Hình minh họa.
Cuộc sống này đầy những vấn đề. Con người, bất kể giàu hay nghèo, da trắng đen hay vàng, có niềm tin tôn giáo hay vô thần, về mặt thể xác tâm lý hay tinh thần, cá nhân gia đình tập thể quốc gia hay toàn nhân loại, trong mọi công việc và điạ hạt, đều có những vấn đề và những thử thách trong đời sống.
Mỗi thời đại đều có những vấn đề và thử thách của riêng nó. Và làm người thì chắc chắc ai cũng có vấn đề của riêng mình. Và ai cũng có đầy cảm xúc. Nó không phân biệt bất cứ ai.
Vấn đề trong cuộc sống không phải là làm sao chúng ta không có quá nhiều vấn đề, hay không có quá nhiều cảm xúc, mà là làm sao để điều giải, quản lý các vấn đề và cảm xúc của chính mình và những người tương tác với mình.
Câu hỏi thường đặt ra xưa nay là rằng đứng trước những sự kiện lớn lao, những người lãnh đạo quốc gia giải quyết nó, lấy các quyết định hệ trọng, bằng lý hay tình, hay cả hai?
Theo nhà kinh tế học Eric Stark Maskin thuộc trường Đại học Harvard, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2007, thì khi Giám đốc điều hành một công ty (CEO) lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào, người ta sử dụng cả hai lý và tình cùng lúc. Chẳng hạn, khi chúng ta có sự đồng cảm thì chúng ta dễ nhận ra được những điều/dấu hiệu mà bị dấu kín nếu chúng ta chỉ sử dụng lý trí mà thôi. Ông cũng biện luận rằng hiểu được động cơ và cảm xúc của người khác là vô cùng hệ trọng trong việc nối kết hiệu quả các tình huống mang tính chiến lược và tương tác.
Thật vậy, hiểu được cảm xúc của người khác có lẽ là chìa khóa quan trọng nhất trong quan hệ con người. Lý, thì người ta dễ trình bày hơn, dễ diễn đạt hơn. Nhưng cảm xúc con người thì rất là phức tạp. Phức tạp đến độ nhiều khi chính mình không hiểu được mình, và không hiểu vì sao mình lại có những cảm xúc như thế. Nó vô hình và vô ngôn để diễn tả đầy đủ.
Trong thời đại công nghệ bốn này, máy siêu vi tính và máy tính lượng tử, nhất là được trang bị bởi thông minh nhân tạo (artificial intelligence, AI), có thể thay thế con người hầu như ở mọi chức năng, ngay cả viết tiểu thuyết sắc sảo, vào một tương lai gần. Nhưng hiểu được con người, có được các kỹ năng để giải quyết các vấn đề của con người (people’s skills) trong thời đại này, không phải là chức năng của máy móc. Người nào có được các kỹ nàng này sẽ bảo đảm là không bị thiếu việc trong các thập niên tới.
Hiểu được con người và điều giải được cảm xúc cũng là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của lãnh đạo. Những nghiên cứu khám phá mới nhất trong vài thập niên qua về lãnh đạo cho thấy những người lãnh đạo xuất chúng xưa nay đều là những người có trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence, EI/EQ) cao. Đây là các đặc tính bất biến với thời gian.
Nhà kinh tế học David Deming thuộc đại học Harvard nghiên cứu từ năm 1980 đến nay cho biết lương bổng phần lớn gia tăng đối với các công việc đòi hỏi các kỹ năng xã hội (social skills). Theo Deming thì đọc được suy nghĩ của người khác và phản ứng lại là một tiến trình vô thức, và các kỹ năng trong bối cảnh xã hội đã chuyển hóa trong con người hàng ngàn năm qua. Máy móc không thể thay thế con người ở mặt này.
Những người có chỉ số thông minh cao (intelligence quotient/IQ) chưa hẳn là người thành công hay lãnh đạo giỏi. Thiếu các kỹ năng xã hội, thiếu nhận thức về chính mình (hay ý thức, self-awareness) là những bất lợi lớn cho sự nghiệp của họ. Không ai muốn làm việc với một người độc đoán độc tài, nói dài nói dai, nói đàng làm nẻo, thiếu thông cảm và đồng cảm, thiếu tinh thần tương thân tương trợ, gian lận trí trá, hống hách kiêu căng, tự cao tự đại, chôm thành quả và ý kiến của người khác mà không ghi nhận rõ ràng, vân vân…
Tiến sĩ Travis Bradberry là tác giả của cuốn sách chuyên về thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence 2.0). Đây là tác phẩm vô cùng hữu ích cho những ai muốn làm việc xã hội, kinh tế, chính trị, hay nói chung là cần làm việc với người khác. Nhiều tác phẩm khác về EQ cũng rất có giá trị. Trong lĩnh vực hoạt động cộng đồng và vận động dân chủ, những kiến thức và kỹ năng này có lẽ là cần biết và cần thiết hơn tất cả. Lý do căn bản là vì nếu không hiểu được động cơ và cảm xúc của con người thì làm sao có thể động viên, truyền cảm hứng và thu phục được nhân tâm? Nếu không thu phục được thì làm sao thành công đối với vấn đề trên bình diện quốc gia?
Trong nhiều thập niên qua, người Việt hải ngoại có vẻ ngày càng bớt quan tâm đến những vấn đề dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam. Có rất nhiều lý do, không chỉ một lý do riêng biệt nào. Mệt mõi là một. Sau bao năm miệt mài ai cũng cảm thấy… nản. Bất lực là hai. Vấn đề quá to tát trong khi số người quan tâm, dấn thân và trách nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu lãnh đạo là ba, và có lẽ là chính. Không có lãnh đạo tài giỏi, có tâm và có tầm, có chiến lược, thì không thể vận động được nguồn lực tài chánh và nhân sự, trong lẫn ngoài nước, và không thể huy động và quy tụ các xu hướng và tổ chức có tiềm lực ngồi chung lại với nhau. Bao nhiêu người nhiệt tình sau một thời gian ngưng hoạt động vì thiếu lãnh đạo.
Nhưng tôi cho rằng văn hóa chính trị là nguyên do nền tảng. Trung điểm của vấn đề này là quan hệ giữa con người với nhau. Giữa giới lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo, nói theo ngôn ngữ của Tùng Phong Ngô Đình Nhu. Cũng như giữa lãnh đạo với nhau, và giữa những người chịu sự lãnh đạo với nhau. Vì các yếu tố này nên không ai chịu ngồi với ai, chuyện nhỏ hóa thành lớn, làm lớn chuyện thay vì chuyện lớn, nên mọi nơi gần như chia năm xẻ bảy, nguồn lực vốn đã không bao nhiêu lại bị phân tán trãi mỏng, vân vân…
Tại sao mỗi cá nhân người Việt thì rất khá, nhưng trên bình diện tập thể, cộng đồng, đất nước, thì chỗ đứng Việt Nam hiện nay thật không xứng đáng chút nào?
Tôi cho rằng tất cả đều là các vấn đề thông minh cảm xúc/EI/EQ. Nắm bắt được các kỹ năng này là chìa khóa để xây dựng con người, thay đổi văn hóa, và thay đổi chính trị. Sẽ không bao giờ trễ nếu chúng ta muốn học và muốn thay đổi.
Đây là các đề tài mà tôi sẽ trình bày chi tiết hơn, qua các thí dụ cụ thể trong lịch sử, qua người thật việc thật, cũng như qua các nghiên cứu khoa học, trong các bài tới.
(Úc Châu, 15/05/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét