi các tình tiết mang tính cảnh báo cho PA 83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ) của Công an TP.HCM. Tuy nhiên nơi đây chỉ ghi nhận và cho biết thẩm quyền thụ lý thuộc về nơi xuất phát các cú điện thoại là Hà Nội.

Ghi nhận từ Công an tỉnh Bình Dương, và Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cả hai nơi đều từng phối hợp với các địa phương khác bắt giữ, truy tố, xét xử một nhóm người, trong đó có đối tượng người Trung Quốc về hành vi mạo danh cơ quan công an để lừa đảo qua điện thoại như nói trên. Cơ quan PC 45 Công an Bình Dương xác nhận trong năm phải có tới cả chục vụ tin báo liên quan chuyện giăng bẫy lừa qua điện thoại, và khó hiểu là hầu hết đều đến từ Hà Nội.

Tại TP.HCM, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) là nơi thụ lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại mạo danh Điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.

Một báo cáo của PC 46 cho biết về vụ việc tương tự như trường hợp của bà Phạm Trường Sơn, khoảng 9 giờ ngày 13-7-2018, bà N.T.T.M (ngụ quận 2) nhận cuộc gọi vào điện thoại bàn, báo bà có bưu kiện chưa lãnh và đề nghị bấm số theo chỉ dẫn để nhận được thông báo hướng dẫn.

Theo hướng dẫn, bà M. lại nhận được thông báo có một thẻ tín dụng của ngân hàng ghi nợ hơn 36,8 triệu đồng và đề nghị liên hệ Công an TP Hà Nội để được giải quyết, nếu sau 2 giờ không liên hệ sẽ bị khóa tài khoản. Chúng dọa bà M. liên quan đến đường dây rửa tiền, nhận 20% của số tiền rửa 21 tỉ đồng và có lệnh bắt bà M., phong tỏa tài khoản. Hoảng sợ, bà M. chuyển cho chúng 1,9 tỉ đồng. Khi bọn chúng rút được hơn 500 triệu đồng, thì nạn nhân mới sực tỉnh mình bị lừa, báo công an phong tỏa, ngăn chặn.

PC 46 của Công an TP.HCM từng đưa ra nhận định trong các vụ lừa đảo qua điện thoại, là tổ chức có người Trung Quốc cầm đầu với sự hỗ trợ của người Việt. Tuy nhiên chưa có một vụ án nào được khởi tố về hành vi mạo nhận là cơ quan cảnh sát hình sự của Công an Hà Nội để lừa đảo người dân.

Trong lúc đó thì ghi nhận của báo chí cho thấy Công an thành phố Hạ Long có báo cáo về một nhóm đối tượng đã sử dụng điện thoại gọi đến các số thuê bao điện thoại cố định, nhằm vào những người cao tuổi, đã nghỉ hưu (chủ yếu là phụ nữ), xưng danh là cán bộ PC 45 Công an ở Hà Nội để lừa đảo. Công an thành phố Hạ Long nói rằng hầu hết các số điện thoại đối tượng gọi đến số máy của nạn nhân đều mang mã điện thoại quốc tế, gần địa bàn biên giới, cửa khẩu; Sử dụng sóng của Trung Quốc tại vùng Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) và tài khoản, địa điểm rút tiền các đối tượng mua được của người khác...

Trong một diễn biến khác, hôm 30-4-2018, Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong 8 đối tượng, có 3 đối tượng người Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường du lịch là chủ mưu trong các vụ giả danh công an điện thoại cho các bị hại, nói rằng họ tham gia vào các đường dây ma tuý, rửa tiền rồi thúc giục yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan công an” để chứng minh sự trong sạch, sau đó nhanh chóng rút tiền rồi tắt điện thoại. 5 đối tượng người Việt Nam có hành vi giúp sức.

Các đối tượng trên đã lừa đảo nhiều bị hại từ Bắc chí Nam với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều mắt xích trong tổ chức tội phạm chuyên lừa đảo quốc tế. Có thể vẫn còn có rất nhiều nhóm khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, Phòng Cảnh sát Hình sự thuộc Sở Công an thành phố Hà Nội cần tiến hành các bước tố tụng cho khởi tố vụ án mạo danh PC 45 để lừa đảo. Qua đó, người dân có thêm thông tin để cảnh giác.

-----------------------------

Kỳ 3: Đồng tiền đi liền khúc ruột. Liệu người dân có phải quá nhẹ dạ nên dễ bị lừa, hay vì sợ cảnh ‘tự tử’ tại đồn công an nên chấp nhận của đi thay người?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét