Chưa bao giờ có một cụm từ nào được sử dụng thường xuyên, dầy đặc, nhưng cũng bị bóp méo nhiều như cụm từ “dân tuý” (populism). “Dân tuý” gần như được dán cho tất cả mọi lập luận bị cho là đứng về đám đông, đi theo số đông, hay đơn giản là một tiếng nói, quan điểm nào đó có tính chất an dân, xoa dịu quần chúng. Thường thì “dân tuý” không được sử dụng cho một mục đích tốt đẹp nào mà sẽ đi kèm với các tính từ có tính miệt thị như “dân tuý mị dân”, “dân tuý lừa đảo”, “dân tuý rởm đời”.
Đôi lúc có cảm giác, rất nhiều người sử dụng cụm từ “dân tuý” như một cách để hạ thấp một quan điểm, như thể nó chỉ đại diện cho những tầm nhìn ngắn hạn, những quan điểm nông cạn, những mánh khoé chính trị lừa đảo… Tất cả đôi khi chỉ để chứng minh một điều rằng đám đông thì ngu ngốc, dễ bị lừa đảo, dẫn dắt và cái nhìn đúng phải là cái nhìn đứng ra khỏi đám đông đó, đại diện cho kiến thức, lập luận đúng, đi ngược lại số đông, tuân theo lý lẽ và coi thường cảm xúc. Chúng ta bắt gặp rất nhiều những hiện tượng như thế. Khi một chính khách lên tiếng xoa dịu cơn phẫn uất của người dân, người ta nghi ngờ rằng ông đang dân tuý. Khi một chính sách đi theo quan điểm số đông, người ta dán cho nó nhãn dân tuý. Khi một ai đó quan tâm đến quần chúng nghĩ gì để điều chỉnh lại hành vi của mình, người ta thậm chí cũng gọi đó là dân tuý rởm đời. Họ coi thường đám đông đến mức nghĩ rằng xã hội tốt nhất là nên được điều hành bởi máy móc, AI, những thứ không chịu sự phù thuộc bởi đám đông. Từ đó, họ tôn sùng những nỗ lực điều hành xã hội như máy móc (social engineering), đôi khi tung hô cả hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc, và cuối cùng không tránh khỏi sự sùng bái giới tinh hoa.
Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng, trước khi sử dụng một thuật ngữ nào đó, ta nên hiểu rõ ý nghĩa thực sự. Đồng ý, không ai nói rằng “dân tuý” là một hiện tượng tốt, và sự lên án các tư tưởng, phong trào dân tuý là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng lý do chắc chắn không phải vì nó đại diện cho số đông quần chúng. Cần phải làm rõ rằng, một quyết định dân chủ mới là quyết định đại diện cho số đông quần chúng, chứ không phải là một quyết định dân tuý – thông thường được tạo ra bởi một cá nhân và sau đó biện minh nó với số đông bằng sự mị dân.
Đám đông cũng không phải là một thứ nguy hiểm mặc định bởi vì tuy tác phẩm của Gustav Le Bon thật sự đáng đọc, nó cần phải được đọc bằng cặp mắt phản biện, chứ không phải bằng sự gật gù như thể đó là một tiếng nói để xác nhận lại những định kiến của mình. Điều đáng tiếc là có lẽ NXB Tri Thức đã quá vội vàng khi chọn sách của Le Bon là cuốn sách thứ 3 của tủ sách tinh hoa, khi nền tảng của sự khoan dung và phản biện khoa học chưa được thành hình.
Quay trở lại, tôi nghĩ dân tuý là một thủ thuật chính trị nhằm lợi dụng sự bất mãn của quần chúng đối với một chính quyền, hoặc với một nhóm tạm gọi là có quyền lợi hơn trong xã hội (mà người ta hay gọi là giới tinh hoa). Một chính khách dân tuý bắt đầu bằng việc nói cho quần chúng rằng những vấn đề trong xã hội của họ hoàn toàn là do sự xuất hiện của một nhóm người nào đó, được dung dưỡng bởi giới tinh hoa. Họ chỉ ra rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là cần xem những nhóm người đó là kẻ thù, và chiếm lấy quyền lãnh đạo. Dân tuý là nói về câu chuyện chia rẽ một cộng đồng thành “ta” và “nó”. Chính khách dân tuý lợi dụng quy trình dân chủ nhưng không nhằm mục đích “đoàn kết” như một nhà dân chủ, mà nhắm đến việc “chia rẽ”. Như vậy, nhà dân tuý luôn đi đầu, chứ không theo đuôi quần chúng. Họ thường kích động, chứ không xoa dịu cơn phẫn nộ.
Chúng ta cần phân biệt rõ, một chính sách chỉ dựa trên số đông mù quáng là một chính sách theo đuôi quần chúng, và ta gọi đó là những người tuân theo đa số (majoritarian). Còn những kẻ chỉ đưa ra lời đường mật, hoặc hùng biện, để xoa dịu, đánh lừa dư luận thì gọi là kẻ mị dân (có thể tạm dùng thuật ngữ sophist – tuy ý nghĩa có thể khác đôi chút). Phải gọi đúng tên như vậy. Khi đó, ta thấy rằng một chính khách đăng đàn để nói nhăng nói cuội về một “tinh thần” bóng đá mơ hồ nào đó mà không hề có kế hoạch cu thể, hay đưa ra những lời cam kết chỉ đề xoa dịu phẫn nộ, ta gọi họ là những kẻ mị dân. Còn khi chính khách đó sợ hãi đám đông và mù quáng ra một quyết định bất chấp các nguyên tắc pháp quyền thông thường, bất chấp tiếng nói chuyên môn, ta gọi họ là những kẻ theo đuôi quần chúng. Đồng ý rằng, những chính khách dân tuý thỉnh thoảng sẽ sử dụng các phương pháp mị dân, hoặc theo đuôi quần chúng, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của họ.
Vậy thì cần phải có những biện pháp khác nhau để đối phó với những vấn đề khác nhau. Vấn đề của mị dân đó là sự sùng bái lãnh tụ, không phải là do tâm lý số đông. Nếu người ta tạo được một văn hoá nghi ngờ những gì lãnh đạo nói, coi tổng thống là một chính khách bình thường, thay vì một lãnh tụ, và không thần thánh hoá những gì hắn làm, cộng với sự minh bạch trong hệ thống chính quyền, thì sự mị dân có thể sẽ không tồn tại. Còn tính theo đuôi quần chúng cũng sẽ bị triệt tiêu nếu chính quyền được thiết kế để ở đó người ta không chỉ tuân theo số đông, mà còn phải tuân theo vào các chuẩn mực, nguyên tắc nhân quyền, bảo vệ tự do cá nhân. Chẳng hạn, một toà án (countermajoritan) đủ mạnh để tuyên một chính sách theo đuôi quần chúng là vi phạm hiến pháp nếu nó đi ngược với quyền con người.
Tương tự như vậy, biện pháp chống chủ nghĩa dân tuý chắc chắn không phải là khinh thường đám đông, hay cao ngạo với trí tuệ nhân tạo hay sự tinh hoa tự phong. Những câu nói kiểu như không thể lý lẽ với đám đông mới thật sự là rởm đời. Có lẽ họ đã quên rằng chính sự cao ngạo đó của giới “tinh hoa, cấp tiến” đã tạo ra sân khấu và cả khán giả cho những nhà dân tuý. Nhiều người Mỹ khi bầu cho Donald Trump, đơn giản họ đang nghĩ rằng họ chống lại những nhóm tinh hoa đang nói một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với họ, coi họ là kẻ chậm tiến khi không ủng hộ LGBT, khinh thường sự kì thị có phần truyền thống của họ, thương hại sự ít học và kẻ cả dạy dỗ họ. Chính những người tự coi là cấp tiến nhưng bỏ quên đám đông đó đã khiến cho mọi thứ dễ dàng hơn cho Trump để phân cực một quốc gia. Vì vậy, cần phải thấy sự trỗi dậy của dân tuý là một bài học cảnh tỉnh cho thói quen đó. Và nếu cứ tiếp tục cách cư xử kể trên, tiếp tục khinh thường đám đông, coi đó là dân tuý đáng khinh, thì chúng ta không gì khác hơn là tiếp tục đào sâu thêm khoảng cách giữa ta và họ. Đó chẳng phải chính là điều mà những kẻ dân tuý đang chờ đợi? Một xã hội thiếu khoan dung, thiếu đa nguyên, dễ dàng chia rẽ? Như vậy thì chẳng AI nào có thể cứu nổi.
Để kết luận lại, tôi cho rằng phải thấy được cái gốc và biện pháp của dân tuý là chia rẽ và từ chối đa nguyên. Do đó, để chống lại, cần đối thoại, cần lập luận, và cần tôn trọng chính những tiếng nói tưởng như là thiếu lý lẽ, đám đông nhất. Thuốc chữa cho dân tuý không thể là sự quay lại với chủ nghĩa tinh hoa, hay chế độ độc tài, vì bản chất hai chế độ này không khác gì nhau. Nó là sự thay đổi, độc tài của đám đông hay độc tài của thiểu số, và không chế độ nào tốt cho nhân quyền.
Thuốc trị của dân tuý, kì lạ thay, lại chính là chế độ dân chủ, một chế độ dân chủ đích thực, với những nhà lãnh đạo dân chủ đích thực. Dân chủ đích thực tôn trọng ý kiến số đông nhưng cũng bảo vệ thiểu số. Nhà lãnh đạo dân chủ thì biết rằng sẽ không cần phải tiến quá nhanh nếu mọi người chưa theo kịp, và trách nhiệm của người có tri thức là khơi dậy tri thức trong quần chúng, một cách từ từ và không khinh rẻ, tự cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét