Tổng thống Iran Hassan Rohani (P) xem triển lãm thành tựu công nghệ hạt nhân Iran, ngày 09/04/2019 tại TeheranIranian Presidency / AFP
Tương lai của Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân ( gọi tắt theo tiếng Pháp là TNP ) sẽ ra sao ? Câu hỏi này đang được đặt ra ngày càng khẩn thiết, nhất là với việc Iran đang dọa sẽ rút ra khỏi hiệp ước này để đáp lại việc Hoa Kỳ đơn phương tái lập các trừng phạt đối với Teheran. Trong một năm nữa sẽ diễn ra hội nghị nhằm xem xét việc thực hiện TNP, mà cộng đồng quốc tế đã đạt được vào năm 1968 và có hiệu lực kể từ năm 1970. Hiệp ước nay đã được hầu như toàn bộ các quốc gia trên thế giới ký kết, cụ thể là 188 trên 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã tham gia TNP.
Mặc dù đã có một số tiến bộ ( từ 70 000 đầu đạt hạt nhân trên thế giới trong thập niên 1980 xuống còn 15 000 hiện nay ), cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được mục tiêu loại trừ nguy cơ của bom nguyên tử. Vào năm 1968 chỉ có 5 cường quốc nguyên tử, nay con số này nay đã lên đến 9 quốc gia, với Israel, Ấn Độ, Pakistan và mới đây là Bắc Triều Tiên gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vào năm 2017, ICAN, liên minh của gần 500 tổ chức phi chính phủ hoạt động về giải trừ vũ khí hạt nhân, đã được trao giải Nobel Hòa bình, cho thấy là thế giới ý thức nhiều hơn về nguy cơ của bom nguyên tử, thế nhưng, thái độ của các cường quốc hạt nhân thì vẫn không có gì thay đổi.
Trong hội nghị xem xét việc thực hiện TNP vào năm 2015, các quốc gia ký kết đã không đồng ý được với nhau về những bước tiếp theo. Trong tuần này, các nước đang họp lại tại New York để chuẩn bị cho hội nghị năm 2020, với hy vọng có thể đạt được những tiến bộ cụ thể. Nhưng nếu hội nghị lần tới vẫn gặp bế tắc, liệu TNP sẽ còn giá trị ?
Theo nhận xét của ông Jean-Marie Collin, phát ngôn viên của tổ chức ICAN France, trả lời RFI Pháp ngữ, bối cảnh hiện nay rất là bất lợi :
« Có rất ít hy vọng. Bởi vì chúng tôi nhận thấy là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã ký kết hiệp ước và trong những năm gần đây đã chấp nhận những biện pháp mà họ đã biểu quyết thông qua, nhưng họ lại không thực hiện các biện pháp đó.
Nếu vào năm tới, TNP lại gặp trắc trở, chúng ta sẽ gặp nguy cơ phổ biến hạt nhân thật sự, đó sẽ là một bước lùi lớn. Chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ của những thập niên 1950, 1960, với nguy cơ là sẽ có đến 25 quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Và đó sẽ là lỗi của những quốc gia hiện đang có vũ khí hạt nhân. »
Bắc Triều Tiên đã rút khỏi TNP vào năm 2003 và từ đó đã dần dần trở thành một quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Chính là để tránh nguy cơ tương tự mà các cường quốc đã thuyết phục Iran ký hiệp định hạt nhân 2015. Nhưng nay Teheran vừa thông báo ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định này.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vào cuối tháng Tư vừa qua đã tuyên bố một trong những phương án mà Iran dự trù để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đó là rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Teheran đã từng dọa rút khỏi TNP sau khi tổng thống Trump vào tháng 05/2018 quyết định đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
***
Iran ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định hạt nhân
Hôm nay, 08/05/2019, Iran thông báo sẽ ngưng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ hiệp định hạt nhân ký với quốc tế vào năm 2015, để đáp lại việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định này cách đây một năm. Thông báo này chắc chắc sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Teheran với Washington.
Trong một tuyên bố đọc trên đài truyền hình Nhà nước, tổng thống Rohani thông báo kể từ hôm nay, Iran sẽ ngưng việc gởi ra nước ngoài phần dư thừa của sản lượng uranium được làm giàu. Theo hiệp định hạt nhân ký với quốc tế, Teheran chỉ được phép giữ lại trên lãnh thổ Iran 300 kg uranium được làm giàu với tỷ lệ 3,67%. Iran cũng sẽ không gởi ra nước ngoài sản lượng nước nặng dư thừa. Trên nguyên tắc, Teheran chỉ được phép giữ 130 tấn nước nặng.
Tổng thống Rohani nói thêm là trong vòng 60 ngày, Iran sẽ thương lượng với 5 quốc gia tham gia ký kết hiệp định hạt nhân gồm Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc để tìm ra một giải pháp và bù đắp thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ về dầu hỏa và ngân hàng.
Ông cũng cảnh báo là nếu sau 60 ngày mà vẫn chưa tìm ra một giải pháp nào thì Iran sẽ không tuân thủ mức giới hạn 3,67% và sẽ làm giàu chất uranium với những tỷ lệ cao hơn. Với mức cao hơn 20%, chất uranium được làm giàu có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Ông Rohani còn thông báo là Iran cũng sẽ khởi động trở lại công trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak.
Cuối cùng, tổng thống Rohani cảnh báo là nếu các cường quốc dùng quyết định của Teheran làm cớ để đưa hồ sơ hạt nhân Iran ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và để ban hành những trừng phạt mới đối với nước này, Teharan sẽ đưa ra những quyết định cứng rắn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét