Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

10088 - 44 năm sau, nhìn lại mối đau (kỳ 4)



Bốn.

Tháng Ba, 1975, ở Mỹ có nhiều ý kiến về Việt Nam. Điển hình với người công dân Milliard E. Crane ở Fonda, New York, trong lá thư gởi ban biên tập báo Newsweek viết nên lời thống thiết: Tinh Thần 76 đâu rồi? Hôm nay nước Mỹ đứng yên nhìn Cambodia, tiếp đến Việt Nam lần lượt rơi vào nanh vuốt bọn xâm lược. Và như quân bài domino dần tan rã, phải chăng lần tới sẽ là Thái Lan, rồi đến Nam Hàn, Trung Hoa Dân Quốc với Đài Loan và tiếp tục nữa chăng? Những dân tộc này đã và đang chiến đấu cho những lý tưởng quan yếu như chúng ta hằng chống lại đế quốc Anh.
Chúng ta đốt pháo bông ăn mừng khi hỏa tiễn dày xéo tự do ở nơi bên kia thế giới được chăng? Chúng ta nên cần một Patrick Henry nung nấu dòng máu và một George Washington giữ thẳng xương sống chúng ta.
Nhưng hòa bình lại không do từ những con người trên, hòa bình đến bởi Kissinger, người phải ngậm cục kê vào miệng – giải thưởng Nobel Hòa Bình để không thể nói một lời gì khác ngoài việc phải hô hào bảo vệ cho kỳ được nền “hòa bình trong danh dự” mà ông ta đã phải xoay trở mãi từ 1968 đến Tháng Giêng, 1973, mới ráp nối được.
Hòa bình đó đã tồn tại đến những hai năm, hai tháng cho dù đôi khi lâm bệnh ngặt nghèo với vụ lấn chiếm Tống Lê Chân và Phước Long.
Nếu “Hòa Bình” phải cơn hấp hối như hôm nay (Tháng Ba, 1975) thì ắt phải do… Nguyễn Văn Thiệu “một người tuyệt vọng đến độ phát hoảng” và dù cho miền Nam có mệnh hệ nào thì “Việt Nam cũng không phải là tận cùng thế giới” và đây cũng là lỗi của Quốc Hội – nơi đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ lẫn Thượng Viện, với Kennedy, Johnson đã đưa cuộc diện Việt Nam vào bãi lầy nên phải cậy đến khôn ngoan rất mực của ông ta mới tìm ra lối thoát.  Mà việc này ông đã “hoàn tất một cách xuất sắc” với giải Nobel Hòa Bình cao quý!
Tóm lại, chỉ còn đôi lời cam kết giữa hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu! Cũng không có gì khó, sẵn vụ năm anh Cuba đột nhập vào tòa nhà Watergate của đảng Dân Chủ, lục túi thấy một đống đô la vừa tiền mặt, vừa tín phiếu, và sỗ ghi các điện thoại. Truy tầm một hồi thì thấy ngay xuất xứ của số tiền, các tín phiếu này (dù qua một hệ thống nhiều ngân hàng của Mỹ và Mễ Tây Cơ) vốn từ quỹ vận động bầu cử Tổng Thống Nixon!  Chạy thế nào thoát.
Hai ký giả Bernstein và Woodward của báo Washington Post vớ phải ngay một “ông nằm vùng, bí danh Deep Throat” từ đâu trong Bạch Cung. Ông này hằng tuần hẹn hò trên trang 20 báo Post dò hỏi cách gặp gỡ.  Và nếu khẩn cấp thì gọi nhau, cho ám hiệu. Thế là, ông Nixon chửi thề như thế nào, ông John Mitchell nói cái gì, cố vấn Haldeman thở than với vợ ra làm sao… Tất cả đâu đó đã sẵn để hai ông nhà báo lựa chọn, ra tin.


Chỉ một Tháng Ba, 1975, miền Nam mất $700 triệu chiến cụ. (Hình: Flickr manhhai)

Giằng co một hồi đến 8 Tháng Tám, 1974, thì Tổng Thống Nixon buộc phải từ chức! Ai hứa với ai gì nào? Tổng thống kế nhiệm Gerald Ford khi đến Palm Spring, California, chơi golf bị ký giả truy hỏi về tình hình Việt Nam; vừa chạy vừa cười tươi. Chiến tranh Việt Nam đã là dĩ vãng! Đến một lúc sau khi nói chuyện với doanh nhân, nhân viên chính quyền cao cấp ở San Diego ông mới nói thật…
“Tình hình quả thật bi thảm và chúng ta cần một ý nghĩa mới về đoàn kết quốc gia tại thời điểm đau buồn, hỗn loạn này…” Nhưng ông cũng không quên yêu cầu Quốc Hội chuẩn y phần viện trợ khẩn cấp. Sự cố gắng của tổng thống Hoa Kỳ được hiện thực. Quân cảng Vũng Tàu, Tân Cảng cầu xa lộ Sài Gòn được tiếp nhận thêm một số quân trang, quân cụ, vũ khí mới…  Súng 105 đời Thế Chiến Thứ II, nón sắt, ống nhòm, và súng colt và xe GMC. Chỉ một Tháng Ba, 1975, miền Nam mất $700 triệu chiến cụ đến nỗi một viên chức Ngũ Giác Đài phải ngao ngán thốt lên: “Tốt hơn hết chúng ta nên chuyển thẳng cho Hà Nội, như thế khỏi phải bị hư hao…”
Khi bị chất vấn về 58,000 quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam, vị tổng thống không do đấu tranh, bầu cử mà nên chức phận, đã ngậm ngùi than vãn: “Chúng ta quả thực không thực tế một chút nào vì đã quá trịnh trọng cam kết tại hội nghị khi đã chấm dứt tranh đấu ở Việt Nam.” Và nếu có đôi chút thành thật họa chăng là lời thú nhận cay đắng của Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller… “Tôi e rằng một số người Việt đang dần chết… Trong khi, chúng ta vẫn tiếp tục sống…” Nói như thế kể ra cũng đủ gọi là thành tâm!
Trong ngày đầu Tháng Tư, 1975, cựu Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã lúc ấy giữ chức vụ cố vấn riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Tân Gia Ba theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu.
Thủ Tướng Lý mời Cố Vấn Nhã đến để trao gởi một nguồn tin quan trọng. Ông vào thẳng vấn đề: “Đừng để mất thì giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc ở Việt Nam sắp xảy ra, đang phải đến.” Thủ Tướng Diệu nói rõ: Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller vừa hỏi ý kiến ông cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác là: “Liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Nguyễn Văn Thiệu ra đi hay không.” Hóa ra chuyến viếng thăm không chính thức các nước Đông Nam Á của Phó Tổng Thống Rockefeller nhân dịp viếng lễ tang Thống Chế Tưởng Giới Thạch vừa qua tại Đài Loan vào ngày 5 Tháng Tư là để thông báo một điều quan trọng: Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần thay người cầm quyền ở Nam Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Nhã liền thông báo cho Tổng Thống Thiệu nguồn tin chẳng mấy phấn khởi này, một phần ông cũng đã hiểu ra thực tế: Giới quân nhân, những tư lệnh các quân khu qua tình hình chiến sự đã không còn tin tưởng Tổng Thống Thiệu vốn là một tướng lãnh quân đội.
Cuộc rút bỏ Tây Nguyên vào ngày 15 Tháng Ba tiếp theo lần di tản Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… vào cuối Tháng Ba với chuỗi thảm cảnh kinh hoàng của dân và lính vượt khỏi tất cả những dự kiến, làm tan vỡ sức chiến đấu, phá hủy quân trang cụ, vũ khí của hai Quân Khu I và II đã bày ra điều cùng cực phi lý và tàn nhẫn: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã không kiểm soát đượcc tính hình chính trị lẫn quân sự của miền Nam. Hơn thế nữa lời thông báo của Phó Tổng Thống Rockefeller không là ý kiến riêng của người lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc nhưng là phản ảnh thực tế về quyết định của chính giới Mỹ đối với tình thế chung cho toàn vùng Đông Nam Á. Đấy là Mỹ rút ra khỏi vùng này theo thỏa thuận với Trung Cộng từ thông cáo Thượng Hải ký năm 1972 giữa Châu Ân Lai và Nixon. Tổng Thống Thiệu làm sao không biết thì ai biết tới kết thúc này? Không biết chính xác lúc nào mà thôi!
Ngày 12 Tháng Tư, Nam Vang, Cambodia, thất thủ, tất cả bộ trưởng của nội các Long Boret chỉ trừ một người thuận di tản theo đề nghị của Tòa Đại Sứ Mỹ, tất cả đồng ở lại với đất nước và đã là những nạn nhân bị hành quyết đầu tiên bởi cách hành hình man rợ của đám đao phủ Khmer Đỏ.


Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm từ Hoa Thịnh Đốn trở về với tin sét đánh: “Không những không có $300 triệu quân viện bổ sung mà có thể không còn viện trợ quân sự nữa!” (Hình: Flickr manhhai)

Điển hình là vị cố vấn chính trị Sirik Matak của Tổng Thống Lon Nol đã có lá thư tuyệt mệnh gởi đến Đại Sứ Mỹ Dean John với lời lẽ khẳng quyết bi tráng như sau: “Kính gởi ngài đại sứ và các bạn… Tôi chân thành cảm ơn lá thư ngài chuyển tới với đề nghị giúp tôi phương tiện đi đến vùng tự do. Nhưng hỡi ơi, tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như thế được. Xin ngài cứ ra đi, và tôi cầu chúc ngài cùng đất nước Hoa Kỳ có được nhiều điều hạnh phúc dưới cõi trời này. Nếu tôi có phải chết thì cũng chết trên đất nước mà tôi vô cùng yêu quý dẫu cho đấy là điều bất hạnh, nhưng chúng ta ai chẳng sinh ra và một lần mất đi. Tôi chỉ phạm một lỗi lầm là đã tin vào ngài và tin vào những người bạn Mỹ.”
Từ tình cảnh của Cambodia hiểu ra tình thế của miền Nam khi tình hình quân sự hoàn toàn suy sụp, và Mỹ quyết định chấm dứt sự dính líu đến VNCH!
Ngày 8 Tháng Tám, 1974, Tổng Thống Richard Nixon từ chức, Phó Tổng Thống Ford lên kế vị, vốn là một chủ tịch Hạ Viện được kế vị do hiến định nên khoán trắng vấn đề đối ngoại, an ninh quốc gia cho Cố Vấn kiêm Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger.
Số phận Việt Nam được quyết định với viện trợ kinh tế bị cắt khoảng 50% (theo đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Kennedy), và viện trợ quân viện được xác nhận ở số $625 triệu, có thể chỉ là $500 triệu (tức cắt đến 60%).
Tháng Mười Hai, 1974, tỉnh lỵ Phước Long bị mất, Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger đã không có hành động đáp ứng cụ thể nào như đã hứa hẹn, cam kết. Tổng Thống Gerald Ford lại bị trói buộc toàn diện bởi Nghị Quyết Sử Dụng Vũ Lực Chiến Tranh đã được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn từ Tháng Mười Một, 1973. Nghị quyết này hiện thực đạo luật cắt bỏ quỹ “Hoạt Động Tác Chiến” vốn được dùng để yểm trợ cho chiến cuộc Đông Dương trước Hiệp Định 1973.
Tổng Thống Ford cố làm yên lòng Tổng Thống Thiệu bằng cách cử một phái đoàn do Thứ Trưởng Quốc Phòng Clements sang Sài Gòn; ông Thiệu chỉ định Đại Sứ Trần Kim Phượng, Bộ Trưởng Vương Văn Bắc sang gặp Tổng Thống Ford. Tổng thống Mỹ hứa cứu xét đến quân viện bổ sung $300 triệu để phục hồi lại $1 tỷ như hoạch định. Cần nhắc lại những số liệu để so sánh: 1/Giai đoạn 1966-1970: Mỹ tiêu $25 tỷ/năm bởi có 500,000 quân Mỹ và đồng minh đang tham chiến. 2/1970-1971: $12 tỷ/năm vì đang rút quân. 3/Sau khi Mỹ rút hết quân thì: 31/Tài khóa 1973: $2.1tTỷ; Tài khóa 1974: $1.4 tỷ; Tài khóa năm 1975: $700 triệu. Vậy nếu có được $300 triệu bổ sung thì quân viện năm 1975 cũng chỉ được $1 tỷ.
Khi quân Cộng Sản miền Bắc khởi đầu tấn công Ban Mê Thuộc trong ngày 10 Tháng Ba; Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm từ Hoa Thịnh Đốn trở về với tin sét đánh: “Không những không có $300 triệu quân viện bổ sung mà có thể không còn viện trợ quân sự nữa!”
Như thế, $300 triệu (dự trù bổ sung) vào ngày 13 Tháng Ba, 1975, đã trở thành “Số Không” vì đảng Dân Chủ kiểm soát cả Hạ lẫn Thượng Viện đã bỏ phiếu với đại đa số: Chống bất cứ viện trợ nào cho Việt Nam kèm theo lời tàn nhẫn: “Viện trợ di tản thì cho, chứ một xu (viện trợ quân sự) cho Thiệu thì không.”
Trong cùng lúc: “Từ 1974 qua 1975, miền Bắc đã đưa vào Nam một số lượng quân trang cụ, vũ khí là 823,146 tấn – gấp 1.6” lần số lượng đã vận chuyển của 14 năm qua (kể từ 1960, năm bắt đầu thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 19 Tháng Mười Hai, 1960).
Người lính VNCH ở chiến trường không biết những số liệu trên, họ chỉ biết: Trước “Hiệp Định Ngưng Bắn Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam, 27 Tháng Giêng, 1973” trên chiến trường, trước khi xung phong vào mục tiêu họ được phi, pháo yểm với số lượng không hạn chế nếu như đụng địch.
Nay năm 1974, 1975, một mục tiêu chỉ còn “Bốn (4) viên đạn 105 ly cho một lần đụng trận.”
Người lính cũng không biết thực tế: Nếu không có biến cố Tháng 30 tháng Tư thì cũng chỉ đến khoảng Tháng Sáu, 1975, đạn tồn kho sẽ hết, và đến tháng 8 là hết sạch.
Báo cáo của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Trung Tướng Đồng Văn Khuyên lên Đại Tướng Cao Văn Viên Họ cũng không biết trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh tấn công vào Sài Gòn cuối Tháng Tư: “Toàn thể quân đội miền Bắc đang có mặt ở miền Nam! Lúc ấy chỉ cần một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là có thể chiếm hết miền Bắc.” Người tuyên bố câu tán thán này không ai lạ, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henri Kissinger! 
(Còn tiếp kỳ cuối)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét