Các phát ngôn về "hiền tài" của cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang nay là "vô giá trị", theo một số ý kiến. Một nhà quan sát ở TP.Hồ Chí Minh nói với BBC rằng các phát ngôn của cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang gần đây là kiểu "té nước theo mưa", vì "bầy sâu thời ông tại vị đã sinh sôi không kiểm soát nổi".
Hôm 17/5, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài "Tìm chọn hiền tài" đăng trên truyền thông trong nước để thể hiện "đôi điều suy ngẫm công tác cán bộ".
"Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu," bài báo viết.
'Tự vả vào mặt mình'
Hôm 19/5, trả lời BBC từ TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức, nhà báo tự do, nói:
"Theo tôi, 10 năm làm thường trực Ban bí thư, 5 năm làm chủ tịch nước, ông Sang phải chịu trách nhiệm rất lớn về công tác cán bộ. Ngay khi còn đương chức, ông Sang đã không dám gọi thẳng đích danh những tệ hại trong công tác cán bộ đầy yếu kém, lợi ích nhóm cài cắm."
"Vì thế các phát biểu của ông ấy khi về hưu rất vô giá trị và tự vả vào mặt mình. Có thể ông ấy đã nhận ra sai lầm mà mình có phần trách nhiệm nên hiến kế "chọn hiền tài".
"Việc ông ấy hay phát biểu về "bầy sâu" lợi ích nhóm thao túng trong công tác cán bộ là một tín hiệu cho thấy sắp đến các nhóm lợi ích cũ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục bị phanh phui. Điều này trong nhiệm kì chủ tịch nước ông không làm được, nếu không muốn nói là bất lực."
"So với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Sang xuất hiện dày đặc sau khi về hưu và có nhiều phát ngôn gây thu hút dư luận. Điều này có thể thấy sức ảnh hưởng của ông Sang vẫn rất sâu trong hệ thống chính trị này. Dù ông Sang đã không còn "ngai".
"Ông Sang tuy nói nhiều về công tác cán bộ, lợi ích nhóm nhưng ông chưa từng xin lỗi và nhận trách nhiệm về nhân sự trong 10 năm làm thường trực Ban bí thư, 5 năm làm chủ tịch nước."
"Nên dù ông có nói rất hay, rất "tâm huyết" nhưng vô giá trị vì "bầy sâu" thời ông đã sinh sôi không kiểm soát nổi. Dù công cuộc đốt lò do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang đẩy mạnh nhưng hiệu quả đến đâu vẫn chưa thể nói là "nức lòng nhân dân cả nước" như báo chí nêu."
"Và cuối cùng, ông Sang phát biểu như kẻ vô can. Điều này càng lộ rõ việc phát ngôn này là kiểu "té nước theo mưa".
Một số ý kiến trên Facebook BBC Tiếng Việt
Bạn đọc Nguyễn Thanh Công Tuan: "Cứ bỏ điều 4 trong Hiến pháp giống như Liên Xô họ đã bỏ điều 6 trong hiến pháp là đảng Cộng sản không còn lãnh đạo tuyệt đối toàn dieện nữa là khi ấy sẽ có nhiều người tài ra ứng cử và bọn ngu dốt và cướp tiền thuế của dân không còn đất sống nữa và khi ấy đất nước mới phát triển được nếu không cải cách thể chế thì mấy bố đừng nói gì đến tìm người hiền tài nói nhiều thì dân họ chửi cho."
Bạn đọc Phan van Phung: "Khi đương quyền, đương chức sao không nói. Giờ về rồi mạnh miệng chỉ tổ người ta cười cho. Cái chế độ này làm sao tìm được người tài. Chỉ khi nào thay đổi chế độ chính trị, bỏ độc đảng độc tài. Tam quyền phân lập. Tự do báo chí thì lúc ấy mới quy tụ được nhân tài. Bây giờ con ông cháu cha nó chiếm hết chỗ ngon rồi..."
Bạn đọc Minh Nguyen Khue: "Tôi cóc có tin ông này. Lúc ông ta còn đương chức thì ngậm tăm. Ngay tên của ai đó cũng phải gọi tránh đi là X là Y. Sao những người này không biết xấu hổ. Họ tưởng họ cao quý."
Facebooker Tran Ngoc Khuong: "Hồi còn là Chủ tịch nước, Chủ tịch đã loại bỏ được bao nhiêu kẻ cơ hội? Thưa ông Trương Tấn Sang!"
Sự nghiệp của ông Trương Tấn Sang
Ông Trương Tấn Sang được bầu vào Bộ Chính trị năm 1996, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2000, ông trở thành trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Năm 2001, ông tiếp tục vào Bộ Chính trị và giữ chức trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương 7 năm 2003, ông bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách".
Thông cáo chính thức khi đó nói việc kỷ luật là vì "trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ".
Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội XI năm 2011, ông tiếp tục ở trong Bộ Chính trị, trở thành chủ tịch nước. Năm 2016, ông xin không tái cử tại Đại hội XII và thôi chức chủ tịch nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét