Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov và đồng nhiệm Iran, Mohammad Javad Zarif trong buổi họp báo chung tại Matxcơva, ngày 08/05/2019. Ảnh AFP
Đúng một năm sau ngày tổng thống Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, Teheran phản công, dọa ngưng thi hành một số cam kết trong hiệp định Vienna ký kết với lục cường (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng7/2015. Tổng thống Iran, Hassan Rohani gia hạn cho 5 quốc gia còn lại 60 ngày để tìm ra một giải pháp, thoát khỏi các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu hỏa và tài chính của Iran do Washington ban hành. Thông điệp của Teheran chủ yếu nhắm vào châu Âu vì Nga và Trung Quốc nghiêng về phía Iran.
Đến nay Anh, Pháp, Đức và lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Âu vẫn nỗ lực cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đột ngột tăng cao từ hơn một tháng qua. Nhà Trắng dồn dập loan báo tăng cường các biện pháp cấm vận dầu hỏa, uranium và gần đây nhất là với cả kim loại với Iran.
Về mặt quân sự và ngoại giao, Mỹ đưa Vệ Binh Hồi Giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đầu tuần, Washington thông báo đã điều oanh tạc cơ đến vùng Vịnh chuẩn bị đối phó với Iran. Trong lúc ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị dư luận, cáo buộc Teheran đang có kế hoạch tấn công nhắm vào Hoa Kỳ trong khu vực. Đích thân ngoại trưởng Pompeo đến Luân Đôn tìm cách thuyết phục Anh Quốc đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu với Iran.
Trên đe dưới búa
Từ một năm qua, Liên Hiệp Châu Âu và ba nước có đặt bút ký vào thỏa thuận hạt nhân Iran mùa hè 2015 hoàn toàn bất lực. Mặc dù Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA công nhận Teheran không vi phạm thỏa thuận đã ký kết, nhưng chính quyền Trump vẫn đơn phương rút lui, đòi đàm phán lại một thỏa thuận hạt nhân mới « cân bằng hơn ». Tháng Giêng năm 2019, Nhà Trắng gia hạn 120 ngày để Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc thuyết phục Iran, trước khi Washington « tăng cường thêm » các biện pháp trừng phạt Teheran. Đương nhiên, cả 5 cường quốc này không chấp nhận « tối hậu thư » của Mỹ.
Việc Washington áp dụng trở lại các cấm vận đối với Teheran đã buộc nhiều tập đoàn châu Âu – không muốn bị Mỹ trừng phạt vì làm ăn với Iran – phải rút lui khỏi nước này. Từ mùa hè năm 2018, Bruxelles liên tục tìm cách thoát khỏi búa rìu của Hoa Kỳ và cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran. Bằng chứng là Liên Âu cố gắng xây dựng một cơ chế thanh toán để có thể vẫn nhập dầu của Iran hay mua bán với các doanh nghiệp của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này mà không vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Thế nhưng, cơ chế này vẫn « dậm chân tại chỗ ».
Trong lúc các tập đoàn của châu Âu thoái lui thì một số công ty Trung Quốc đã lấp vào chỗ trống trên thị trường Iran, như trường hợp của tập đoàn đầu khí CNPC đã thay thế đối tác Pháp Total trong dự án khai thác khí đốt South Parc của Iran.
Thông điệp của Teheran - dọa ngưng « thực thi một số các cam kết trong hiệp định hạt nhân Vienna » – dường như nhắm vào hai đối tượng. Trước tiên là Liên Âu. Chuyên gia Clément Therme, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược IISS trụ sở tại Luân Đôn cho rằng với « tối hậu thư » nói trên, Iran muốn thúc đẩy các đồng minh của Hoa Kỳ đương đầu với Washington, thuyết phục chính quyền Trump cho phép Teheran xuất khẩu dầu hỏa.
Iran đã hết kiên nhẫn trước thái độ chần chờ của châu Âu. Iran lại càng nóng ruột hơn nữa khi mà một số thành viên từng ký kết vào hiệp định hạt nhân Iran không loại trừ khả năng theo chân Mỹ, tăng cường các biện phát trừng phạt Iran. Thông điệp hù dọa của Iran cũng nhằm hối thúc Matxcơva và Bắc Kinh cưỡng lại những áp đặt của Hoa Kỳ.
Có điều vào lúc vùng Vịnh đang trong cảnh « dầu sôi lửa bỏng », thì châu Âu lại bị chia trí về những hồ sơ nóng bỏng khác : Đức đau đầu vì tăng trưởng đang bị chựng lại. Pháp vẫn chưa tìm thấy ngõ thoát giải quyết khủng hoảng xã hội kéo dài từ gần sáu tháng qua kể từ khi phong trào Áo Vàng bùng phát. Còn tại Luân Đôn, chiếc ghế thủ tướng của bà Theresa May bị đe dọa vì hồ sơ Brexit. Lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Frederica Mogherini sắp mãn nhiệm, Bruxelles chuẩn bị bầu lại một dàn lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu cuối tháng 05/2019.
Những đe dọa và áp lực từ phía Washington và Teheran làm lộ rõ hơn thế yếu của Liên Âu về ngoại giao và kinh tế. Sắp tới, Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và khối này chỉ còn 27 thành viên, vốn dĩ rất khó có tiếng nói chung trên nhiều hồ sơ quốc tế. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc từ lâu đã đứng về phía Iran, và cả hai không bỏ lỡ cơ hội để tranh giành thị trường Iran với các đối thủ châu Âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét