Đồi Thịt Băm (Hamburger Hill) là nơi diễn ra một trong những trận chiến căng thẳng và gây tranh cãi nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Được các nhà hoạch định quân sự gọi là Cao điểm 937 (937 chỉ độ cao tính bằng mét), ngọn đồi nằm đơn độc trong khu rừng rậm của Thung lũng A Sầu, cách biên giới với Lào khoảng một dặm.
Người Việt gọi ngọn đồi là Động A Bia (hay núi A Bia, núi muông thú ẩn mình). Mặc dù nó không có ý nghĩa chiến thuật thực sự, chiếm được ngọn đồi là một phần mục tiêu trong Chiến dịch Apache Snow, cuộc càn quét của quân đội Mỹ tại Thung lũng A Sầu. Mục đích của chiến dịch là cắt đứt khả năng xâm nhập của Bắc Việt từ Lào, cũng như các mối đe dọa của Bắc Việt đối với các thành phố Huế và Đà Nẵng.
Cuộc tấn công của Sư đoàn Không quân 101
Dưới sự lãnh đạo của Tướng Melvin Zais, Tham mưu trưởng của Sư đoàn 101, lính dù Mỹ đã đối đầu với một trung đoàn Bắc Việt trên sườn núi A Bia vào ngày 10/05/1969. Với các vị trí chiến đấu được chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung đoàn 29 của Bắc Việt đã đẩy lùi cuộc tấn công ban đầu của Mỹ và sau khi chịu nhiều thương vong, lực lượng Mỹ đã buộc phải rút lui.
Các thành viên của Trung đoàn 29 – các cựu binh cứng rắn của trận Tết Mậu Thân – đã tiếp tục đánh trả một nỗ lực khác của Tiểu đoàn 3, Bộ binh 187 vào ngày 14/05. Một trận chiến dữ dội đã nổ ra suốt 10 ngày tiếp theo khi ngọn núi bị tấn công từ trên không, kết hợp với pháo binh và 10 cuộc tấn công bộ binh khác, một số được tiến hành ngay dưới những cơn mưa nhiệt đới nặng hạt vốn đã làm giảm tầm nhìn xuống gần bằng không.
Sau những trận chiến quyết liệt với tỷ lệ thương vong cực cao, A Bia đã được cánh nhà báo đưa tin về Chiến tranh Việt Nam gọi là Đồi Thịt Băm. Nói chuyện với một phóng viên, Trung sĩ James Spears, 19 tuổi, nói, “Anh đã bao giờ ở trong một chiếc máy băm thịt chưa? Chúng tôi đã bị băm vụn thành từng mảnh bởi loại súng máy cực kỳ chính xác.”
Chiếm Đồi Thịt Băm
Ngày 20/05, Tướng Zais đã gửi thêm hai tiểu đoàn không quân (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 506 và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 501), cùng với một tiểu đoàn Việt Nam Cộng hòa đến tiếp viện cho những người lính đang ngày một chán chường.
Một người lính Mỹ, người tham gia chiến đấu trong 9 trong số 10 cuộc tấn công vào Đồi Thịt Băm, nói rằng “Tôi đã mất rất nhiều bạn bè ở đó. Không nhiều người có thể chịu đựng được lâu hơn.”
Cuối cùng, trong cuộc tấn công thứ 11, thành trì của phía Bắc Việt đã bị chiếm vào ngày 20/05, khi hàng ngàn lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa chiến đấu và tiến lên được đến đỉnh đồi. Trước cuộc tấn công của bốn tiểu đoàn, quân Bắc Việt đã rút về Lào.
Đồi Thịt Băm bị bỏ rơi
Ngày 05/06, chỉ vài ngày sau chiến thắng vô cùng khó khăn, A Bia đã bị người Mỹ bỏ rơi vì nó không có giá trị chiến lược thực sự. Bắc Việt chiếm lại Đồi Thịt Băm một tháng sau đó.
“Tầm quan trọng duy nhất của ngọn đồi là lính Bắc Việt đóng quân ở đó, còn bản thân ngọn đồi không hề có ý nghĩa chiến thuật,” Tướng General Zais phát biểu.
Các báo cáo thương vong đưa ra nhiều con số khác nhau, nhưng trong 10 ngày chiến đấu dữ dội, ước tính 630 lính Bắc Việt đã thiệt mạng. Thương vong được liệt kê của phía Mỹ là 72 người chết và 372 người bị thương.
Di sản Đồi Thịt Băm
Trận chiến đẫm máu trên Đồi Thịt Băm và chiến thắng thoáng qua đã dẫn đến một cơn bão chỉ trích từ các nhà hoạt động xã hội phản chiến. Sự phẫn nộ trước những mất mát vô nghĩa ngày một dâng cao hơn bởi những bức ảnh lính Mỹ tử trận được công bố trên tạp chí Life.
Tại Thượng viện, Edward Kennedy đã chỉ trích các chiến thuật quân sự của chính quyền Nixon. Kennedy đã lên án trận A Bia là “vô nghĩa và vô trách nhiệm.” Tướng Creighton Abrams, tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, sau đó đã được lệnh tránh các trận chiến mặt đất dữ dội như vậy.
Nhưng không phải mọi binh sĩ và lãnh đạo quân sự đều đồng ý rằng Đồi Thịt Băm là một nỗ lực lãng phí. Trước những lời chỉ trích nhắm vào các chỉ huy Mỹ, tướng Zais nói, “Họ đang hành động như thể đây là một thảm họa đối với quân đội Mỹ. Đây là một chiến thắng to lớn, hào hiệp.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét