Sau sự cố ngã bệnh trong chuyến công tác tại Kiên Giang gây nhiều đồn đoán, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bình thản trở lại chính trường với một phong thái điềm nhiên như không có bất cứ vấn đề gì nghiêm trọng đã xảy ra với ông. Sự trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng đã được các quân thần thiết kế hoặc cũng có thể là từ sự chỉ đạo trực tiếp của ông một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Giữa lúc vấn đề sức khỏe của ông đang trở thành tâm điểm nóng của dư luận, một động thái bất ngờ từ một kỷ luật, bắt giữ quan chức đậm nét “đốt lò”, gây rúng động cả truyền thông lẫn chính trường Việt Nam là kỷ luật và khởi tố một loạt quan chức cao cấp, trong đó cộm cán nhất là một cựu Phó Thủ tướng. Có thể nói đó là thông điệp rất hữu hiệu, rõ ràng về vai trò và vị trí của ông vẫn tồn tại cho dù tình trạng sức khỏe cá nhân ra sao.
Một thông điệp khác mạnh mẽ hơn, đáng chú ý hơn nữa là ngay khi chính thức xuất hiện trở lại trên truyền thông. Tại Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 10 (18/5/2019), ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra một loạt vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị mang tính cốt tử của thể chế.
Tại Hội nghị Trung ương 10, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra 3 câu hỏi lớn:
1. Có nên ‘xóa bỏ’ thành phần kinh tế nhà nước hay không?
2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
3. Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?
Dư luận đang tỏ ra hoài nghi, bàn tán khá nhiều về ý đồ thật sự của ông Trong khi đưa ra 3 câu hỏi như trên, Tuy nhiên trước đây, vào ngày 12 tháng 1 năm 2015, cũng tại Hội nghị 10, Khóa 11, trong bài phát biểu kết thúc kỳ họp, Cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta,...”. Qui chiếu với phát biểu lần này thì rõ ràng nội dung là mâu thuẫn hoàn toàn với phát biểu của chính ông cách đây hơn 4 năm. Câu hỏi đã đặt ra, nhưng rõ ràng khó có ai dám trả lời nếu không đoán định được ý đồ thật sự của đương kim Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Trên góc độ suy luận để dự đoán, nếu như việc lờ tịt đi chi tiết về tình trạng sức khỏe của ông là nằm trong kế sách “giả chết bắt quạ” mà vụ khởi tố các quan chức nói trên là một chỉ dấu thì rất có thể 3 câu hỏi của ông tiếp tục là cái bẫy để các quan chức mà ông cho rằng thuộc thành phần “suy thoái, tự diễn biến”.. sẽ lộ mặt. Từ đó sẽ giúp ông nhận diện diện để biến thành phần này thành “củi” cho kế hoạch thanh trừng làm “trong sạch đảng” mà ông đang tiến hành. Cũng trên góc độ này thì 3 câu hỏi ông Trọng đưa ra cũng có thể là một cách để đo lường uy lực của ông hiện tại trong nội bộ chế độ mà ông đang nắm giữ vị trí tối cao.
Trên góc độ tích cực hơn với những người có ý tưởng lạc quan, kỳ vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người lãnh đạo thực tâm đưa đất nước tiến lên thì những câu hỏi mà ông đặt ra lại chính là những đáp án chính xác nhất cho xã hội Việt Nam ngày nay. Chính xác và vô cùng đơn giản khi chỉ cần thay đổi câu hỏi thành câu khẳng định. Điều này thì không cần phải bàn cãi.
Vậy thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng là đơn giản, thực tâm hay là một ẩn ý sâu xa, phức tạp? Có lẽ sẽ chỉ có chính ông Nguyễn Phú Trọng mới xác quyết được. Riêng ý nghĩa khẳng định quyền uy thì nhìn trên khía cạnh nào cũng luôn dễ dàng nhận ra.
Sự trở lại đầy uy lực khi chiến dịch “đốt lò” rõ ràng đang nóng hơn, lan rộng hơn. Với thông điệp mới, rất có thể chính trường Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn ngã ngũ nhanh hơn dù cho được thực hiện theo hướng nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét