Hôm Thứ Hai, 13 Tháng Năm, 2019, chính phủ Saudi Arabia công bố việc 2 chiếc tầu chở dầu của họ bị quân phá hoại gây hư hại. Hôm sau, 14 Tháng Năm, quân du kích Houthi của nước láng giềng Yemen tấn công Saudi bằng máy bay không người lái (drone), cuộc không kích này cũng nhắm vào những chiếc tầu chở dầu, đang thả neo, chờ bơm dầu. Hai chiếc bị trúng bom.
Phát ngôn viên Mohammed Abdul Salam của lực lượng Houthi, công nhận bằng twitter là chính họ “bắn” những chiếc drone đó vào bến tầu chở dầu. Salam viết trong tweet nói cuộc oanh kích bằng drones là cách trả lời của người Yemen đối với chiến dịch oanh tạc không ngừng nghỉ của Saudi Arabia trên lãnh thổ Yemen.
Lực lượng Houthi được Iran yểm trợ, và trong thế giới Ả Rập, Iran là nước tiến bộ nhất về khả năng chế tạo drone, mặc dù Houthi nói là những chiếc drones họ sử dụng để đánh phá Saudi là sản phẩm của chính họ. Yếu tố “oanh kích” bằng drone có thể là nguyên cớ khiến Mỹ phải trở lại chiến trường Yemen.
Thật ra sự yểm trợ của Tổng Thống Trump cho Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vẫn liên tục sau khi ông phủ quyết đạo luật của Quốc Hội quyết định chấm dứt việc Mỹ trợ chiến cho Saudi.
Trump mô tả việc làm của Quốc Hội là “không cần thiết, nguy hiểm” và xâm phạm vào quyền hiến định của tổng thống. Giờ này dư luận thế giới lên tiếng phê bình chính Trump mới làm 2 việc không cần thiết và nguy hiểm là đơn phương rút ra khỏi thỏa ước quốc tế 2015, ngăn cấm Iran tiếp tục nghiên cứu vũ khí nguyên tử, và đòi hỏi quốc tế tẩy chay không mua dầu của Iran.
Ông Sunjeev Bery, giám đốc trong tổ chức Freedom Forward, khuyến cáo Trump cần giới hạn ảnh hưởng của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người ủng hộ lớn nhất cho một cuộc xung đột mà không một nhà hoạch định chính sách thông minh nào muốn.
Bery còn nói, “Thêm một cuộc chiến tranh Trung Đông nữa thì quả là quá thảm khốc cho nơi này,” ông không nói là cho cả Trump nữa, nhưng tình trạng tai tiếng của Bush và cuộc chiến tranh không cần thiết tại Iraq khuyến cáo Trump điều đó.
Chính Bolton đưa ra nghi vấn là Sadam Hussein tàng trữ loại vũ khí có khả năng giết nhiều người như bom nguyên tử, và khuyến cáo Bush tấn công Iraq để tước đoạt của Saddam Hussein loại WMD (Weapon of Mass Destruction), sau cuộc khủng bố 9/11.
Bery dùng những chữ “the Trump administration needs to put a leash on National Security Adviser John Bolton,” mà tôi dịch là Trump cần giới hạn ảnh hưởng của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton để dễ nghe hơn, trong lúc đúng ra phải dịch là (chính quyền Trump cần cột cổ viên cố vấn an ninh John Bolton lại).
Thái độ của người đại diện Anh Quốc thoái thác đề nghị của Trump, đồng minh với Mỹ, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Iran, cũng phải hiểu là cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhì thiếu chính nghĩa, và Trump đã làm mất thân tình giữa Mỹ và Tây Âu.
Dư luận quốc tế là một yếu tố quan trọng, nhưng thường khi cũng bất công. Một điển hình là dư luận này từng thiên về phía Việt Cộng (VC), trong lúc chính VC là công cụ tấn công, đánh chiếm Nam Việt cho Cộng Sản. Từ đó suy ra việc Tổng Thống Trump đang bị dư luận quốc tế chống đối vì trợ giúp Saudi (một vương quốc độc tài với một nhà lãnh đạo bạo ngược) Thái Tử Mohammed bin Salman cho người giết ký giả ly khai Jamal Khashoggi chỉ vì ông này chống chính phủ, và tị nạn tại Mỹ.
Bà Chủ Tịch Hạ Viện viết twitter chỉ trích tổng thống, “Cuộc giao tranh tại Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo khiếp đảm đang thử thách lương tâm của toàn thế giới; vậy mà tổng thống vẫn đi ngược lại biểu quyết của lưỡng đảng Quốc Hội tiếp tục duy trì việc Hoa Kỳ tham dự vào cuộc khủng hoảng nhục nhã và đau thương này.”
Không Quân Mỹ tiếp tay với Không Quân Saudi trong chiến dịch oanh tạc cắt đường tiếp vận cho cư dân vùng núi, tạo ra cảnh thiếu lương thực khiến nhiều người chết đói.
Hoa Kỳ còn bán cho Saudi trên $100 tỉ vũ khí đủ mọi loại, nên cho đến giờ này chiến tranh chỉ diễn ra có một chiều: Saudi tấn công, oanh tạc Yemen vô tội vạ và không bị chống trả.
Nhưng sự xuất hiện của drone sẽ tạo thay đổi về tương quan chiến trường – Yemen đã có khả năng trả đòn. Drone là hình thái pháo kích VC sử dụng trong Chiến Tranh Việt Nam, chỉ khác một điểm là mục tiêu. Mục tiêu của VC là pháo kích vào thành phố, vào các tỉnh lỵ, quận lỵ để tàn sát và gây khiếp đảm cho thường dân. Trong lúc quân Houthi chọn mục tiêu pháo kích là đoàn tầu chở dầu của Saudi để tạo bế tắc kinh tế, gây trở ngại và bất an cho việc khai thác dầu, kỹ nghệ duy nhất đang nuôi sống Saudi, và tài trợ nỗ lực chiến tranh của thái tử Mohamed.
Việc “pháo kích” bằng drone sẽ gây nhiều tổn thất và tạo trở ngại cho việc khai thác dầu hỏa của Saudi, và tạo thử thách cho Mỹ trong việc đối phó với chiến thuật du kích, mà nửa thế kỷ trước họ đã không biết phải đối phó cách nào trên chiến trường Việt Nam.
Tôi dùng chữ du kích để nhắc lại chiến thuật “search and destroy” của đại tướng tổng tư lệnh chiến trường VN – William Westmoreland – chiến thuật đã thất bại tại Việt Nam, thất bại vì chữ SEARCH. Ông tướng thất bại không tìm được chỗ trốn của VC; nếu ông tìm được thì nửa triệu quân Mỹ cộng 1 triệu quân VNCH thừa sức loại VC ra khỏi chiến trường trong 24 tiếng đồng hồ.
Giờ này, trên chiến trường Trung Đông, tướng lãnh Mỹ cũng chưa có chiến thuật nào khác, vẫn chưa tìm được những căn cứ bé nhỏ xuất phát một vài chiếc drone đánh phá những mục tiêu cách căn cứ trên 1,000 cây số (800 dặm).
Nhược điểm của Saudi là hệ thống ống dẫn dầu dầy đặc khắp nước, cống hiến cho drones hàng ngàn mục tiêu tấn công gây tê liệt toàn bộ hệ thống bơm dầu.
Hệ thống ống dẫn dầu của hãng Aramco East-West pipeline, nối dài khắp nước Saudi ra tới trạm bơm dầu lên tầu Yenbu đã phải ngưng hoạt động vì 2 trạm bơm bị trúng bom.
Nhược điểm “chỗ nào cũng là mục tiêu pháo kích” là một tương đồng khác của chiến thuật du kích mới của Houthi và chiến thuật du kích nửa thế kỷ trước của VC. VC có thể pháo vào một phiên chợ, anh tài xế lái xe bom của IS có thể lái vào nhà thờ, thì chiếc drone của quân Houthi chỉ cần thả bom tại bất cứ địa điểm nào trên đất Saudi cũng gây tổn thất được.
Tổn thất đầu tiên cho bạn đọc và cho tôi, là giá xăng sẽ tăng cao. Dĩ nhiên tổn thất đó rất nhỏ trước những dấu hiệu báo nguy như Tổng Thống Trump đang ra lệnh những người Mỹ không cần thiết, phải lập tức di tản ra khỏi Iraq.
Lệnh nghe rất cấp bách: “Ngày N,” ngày chiến tranh bùng nổ, gần đến mức đó rồi ư?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét