Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

*10172 - Chính quyền có muốn lắng nghe dân như lời Thủ tướng?


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hôm 13/5 cho rằng ‘phải lắng nghe dân vì mất chế độ vẫn được xác định là một nguy cơ, nên phải chủ động không để mất dân, mất niềm tin của dân, mất chế độ’.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hôm 13/5 cho rằng ‘phải lắng nghe dân vì mất chế độ vẫn được xác định là một nguy cơ, nên phải chủ động không để mất dân, mất niềm tin của dân, mất chế độ’.


Người đứng đầu chính phủ Việt Nam mới đây lên tiếng kêu gọi các đảng viên và lãnh đạo phải lắng nghe lời dân để duy trì chế độ. Ông Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn, lo lắng như vậy là có cơ sở khi thời gian qua, những bức xúc trong dân thi thoảng đã bùng lên thành những cuộc biểu tình.
Vào hai ngày 10 và 11/6/2018, đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân trên khắp các tỉnh thành Việt Nam phản đối hai dự luật đặc khu cho phép Trung Quốc thuê đất và an ninh mạng. Một số nơi đã biến thành bạo động như tại Bình Thuận khi người dân đập phá tài sản công vụ và đốt cháy nhiều ô tô, xe máy tại Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Khi đó, đã có hàng chục người trên cả nước bị kết án tù với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ sau khi tham gia đợt biểu tình này.
Chị Nguyễn Lai, một người dân từ Nha Trang thì cho rằng, không thể tin những lời của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chị đưa ra ví dụ:
“Chẳng hạn biểu tình chống luật đặc khu, là lo sợ của dân, lo sợ bị mất nước, thì người dân đứng ra biểu tình chống luật đặc khu, mà có biết bao nhiêu người bị bắt trong và sau cuộc biểu tình đó. Đừng tin những lời mấy ông này nói, nó giống như dụ con nít vậy đó. Khi người dân hay những facebookers lên tiếng thì bị bắt bớ, bị dọa, biểu tình thì bị đàn áp, lên tiếng thì bắt bớ và ghép vô tội nói xấu đảng và nhà nước thì làm sao tin được những lời ông nói. Họ nói và làm khác nhau hoàn toàn.”
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân từ khi được trình làng tại Quốc hội hồi tháng 6/2018.
Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/5 về vấn đề này, Anh Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội nhận định:
“Trước các kỳ đại hội, hay sinh hoạt chính trị của đảng cộng sản, thì người ta hay có những lời lấy lòng dân, mà nói nặng là mị dân. Nếu những người cộng sản thật sự muốn nghe tiếng nói của dân thì nhìn lại quá khứ, những năm trước, khi người dân góp ý về sửa đổi hiến pháp và sửa đổi luật đất đai, khi đó những người trí thức đã viết chỉ ra nhiều điều như bỏ điều 4 hiến pháp quy định đảng lãnh đạo toàn diện. Đặc biệt là trong luật đất đai phải đa sở hữu, chứ không phải sở hữu toàn dân nhưng nhà nước quản lý thì rất chung chung, rồi quan chức lợi dụng điều đó cưỡng chế bất cứ đất nào của dân. Đấy là hai ví dụ tôi đưa ra để xem là những người lãnh đạo cộng sản có thật sự nghe ý kiến của dân hay không, thì hai ví dụ vừa nói đã phản ánh rồi.”
Biểu tình phản đối dự luật ba đặc khu. 10/6/2018.
Biểu tình phản đối dự luật ba đặc khu. 10/6/2018. AFP

Trong thời gian tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra những hội nghị quan trọng của Đảng. Hội nghị trung ương 10 đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội hôm 16 tháng 5 và sẽ kéo dài đến hết ngày 18/5/2019. Đây là đại hội quan trọng chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2020.
Vào năm tới, Đảng Cộng sản việt nam sẽ có đại hội thứ 13 là đại hội toàn quốc diễn ra mỗi 5 năm.
Trao đổi với chúng tôi hôm 17/5, Anh Nguyễn Ngọc Tân, một người dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhận định:
“Ở Việt Nam thường hay nói khẩu hiệu này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Cũng như câu nói của ông Phúc thực tế cũng hoàn toàn khác xa. Tôi nhận thấy, thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Chẳng hạn ở các nước, muốn nói lên tiếng nói thì người dân biểu tình, và theo đó chính phủ sẽ xem xét một quyết sách nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì không có được vậy, ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu.”
Các Tổ chức quốc tế lên án Việt Nam thường dùng các điều luật an ninh mập mờ trong bộ luật hình sự để bỏ tù những tiếng nói đối lập.
Theo thông tin Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố hôm 13/5/2019, vẫn còn đến128 Tù nhân Lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động.
Năm 2018 Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và đã có hiệu lực từ 1/1/2019, gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quôc tế chỉ trích lên án đạo luật này và cho rằng luật này góp phần bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của người dân.
Theo thống kê mà RFA có được, từ đầu năm 2019 đến nay Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 12 Facebookers và đã được truyền thông trong nước ghi nhận.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 17/5, chị Huỳnh Hằng, một người dân từ Đà Nẵng nói về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Nó như một thứ giáo điều lừa bịp, khi luôn nói chính quyền vì dân do dân, mọi ý kiến phản biện dẫu đúng vẫn cứ bị quy chụp là phản động, là chống phá nhà nước thì sao gọi là vì dân? Chính cái tư duy còn đảng còn mình đã nói lên tất cả cái tính bảo thủ của nhà cầm quyền...”
Khi trao đổi với RFA hôm 17/5, Bác sĩ Đinh Dức Long nhận định:
“Tôi nghĩ nguy cơ mất chế độ càng ngày càng lớn, đến mức họ không thể che giấu được nữa. Từ xưa họ vẫn tin chế độ của họ là vững như bàn thạch, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, chế độ của dân do dân vì dân… họ tin tưởng thế mà họ nói điều đó tức là họ cảm thấy rằng có vấn đề gì đó không ổn, ít nhất là không ổn, và lòng dân đã khác với ngày xưa rồi, không thể nào họ áp đặt như ngày trước nữa. Đấy là thực tế họ phải thừa nhận và họ tìm cách đối phó với nguy cơ đó, như ông Phúc đã nói là phải lắng nghe dân, đó là những biện pháp muôn thuở, nhưng vấn đề là họ có làm hay không?
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa XII, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói ‘Nếu đảng và nhà nước để mất niềm tin của dân là mất chế độ, mất tất cả’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét