Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

*10196 - Chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng mới có khả năng xoay trục sang Mỹ?



Vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính “gương mẫu”, nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên ĐCSVN yêu cầu ông Tổng Bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị T.Ư XII?






Dù kỳ vọng cho một sự đổi mới chính trị, ít nhất là khi đường hướng phát triển quốc gia thoát ly ra khỏi hiện trạng phủ bóng của chính trị Trung Quốc, nhưng đôi khi, người viết nhận thấy một sự ngây thơ trong mớ hỗn độn chính trị của người Việt.

Facebooker Trần Đình Thu, một lần nữa lại đề cao vượt mức tính cá nhân làm nên lịch sử đối với ông Nguyễn Phú Trọng trong một bài viết công khai trên Facebook của mình, rằng chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng và có quyền lực mới có khả năng xoay trục sang Mỹ.

Về quyền lực, khi ông Trần Đình Thu khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng là quyền lực, thì ông lại vô tình loại bỏ yếu tố tập thể lãnh đạo – yếu tố chủ chốt trong hệ chính trị Việt Nam. Chính Bộ Chính trị mới là nhóm người quyền lực, và họ thỏa hiệp theo số đông để tạo chỗ dựa cho ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng quyền lực hơn nữa trong tạo chỗ dựa cho một ủy viên Bộ Chính trị bất kỳ lại là 200 ủy viên Trung ương Đảng – những người được kế thừa quyền lực mang tên “biểu quyết kỷ luật”, và chính nhóm 200 người này đã “đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm” tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012. Một quyết định gây bất ngờ với chính ông Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp đó, tại Hội nghị T.Ư IX, trong cuộc bỏ phiếu thi hành kỷ luật Tất Thành Cang, dù quyết định cách chức ủy viên trung ương Đảng, nhưng cũng đã có 36% không tán thành. Trong khi đó, Cang là một nhân tố nổi bật liên quan đến lợi ích nhóm về chính sách nói chung và đất đai nói riêng, gây bức xúc dư luận và khiến cho uy tín thành phố Hồ Chí Minh xuống thấp.

Đề cập như vậy, để ông Trần Đình Thu nhận thấy rằng, “tập thể” là quan trọng, và ngay cả kiêm nhiệm hai chức vụ chỉ mang tính tạm thời, nó không phải là nhất thể hóa để đem lại một quyền lực lớn như cách ông Trần Đình Thu tưởng tượng ra. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng trong lần được Ban Chấp hành T.Ư giới thiệu làm Chủ tịch nước cũng đã tuyên bố rằng: Không phải nhất thể hoá, đây là tình huống.

Sự đi lên của quyền lực ông Trọng, một phần đến từ nội lực sắp xếp của chính ông, phần còn lại nằm ở chính bối cảnh khiến cho các vị Ủy viên T.Ư Đảng phải chấp nhận “quyền lực ông Trọng”, đó là nguy cơ đánh mất chế độ do tham nhũng, đặc biệt dưới thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng. Một nguy cơ, một nỗi lo có thật mà chính bản thân những cựu quan chức hoặc quan chức đương quyền thừa nhận. Điều ông Nguyễn Phú Trọng mang lại qua chiến dịch “đốt lò” chính là niềm tin, thứ niềm tin của người dân, niềm tin mà nếu không có thì dễ dàng dẫn đến “mất dân, mất chế độ” như cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận gần đây.

Quyền lực của ông Trọng vì thế, lại chính là quyền lực mà nhóm đảng viên trung và cao cấp đồng thuận được để giữ được lợi quyền cho chính mình trong hiện tại và tương lai, một lợi quyền chỉ có thể chế này mang lại.

Về tham nhũng, Facebooker Trần Đình Thu cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có khả năng xoay trục sang Mỹ vì không tham nhũng. Tuy nhiên, tại sao ông Thu không đặt câu hỏi vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính “gương mẫu”, nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên ĐCSVN yêu cầu ông Tổng Bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị T.Ư XII?

Ông Trần Đình Thu có kỳ vọng về một Gorbachev ở trong tư duy ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ngay cả Gorbachev cũng chỉ là một tác nhân làm tràn ly cho sự tan rã của Liên Xô. Trong cuốn sách Suy nghĩ về quá khứ và tương lai, ông Gorbachev đã ghi rằng: Nó [sự tan rã Liên Xô] đã được quyết định bởi giới tinh hoa chính trị và các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa. Những người này tham vọng và khát vọng lớn.

Nếu đối chiếu về bối cảnh Việt Nam, thì giới tinh hoa chính trị và những nhà lãnh đạo nhận thức và khát vọng được vai trò “xoay trục, chuyển đổi”, đặt trong bối cảnh kinh tế và sự vận động xã hội (sự vận động chậm chạp của nền kinh tế, và sự bùng phát nhìn nhận quyền của người dân), và họ sẽ giao phó trách nhiệm đó cho một cá nhân - nói cách khác, những tinh hoa chính trị Việt Nam cần thức tỉnh như cách mà Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang từng thức tỉnh. Khi mà các yếu tố nêu trên không có, thì một cá nhân có hơi hướng “xoay trục” sẽ lập tức trở thành đối tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.


Thứ hai, bản thân Gorbachev cũng đặt mình là một nguyên thủ, mà vai trò của ông chính là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân sau bức tường sắt, chứ không phải ĐCS, chủ nghĩa Mác – Lenin. Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng đến nay vẫn chưa hiện hữu về phát ngôn và hành động. Mặc dù, về mặt hình thức, “lợi ích tốt nhất cho người dân” của ông Trọng được ông hiểu qua chiến dịch “đốt lò” – một cách “lẫy mỡ nó rán nó”.


Cấm xã hội dân sự, hạn chế quyền con người của nhân dân, chặn đứng bàn về tam quyền phân lập trong đảng, không công khai tài sản…. Nhưng tại sao ông Trọng lại trở thành “vĩ nhân” trong mắt ông Trần Đình Thu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét