Thời kỳ nhà thờ là đề tài cấm kỵ
Ở Việt Nam, thời kỳ của những năm 50 của thế kỷ trước trở đi, dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản, với “Cuộc Cách mạng về tư tưởng và văn hóa” thời kỳ quyết liệt nhất, chính sách xóa bỏ tôn giáo đã được tiến hành hết sức trắng trợn. Dưới bức màn sắt che kín mọi phía, người Cộng sản đối xử với người công giáo Việt Nam như một thứ công dân hạng hai, và tôn giáo của họ là điều tối kỵ.
Biết bao chính sách đã được thi hành trong thời kỳ đó, chắc chắn chỉ một vài bài viết không thể nào mô tả được. Ở đây, chỉ nói riêng về vấn đề cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự.
Hầu hết các giáo xứ, giáo họ ở miền Bắc đã trải qua thời kỳ khốc liệt nhất của sự hạn chế tôn giáo bằng mọi cách, đất đai nhà thờ bị chiếm đoạt, nhà thờ biến thành nhà kho hợp tác xã, làm nơi chăn nuôi, đất đai biến thành của Hợp tác xã, các cơ sở tôn giáo như nhà dòng, nhà nguyện bị chiếm đoạt phần lớn.
Những phần không thể chiếm đoạt, thì bằng mọi cách, sự hạn chế khắc nghiệt nhất đã được tiến hành. Những ngôi nhà thờ còn sót lại, phải để nguyên tình trạng hư hỏng, dột nát, không một giáo dân, kể cả linh mục được phép sửa chữa. Nhiều giáo dân, chỉ dọi lại mái nhà thờ, thay vài viên ngói bị vỡ, bị dột nát, lập tức được công an Huyện về tận nơi đưa lên nhốt dăm bảy ngày là chuyện bình thường.
Tất cả mọi hoạt động tôn giáo bị kiểm soát và ngăn chặn gắt gao. Chắc hẳn những giáo dân Bùi Chu không lạ gì cảnh những mùa Thương khó, mùa nguyện ngắm, nhưng có giáo xứ chỉ tổ chức rước ngắm trong nhà thờ cũng bị chính quyền cấm đoán và nơi nào có tiến hành thì cũng hành lên hành xuống đến khốn khổ.
Những tiếng chuông nhà thờ im bặt trong thời kỳ đó, với lý do ảnh hưởng đến “Phòng không”. Trong khi, chẳng ai còn lạ gì tiếng chuông nhà thờ khác với tiếng kẻng báo phòng không ra sao và chắc chắn chẳng ai nhầm lẫn. Điều cơ bản, chỉ là nhà cầm quyền Cộng sản thời kỳ đó không hề muốn tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa cứ cất lên đều đều trong làng mạc, thôn xóm. Bởi như vậy thì làm sao có thể “Xây dựng nền văn hóa mới XHCN” mà ở đó trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, trục xuất tư hữu, tư bản ra khỏi đời sống cá nhân, xã hội.
Trong khi đó, những công trình này xây dựng từ thời xa xưa, vật liệu không được tốt và hiện đại như ngày nay, do vậy, hầu hết các cơ sở dần dần đi đến mục nát và hư hỏng.
Rồi chiến tranh, bom đạn hàng ngày, hàng giờ ném xuống, những trận bão bùng thiên tai hàng năm cứ chà đi xát lại những ngôi nhà thờ già cỗi cả trăm năm tuổi cũng đã góp phần tạo nên việc hư hỏng của nó.
Nhiều cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ đều trong tình trạng xuống cấp thê thảm trong sự bất lực của chính người giáo dân ở đó. Do điều kiện kinh tế khó khăn là một phần, bởi cả miền Bắc trong cơn đói triền miên, lo chạy ăn từng bữa chưa xong, lấy đâu ra tiền của để đóng góp xây dựng nhà thờ.
Nhưng cái chính yếu, là sự hạn chế kiểm soát đến mức quá khắc nghiệt và khắt khe của nhà cầm quyền cộng sản đã tạo nên một sự tiêu tán đến mức tối đa các công trình tôn giáo khắp miền Bắc nói chung.
Thay đổi chiến thuật với tôn giáo
Sau một thời gian kéo dài với tư duy Kinh tế XHCN tập trung, bao cấp theo kế hoạch nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đi đến kiệt quệ. Sự đói kém xảy ra ngay trên các vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, đời sống người dân lao dao. Trước sức bật của những nhân tố mới, nhà cầm quyền CSVN buộc phải chấp nhận việc mà họ gọi là :Đổi mới”.
Kể từ đó cuộc sống kinh tế có phần khởi sắc hơn trên toàn diện đất nước, những giao lưu giữa hai miền Nam Bắc và với bên ngoài được mở rộng, dần dần xé bỏ bức màn sắt về thông tin, giao lưu với thế giới, đã làm cho đời sống xã hội có những bước phát triển hơn.
Về mặt tôn giáo, sau một thời kỳ kéo dài chính sách hạn chế bằng mọi cách, phá hủy và tiêu diệt cách trắng trợn nhưng không thành công. Nhà cầm quyền Hà Nội mới nhớ ra câu nói của Lenin: Tuyên chiến với tôn giáo là tự sát. Khi không thể tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực, bằng những tuyên chiến thẳng thừng, nhà cầm quyền CSVN đã đổi chiến thuật với tôn giáo.
Từ chỗ bất dung, bằng mọi cách tiêu diệt tôn giáo với hàng vạn đền chùa, đình miếu bị đập tan, nhà thờ bị chiếm đoạt, nhà cầm quyền Việt Nam trở lại phương châm: “Liên minh tiêu diệt”.
Những tôn giáo có tổ chức lỏng lẻo, dễ khuynh loát như Phật Giáo, ngay lập tức đã được tận dụng triệt để việc thâu tóm và điều hành bởi hệ thống công an thông qua cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lập nhiều hệ thống tôn giáo quốc doanh khác để thay thế nhân sự, tổ chức các tôn giáo.
Đền chùa được xây dựng lại bạt ngàn, tất cả đều gom lại vào chiếc túi “Phật giáo quốc doanh” mà trở đi thì cũng Thích Thanh Tứ, trở lại cũng Thích Thanh Quyết… điều hành. Tất cả đều được đào tạo bởi nghiệp vụ công an, cài cắm vào các chùa chiền lớn nhất nước cho đến tận vùng sâu, vùng xa.
Cả hệ thống Phật giáo bị điều khiển bởi duy nhất một thủ lĩnh là đảng CS vô thần, do đó, hệ thống Giáo lý Phật Giáo đã bị làm biến dạng méo mó đến tận chân tơ kẽ tóc. Những điều ngược lại hoàn toàn với giáo lý Phật giáo đã dần dần được đưa vào chùa chiền như xem ngày, cúng sao, giải hạn, gọi vong gọi hồn rồi lên đồng xem bói… Đủ cả các loại, miễn sao các cán bộ công an biệt phái làm sư sãi có đầy đủ vật chất, thỏa mãn nhu cầu của các cán bộ này, đồng thời kiểm soát được hệ thống dân chúng nhiều khi mê muội cả tin.
Với Công giáo, những cố gắng khuynh loát cũng không được miễn trừ. Cái gọi là Ủy ban Liên lạc Công giáo ra đời nhằm mục đích thành lập một Giáo hội nhà nước thay thế giáo hội công giáo Tông truyền. Giáo hội nhà nước sẽ thực hiện điều Hồ Chí Minh chủ trương: “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm” (Trích bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh - Đen trắng rõ ràng, Nxb Sự thật 1952, tr34).
Từ chỗ bắt bớ, giam cầm các linh mục, tu sĩ, giáo dân ở những trại giam chỉ có đi không có về. Tất cả những điều đó đã không khuất phục được Giáo hội Việt Nam vốn vững vàng đức tin. Nhà cầm quyền CSVN đã thay đổi sách lược. Các Linh mục, các chức sắc được săn đón, chiều chuộng, kính trọng ra vẻ tôn trọng, nhằm nâng cái “Tôi”, cái bản ngã của nhiều vị lên, để kết thân, để rồi từ đó có thêm cơ hội xỏ mũi bằng nhiều trò bẩn thỉu đến bần tiện.
Và một khi đã xỏ mũi, thì coi như những vị đó tắt tiếng nói, trở thành các công cụ cho nhà cầm quyền mới mong được giữ kín, để còn có “Uy tín” trước giáo dân. Và thế là quốc doanh ra đời.
Một yếu tố quan trọng nữa, đó là Tòa Thánh đã có một thỏa thuận với nhà nước Cộng sản, rằng mọi sự bổ nhiệm Giám mục cần phải thông qua nhà nước. Những nhân sự Tòa Thánh đưa ra, nếu không được nhà nước chấp nhận, thì phải thay người khác, cho đến khi nào nhà nước đã làm việc riêng với từng người mà thấy chấp nhận được thì nhà nước mới đồng ý.
Và dù vô tình hay hữu ý, thì với thỏa thuận này, Tòa Thánh Vatican đã trao ngọn roi quyền lực của mình cho nhà nước Cộng sản thò vào điều hành Giáo hội công giáo.
Kể từ đó, giáo hội Công giáo Việt Nam bước vào giai đoạn mới.
Từ chỗ nhà nước cấm đoán mọi lễ lạt, rước xách, sẵn sàng bắt bớ bất cứ ai tham gia các công việc tôn giáo. Các nhà thờ, nhà nguyện bằng mọi cách để cho hoang phế, biến thành tài sản nhà nước, tư nhân. Thậm chí lấy nhà thờ làm “Di tích ghi tội ác căm thù” như Nhà thờ Cầu Rầm, Nhà thờ Tam Tòa (Giáo phận Vinh).
Việc xin phép sửa chữa, xây dựng lại nhà thờ là một quá trình gian nan khốn khổ của các giáo xứ, giáo họ, nhiều khi phải lén lút, phải đi đêm với cán bộ để được cấp phép… Nhiều nơi, để được giải quyết vài vấn đề quyền lợi của mình, nhà nước đặt thẳng vấn đề với Giám mục, linh mục sự trao đổi nào đó. Chẳng hạn, để được giải quyết vấn đề nọ, vấn đề kia thuộc quyền lợi của giáo dân, thì phải chấp nhận trong Giáo phận có thêm các linh mục tham gia vào “Ủy Ban Đoàn kết Công giáo” – Tổ chức Giáo hội quốc doanh – hoặc tham gia Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc… là những cánh tay nối dài của đảng cộng sản.
Cho đến thời kỳ sau đó, nhà cầm quyền CSVN đã đổi sách lược mới: Quyết tâm biến tôn giáo thành một thứ “Tôn giáo Lễ hội”.
Kể từ đó, nhà thờ và các công trình được cấp phép dễ dàng hơn, thậm chí khuyến khích phá bỏ để làm lại cái thật mới, thật to cho đủ hoành tráng và nguy nga. Lễ lạt được tổ chức rước xách linh đình từ việc đón Giám mục đến thăm cho đến khởi công, khánh thành…
Không phải không có lý khi nhà cầm quyền làm vậy. Bởi ai cũng biết, xây dựng lại, làm lớn lao, hoành tráng thì cần tiền. Mà như cha ông đã nói” Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, do vậy sẽ sớm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ của tôn giáo, giữa giáo dân với nhau, giữa linh mục với giáo dân, và ngay cả sự ganh đua giữa các linh mục, các Giáo họ, giáo xứ và Giáo phận.
Và nhà thờ càng lớn, càng nguy nga, giáo dân rước xách càng đông, càng chứng tỏ rằng ở Việt Nam, “quyền tự do tôn giáo” của người dân luôn được tôn trọng.
Hẳn nhiên, đó là sự tôn trọng trong sự kiểm soát theo cách của nhà cầm quyền.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét