Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

9922 - Vũ điệu phận người

Những năm 2000, kể cả công viên 30.4 ở trung tâm thành phố vẫn còn tối om không đèn, được mệnh danh là "4 vùng chiến thuật". Thời ấy, mỗi chiều tối tôi lại chạy chiếc xe Wave xọc xạch của mình từ trường Đại học KHXH&NV dọc theo đường Lê Duẩn để đi về nhà. Cứ mỗi lần ngang qua công viên tối om, tôi hay ngạc nhiên vì có những phụ nữ cầm dù đi dạo dù trời khô ráo, thỉnh thoảng lại thấy vài cái dù lấp ló sau những hàng ghế đá. Hỏi đám bạn thành phố, tụi nó cứ nói "mày vào coi đi cho biết".
Một lần, quá tò mò, tôi thử vào công viên. Một phụ nữ đứng tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ, xáp lại hỏi: "Anh hai, xào khô hay gì không?". Thằng thanh niên 19 tuổi ngớ người ra trước người đàn bà mặt bệch phấn, hỏi: "Xào khô là gì?". Xoay xoay cây dù trong tay, người phụ nữ không trả lời, tay kia làm những động tác khiến thằng thanh niên nào cũng hiểu. Đó là xào khô.
Những chiếc dù bung trong đêm tối thì ra không phải để che mưa. Chúng che những ánh mắt người đời nhìn vào công viên tối. Sau chiếc dù là những thân hình run rẩy, lắc lư hoang dại bản năng. Những chiếc dù như những bông hoa dị kỳ cứ rung bần bật như vậy.
Đường Nguyễn Kim (Q.5) khi ấy chưa có Hùng Vương Plaza, chỉ có hai hàng cây tối om mù mịt ở đoạn vừa từ đường Hùng Vương rẽ vào cho đến nhà máy Bia Sài Gòn. Cứ giữa hai gốc cây lại có một phụ nữ đứng tựa vào bức tường cũ kỹ của ngôi trường. Giữa hai gốc cây đầy bóng tối đó là những cái vẫy tay, huýt gió, ngã giá.
Có một đêm cuối năm, vừa từ đường Hùng Vương nhộn nhịp tôi rẽ vào con đường nhỏ tối mù ấy. Những hình ảnh tôi thấy đêm đó đi theo tôi mãi đến tận bây giờ. Một loạt những đốm lửa sáng chập chờn giữa các gốc cây. Những người phụ nữ đốt mảnh giấy nhỏ hươ hươ trên đầu, hươ giữa hai chân đang đứng dạng rộng ra. Ánh lửa lập loè ấy không đủ soi rõ những gương mặt. Nó tạo nên một vùng sáng tối trên những phần cơ thể nó lướt qua, một cách kỳ quái. Kỳ dị nhất là cái bóng của những phụ nữ bị đốm lửa hắt lên bức tường phía sau thành những phần thân hình uốn éo, dặt dẹo. Đi hết đoạn đường ấy ngoảnh lại nhìn chỉ thấy những đốm lửa lập loè, chẳng còn hình bóng loài người.
Tôi khi ấy chạy xe chầm chậm qua từng gốc cây, những mảng tường giữa hai gốc cây như một tấm phông màn cho một điệu vũ kỳ dị cong queo. Đó không phải là ngôn ngữ điện ảnh hay điệu vũ nữa. Đó là một thứ nghệ thuật trình diễn đầy khốc liệt của phận người. Tôi đi qua bao nhiêu nẻo đường rồi mà chưa lần nào tôi đi trọn được con đường tăm tối ấy trong trí nhớ mình.
Khi ấy, mỗi vũ công đã trở thành một món hàng cần bán nhanh hơn trong cái đêm cuối năm se lạnh Sài Gòn. Họ đang đốt "phong long" để tìm khách, để bán nhanh hơn món hàng tự có của mình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn về số phận của những phụ nữ năm ấy. Bước ra khỏi cái "sân khấu" giữa hai gốc cây xà cừ tối đen, họ lại là mẹ của ai đó hay thậm chí chồng của họ đang gạt chân chống xe đằng kia đợi chờ trong câm lặng để vợ mình bán cho xong "món hàng".
Những vũ điệu phận người ấy, kỳ lạ thay, khiến tôi xúc động cho đến tận bây giờ khi nhớ lại. Bao nhiêu lần dự những cuộc vui, các cô gái thật đẹp sực nức nước hoa đắt tiền rót vào tai chúng tôi những phận cảnh bi đát khi đến với nghề này. Tôi gần như không cảm động, chỉ đưa ly rượu cho cô thúc uống rồi cười đùa ngả nghiêng trước khi móc vài tờ giấy bạc cám ơn những nụ cười chốc lát.
Chỉ có những bóng đen uốn éo trên bức tường cũ trong ánh lửa đốt "phong long" của năm ấy chưa bao giờ ngừng nhảy múa trong trí nhớ của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét