Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

10191 - Lịch sử ảnh hưởng toàn cầu của Chủ nghĩa Mao


Nguồn: The Economist 



Maoism: A Global History. Tác giả: Julia Lovell. Bodley Head; 624 trang; £30. Sẽ được xuất bản ở Hoa Kỳ bởi Knof vào tháng Chín; $37.50.
Tên của các nhà độc tài khát máu nhất thế kỉ 20 đồng nghĩa với cái ác. Hitler, Pol Pot, Stalin: nói đùa về họ thường cũng chẳng hay ho chút nào. Nhưng một bạo chúa khác có ảnh hưởng ôn hòa hơn. Thật vậy, nhiều người vẫn tôn trọng ông. Khuôn mặt của ông xuất hiện trên gần như mọi đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng nghìn người xếp hàng hàng ngày để được nhìn thi hài của ông trong buồng kính.


Khi Barack Obama còn là Tổng thống, một nhà thiết kế Trung Quốc chèn bộ quần áo của Mao với khuôn mặt của Obama và in lên áo phông. Nhiều người—bao gồm các du khách phương Tây—mua chúng vì tò mò. Họ có lẽ không hiểu rằng những chiếc áo này đang so sánh vị lãnh đạo người Mỹ với một người đã khiến hàng chục triệu người phải chết.
Mao Trạch Đông vì vậy luôn là một kẻ độc tài, người có hình ảnh toàn cầu được nhào nặn, chỉnh sửa mà người ta không quan tâm tới việc bản chất con người Mao là như thế nào. Những việc kinh hoàng mà ông từng làm như giết địa chủ, bức hại trí thức và gây ra nạn đói ở các vùng nông thôn đầu những năm 1960 thường bị bỏ quên. Cuốn Hồng Bảo Thư được đón đọc bởi nhiều học sinh ở các trường học phương Tây cũng như bởi phiến quân ở các nước đang phát triển. Không có gì là xấu hổ nếu mặc bộ quần áo của Mao cả. Chưa đứa trẻ nào bị mắng vì hỏi ai là con mèo quyền lực nhất ở Trung Quốc. (Chủ tịch Miaow.)
Như Julia Lovell ở Trường Birkbeck, Đại học London, miêu tả trong cuốn “Tư tưởng Mao: Một Lịch sử Toàn cầu”, chủ tịch Mao đã là nguồn cảm hứng cho cách mạng ở nhiều nơi trên thế giới, từ vùng cao nguyên Peru đến rừng rậm ở Campuchia, từ các quán cafe ở Paris tới các thành phố Mỹ. Tư tưởng Mao, được chắt lọc thành vài câu nói (“phản kháng là đúng”, “phục vụ nhân dân” và “tấn công đầu não” là tất cả những gì bạn phải biết), đã tạo ra nỗi thống khổ và hỗn loạn không chỉ ở chính nước ông mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Tư tưởng của Mao đã tạo ra Pol Pot và những cánh đồng chết ở Campuchia. Sự sùng bái cá nhân của Mao đã tạo động lực để Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đi đến sự điên rồ tương tự; người dân Bắc Hàn vẫn phải chịu xiềng xích nô lệ đáng sợ cho tới nay.
Sự sùng bái Mao không ngừng lại với tình trạng vô chính phủ của cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970. Nó vẫn tiếp diễn sau cái chết của Mao, điều chưa nhận được nhiều sự quan tâm mà đáng ra nó nên có. Như Lovell đã nói, việc thiếu những nghiên cứu về ảnh hưởng quốc tế từ Tư tưởng Mao không chỉ là do sự thiếu quan tâm. “Nó cũng là kết quả đến từ sự thành công của Trung Quốc thời hậu Mao trong việc truyền tải câu chuyện về quá khứ của họ,” bà viết. Hình ảnh của Mao tiếp tục được thao túng và thêu dệt. Nó vẫn có sức mạnh ở Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới.
Rất ngạc nhiên là nguồn gốc của huyền thoại về Mao phần nhiều lại đến từ một người Mỹ. Lovell đi sâu vào vai trò của Edgar Snow trong việc tạo nên huyền thoại Mao hơn một thập niên trước khi Mao lên nắm quyền vào năm 1949. Snow là một nhà báo đã vào được khu vực hẻo lánh ở Tây Bắc Trung Quốc, nơi Mao và người của ông đóng quân sau cuộc Vạn lý Trường chinh để lẩn trốn quân Tưởng Giới Thạch. Cuốn sách ông viết về căn cứ du kích và các cuộc gặp với Mao, cuốn “Sao Đỏ trên Bầu trời Trung Quốc”, xuất bản năm 1937, đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường quốc tế.
Không một nhà báo nào có được sự tiếp cận Mao như vậy. Snow miêu tả Mao, lúc đó mới hơn 40 tuổi, là một người theo chủ nghĩa lý tưởng muốn cứu Trung Quốc thoát khỏi ách độc tài mục ruỗng của Tưởng và xây dựng một đất nước dân chủ. Những miêu tả này đã làm mê hoặc thế giới. Snow nói rằng mục tiêu của Mao là thức tỉnh người dân Trung Quốc “tin vào nhân quyền” và thuyết phục họ “chiến đấu vì một cuộc sống có công lý, công bằng, tự do và nhân phẩm.” Có gì đáng chỉ trích về những mục tiêu này?
Tác phẩm của Snow, theo Lovell, “tạo nên hình ảnh Mao là một danh nhân chính trị quốc gia và thế giới trước cả khi Đảng Cộng sản Trung Quốc có Tư tưởng Mao.” Một bản dịch sang tiếng Trung của cuốn sách đã thu hút những người trẻ và có học ở các thành phố Trung Quốc đi theo lý tưởng của Mao. Ở nước ngoài, nó trở thành sổ tay cho những nông dân kháng chiến chống Phát xít ở Nga, cho du kích Huk ở Philippines và cho các nhà cách mạng chống thực dân Anh ở Ấn Độ. Cuốn sách, theo lời Lovell, là “văn bản cốt lõi” cho hàng nghìn người Ấn Độ tham gia vào một phong trào nổi dậy theo tư tưởng Mao mà đến giờ vẫn còn tồn tại.
Miêu tả của Lovell về các dạng Tư tưởng Mao trên thế giới là rất kĩ lưỡng và dựa trên nghiên cứu sâu. Bà kết cuốn sách bằng việc phân tích ảnh hưởng của Mao sau khi mất ở chính Trung Quốc. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho ảnh hưởng của Tư tưởng Mao.
Sự hỗn loạn dưới thiên đường
Sau nhiều năm Mao mất ảnh hưởng trong văn hóa chính trị Trung Quốc, nhà lãnh đạo hiện giờ, Tập Cận Bình, đang cố thiết lập lại hình ảnh của Mao. Ông đã yêu cầu các thành viên của đảng học lại Tư tưởng Mao. Ông Tập cho rằng sự thành công gần đây của Trung Quốc trong giai đoạn “cải cách và mở cửa” không nên được dùng để phủ nhận thời đại của Mao. Bằng cách này, ông Tập được nhiều người sùng bái Mao ủng hộ, những người đã chỉ trích việc đảng ngày càng đi theo thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản. Họ rất tán thành việc ông muốn nền kinh tế được nhà nước dẫn dắt nhiều hơn.
Điều này càng quan trọng nếu xét chính sách đối ngoại của Tập. Cuốn sách của Lovell nhắc nhở người đọc rằng, dưới thời Mao, Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo của  cách mạng thế giới. Các lãnh đạo Trung Quốc về sau đã cố không nhắc đến khía cạnh đó của Tư tưởng Mao – có lẽ vì sợ phương Tây nghi ngờ chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Nhưng ông Tập thì lại nói rõ rằng ông muốn Trung Quốc trở thành nhân tố trung tâm trên trường quốc tế. Ông tuyên bố chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc sẽ “trở thành hình mẫu” cho các nước khác. Người ta có thể nghe thấy tiếng vọng từ quá khứ trong những lời lẽ của ông.
Mặc dù vậy, sự so sánh đó khó có thể được duy trì. Ông Tập không theo đuổi một sứ mệnh cách mạng. Ông muốn tạo ra môi trường quốc tế an toàn cho chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, chứ không phải đưa chủ nghĩa cộng sản ra toàn bộ thế giới. Ông cũng không ủng hộ các phong trào phiến quân. Ông sẵn lòng thiết lập quan hệ thân thiết với các nước không theo chủ nghĩa cộng sản, miễn là họ không thách thức chế độ của ông.
Ở trong nước, ông Tập dùng Tư tưởng Mao để giữ kỉ cương trong đảng: nhắc lại lời của Mao cũng là thể hiện sự trung thành với đảng. Ông Tập không muốn các đảng viên tuân hoàn toàn theo lời của Mao theo đúng nghĩa đen. Lovell viết, dù sao Mao cũng là người “có khả năng thiên bẩm” trong việc viết các lý thuyết biện minh cho sự bất nhất và mâu thuẫn. Ông nói “khi thiên hạ hỗn loạn, tình hình sẽ rất tốt.”
Ông Tập không muốn lập lại sự vô chính phủ theo kiểu Hồng Vệ Binh mà Mao từng tạo ra bởi ông sợ đảng sẽ không sống sót nổi. Ông khác với Mao ở nhiều điểm. Ông muốn sự ổn định bằng bất cứ mọi giá. Nhưng, như Lovell viết: “Như một virus ẩn mình, Tư tưởng Mao đã chứng minh được sự trường tồn của nó trên thế giới.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét