Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

9928 - Đánh thuế hàng Trung Quốc, dân Mỹ lãnh đủ?



Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự áp mức thuế quan mà ông đe dọa lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì ‘người tiêu dùng Mỹ sẽ lãnh đủ’, đài CNBC nhận định. Hôm 5/5, ông Trump dọa tăng thuế từ 10% lên 25% lên 200 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc và có khả năng sẽ đánh thuế thêm 325 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc nữa vốn cho đến nay còn nằm ngoài danh mục bị ảnh hưởng. Theo tính toán của Ngân hàng Citigroup, 40% hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc vẫn chưa bị đánh thuế.
Do đó, nếu chính quyền Trump thật sự tiến tới đánh thuế 325 tỷ đô la hàng hóa còn lại này thì các mặt hàng tiêu dùng như hàng may mặc, đồ chơi, giày dép, đồ gỗ, đồ điện tử sẽ phải chịu thuế và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả cho phần thuế này. Citigroup cảnh báo rằng điều này sẽ khiến chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao.
Cho đến nay, có vẻ như là các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp diễn trong tuần sau khi gặp trở ngại với lời cáo buộc của các quan chức Mỹ rằng các nhà đàm phán Trung Quốc đã quay ngoắt trên một số điểm đã được đồng thuận trước đó.
Đe dọa suông?
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nghi ngờ việc Mỹ thật sự muốn tiến tới đánh thuế vào hàng tiêu dùng của Trung Quốc vào lúc này vì chuyện này sẽ mất hàng tháng.
Thuế nhập khẩu gia tăng sẽ đẩy cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump lên một mức độ mới. Trước đó, ông Trump đã đánh thuế lên 50 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 6 năm ngoái. Sau đó, Mỹ leo thang thêm một bậc khi đánh thuế tiếp lên 200 tỷ đô la hàng hóa nữa với mức thuế 10% với lời đe dọa sẽ tăng lên 25% nếu các cuộc đàm phán không khả quan. Bắc Kinh đã đáp trả tương xứng với mức thuế quan áp lên hàng hóa Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục trả đũa nếu mức thuế mới của ông Trump thành hiện thực.
“Gói đánh thuế 50 tỷ đô la chủ yếu là hàng hóa tư bản (nguyên liệu để hãng xưởng sản xuất). Gói 200 tỷ đô la hàng hóa bị đánh thuế tiếp đó cũng vẫn là hàng hóa tư bản và một số mặt hàng tiêu dùng. Những mặt hàng còn lại không bị đánh thuế chủ yếu là hàng tiêu dùng,” ông Cesar Rojas, kinh tế gia toàn cầu của Citigroup, được CNBC dẫn lời nói. “Chẳng hạn như đồ gỗ, hàng may mặc, tất cả những mặt hàng mà vẫn không bị tác động gì của các đợt đánh thuế cho đến nay.”
Ông Dan Clifton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách của Strategas Research, nhận định rằng ông Trump đang sử dụng lời đe dọa tăng thuế để buộc Trung Quốc phải đồng ý về một thỏa thuận. Trước khi ông Trump loan báo về việc này trên Twitter, đã có những mong đợi rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này và các nguồn tin thậm chí còn nói với CNBC rằng thỏa thuận có thể sẽ được ký kết trước ngày 10/5.
Clifton nói rằng rất khó để cho các mức thuế này có hiệu lực ngay lập tức. Theo thống kê của Strategas Research, chỉ có 7% đồ chơi và thiết bị thể thao và giày dép bị đánh thuế. Trong số các sản phẩm may mặc được nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ có 13% là bị đánh thuế.
“Mở rộng danh sách các mặt hàng bị đánh thuế sẽ phải mất nhiều tháng để thực thi. Điều này cho phép các nhà đàm phán hai nước có thêm thời gian ngay cả khi các cuộc thương thảo trong tuần này thất bại,” Clifton nhận định.
Trong lúc này, Phố Wall vẫn không tin rằng Mỹ sẽ thật sự dùng cách này. Các kinh tế gia của tập đoàn Goldman Sachs nhận định chỉ có khả năng 1/10 là Nhà Trắng sẽ áp thuê lên 325 tỷ đô la còn lại của hàng hóa Trung Quốc.
“Trước hết, để làm việc này phải mất nhiều tháng, vì nó cần phải có quy trình quản lý chính thức bao gồm lấy ý kiến công chúng. Cho đến khi đó, các cuộc đàm phán Trung-Mỹ có khả năng đã đạt được thỏa thuận. Thứ hai, hàng tiêu dùng, vốn chiếm hầu hết phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chưa bị đánh thuế, sẽ bị tác động đáng kể hơn. Chúng tôi cho rằng Nhà Trắng sẽ tìm cách tránh khả năng này,” Goldman Sachs nhận định.
Ông Clifton nói rằng điều quan trọng là phía Trung Quốc sẽ có hành động như thế nào và mấu chốt là phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dự các cuộc đàm phán với phía Mỹ. “Trung Quốc nhiều khả năng muốn có được đảm bảo rằng lời đe dọa đánh thuế thêm của ông Trump là không có thực. Lập trường cơ bản của chúng tôi là các cuộc thương thảo vẫn tiếp tục trong tuần này, nhưng chúng tôi cũng cảnh báo rằng những vấn đề cần được giải quyết là những vấn đề rất gai góc,” ông nói.
Người tiêu dùng ‘lãnh đủ’
Trong khi đó, đài CBS đã có bài phản bác tuyên bố của ông Trump khi ông nói rằng các mức thuế mà ông đe dọa chẳng có ảnh hưởng gì mấy đến người tiêu dùng Mỹ mà chính phía Trung Quốc mới lãnh đủ hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy ngược lại rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá cả và chi phí sản xuất tăng cao. Điều này đặc biệt đúng ở những tiểu bang theo Đảng Cộng hòa như các cộng đồng nông dân ở vùng Trung Tây, theo một nghiên cứu mới đây của các kinh tế gia đến từ các đại học Berkeley, UCLA, Columbia và Ngân hàng Thế giới.
“Các bằng chứng kinh tế cho đến nay chính xác là trái ngược với tuyên bố của ông Trump,” ông Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson viết trên Twitter. “Tác động của đợt đánh thuế hồi năm 2018 đã bị đẩy qua cho người tiêu dùng Mỹ dưới hình thức giá cả hàng hóa cao hơn. Trung Quốc không lãnh gánh nặng của cuộc chiến thuế quan của ông Trump.”
Thuế quan là một loại thuế mà các công ty – chứ không phải các quốc gia – phải trả cho hàng nhập khẩu bao gồm nguyên liệu thô, phụ tùng và sản phẩm hoàn thiện. Các công ty chịu chi phí đầu vào cao hơn vì phải trả thuế quan cao hơn sẽ đẩy mức thuế đó sang cho người tiêu dùng khiến giá cả hàng hóa tăng lên. Đồng thời, giá hàng hóa Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài sẽ tăng.
Ví dụ như máy giặt. Máy giặt nhập khẩu vào Mỹ là một trong những mặt hàng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao hơn hồi năm ngoái do lập trường bảo hộ thương mại của ông Trump. Giá máy giặt đã tăng lên 12% cho người tiêu dùng Mỹ do các hãng sản xuất không thể chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước khác.
Các nhà bán lẻ cũng nâng giá máy sấy lên mức tương tự ngay cả khi mặt hàng này không bị đánh thuế, CBS dẫn một nghiên cứu riêng lẻ của các kinh tế gia thuộc Đại học Chicago và Cục dự trữ Liên bang cho biết. Tính tổng cộng, chỉ trong vòng một năm, người tiêu dùng Mỹ phải bỏ ra thêm 1,5 tỉ đô la cho máy giặt và máy sấy, tức là mỗi chiếc máy họ mua họ phải bỏ thêm từ 82 cho đến 92 đô la.
Một nghiên cứu khác do các kinh tế gia của Cục Dự trữ Liên bang New York, Đại học Columbia và Đại học Princeton công bố hồi mùa xuân cho thấy gánh nặng của các biện pháp thuế quan của ông Trump hoàn toàn đè lên vai doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Cho đến cuối năm 2018, các công ty Mỹ đã phải chi thêm 3 tỷ đô la vì thuế quan và phải chịu thêm 1,4 tỷ đô la chi phí gia tăng. Các nhà nghiên cứu cho biết các công ty Mỹ xoay sở bằng cách tăng giá bán hàng hóa của họ.
Trung Quốc và các nước khác bị Mỹ đánh thuế đã phản công khi đợt thuế quan của ông Trump có hiệu lực hồi năm ngoái bằng cách vừa trả đũa thuế vừa bỏ mua hàng của Mỹ luôn, chẳng hạn như mặt hàng đậu nành. Điều này đã làm cho tình hình vốn khó khăn của các khu vực nông nghiệp của Mỹ, những nơi bầu chủ yếu cho Đảng Cộng hòa, càng thêm tồi tệ. Liên minh châu Âu đã đánh thuế vào xe mô tô xuất khẩu của Mỹ, khiến cho hãng Harley Davidson phải mở xưởng sản xuất ở châu Âu thay vì sản xuất ở Mỹ để né thuế của châu Âu.
“Người lao động ở các địa hạt của Đảng Cộng hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh thương mại, một phần bởi vì các biện pháp trả đũa của các nước chủ yếu nhắm vào lĩnh vực nông nghiệp,” nghiên cứu của Đại học UCLA cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét