1- Giới thiệu
Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước có bài viết: Tìm chọn hiền tài. Ông Sang nêu việc các triều đại phong kiến rất quan tâm tìm chọn, đào tạo, sử dụng hiền tài, ca ngợi việc Hồ Chí Minh đã chọn và dùng được nhiều hiền tài. Thế rồi đã xảy ra “Những bài học đau xót”, về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác … và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.
Ông than thở: “Cho đến nay, mặc dù công tác cán bộ đã được đổi mới nhiều, nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng là kẽ hở để những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng”.
Ông than thở: “Cho đến nay, mặc dù công tác cán bộ đã được đổi mới nhiều, nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng là kẽ hở để những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng”.
Tiếp theo, ông Sang đề xuất ý kiến: Không thể để tồn tại những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, chạy chức chạy quyền ở trong bộ máy. Rồi ông hiến kế, phải nâng cao cơ chế trách nhiệm, phải rà soát quy trình để chọn được những cán bộ có đủ đức, tài, làm rường cột quốc gia, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.
2- Trao đổi
Rất hoan nghênh ông Sang đã có những phát biểu về thực trạng bi đát của cán bộ, thể hiện tấm lòng lo lắng cho vận mệnh đất nước. Chắc rằng khi còn tại vị, ông Sang đã không thấy được như bây giờ. Không thấy được vì cố tình nhắm mắt hay bị bưng bít, bị u mê bởi đường lối cộng sản, bởi Mác – Lê?
Bây giờ tuy ông đã thấy, nhưng có lẽ vì ý thức hệ quá nặng mà ông chỉ mới thấy một phần sự thật, ông chưa dám, hoặc chưa có thể mở trí tuệ để thấy toàn bộ sự thật như những người bị Đảng qui chụp là “Tự diễn biến”. Đó là các ông như: Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Đăng Quang, Tương Lai, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, và rất nhiều người khác từng giữ những vị trí, chức vụ cao trong chế độ cộng sản.
Ông Sang nêu ra, việc nâng cao cơ chế trách nhiệm, rà soát quy trình là không sai, nhưng đó chỉ là biện pháp vuốt đuôi chứ chưa phải biện pháp có tính quyết định.Tại sao vậy? Tại vì ông chưa phân tích được nguyên nhân cơ bản nào đã tạo ra tình trạng bi đát. Chắc ông rẩt tin vào kết luận: Nguyên nhân là bởi một số không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất. Đó là nguyên nhân kiểu sờ ngoài da. Cứ bám vào nguyên nhân ấy thì không có cách gì tìm ra biện pháp hữu hiệu. Ông có thấy những sai sót nghiêm trọng tạo kẻ hở, nhưng không biết nó từ đâu ra. Đó là Chủ nghĩa Mác – Lê, là vô sản chuyên chính, là sự độc tài toàn trị, là sự kiêu ngạo cộng sản.
Trong bài “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản” tôi có phân tích rằng, ĐCSVN đang mắc trong đống bùng nhùng khó thoát, do tự tạo ra, rằng quy hoạch và tiêu chuẩn cán bộ của Đảng phạm phải điều phản dân chủ, phản tiến bộ. Cứ theo tiêu chuẩn ấy, theo quy hoạch ấy, dù có nâng cao trách nhiệm và làm đúng quy trình thì cũng chỉ có nhiều khả năng tìm được bọn cơ hội có lắm mưu chước mà kém thông minh, thiếu trung thực. Còn những hiền tài thực chất đã bị loại ngay từ vòng đầu.
Muốn có hiền tài phải có nguồn giống và điều kiện mội trường thuận lợi. Nguồn giống là từ tinh hoa sông núi, kết tụ vào các gia đình có nhiều phúc đức và truyền thống. Môi trường quan trọng là sự tự do tư tưởng, tự do phản biện. Thế nhưng trong nhiều năm, nhiều lãnh đạo CS đã nhận nhầm nguồn giống từ giai cấp vô sản, môi trường là đấu tranh cách mạng.
Đúng là từ giai cấp vô sản có thể xuất hiện hiền tài, nhưng vô cùng ít ỏi. Còn môi trường cách mạng chủ yếu tạo nên những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, cũng có thể tạo nên hiền tài, nhưng rất ít. Nguồn giống và môi trường tốt sinh ra hiền tài, đã bị ĐCS phá nát, hủy hoại.
ĐCSVN đã từng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, làm chiến tranh đạt thắng lợi và nắm chính quyền. Họ đang thực hành sự thống trị, nhưng vì nhầm lẫn hay sao đó mà nhận là đang lãnh đạo, là đảng cầm quyền. Những hoạt đông thống trị, lãnh đạo, cầm quyến, quản lý, nhìn bề ngoài có một số điểm giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Một số người lợi dụng sự nhầm lẫn này để đánh tráo khái niệm. Bản chất là thống trị nhưng nhận là lãnh đạo.
ĐCSVN tìm hiền tài trong số đảng viên trung thành, nhưng trong số đó có quá ít hiền tài thực chất. Phần lớn hiền tài thực chất đã bị loại ngay từ vòng đầu bởi thiếu trung thành với Mác – Lê, bởi quy hoạch cán bộ của Đảng.
Để đất nước có được nhiều hiền tài như ông Sang và nhiều người trông đợi, trong khi ĐCSVN vẫn muốn nắm chính quyền thì Đảng phải tìm cách chuyển đổi từ một đảng thống trị thành đảng chính trị cầm quyền. Đảng Hành động Nhân dân Singapore cầm quyền liên tục trên 50 năm là một tấm gương sinh động. Họ luôn luôn tìm và dùng được hiền tài mà không hề phải mất công ra nhiều nghị quyết nhằm làm trong sạch và củng cố đảng.
Mấy lời chân tình trao đổi với nguyên Chủ tịch nước. Ông đã có những suy nghĩ tiến bộ, đứng về phía Dân để nhận xét việc làm của Đảng. Nhưng ông còn vướng mắc vào ý thức hệ nên chưa thoát ra được đống bùng nhùng mà ĐCS tạo ra. Cầu mong cho ông tích lũy đủ năng lượng để thoát ra được.
Trước đây tôi cũng đã viết vài bài trao đổi với ông. Nếu ông Sang hoặc vị nào có phản bác hoặc thắc mắc các ý kiến của tôi, xin các vị cho biết qua điện thoại: 0389 578 620; hoặc Email: ndcong37@gmail.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét