Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

199 - Hạ sát Soleimani : Mỹ lại phạm sai lầm chiến lược ở Trung Đông ?




Người dân Pakistan theo hệ phái Shia đốt cờ Mỹ và Israel sau vụ tướng Iran Qassem Soleimani bị triệt hạ ARIF ALI / AFP
Ngày 03/01/2020, tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Al-Qods của Iran bị Mỹ triệt hạ bằng drone trên lãnh thổ Irak. Sự việc làm dấy lên quan ngại chiến tranh giữa Mỹ và Iran bùng nổ tại Trung Đông. Vì sao Hoa Kỳ quyết định triệt hạ vị tướng hàng đầu của Iran vào lúc này ? Iran sẽ trả đũa Hoa Kỳ như thế nào ? Phải chăng một lần nữa vụ việc này cho thấy chính quyền Washington lại phạm những sai lầm nghiêm trọng như những đời tổng thống tiền nhiệm ?
Vụ oanh kích này là một mắt xích mới trong chiều dài lịch sử quan hệ hai nước. Sự đối kháng sâu xa đã có từ năm 1979. Đó chính là năm xảy ra vụ khủng hoảng con tin ở đại sứ quán Mỹ tại Iran : 52 người Mỹ bị các sinh viên theo trào lưu Khomeni bắt giữ trong vòng 444 ngày. Và gần đây nhất là vào năm 2018, năm tổng thống Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân 2015, và đoạn tuyệt bang giao, mở đầu cho giai đoạn thù nghịch công khai năm 2019. Một loạt vụ tấn công các tầu chở dầu và nhất là vụ tấn công các cơ sở khai thác và chế biến dầu hỏa của Ả Rập Xê Út từ phe Huthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn.
Soleimani : Đối thủ không đội trời chung của Mỹ và Israel
Thế nhưng, trước những vụ việc này, Hoa Kỳ đã có thái độ « bất động », chỉ đến khi tòa đại sứ Mỹ ở Bagdad bị tấn công, Washington mới quyết định công khai đáp trả. Theo nhận định của chuyên gia Thomas Gomart, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với báo Le Figaro (04/01/2020) thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Washington chỉ đánh ngay khi các lợi ích của nước Mỹ bị xâm phạm. Cú đánh phải mang tính biểu tượng cao : Triệt hạ tướng Soleimani tại Irak.
Việc chọn tướng Iran Qassem Soleimani là mục tiêu tấn công cũng không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Bởi vì đối với Mỹ, Qassem Soleimani là một đối thủ đáng gờm. Với Israel, ông là kẻ thù số một. Tầm ảnh hưởng to lớn của ông trong khu vực Trung Đông là điều khiến cả Mỹ và Israel đều lo ngại như giải thích của ông Didier Billion, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trên đài RFI :
« Ông có một vai trò hoàn toàn chủ đạo, quyết định, một vai trò cột trụ. Bởi vì Soleimani là một tướng lĩnh của Vệ Binh Cách Mạng, nhất là của đơn vị tinh nhuệ Al-Qods, có nhiệm vụ can thiệp ngoài biên giới Iran. Chúng ta biết là nhân vật này, theo thời gian, đã có được một tầm quan trọng đáng kể trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, chủ yếu tại Syria, Irak, Liban… Ông ta cũng chính là người rất có thể nắm giữ nhiều mạng lưới, các nhóm dân quân tự vệ, những mạng lưới thân Iran nhiều nhất đang hiện diện trong khu vực ».
Từ lâu trong tầm ngắm của Mỹ và Israel nhưng quyết định có hạ sát ông hay không cho đến cuối 2019 vẫn là một lằn ranh đỏ mà không một chính quyền Mỹ nào, từ George W. Bush cho đến Barack Obama đều dám vượt qua. Kể cả với chính quyền Israel của thủ tướng Benjamin Netanyahu, dù luôn tố cáo Qassem Soleimani là tác nhân chính trong việc mở rộng ảnh hưởng của Iran và các đồng minh trong khu vực.
Theo giải thích của ông Hassan Maged, nhà sáng lập D&G Consulting và cũng là chuyên gia về khu vực này với kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, « Hoa Kỳ và cả Israel, lẽ ra đều có thể hạ gục Soleimani từ lâu, nhưng cả hai nước đều đã bỏ qua vì nhân vật này đại diện cho người dân Iran và bàn cờ Trung Đông, nhất là vì khả năng và mạng lưới của ông ta, lan rộng đến tận biên giới Israel ».
Vì sao đánh tướng « địch » vào lúc này ?
Vậy tại sao chính quyền Mỹ lại quyết định diệt tướng Soleimani vào lúc này ? Trang mạng France Culture trích dẫn lưu ý của ông Richard Haas, cựu cố vấn cho George W. Bush và hiện là chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, cho rằng đảng Cộng Hòa đặc biệt xem trọng tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao của mình trên thế giới. Khi cho nã pháo rocket vào đại sứ quán Mỹ ở Bagdad hôm thứ Năm 02/01/2020, phe Shia tại Irak, bị nghi ngờ hành động dưới tác động của Iran, đã khơi dậy nỗi uất hận vụ bắt giữ các nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin ở Teheran tháng 11/1979.
Vẫn theo ông R. Haas, quyết định gây ngạc nhiên này còn là một lời nhắc nhở đối với các nước có liên quan về năng lực tình báo và khả năng tấn công lựa chọn mục tiêu của Mỹ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia Pháp, đây có lẽ còn là một thông điệp tổng thống Mỹ muốn gởi đến các cử tri của mình.
Trái với những lập luận cho rằng nguyên thủ Mỹ hành động để chuyển hướng công luận, bớt chú ý về thủ tục luận tội để truất phế ông trong vụ « Ukrainegate », khi triệt hạ Soleimani, Donald Trump khoác lên người bộ quân phục lãnh đạo quân đội. Và đây cũng là cách để ông đánh bóng lại uy tín chính trị do cuộc bầu cử sắp đến gần như nhận xét của chuyên gia Bruno Tertrais thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) với France Culture :
« Những ai cho rằng ông Trump tìm cách chuyển hướng công luận không tập trung vào vụ phế truất, theo tôi đây là điều nhầm lẫn. Đó không phải là chủ đề chính. Ở đây, ông ấy có thể phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng tôi đã loại trừ hai kẻ thù lớn của Mỹ : đó là Al – Baghdadi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Qassem Soleimani của Iran. Tính chất biểu tượng mới là điều đáng nói. Trong một cuộc vận động tranh cử, những gì người ta muốn trình bày thường là những biểu tượng. Do vậy, ông ta có thể nói là tôi làm tốt hơn Obama. Tôi đã tiêu diệt hai kẻ thù. Rằng tôi rất tích cực. Do vậy, với ông Trump, sự việc có thể dừng lại ở đây ».
Iran có đủ khả năng để trả đũa ?
Đâu là hệ quả của một quyết định « phiêu lưu » như lời chỉ trích của Trung Quốc nhắm vào chính quyền Donald Trump ? Liệu lời kêu gọi trả thù Mỹ tại Iran và nhiều nhóm thân Iran có sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Iran hay không ? Về điểm này, giới chuyên gia tại Pháp đều cùng có chung nhận định cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn có một cuộc đối đầu trực diện.
Dù vậy, ông Thomas Gomart trên Le Frigaro cũng lưu ý rằng không nên xem nhẹ năng lực quân sự của Iran : « Chế độ Teheran theo đuổi một chiến lược tấn công có khả năng kết hợp hành động ở cả ba cấp độ : Đó là khủng bố Nhà nước cho mục tiêu đối ngoại, thực hiện chiến tranh bất cân xứng – không đối đầu trực diện để tạo ảnh hưởng khu vực và sử dụng tên lửa đạn đạo để chạy đua với các cường quốc.
Đó còn là một chế độ cho thấy rõ khả năng lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch phức tạp. Nhưng Teheran thường có xu hướng đẩy quá xa các lợi thế của mình. Vì vậy Hoa Kỳ mới giáng cho một đòn nặng nề khi tiêu diệt viên chỉ huy quân sự nổi tiếng nhất của chế độ ».
Mạng lưới dân quân tự vệ, lực lượng quân sự thân Iran mà tướng Soleimani tạo dựng trong suốt bốn thập niên qua có thể sẽ là một công cụ hữu ích để Iran « trả thù » cho ông. « Ăn miếng trả miếng », « biểu tượng phải trả giá bằng biểu tượng », giáo chủ Ali Khameini tuyên bố. Nếu Mỹ hạ tướng Soleimani, một biểu tượng của Iran thì các mục tiêu quân sự, các đại diện ngoại giao, đối tác hay đồng minh như Ả Rập Xê Út, Israel… những nơi nào có ý nghĩa biểu tượng của Mỹ sẽ là những mục tiêu trả đũa của Iran.
Sai lầm nghiêm trọng của Donald Trump ?
Vụ hạ sát này còn làm dấy lên làn sóng bài Mỹ tại Trung Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhà xã hội học và chính trị học, bà Mahnaz Shirali, Viện Công giáo Paris, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị, trên đài France Culture ngày 06/01 khẳng định, tình hình bất ổn tại Trung Đông hiện nay trách nhiệm chính thuộc về Hoa Kỳ.
« Tôi nghĩ là kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ cho đến nay, người Mỹ đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong khu vực. Hoa Kỳ có một trách nhiệm to lớn về sự bất ổn tại đây. Chính họ đã mang lại cho các giáo chủ Iran khả năng can thiệp vào trong khu vực. Nếu như người Mỹ không quản lý khu vực Trung Đông kém cỏi như thế, các giáo chủ Iran cũng không thể nào có nhiều quyền lực trong một chừng mực nào đó trong khu vực ».
Về phần mình, chuyên gia Richard Haas cũng có đồng quan điểm khi cho rằng Donald Trump và bộ máy chính quyền hiện nay đã phạm phải một điều dại dột không thể nào dung thứ và đã nhầm mục tiêu đối đầu. Trung Đông là một chiến trường đầy bẫy mìn và chẳng mang lại chút lợi ích gì cho Mỹ. Vị cựu cố vấn cho George W. Bush nhìn nhận, cuộc chiến chống Saddam Hussein năm 2003 là một sai lầm vì Mỹ khi ấy vẫn có nhiều giải pháp khác để kiềm hãm Saddam Hussein và thoát ra khỏi « tổ ong Irak » đầy rắc rối.
Theo chuyên gia R. Haas, chính quyền Obama đã có quyết định đúng đắn khi « xoay trục sang châu Á ». Nước Mỹ đã có thể tự cung tự cấp về dầu hỏa và khí đốt nhờ vào kỹ thuật chiết xuất khí đá phiến. Mọi cuộc đấu của thế kỷ XXI này sẽ diễn ra tại châu Á, chứ không phải ở Trung Đông. Chính quyền Washington lẽ ra phải chú trọng nhiều vào tham vọng của Trung Quốc tại khu vực và các đe dọa từ Nga ở châu Âu hơn là chảo lửa Trung Đông, lúc nào cũng chực chờ bốc cháy.
Cuối cùng, một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng : tướng Soleimani, người mà Lầu Năm Góc từng quy trách nhiệm cho cái chết của 500 lính Mỹ (GI) tại Liban, Irak, Syria hay Yemen và nhiều nơi khác nữa, nhưng cũng là người đã giúp đánh đuổi quân thánh chiến Daech, giành lại nhiều vùng lãnh thổ cho Irak – nay đã bị triệt hạ. Phải chăng một lần nữa Hoa Kỳ lại tạo cơ hội cho Daech hồi sinh ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét