Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

9901 - Anh Ba Sàm và sự ve vuốt của Nhà nước trong tương lai?


Anh Ba Sàm vừa được trả tự do

Ngày 5.5, Anh Ba Sàm mãn hạn tù và được trả tự do. Nhưng thay vì quy trình “tự do sau cổng trại giam” thì Anh Ba Sàm lại được hộ tống về nhà, và tại khu nhà ông cũng có hơn chục nhân viên an ninh canh giữ. Những nhà hoạt động ở Hà Nội đều bị canh chừng.

Trước đó, cô Đoàn Thị Hương, một người có hành vi vi phạm tại Malaysia cũng được thả tự do, và báo đài Việt Nam đã đưa tin đây là “kết quả các nỗ lực bảo hộ công dân”. Đón cô Hương là đại diện cơ quan một số ban ngành Việt Nam.

Giữa một không khí “nô nức như trẩy hội” và một không khí “siết chặt như quân luật” của hai nhân vật nêu trên đã cho thấy sự trái khoáy tại Việt Nam. Một sự ứng xử bất công bằng, không dựa trên nền tảng luật pháp, dù cả hai nhân vật cũng đón nhận sự “trả tự do”.

Nhưng cô Đoàn Thị Hương sẽ sớm chìm, trong khi sự kiện Anh Ba Sàm được mãn hạn tù sẽ tiếp tục thu hút giới quan sát, về những hoạt động “khai dân trí” tiếp theo của ông. Nhà nước Việt Nam lo sợ về một nhân vật và sự kiện “khai dân trí”, và luôn muốn hướng sự chú ý của người dân vào “trong cái sa mạc showbiz Việt nhu nhược” (cách dùng từ của Nghệ sĩ Thành Lộc). Và rõ ràng, trong thời gian qua, cách vận dụng này đã khá thành công.

Nhà nước Việt Nam từng lo sợ về “những tổ chức chính trị đối lập”, và thành quả mà bộ máy an ninh Việt Nam làm được là tất cả mọi tổ chức có hơi hướng chính trị đều bị bẻ gãy ngay từ trong trứng nước. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam lại len lỏi tồn tại, phát triển – chính xã hội dân sự đã dung dưỡng những nhân vật “bất đồng chính kiến”, những nhân vật mà uy tín và khả năng của họ đang thu hút dần nhân tâm của những nhà hoạt động hoặc tìm kiếm dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Anh Ba Sàm và Trần Huỳnh Duy Thức được nhắc nhiều về ý chí, trình độ, và khả năng tập hợp của họ, và cũng không ngẫu nhiên mà Nhà nước Việt Nam không hề muốn xuất hiện một “lãnh tụ, hoặc nhân vật có khả năng nói người khác nghe” trong tương lai.

Trong một tiết lộ của bà Lê Thị Minh Hà (vợ Anh Ba Sàm), đã có sự nhắc nhở của những viên an ninh trong những ngày cuối cùng tại Trại giam số 5 (Thanh Hoá), rằng khi ra tù thì “Anh Vinh nên ủng hộ bạn mình là ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an”. Điều đó cho thấy, sức hút rất lớn của Anh Ba Sàm trong định hình dư luận Việt Nam thời gian tới, và cho thấy, phía Nhà nước Việt Nam – hoặc ít nhất là cơ quan công an muốn nắm được hoặc lợi dụng cho bằng được hệ thống thông tin “lề trái” trong các vấn đề chính trị của mình. Điều này trở nên khẩn thiết hơn, khi mà trên hệ thống lề trái, đang thu hút nhiều độc giả, và định hình cả dư luận xã hội, cũng như tác động ngược lại đối với các chính sách, chủ trương của Nhà nước Việt Nam.

Sẽ ngừng xuất khẩu nhưng tập trung quản lý và chỉnh đốn

Cuộc chiến đốt lò đã và đang diễn ra, và dư luận đang hưởng thụ sức nóng mà “lò tỏa nhiệt”. Nói cách khác, niềm tin xã hội đang được nâng lên, và điều này sẽ là một trong những cách thức mà Nhà nước Việt Nam lấy dần lại “uy tín” trong mắt dân chúng.

Để “đốt lò” hay các chính sách, chủ trương lớn của Nhà nước được lan tỏa mạnh hơn, thì mặt trận “lề trái” phải nắm cho bằng được. Và đó là lý do vì sao, Facebooker, cựu nhà báo Thanh Niên Hoàng Hải Vân - một người "người nổi tiếng" trên mạng xã hội Facebook gần đây đã bị chính những Facebooker khác (Trần Đình Thu, võ sư Đoàn Châu, Ls Luân Lê) “phản pháo” liên quan đến một bài viết về Cộng sản của ông, đại ý rằng, Cộng sản có thể sửa đổi được, và một chế độ Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn khả thi nếu nhưng Nhà nước biết tiếp tục phát huy những điểm mạnh, lược bỏ những điểm xấu.

Nhiều quan điểm cho rằng, Nhà nước Việt Nam cố gắng “dung dưỡng” một nhóm Facebooker có ảnh hưởng trên mạng xã hội để định hướng và lan tỏa cái tốt của Nhà nước, theo đúng tinh thần mà ông Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đề ra vào năm 2016, “chia sẻ một tài liệu hay, bài viết hay, viết những bình luận chân thành, có tính xây dựng hay phản bác, vạch mặt các thông tin sai trái, bịa đặt.”. Và những Facebooker này có thể đứng ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật an ninh mạng.

Quay trở lại với câu chuyện Anh Ba Sàm, cô Lê Thị Minh Hà chia sẻ, Anh Ba Sàm sẽ “mềm mại” hơn trong thời gian tới. Cho đến khi nhận thấy sự “mềm mại” đó, thì có lẽ, câu chuyện Nhà nước Việt Nam muốn “thu phục” Anh Ba Sàm là một câu hỏi nên được đặt ra nghiêm túc. Như cách thức, lấy tuyên truyền để phản tuyên truyền. Và liệu những nhân vật nổi tiếng trong giới hoạt động, hay thậm chí là những Facebooker “ngàn like” sẽ được Nhà nước Việt Nam “biệt đãi” để hỗ trợ “lan tỏa điều tốt đẹp” trên mạng xã hội?.

Nếu như quan điểm nêu trên là đúng, thì khả năng lớn nhất Nhà nước Việt Nam sẽ tạo ra một “hành lang thỏa hiệp”, với những nhà bất đồng chính kiến trong tù hay trên Facebook, họ có được sự tự do nhưng họ cần nằm trong sự “bảo trợ”. Và nhu cầu “xuất khẩu người bất đồng chính kiến” có thể chấm dứt nếu như sự thỏa hiệp được tiến hành một cách suôn sẻ hơn trong tương lai.

Một nguy cơ cần phải hình dung, và nó trở thành thách thức lớn cho chính những nhà bất đồng chính kiến trong tương lai, nơi họ thể hiện sự bản lĩnh và độc lập trước sự ve vuốt của phía Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét