Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

10235 - Báo cáo đặc biệt về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung (P2)



2. Quan điểm chống Trung Quốc áp đảo trong mọi tầng lớp chính trị Mỹ
Tháng Mười năm ngoái, các ông chủ của một số công ty lớn trong các ngành công nghiệp sáng tạo đã được mời đến một văn phòng phụ cạnh Nhà Trắng. Dưới những bức bích họa trên trần cao của Phòng Indian Treaty (trước là Thư viện Bộ Hải quân – ND), các giám đốc điều hành đã ký một bản cam kết không tiết lộ thông tin trong một ngày, qua đó cho phép họ được xem các tài liệu mật. Sau đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats và hai thượng nghị sĩ trình bày cho họ nghe cách Trung Quốc đánh cắp bí mật của họ.
Sự kiện không được công bố này là ý tưởng của Thượng nghị sĩ Mark Warner đại diện cho bang Virginia, một đảng viên Dân chủ cao cấp trong Ủy ban Tình báo Thượng viện và bản thân là một nhà đầu tư công nghệ thành công. Tham gia cùng ông là Thượng nghị sĩ Marco Rubio đại diện bang Florida, một đảng viên Cộng hòa trong ủy ban.
Các vụ bắt giữ những người bị cáo buộc là gián điệp của Trung Quốc gần đây chỉ tiết lộ một phần nhỏ những gì đang diễn ra, ông Rubio nói. Trung Quốc “là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước chúng ta từng phải đối mặt”. Mục đích, ông khẳng định, không phải là để kéo Trung Quốc xuống mà là để giữ gìn hòa bình. Ông nhận thấy một sự mất cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà nếu không được giải quyết thì chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột rất nguy hiểm.
Phát biểu một cách gãy gọn trong văn phòng Thượng viện của mình, ông Rubio chỉ trích một mô hình kinh tế khiến các giám đốc điều hành phải tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn. Ông buộc tội là Trung Quốc đã học cách sử dụng hệ thống đó để biến các công ty thành những “người ủng hộ” (chính sách của Trung Quốc). Các chính trị gia thường xuyên thề sẽ cứng rắn với vấn đề gian lận của Trung Quốc. “Sau đó, những giám đốc điều hành này sẽ được Trung Quốc sử dụng nhằm làm cho Nhà Trắng xuống nước”.
Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã được mời tới tham dự các buổi nói chuyện về Trung Quốc của Warner và Rubio. Rubio phàn nàn rằng kế hoạch kinh doanh của một số công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon là nhằm bán lại công ty mà không quan tâm tới việc các nhà đầu tư là người Trung Quốc hay không.
Các nghị sĩ Quốc hội đã soạn thảo các đề xuất cho một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các sản phẩm được coi là quan trọng đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia, đặc biệt là sản phẩm của các ngành công nghiệp được coi là ưu tiên trong kế hoạch “Made in China 2025”. Đó là kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng các công ty dẫn đầu thế giới trong mười lĩnh vực công nghệ cao. Các khoản đầu tư của Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS). Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro Đầu tư Nước ngoài gần đây đã mở rộng phạm vi giám sát của CFIUS sang các lĩnh vực mới, chẳng hạn như mua bất động sản gần các địa điểm nhạy cảm. Một kế hoạch thí điểm đã bắt buộc phải xem xét cổ đông nước ngoài trong một loạt các “công nghệ trọng yếu”. Ông Rubio coi viễn thông, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập các tập dữ liệu lớn đều là những ngành mà ông muốn đóng cửa với Trung Quốc.
Việc tiến hành các buổi thuyết trình hồi tháng Mười – một nỗ lực lưỡng đảng với sự tham gia của Quốc hội và các cơ quan tình báo, gần với Nhà Trắng nhưng không nhất thiết phải thuộc Nhà Trắng – đã cho thấy nhiều điều. Quan điểm về Trung Quốc đã trở nên cứng rắn trong toàn bộ các cơ quan chính quyền tại Washington. Một sự đồng thuận cứng rắn mới đã đoàn kết những gì có thể được gọi là bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống. Bộ máy còn bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, người đã biến một bài phát biểu vào hồi tháng 10 năm ngoái thành một bản cáo trạng lên án những hành vi sai trái của Trung Quốc. Ông Trump đứng ở một vị trí tách biệt.
Những người đứng đầu Lầu Năm Góc và các thành viên Quốc hội ngày càng công khai gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ 24 triệu dân mà Mỹ gọi là đồng minh nhưng Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, có thể tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Trước sự phản đối của Trung Quốc, Quốc hội đã thông qua các đạo luật thể hiện sự đoàn kết với Đài Loan, kêu gọi chính phủ cho phép các bộ trưởng và tàu chiến Mỹ đến thăm hòn đảo này. Một số trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump là những người ủng hộ Đài Loan từ lâu. Khi mới là tổng thống đắc cử hồi năm 2016, ông Trump đã được thuyết phục nói chuyện điện thoại với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Kể từ đó, ông Trump đã chặn các đề xuất tiến hành các chuyến thăm cấp cao nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan như là một đồng minh dân chủ. Ông coi các đồng minh là một gánh nặng và một Trung Quốc hùng mạnh là một đối tác của Mỹ.
Anh ở bên nào?
Làm sáng tỏ một quan điểm thống nhất về Trung Quốc trong nội bộ chính quyền Trump là rất khó. Các trợ lý của Trump sử dụng các ngôn ngữ rất cứng rắn về Trung Quốc. Đề cập đến việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã gọi Trung Quốc là “một trong những quốc gia tồi tệ nhất về nhân quyền mà chúng ta từng thấy từ những năm 1930”. Giọng điệu đó là một dấu hiệu cho thấy ông chủ của họ đã sẵn sàng bỏ qua sự lịch thiệp ngoại giao. Nhưng trong khi quan điểm của Trump về Trung Quốc khá trùng lặp với quan điểm của bộ máy ở Washington, thì các quan điểm đó không giống nhau hoàn toàn. Nhiều quan chức thật sự thấy chán ngấy với tình hình Tân Cương, nơi có lẽ một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo. Khi được hỏi các quan hệ làm ăn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cùng tồn tại với các chính sách cứng rắn được không, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump trả lời: “Các trại tập trung thực sự làm hỏng không khí của mối quan hệ, thật không?”
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về nhân quyền theo kiểu Chiến tranh Lạnh rất ít được ông Trump quan tâm. Michael Pillsbury là một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson, một viện nghiên cứu chính sách và là một tổ chức tư vấn bên ngoài của Nhà Trắng. Theo quan điểm của ông, Tổng thống Trump không phải là “một người có quan điểm ‘siêu diều hâu’ về Trung Quốc”. Những vấn đề như Đài Loan hay Tân Cương không thu hút được sự chú ý của ông Trump nhiều như vấn đề thương mại, ông thừa nhận. Ngay cả trong vấn đề thương mại, Pillsbury cho rằng ông Trump thận trọng hơn các cố vấn như Peter Navarro, người muốn các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Ông Trump thường nói rằng ông không muốn làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc, Pillsbury lưu ý. “Ông ấy coi Trung Quốc như là một nguồn lợi nhuận và đầu tư”.
Bộ máy chính quyền ở Washington muốn thay đổi các nguyên tắc cơ bản định hướng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngược lại, ông Trump ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã đặt lợi ích của Trung Quốc lên hàng đầu.
Tuy nhiên, ông Trump có thể bị các trợ lý gây khó chịu khi họ nói với ông rằng Trung Quốc đang “ăn cắp bí mật của chúng ta”. Ông cũng nhìn thấy rủi ro chính trị trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có thể bị coi là mềm yếu. “Tổng thống hiểu rất rõ rằng đảng Dân chủ đang chờ đợi ông nương tay với Trung Quốc”, Pillsbury nói. Thượng nghị sĩ Chris Coons, một đảng viên Dân chủ, đồng ý rằng cứng rắn với Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ ngày nay “tương đương với thời những năm 1950 khi không có rủi ro chính trị nào trong việc thể hiện quan điểm chống Liên Xô”.
Một điều đáng nói là việc ông Trump tuyên bố nâng thuế đối với Trung Quốc vào ngày 10 tháng 5 đi kèm với các bài dòng tweet mang tính phòng thủ khẳng định rằng Trung Quốc trông chờ một đảng Dân chủ “rất yếu” sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 2020. Một quan chức cao cấp của chính quyền Trump nỗ lực dung hòa các nhóm khác nhau. Mục đích không phải là cắt đứt quan hệ kinh tế, ông nói. Nhưng trong các ngành công nghiệp nhạy cảm, “rủi ro chính trị và tài chính xuất phát từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên”.
Các quan chức Trung Quốc ngày nay luôn bị ám ảnh về các bất đồng trong chính quyền Trump, họ không nhận ra rằng sự cứng rắn tại Washington về vấn đề Trung Quốc xuất hiện từ trước Trump và sẽ tồn tại ngay cả sau khi ông Trump không còn. Evan Medeiros tại Đại học Georgetown, từng là cố vấn châu Á của Tổng thống Barack Obama, lưu ý rằng, “một bộ máy chính quyền thiên về một mối quan hệ Mỹ – Trung đối địch hơn nhiều đang đã được hình thành”.
Cần có quan điểm phù hợp
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Tư pháp đã thành lập Sáng kiến ​​Đe dọa Trung Quốc (China Threat Initiative), với sự tham gia của các công tố viên và điều tra viên FBI, nhằm phát hiện các nỗ lực của Trung Quốc trong việc đánh cắp bí mật thương mại và tác động đến công luận, đặc biệt là tại các trường đại học. Tại Bộ An ninh Nội địa, một Trung tâm Quản lý Rủi ro Quốc gia mới thành lập đã theo dõi các công ty rủi ro cao đang xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng. Một văn phòng thuộc Bộ Ngoại giao trước đây tập trung vào khủng bố mang tên Trung tâm Can dự Toàn cầu hiện có một nhiệm vụ mới là chống lại tuyên truyền từ Trung Quốc, Nga và Iran.
Sự lo lắng của Lầu Năm Góc về Trung Quốc trùng hợp với một nhận thức rằng khi quân đội dựa vào các thiết bị công nghệ cao, các cuộc tấn công mạng có thể gây hậu quả tàn khốc. Eikenberry, vị tướng hồi hưu, nhận xét rằng trong những năm 1970 hoặc 1980, có lẽ 70% công nghệ quan trọng đối với các chỉ huy quân sự đều thuộc sở hữu của chính phủ, và phần còn lại được mua từ thị trường thương mại. “Bây giờ 70% là mua từ thị trường, phần lớn là từ Thung lũng Silicon”, ông nói. Do đó, khi các nhà đàm phán thương mại Mỹ tranh luận về chính sách đối với Trung Quốc, “các quan chức an ninh đều có mặt trong phòng”.
Một nghiên cứu do Lầu Năm Góc đặt hàng mang tên “Cung cấp một cách an toàn”, cảnh báo rằng chuỗi cung ứng không an toàn gây nên những “rủi ro nghiêm trọng” cho các lực lượng vũ trang của Mỹ, từ việc bị hack tới phá hoại công nghệ cao, chẳng hạn như bằng cách chèn các phần mềm độc hại hoặc các cấu phần được thiết kế để hỏng hóc trong chiến đấu. Một nghiên cứu bởi tổ chức Mitre lưu ý rằng các máy bay chiến đấu hiện đại có thể phải dựa vào tới 10 triệu dòng mã phần mềm, vì vậy việc các công ty công nghệ sử dụng các mã không rõ nguồn gốc, như một số công ty đang làm, là rất nguy hiểm.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã tạo ra một cơ quan mới gọi là Văn phòng Phân tích Kinh tế và Thương mại với nhiệm vụ bao gồm việc rà soát các hợp đồng quốc phòng dành cho các công ty Trung Quốc, cho đến các nhà cung cấp hàng thứ ba. James Mulvenon, một chuyên gia về an ninh mạng Trung Quốc, giải thích rằng “Lầu Năm Góc đã quyết định chất bán dẫn là ‘ngọn đồi’ nơi họ sẵn sàng chiến đấu đến chết. Chất bán dẫn là ngành công nghiệp quan trọng nhất mà Mỹ phải dẫn đầu, và là ngành mà dựa vào đó mọi thứ khác được sản xuất”. Ông đã chứng kiến nhiều hợp đồng quốc phòng có giá trị cao được trao cho các nhà sản xuất bán dẫn ở Mỹ.
Randall Schriver là trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là chuyên gia về Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Lầu Năm Góc có ép các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc hay không, ông trả lời một cách thận trọng. “Các công ty có thể làm những gì các công ty muốn. Chúng tôi nhận thức rõ hơn và quan tâm hơn nhiều đến việc giải quyết các điểm yếu trong chuỗi cung ứng quốc phòng của mình”.
Các quan chức ở Washington đã đi xa hơn câu hỏi Trung Quốc là đối tác hay đối thủ. Cuộc tranh luận duy nhất còn lại liên quan đến quy mô tham vọng của Trung Quốc. Theo ông Rubio, ông Tập cho rằng “vị trí phù hợp của Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.
Một số viên chức bổ nhiệm chính trị trong Bộ Ngoại giao của ông Pompeo có vẻ muốn tuyên bố rằng một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh Đông-Tây đang diễn ra. Vào ngày 29 tháng 4, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, Kiron Skinner, đã phát biểu tại một diễn đàn tổ chức bởi New America, một viện nghiên cứu tại Washington, rằng đã  đến lúc cần có một chiến lược Trung Quốc tương tự như chiến lược ngăn chặn của George Kennan dành cho Liên Xô. Vẫn chưa hài lòng với điều đó, bà Skinner nói rằng Trung Quốc là một vấn đề khó khăn hơn. “Liên Xô và cuộc cạnh tranh đó, theo một cách nào đó, là một cuộc nội chiến trong gia đình phương Tây”, bà nói, nhắc  tới nguồn gốc phương Tây của các ý tưởng của Karl Marx. “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một đối thủ cường quốc cạnh tranh mà không phải là người da trắng”.
Bỏ qua quan điểm phi lịch sử trong những lời bình luận của bà Skinner – bởi đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dựa vào các tư tưởng của Marx và Lenin – các bình luận này khó có thể đứng vững. Một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh sẽ không có chỗ cho những người theo tư tưởng tự do ở Trung Quốc, chứ đừng nói đến Đài Loan, một nền dân chủ có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa Trung Quốc. Còn đối với ý tưởng ngăn chặn một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều đó cũng sẽ là một điều vô nghĩa ngay cả khi các đồng minh của Mỹ và các quốc gia khác sẵn sàng giúp đỡ, và thực tế là họ không sẵn lòng làm như vậy.
Tuy nhiên cũng có những tiếng nói thận trọng hơn. Một bài tiểu luận viết cho Viện Paulson gần đây của Evan Feigenbaum, một chuyên gia châu Á trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, lập luận rằng những người cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách thiết lập lại trật tự toàn cầu vừa sai, vừa chưa nói đủ các thách thức. Trung Quốc là quốc gia xét lại có chọn lọc, Feigenbaum viết. Thay vì tìm cách thay thế hệ thống quốc tế hiện tại, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều “hình thức” của chủ nghĩa đa phương, đồng thời phá hoại các “quy chuẩn” từ bên trong Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác.
Trong một khoảng thời gian giải lao giữa các cuộc bỏ phiếu, tại một văn phòng không có cửa sổ nằm sâu trong Tòa nhà Quốc hội, ông Coons kêu gọi Quốc hội hãy cố gắng đối phó với Trung Quốc như bản chất Trung Quốc vốn có, chứ không phải với một Trung Quốc như Mỹ mong muốn. Ông không nghĩ rằng Trung Quốc ghét bỏ ý tưởng về một trật tự dựa trên các quy tắc, nhưng thừa nhận rằng Trung Quốc “có hành vi cực kỳ tồi tệ trên sân khấu kinh tế thế giới”. Ở Washington ngày nay, nói như vậy đã là ôn hòa lắm rồi.
(Còn tiếp 7 phần)
Nguồn: In Washington, talk of a China threat cuts across the political divide“, The Economist, 16/05/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét