Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

10018 - Từ Sungroup cho thấy tình trạng ‘nhóm lợi ích’ ngày càng tăng ở Việt Nam


Cầu sông Hàn Đà Nẵng.
Cầu sông Hàn Đà Nẵng. Ảnh AFP


Chính quyền Đà Nẵng mới đây đã ra lệnh tạm dừng một dự án về du lịch là dự án Marina Complex vì những quan ngại liên quan đến việc dự án này lấn sông Hàn được truyền thông trong nước đăng tải rầm rộ. Tuy nhiên, dường như truyền thông trong nước lại không hề nhắc đến dự án khu nghỉ dưỡng Olalani của Tập đoàn Sungroup cũng trên sông Hàn khi tập đoàn này cũng có những sai phạm tương đồng như Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng, theo nhận xét của một số nhà quan sát.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, lý do Sungroup vẫn êm xui trong chuyện này vì có thế lực yểm trợ:
“Những hãng tư nhân mà làm thiệt hại chung cho quyền lợi xã hội thì ở đâu cũng có, nhưng những năm gần đây do tiến bộ của nghiên cứu khoa học cũng như đấu tranh chống tiêu cực, nhiều dự án tương tự đã phải dừng lại. Riêng đặc thù vừa rồi 3 dự án, bao gồm cả Sungroup san lấp bề mặt sông Hàn thì Sungroup lại không bị ra lệnh dừng lại. Thậm chí tôi có nguồn tin là có ý kiến chỉ đạo dừng lại của thành phố, nhưng họ vẫn làm. Như vậy ta hiểu rằng có một thế lực nào đó rất mạnh đã chi phối việc đó. Cùng việc lấn sông Hàn, một anh bị buộc dừng lại, một anh tiếp tục xây dựng là Sungroup. Trong quy luật cạnh tranh thị trường hiện nay thì Sungroup là ‘cá mập’, mà cá mập thì khó bắt hơn cá lạc.”
Xác nhận Sungroup có một ‘thế lực hậu thuẫn’ rất mạnh này, anh H., cựu phóng viên từng làm cho Đài Truyền hình Việt Nam trong 13 năm cho biết:
“Khi bạn được điều động đi thực hiện phóng sự nào đấy mà báo chí trong nước vẫn gọi là ‘đánh’ một nhân vật cấp cao như thứ trưởng hoặc bộ trưởng, hay những nhân vật của tập đoàn lớn như Vingroup hay Sungroup, bạn cũng tự hiểu là lãnh đạo của mình đã có sự yểm trợ của một lực lượng đủ mạnh phía sau lưng mới dám đưa ra quyết định yêu cầu bạn làm phóng sự đánh những nhân vật và tập đoàn quan trọng như vậy.”
Đây không phải là lần đầu tiên Sungroup bị nghi ngờ có có thế lực chính trị ‘chống lưng’ để phá hoại tài nguyên quốc gia. Trước đó, khi Tập đoàn này xây dựng cáp treo từ Sapa lên thẳng Fansipan, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng đã nêu lên chuyện lợi ích nhóm giữa tập đoàn và các quan chức trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, Sungroup đã phá đường đi từ Sapa lên Fansipan để xây cáp treo, phá hoại cảnh quan tự nhiên tại đây, sau đó cấm người dân không đi đường này nữa. Hiện cáp treo vẫn hoạt động đưa du khách từ thị xã Sapa lên ‘nóc nhà Đông Dương’ với lượng lớn khách du lịch đổ về đây mỗi ngày.
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương"
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương" AFP
Vụ việc dự án Marina Complex và Olalani lần này cũng khiến nhiều người so sánh với vụ cưỡng chế những công trình vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn gần đây. Mặc dù chính phủ Hà Nội nhiều lần lên tiếng phải phá hủy các căn nhà, biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch xây dựng sai quy định trên đất rừng, nhưng truyền thông trong nước nhiều lần loan tin cho biết vẫn có những ngoại lệ khi dỡ bỏ các công trình sai phạm.
Điển hình như báo Đất Việt trong ngày 9/5 cũng đã loan tin ghi nhận ý kiến người dân cho rằng dù vi phạm tương đối giống nhau, nhưng nhiều công trình không bị phá hủy hoặc chỉ bị tháo dỡ một phần, thậm chí có những biệt thự nằm sâu trong phần đất cấm xây dựng vẫn còn sừng sững. Điển hình như hai công trình được nhiều người dân quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương.
Mới đây nhất, vào sáng ngày 9/5, công an Hà Nội đã tiến hành khám xét và thu giữ vật dụng tại Trung tâm bảo hành, sửa chữa Nhật Cường ở C4 Giảng Võ và ở số 33 Lý Quốc Sư.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường là một trong những doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động lớn tại Hà Nội với nhiều cửa hàng trên địa bàn thủ đô.
Theo truyền thông trong nước, tuy là công ty mới được thành lập chưa lâu, nhưng Nhật Cường đã nhận phần lớn các hợp đồng thầu liên quan đến các dự án công trực tuyến ở Hà Nội lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như được chỉ định thầu với giá trị 10,7 tỷ đồng trong dự án của Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội thực hiện quyết định 6699, hoặc trong dự án thí điểm lắp đặt hệ thống camera an ninh với số tiền đầu tư lên đến 1,1 tỷ đồng, hay cung cấp những phần mềm liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng an ninh Hà Nội.
Nhiều chuyên gia quan sát và nhận xét đây có thể là một cuộc đấu đá giữa các nhóm lợi ích mà trong đó, người ‘chống đỡ’ cho công ty Nhật Cường đang thất thế.
Nhận xét về ý kiến này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội, cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, ông nói:
“Tôi nghĩ có rất nhiều dấu hiệu các doanh nghiệp ‘ngoặc’ với chính quyền, có những vị nào đấy đứng đằng sau. Nếu những vị ấy kiểm soát được thì nó để yên, còn không thì bên này đánh bên kia, đánh doanh nghiệp, chỗ này chỗ nọ. Có thể những thế lực chính trị đứng đằng sau, nhiều khi đánh nhau về mặt chính trị nhưng ‘trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Tức là tay chân của phe này bị phe khác đánh, đó có thể là các doanh nghiệp.”
Tình trạng cấu kết giữa hai thành phần tư sản tư nhân và quan chức cấp cao của nhà nước, với mục đích nhằm trục lợi được định nghĩa là ‘nhóm lợi ích’.
Trong nhiều năm qua, ‘nhóm lợi ích’ liên tiếp được nhắc đến trong các vụ án tham nhũng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, hoặc hủy hoại tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng ‘nhóm lợi ích’ là dường như là câu hỏi khó để trả lời vì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cần phải thay đổi thể chế, cần công khai, minh bạch mới có thể hạn chế tình trạng ‘nhóm lợi ích’, mà việc này rất khó thực hiện dưới chế độ độc Đảng như ở Việt Nam hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét