Quầy vé trạm BOT Cai Lậy. Ảnh RFA
Báo chí trong nước vào ngày 7/5 loan tin trích dẫn từ dự thảo mới của Bộ Giao thông - Vận tải có đề xuất dùng ‘trạm thu tiền’ thay cho ‘trạm thu phí’. Đề xuất này của Bộ Giao thông – Vận tải nằm trong Dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của ‘trạm thu tiền’ dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho thông tư 49/2016.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải dùng từ thay thế cho cụm từ ‘trạm thu phí’. Trước đó, vào đầu năm 2018, Bộ cũng đã sử dụng ‘trạm thu giá’ nhưng sau khi gặp nhiều phản đối do cụm từ ‘trạm thu giá’ không có ý nghĩa và không cần thiết để thay đổi nên Bộ sử dụng lại ‘trạm thu phí’, nay lại đổi sang ‘trạm thu tiền’.
Lập tức đề xuất này được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội kèm theo câu hỏi tại sao cần phải thay đổi cách gọi thành trạm thu tiền?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc thay đổi cách gọi như vậy có phù hợp ý nghĩa trong hoàn cảnh nói hay không, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, Giảng viên Văn hóa học tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng giải thích:
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc thay đổi cách gọi như vậy có phù hợp ý nghĩa trong hoàn cảnh nói hay không, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, Giảng viên Văn hóa học tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng giải thích:
“Cụm từ ‘trạm thu phí’ phản ánh chính xác nhất của ngôn ngữ cũng như ý nghĩa việc thu, vì đây là các loại dịch vụ mà dịch vụ thì người ta gọi là phí. Nhưng đổi thành trạm thu tiền thì nó không phản ánh được, vì chữ tiền rất chung chung, mơ hồ, không phản ánh được bản chất của công việc mà ở đây là dịch vụ công. Lâu nay từ ‘phí’ là từ chuẩn mực của thế giới và Việt Nam, không tranh cãi về chuyện này nữa. Công luận cũng biết từ trong kinh tế cũng như kinh doanh, thế nào là phí, thế nào là giá, và thế nào là tiền, người ta biết rất rõ.”
Còn Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng mặc dù dùng từ thu phí có vẻ hợp lý nhất, nhưng thực tế việc này không đáng để quan tâm, bởi vì thật ra thu phí, thu giá, hay thu tiền, cuối cùng vẫn là thu tiền. Ông nói thêm:
“Chúng ta hiểu với nhau rằng ở các trạm BOT người ta thu một cái phí hay một lượng tiền để bù đắp lại cái phí đã bỏ ra để xây dựng đường giao thông đó. Việc người ta (tài xế) trả ra chi phí cho hoạt động đi lại của họ đối với doanh nghiệp gọi là trả một cái phí hay chi một khoản tiền.”
Dưới góc nhìn cá nhân, anh Nguyễn Minh Hùng, một người dân quan tâm đến tình trạng BOT trên cả nước, vừa qua có thành lập một nhóm kiểm đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa lại cho rằng việc thay đổi từ thu phí sang thu giá trước đây đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới trí thức, nên bây giờ chuyển cách gọi thành trạm thu tiền thì anh đang đặt nghi vấn về trình độ và bằng cấp của những người đề xuất.
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho biết việc đổi cách gọi thu phí thành thu tiền trong đề xuất mới là không hợp lý:
“Bây giờ đổi lại một là xáo trộn các khái niệm không cần thiết, hai là không tôn trọng ngôn ngữ, bản chất chính xác của loại hình này. Tôi nghĩ các nhà quản lý Việt Nam làm những điều không thiết thực, gây lãng phí thời gian của công luận. Tôi không biết họ làm vậy với mục đích gì, học cố tình để công luận bị kéo theo những vấn đề rất nhỏ nhặt.”
Anh Nguyễn Minh Hùng cũng cho rằng có lẽ việc thay đổi cách goi này đang nhằm để hướng dư luận sang một vấn đề khác:
“Người dân đang phẫn nộ, bức xúc phản ánh những trạm BOT. Bây giờ họ mới đưa ra nói chuyển qua trạm thu tiền thì đang muốn lái dư luận để người dân không quan tâm đến chuyện đặt trạm và không phản đối nữa.”
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, vẫn còn một lý do vì sao Bộ Giao thông – Vận tải lại muốn thay đổi cụm từ ‘trạm thu phí’ hai lần trong vòng chưa đầy 18 tháng:
“Từ trước đến nay thói quen ở Việt Nam gọi là thu phí, nhưng người ta sợ lẫn với cái phí người dân vẫn hay trả cho nhà nước trong sinh hoạt. Vì thế người ta sợ nói thu phí thì không đầy đủ ý nghĩa trả theo mức thị trường mua bán với nhau trên cơ sở ngang giá của những trạm thu phí giao thông mà chúng ta vẫn nói nên cứ loay hoay chung quanh chuyện thu phí, thu giá hay thu tiền.”
Giải thích rõ hơn nguyên nhân này dưới góc nhìn người dân có quan tâm nhiều về tình hình các trạm BOT trên cả nước, anh Nguyễn Minh Hùng nói thêm:
“Họ sợ người dân nói là phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thì người dân, những chủ xe đã đóng hàng năm rồi. Vậy thu phí nữa thì thu phí gì? Họ sợ người dân hỏi câu hỏi đó sẽ không trả lời được nên tìm mọi cách đổi thành thu giá hoặc thu tiền, để tránh người dân phản đối việc phí chồng phí.”
Gần đây, tình trạng tài xế và người dân sống xung quanh các trạm thu phí BOT phản đối diễn ra ngày càng nhiều.
Mới đây nhất, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 7/5, nhiều người dân xung quanh trạm BOT Hòa Lạc – Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình đã chặn trước các chốt mua vé để phản đối việc thu phí, khiến xe ùn tắc kéo dài, buộc Ban Giám đốc dự án phải ra lệnh xả trạm để xe được lưu thông.
Vì vậy khi kiến nghị đổi cách gọi trạm thu phí sang trạm thu tiền, nhiều người bày tỏ bức xúc cho rằng tại sao lại quan tâm đến chuyện đổi tên trong khi các vấn đề bất cập của các trạm BOT gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân vẫn chưa được giải quyết như việc đặt sai vị trí, mức thu quá cao, thời gian thu vượt qui định…
Do đó, theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, chính phủ cần xem lại cách quản lý của mình vì một vấn đề đã thành chuẩn mực rồi nhưng bây giờ lại trở thành vấn đề gây tranh cãi:
“Tôi nghĩ nó không xứng với tầm cỡ của nhà quản lý, làm mất thời gian của người dân, mất công sức, mất sự chú ý mà đáng ra cần để dành công sức, thời gian và tiền bạc để lo những chuyện lớn hơn của quốc gia.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét