Vào ngày này năm 1977, trong một bài phát biểu tại Đại học Notre Dame, Tổng thống Jimmy Carter đã tái khẳng định cam kết của mình đối với nhân quyền như là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và phê phán “sự sợ hãi quá mức đối với chủ nghĩa cộng sản, điều đã từng khiến chúng ta ủng hộ bất kỳ nhà độc tài nào chia sẻ cùng chúng ta nỗi sợ hãi đó.” Bài phát biểu của Carter đã đánh dấu một hướng đi mới cho chính sách Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ, điều đã mang đến cả sự khen ngợi cũng như tranh cãi.
Jimmy Carter được bầu làm tổng thống năm 1976, trong thời gian nước Mỹ vẫn đang quay cuồng vì cơn sang chấn từ Chiến tranh Việt Nam, và nhiều người đã đặt câu hỏi về nền tảng của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Carter hứa hẹn sự thay đổi, và trong một bài phát biểu tại Đại học Notre Dame vào ngày 22 tháng 5 năm 1977, ông đã phác thảo tầm nhìn của mình cho tương lai của ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông bắt đầu bằng cách ghi nhận “những thành công lớn gần đây” tại các quốc gia như Ấn Độ, Hy Lạp và Tây Ban Nha trong việc mang lại các chính phủ dân chủ. Những thành công này đã làm sống lại niềm tin của người Mỹ về sức mạnh của nền dân chủ, đồng thời giải phóng Hoa Kỳ khỏi “sự sợ hãi quá mức đối với chủ nghĩa cộng sản” vốn từng khiến nước Mỹ liên minh với những kẻ độc tài tàn bạo đồng ý giúp Mỹ chống lại mối đe dọa cộng sản.
Điều cần thiết trong “thế giới mới” mà người Mỹ phải đối mặt là một chính sách dựa trên sự kiên định liên tục trong các giá trị của nó và sự lạc quan trong tầm nhìn lịch sử. Sau đó, Carter Carter đã phác thảo các bước mà ông đang thực hiện để củng cố “cam kết đối với quyền con người như một nguyên lý cơ bản trong chính sách đối ngoại của chúng ta.” Chính sách đối ngoại của Mỹ, ông kết luận, nên được “bắt nguồn từ các giá trị đạo đức của chúng ta, điều sẽ không bao giờ thay đổi.”
Cam kết của Carter về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền như là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại của ông đã mang đến cho ông sự ủng hộ từ nhiều người Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới vốn từng tin rằng Hoa Kỳ, do đối đầu với Liên Xô, đã phải viện đến những hành động đáng chỉ trích. Chiến tranh Việt Nam đã phá vỡ tầm nhìn của nước Mỹ như một quốc gia bảo vệ kẻ yếu và bảo trợ tự do, và quan điểm của Carter về các giá trị đạo đức đã tạo ra một sự cộng hưởng với những người Mỹ đã từng thất vọng.
Tuy nhiên, chính sách này cũng dẫn đến một số tranh cãi. Khi các nhà độc tài lâu năm như Anastacio Somoza của Nicaragua và vua Shah của Iran mất quyền lực vào năm 1979, những người chỉ trích chính sách nhân quyền của Carter đã đổ lỗi cho tổng thống về sự sụp đổ của hai chính phủ này, vốn là những đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản. Ronald Reagan, trong chiến dịch tranh cử tổng thống thành công năm 1980 chống Carter, đã liên tục nhắc lại rằng các chính sách của Carter đã làm suy yếu trầm trọng nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Liên Xô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét