Tôi tự học tiếng Anh mới có... 5 lần, lần nào cũng khởi đầu, từ cuốn Streamline English 1 - Departure, cứ chăm chỉ được hai phần ba là... tự tốt nghiệp, để lần sau lại departure. Nhưng dù vốn liếng nông cạn tôi vẫn một mực tin vào đảng và chính phủ, cho rằng ông bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng dùng cụm từ "Make in Vietnam" là chẳng sai. Ông này nghe nói còn thạo tiếng Anh hơn cả ông Nguyễn Thiện Nhân nên dễ gì sai. Cách dùng chữ make ấy lấn cấn ở chỗ lâu nay xứ An Nam quen nghe ma re in Việt Nam (Made in VN) lâu rồi nên cứ thấy gờn gợn.
Hôm qua nghe bác thủ tướng Phúc nói mếch (make) xong, tôi sực nhớ một cụm từ viết tắt quen thuộc suốt mười mấy năm ở miền Bắc, là CCCP. Trên những thùng hàng viện trợ của Liên Xô luôn có dòng chữ bằng tiếng Nga, "Сделано B СССР", dịch ra nghĩa Việt là Chế tạo tại Liên Xô. CCCP tức Liên Xô, viết tắt tiếng Nga của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Các kho bãi ở cảng Hải Phòng, ven đường sắt các ga ở Đồng Đăng, Yên Viên, Gia Lâm hoặc dọc đường 5... luôn chất đầy hàng Liên Xô. Dân chúng nhỏ to với nhau rằng đó là nhờ những chuyến bị gậy sang Mạc Tư Khoa của ông Lê Thanh Nghị. Ông này ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng nhưng chỉ có mỗi việc ra nước ngoài xin hàng viện trợ. Ông người Hải Phòng, là cậu ruột của người bạn học cùng lớp với tôi, chị Nguyễn Ngọc Trâm. Tốt nghiệp phổ thông năm 1972, chị Trâm được đi học ở Liên Xô, về làm ở Bộ Giáo dục, sau mất sớm do bệnh nan y.
Ngoài vũ khí, quân nhu, lương khô, còn là cơ man hàng sinh hoạt như vải vóc, nồi nhôm, sách giấy, thức ăn, xe đạp, đồng hồ, đường sữa, bột mì, giấy dầu lợp nhà..., tức là một dạng "bơ thừa sữa cặn" nhưng không phải từ đế quốc thực dân mà của anh em phe XHCN. Tuy là hàng viện trợ nhưng không phải ai cũng được hưởng, bởi đã có quy định bất thành văn của trung ương, cứ theo nguyên tắc phân phối "xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống" mà thi hành. Chừng ấy năm chiến tranh, nhà tôi chưa bao giờ được mua một thứ hàng gì chế tạo tại CCCP theo giá phân phối, mà muốn có, cái nồi nhôm, cái chậu men chẳng hạn, chỉ có cách ra chợ giời, ra chợ Sắt, mua với giá cao gấp nhiều lần. Dường như hàng Liên Xô đối với phần đông dân chúng phổ biến nhất chỉ là những chiếc thùng gỗ thông và những cái đai thùng bằng thép mỏng mà người ta ưu đãi bán cho dân để đem về đóng bàn ghế và làm rút dép.
Mấy ông anh tôi thường cắt nghĩa chữ CCCP thành "các chú cứ phá" hoặc "càng cho càng phá". Phải nói thẳng rằng thời ấy có "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên đã sống khá đầy đủ bằng hàng chế tạo tại CCCP. Sau này, khi Liên Xô cắt dần viện trợ, mức sống thiếu thốn nghèo khổ cào bằng trở lại ít nhiều, dân mới có dịp "sướng" bằng cán bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét