Tháng Ba, 1975, ở Đà Nẵng, Việt Nam, Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ có một vài giờ, một hai ngày và những lệnh, phản lệnh từ Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu. Những người lính, dân tại cù lao Vinh Lộc, tại cửa Thuận An lại càng khốn khổ hơn. Bắt đầu là vô tổ chức, tiếp tới hỗn loạn và sau cùng là… bạo loạn. Công binh không thể bắc phà qua sông, tàu lớn không vào sát bờ, người di tản trong cơn khiếp đảm khi cái chết dâng đầy, tràn ngập phải vùng vẫy tuyệt vọng từng giây phút ngắn tranh sống. Tiền sát viên pháo binh Cộng Sản điều chỉnh mục tiêu không phí một quả đạn.
Đoàn người trần trụi trên dòng sông dưới đạn pháo. Sông là nhánh chảy ra phá Tam Giang, dòng nước đã soi bóng lửa thu ở rất lâu. Từ năm 1946, năm vỡ mặt trận Việt Minh chống Pháp. Năm nay, 1975, người Cộng Sản bắn vào ai? Chống ai?
Cảnh bi thảm không phải chỉ bày ra nơi cù lao Vinh Lộc, cửa Thuận An. Một trăm cây số đường từ Huế vào Đà Nẵng dày đặc xe và người chạy loạn. Lúc đầu người ta sử dụng xe vận tải, xe du lịch, GMC… những xe động cơ bốn bánh, hai bánh. Tất cả đều chất cứng đồ đạc và lăn từng thước, từng chục thước đưng.
Quân Cộng Sản không hề chậm chạp, lập ngay những chốt chặn ở những vùng núi đèo Phú Gia, Phước Tượng, ở Cầu Hai, Nong, Truồi… Bất cứ nơi nào thuận lợi cho việc phục kích. Lính Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đơn vị đã từng giữ vững Bastogne, Checkmate… Đơn vị đã nhảy xuống Tchépone Hạ Lào, những tiểu đoàn bộ binh hàng đầu của quân lực miền Nam, đại đội trinh sát lừng lẫy Hắc Báo, tất cả đều bị đám thân nhân, gia đình binh sĩ cồng kềnh rối rắm, tan nát, âu lo bó tay. Người lính nào chiến đấu được với con trên lưng, vợ đang cơn nguy khốn?! Thế nhưng đoàn người vẫn phải lần từng bước đường về Nam, hướng đèo Hải Vân. Và khi xe hơi bị tắc nghẽn trong vũng lửa, chiếc honda đổ nhào xuống hố vực, người bế con lên tay, đầu gục xuống cất từng bước..
Đèo Hải Vân đây rồi! Những người đã chạy từ Quảng Trị, Mỹ Chánh, Phong Điền, An Lỗ chen chân lên đường đèo ngầy ngật khói đen dày. Vẫn còn những đơn vị lính Cộng Hòa giữ vững tay súng, Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến nhận bàn giao từ Lữ Đoàn I Nhảy Dù, trấn giữ đèo Hải Vân, ngăn quân Cộng Sản ở mặt bắc Quảng Nam-Đà Nẵng. Nhưng một tiểu đoàn trong chiến tranh buổi tàn cuộc có là bao?!
Năm 1944, quân đội đồng minh muốn giữ vững Bastogne giữa vòng vây Đức phải có một đơn vị sư đoàn – Sư Đoàn 82 Nhảy Dù Mỹ do viên sĩ quan ngoại hạng, Maxwell Taylor chỉ huy. Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến nay đối diện với ba sư đoàn bộ binh nặng, một lực lượng gồm các trung đoàn, tiểu đoàn Cộng Sản địa phương, một vùng đất dài từ chân đèo, xã Lăng Cô cuối tỉnh Thừa Thiên ra đến sông Thạch Hãn, Quảng Trị, vùng đất bị lực lượng Cộng Sản lấn chiếm từ Mùa Hè 1972.
Và xa hơn là Cửa Việt, Gio Linh, sông Bến Hải, vùng “giải phóng” đã được thâu đoạt, củng cố từ 1972, 1973. Cuối cùng, xa hơn nữa, rộng hơn nữa – một miền Bắc xã hội chủ nghĩa “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn miền Nam.” Nhưng hẳn chỉ ngừng lại ở đây, tăng cường, trợ lực cho Cộng Sản Bắc Việt còn có nước Trung Hoa mênh mông, Liên Bang Xô Viết vĩ đại, khối thành trì của phe xã hội chủ nghĩa đang luôn chờ đợi, luôn chực sẵn cánh tay kéo dài xuống phương Nam – giấc mộng bền bỉ dài lâu của các chủng tộc người Hoa, Mãn, Slave… Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH không thể nào đương được như một lý đương nhiên.
Người lính miền Nam cũng vấp phải tình thế không thể nào xoay trở, bởi trên đường đèo, trước mũi súng anh chỉ thấy nhấp nhô trùng điệp vạn đầu tóc rối chạy loạn, tràng âm thanh thấp thỏm bi thương… “En” lính Cộng Hòa ơi! “En” lính Cộng Hòa ơi! Tiếng kêu một lần anh nghe được từ Mậu Thân, từ Mùa Hè Đỏ Lửa 72. “En” ơi… Con tui hắn chết rồi! Tui biết làm chi bây chừ “en” ơi! Người mẹ quê thất sắc, mắt lạc thần, giở vạt áo dài, đứa con nhỏ say nắng, bầm tím, chết ngạt từ bao lâu. Người đàn bà ngồi xuống lề đường trên đá núi, gục đầu vào xác thân nhỏ bé sâm sấp tử khí gây gây. Chẳng phải người lính, đến Thượng Đế chắc cũng phải bật khóc gào lên.
Đà Nẵng không chỉ bị ép từ phía Bắc, mà cả từ phía Nam, vùng đất Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi đã bị cắt đứt ra từng mảnh nhỏ và người dân từ những nơi này tràn về Đà Nẵng để tìm một chỗ xuôi Nam. Và địa ngục tăng thêm cường độ nơi bến tàu, nơi chân cầu Trịnh Minh Thế, bến cá chợ Hàn, căn cứ Hải Quân Tiên Sa. Người ta dùng lưới để móc những kiện hàng quái dị…
Đám người tan tác rền rĩ khóc la khản đặc. Nhưng dẫu có bị móc đi bằng lưới hoặc giành được một chỗ trên phi cơ (dân hoặc quân sự, kể cả máy bay Mỹ), những người rời xa Đà Nẵng cũng còn thở được hơi dài… Đã thoát khỏi chết. Đã thoát khỏi Việt Cộng. Thoát khỏi một thành phố tràn ngập tiếng động từ những kho hàng bị cướp phá, người bị cướp, bị giết kêu cứu… Đám tù quân phạm từ những trại quân lao tràn ra, trả thù những năm tháng giam giữ với cách phát triển bản năng ác độc từ lâu ức chế với cách thức thú vật hung tàn.
Cơn hấp hối của Đà Nẵng không kéo dài. Ngày 27 Tháng Ba, pháo binh Cộng Sản bắt đầu bắn thăm dò vào Đà Nẵng từ những vùng lân cận vừa lấn chiếm. Bộ Tư Lệnh mặt trận Bình-Trị-Thiên phối hợp với mặt trận B2, Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định dùng Sư Đoàn 324 và 325C từ mạn Bắc chiếm đèo Hải Vân đổ xuống; từ hướng Nam và Tây Nam hai Sư Đoàn 407 và 711 đánh lên.
Chiến trận được hai trung đoàn pháo và thiết giáp yểm trợ. Hỏa lực của pháo binh Cộng Sản tập trung vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và căn cứ Hải Quân Tiên Sa, các địa điểm thực hiện kế hoạch di tản. Nhưng thực tế không còn kế hoạch nào nữa, bởi vì các điểm, căn cứ đã là những vị trí hỏa tập.
Đặc công Cộng Sản trà trộn vào đám đông điều chỉnh từng quả đạn nổ chính xác giữa những thân người chen chúc. Ngoài khơi Đà Nẵng một hạm đội chực sẵn gồm tàu Việt Nam Cộng Hòa, Đại Hàn, Đài Loan, Úc, Anh, Phi Luật Tân… Và lẽ tất nhiên có tàu hải quân và dân sự Mỹ. Nhưng bởi Mỹ là nước “cam kết” tôn trọng thực hiện Hiệp Định Paris, nên Tổng Thống Ford đã ra lệnh cho tàu Mỹ không được vào hải phận Việt Nam.
Do thái độ “nghiêm chỉnh” của Mỹ và đồng minh phe tự do, người tị nạn phải đội con lên đầu, cõng mẹ sau lưng lần từng bước, dò đáy biển tiến ra khơi! Thây người mắc vào gềnh đá trôi sâm sấp. Qua ngày 28, bãi biển đã thành một nghĩa địa bồng bềnh xê dịch. Người sống sót rẽ thây chết đi ra phía trùng dương mờ đục khói. Khói sóng và khói đạn pháo binh, hỏa tiễn.
Nhiều trường hợp xác chết biến thành cái phao để người “chưa chết” bám víu vẫy vùng, cố sống. Cố gắng sống thêm vài phút ngắn. Trong đám người tan vỡ này có Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông bơi ra một chiếc xuồng rồi lên một tàu của Hải Quân Việt Nam do trợ lực của một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Chiếc tàu đã biến dạng bởi binh sĩ đã ngồi tràn lên cả cột cờ, ụ súng. Trông giống như tổ kiến khổng lồ trôi dạt trên sóng biển. Tình cảnh trên những tàu dân sự ngoại quốc càng tồi tệ hơn. Gần mười ngàn người chồng chất lên nhau trên một chiếc tàu chở hàng với vài chục thủy thủ. Ngàn con người không nước uống, không thức ăn cào xé nhau dưới hầm tàu nghẹn thở hoặc trên boong sắt bốc hơi nóng dưới mặt trời đầu Hè của miền Trung.
Tàu Victoria chở người di tản ghé Cam Ranh. Người cha bế đứa con bước xuống bãi cát trắng. Cát nóng sôi lúc nhúc những đầu người cuống quýt. Không một tiếng động lớn, không ầm ĩ ồn ào, chỉ khẽ rít nhỏ rầm rì giữa những cánh môi khô nẻ, trắng bọt xám… Nóng quá!! Khát quá!! Chiếc tàu họ vừa rời khỏi đã là một nghĩa địa di động, nhưng khốn khổ hơn những lò thiêu người Do Thái ở Auschwitz, Birkenau, bởi hơi nóng của vỏ, sàn tàu dưới mặt trời không đủ nhiệt để đốt cháy da thịt người.
Trên sàn, dưới hầm lềnh kênh những thây chết chưa đúng nghĩa… Những người ngộp thở vì bị đè, ép, dẫm lên. Người già và trẻ em chiếm phần lớn. Những sinh vật vô tội và vô hại đối với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ lực lượng vũ trang nào. Các cuộc tấn công quân sự của lực lượng Cộng Sản khởi đi từ Tháng Ba đã biến những xác chết này nên thành chứng cớ của tội lỗi. Và họ phải chịu cơn hấp hối từ rất lâu trước khi “được” chết để đền xong mối tội. Tội đã sinh và sống nơi vùng “tạm chiếm của bọn ngụy quân, ngụy quyền” – Tội làm người nơi nước Việt, ở miền Nam.
Nha Trang cùng lâm cơn hấp hối với Đà Nẵng. Người Nha Trang bị dồn ép, bị đuổi siết bởi những người chạy loạn từ Pleiku, Phú Bổn xuống; từ Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi ùa vào… Tất cả lại chuẩn bị lên xe, hướng phía Nam, Phan Thiết, Bình Tuy… Sài Gòn.
Sài Gòn, như kẻ phụ tình cay đắng cuối đi không thể rời bỏ. Và cảnh cũ của Bến Cá, phi trường Đà Nẵng lập lại tầng tầng bi thảm nơi Cầu Đá, phi cảng Nha Trang. Máy bay cất cánh với chân, tay người thò ra nơi khoang chứa bánh đáp! Dọc đường Số 1 những chiếc trực thăng chở khẳm chòng chành rơi vãi những thân người tan tác theo luồng gió và cánh quạt động cơ đùa đi. Và biển Đông lại nhận thêm được những tặng phẩm khốn cùng mới mẻ…
Những thây người vào ra sâm sấp theo triều sóng ngậm ngùi. Tượng Thánh Mẫu Thiên Y từ đỉnh cao Tháp Bà đầu cầu xóm Bóng, Nha Trang một đêm bất ngờ, vô cớ rơi xuống! Hàng triệu sâu bọ từ mạch đất sâu bật tung bò ra lềnh đặt hơn cây số đưng từ Cam Ranh đi Phan Rang. Đoàn người chạy loạn dẫm lên nghe nhầy nhầy, sừng sực như đạp phải thây chết. Chẳng ai để ý.
Tất cả đã quen với cái chết. Con người đang chết. Sự chết toàn diện của lần tận diệt. Mùa Chúa chịu nạn giải cứu thế gian diễn ra cùng lần bức tử miền Trung. Khởi đầu buổi Đồng Tế tàn cuộc miền Nam. Bắt đầu từ ngày 10 Tháng Ba ở Ban Mê Thuộc. Không cần đủ hết Tháng Ba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét