Để tang cho biển. Ảnh: internet
“Một lần nữa tôi khẳng định biển
miền Trung đã an toàn. Tất cả các hoạt động du lịch thể thao, nuôi trồng thủy sản
có thể diễn ra. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi, giám sát”. Đó là lời nói như
đinh đóng cột của Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà trước Quốc
hội hai ngày 22-9 và 16-11 năm 2016.
Đến ngày 15/02/2017, báo Biên
Phòng đưa tin: “Chiều 14-2, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Bộ Tài
Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về hiện trạng môi trường biển sau sự cố môi
trường biển miền Trung, trong đó nhấn mạnh môi trường biển miền Trung đã an
toàn, trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ
keo sắt.”
Biên Phòng cho biết: “Văn bản nêu
rõ: Từ tháng 9-2016, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện đánh giá bổ sung các khu vực
chưa an toàn, gồm: khu vực Sơn Dương, Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa
Nhật Lệ, Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2) và hòn Sơn Trà, Thừa Thiên Huế
(diện tích khoảng 160 km2).
Đến thời điểm hiện tại, kết quả
cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích đáy ở 3 khu vực này đã ổn định, không
còn các giá trị cao hơn các khu vực khác và đều nằm trong giới hạn cho phép của
QCVN 10-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển, National
technical regulation on marine water quality) , QCVN 43:2012/BTNMT (Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về chất lượng trầm tích, National Technical Regulation on
Sediment Quality) đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Bản tin nhấn mạnh: “Cụ thể, môi
trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt,
trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải
sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.”
Tin này đã dựa vào thông cáo số
380 vủa Bộ Tài Nguyên-Môi trường ra ngày 25/1/2017 “V/V hiện trang môi trường
biển sau sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung” do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên
& Môi trường Võ Tuấn Nhân ký.
Nhưng kết quả giảo nghiệm là dựa
theo “tiêu chuẩn của Việt Nam”. Các tiêu chuẩn này có đạt trình độ Quốc tế và
được Quốc tế công nhận hay không lại là chuyện khác.
Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm của
Việt Nam, từ khi phát hiện Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường tháng
4/2016 vẫn còn nhiều nghi vấn về sự chính xác.
Nguyên do vì ngay từ đầu Hà Nội
chỉ “ưu tiên” tập trung vào kết quả thử nghiệm của các nhà khoa học Việt Nam
trước khi xem đến kết quả của các nhà khoa học độc lập được Việt Nam mời đến từ
Israel, Đức và Mỹ.
Vì vậy, theo Bách Khoa Toàn Thư
(mở) thì: “Tiến sỹ Friedhelm Schroeder (Đức) đã than phiền với Quỹ bảo vệ biển
Đức (DSM) và với họ (phía Việt Nam) rằng nhóm của ông đã không được phép tự lấy
mẫu nước bị nhiễm độc, cũng như chỉ được báo cáo dựa trên những kết quả của các
nhà khoa học trong nước trước đó. Quỹ kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải bảo đảm sự
minh bạch tuyệt đối về nguyên nhân, mức độ và phạm vi của thảm họa.”
Cho đến nay, sau một năm sống, chết
dở dang của hàng triệu người dân 4 Tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang
Trị, Thừa Thiên-Huế) không thấy có bất cứ sự minh bạch nào về nghiên cứu hậu qủa
môi trường trong khu vực nhiễm độc được công bố. Đấy là chưa kể khả năng các loại
chất độc giết người và sinh vật biển đã lan sang các vùng biển khác ở Việt Nam,
trong đó có Nha Trang, Vũng Tầu và Côn Đảo.
Như vậy, thì liệu có ai tin nổi lời
nói của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng biển ở 4 Tỉnh miền Trung nay đã an
toàn?
Cũng nên biết, ngay từ những ngày
đầu thảm họa phía nhà nước Việt Nam đã từ chối đề nghị của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội
(David Osius) để Hoa Kỳ yểm trợ kỹ thuật điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa
cá chết trải dài trên 200 cây số dọc theo bờ biển.
Hà Nội cũng không muốn Cơ quan y
tế Quốc tế (WHO, World Health Organization) của Liên Hợp Quốc dính vào vụ điều
tra thảm họa Formosa.
Phía Việt Nam còn không chịu đem
các mẫu cá và sinh vật biển đi thuê các phòng thí nghiệm tại một số nước tân tiến
để tìm ra kết quả chính xác, có lẽ vì sợ tốn kém. Nhưng mặt khác cũng chứng
minh cho sự tắc trách và coi thường an toàn thực phẩm và tính mạng người dân của
đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN).
ĂN CÁ VÀ CHẤT ĐỘC
Vậy chuyện ăn cá nay được quy định
ra sao?
Sau 5 tháng khảo nghiệm, vào ngày
20/9/2016 liên bộ Tài nguyên, Y tế, Nông nghiệp đã phổ biến quyết định chuyện hải
sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, theo đó người
dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong
vòng 20 hải lý (trên 37 cây số).
Báo VnExpress viết: “Theo Thứ trưởng
Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ này đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa
phương nghiên cứu quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở tất cả
cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.
Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết
luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc
má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng
nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.”
Tuy nhiên, bản tin viết tiếp:“Các
hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và
các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km)
chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.” (theo VnExpress).
Báo này trích lời Bộ Y tế cho biết:
“Các mẫu đều được kiểm nghiệm chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì,
crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện
Dinh dưỡng.”
Nhưng các chất độc xuất ra từ
Formosa biến đi đâu mà ngon lành thế?
Bộ này trả lời ngon ơ: “Tất cả
các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng (các tỉnh không chịu
ảnh hưởng sự cố môi trường gồm Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu), đều
không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua – chất được xác định là một trong những
nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.
Các chỉ số: thủy ngân, cadimi,
chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm
chứng) trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.”
Nhà nước Việt Nam còn cam kết: “Kết
quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo
an toàn.
Cũng theo kết quả kiểm nghiệm, đối
với phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại,
cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các
loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại bốn tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu
nào có phenol.”
“Tuy nhiên”, theo VNEXPRESS, “Bộ
Y tế phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của bốn tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm
ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá – đây là những
loài hải sản sống ở tầng đáy. Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm
trong vùng từ 5 đến 25 km (tương đương với khoảng 2,7-13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu
nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô – Thừa
Thiên Huế.”
XÚI AI, AI XÚI?
Vậy trước thông tin “phấn khởi”
này của nhà nước, ngư dân miền Trung có tin không?
Rất ít người nhẹ dạ đã tin, nhưng
không biết tương lai mạng sống họ và con cháu họ sẽ ra sao. Số đông đã hết tin
vào miệng đảng từ lâu nên kiên trì đấu tranh đòi quyền sống và quyền được nói để
bảo vệ công bằng và sự thật đang bị báo đài nhà nước xuyên tạc, mạ lỵ.
Điển hình như trong cuộc đấu
tranh chống Formosa của đồng bào Công giáo ở Giáo phận Vinh, đảng đã huy động
báo Quân đội Nhân dân (QĐND) của Bộ Quốc phòng và Đài Truyền hình VTV của nhà
nước tăng cường các bài viết phản công chống giáo dân, những nạn nhân đau khổ
nhất của thảm họa Formosa.
Từ hai năm qua, những giáo dân
này đã cùng với vị Chủ chiên của họ, Đức cha Nguyễn Thái Hợp và một số Linh mục
từ Hà Tĩnh đến Nghệ An và Quảng Bình, đã bất chấp bạo lực và dù bị vu khống,
xuyên tạc, vẫn không ngừng đấu tranh ôn hòa đòi bồi thường công bằng và đòi
đóng cửa Formosa để bảo vệ biển và bảo vệ môi trường sống cho con cháu mai sau.
Thay vì tiếp dân để thảo luận phải
trái theo đúng tiêu chuẩn “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” thì ngược lại, nhà nước
đã sử dụng công an và công an đội lốt côn đồ, đôi khi cả Quân đội dùng võ lực,
kể cả dao mác và súng đạn, đàn áp dân, những người chỉ có hai bàn tay trắng.
Trong bài “Tôn giáo đang bị các
thế lực thù đich lợi dụng để chống phá Đảng và chế độ ta” (3/4/2017), báo QĐND
viết: “Cùng với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, các thế lực thù địch
đang lợi dụng vấn đề “tôn giáo” để tạo sự chống phá đa diện nhằm vào Đảng và chế
độ ta.
Mục đích của việc lợi dụng vấn đề
này là để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia
rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hãy cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mưu đồ
đen tối đó!”
Bài này viết tiếp: “Đáng chú ý,
thời gian qua, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội
của chính quyền các cấp về vấn đề đầu tư, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng,
đền bù giải tỏa, … các phần tử cực đoan trong tôn giáo nói chung, công giáo nói
riêng, ra sức “bới lông, tìm vết”, tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật Nhà
nước, trái với giáo lý tôn giáo.”
QĐND sau đó đã nhắm thẳng vào
Giáo phận Vinh để tấn công các chức sắc Công giáo với lời lẽ vu khống: “Lợi dụng
chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và được sự tiếp
tay của các thế lực phản động bên ngoài, những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo kêu
gọi, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, tấn công người
thi hành công vụ, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, gây mất ổn
định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi chính quyền thực thi chức
trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp, bắt giữ và
đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát trên mạng xã hội “Thư ngỏ”, “Bản
lên tiếng”, “Kháng thư”,… với nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa,
“đàn áp, đánh đập” những người đi khiếu kiện đòi quyền lợi, kêu gọi người dân
khởi kiện Formosa ra Tòa án hình sự quốc tế, “cùng đứng lên đuổi Formosa khỏi Việt
Nam…..”
HÃNG SÁNG MẮT RA
Vậy nước biển miền Trung đã sạch
chưa và cá tôm và các sinh vật biển khác mà nhà nước bảo cứ việc ăn thoải mái
có nguy hiểm đến tính mạng con người không?
Trước hết hãy nghe Phó Giáo sư-Tiến
sỹ Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế trao đổi với
PV Báo Sức khỏe&Đời sống.
Ông nói: “Khi biển bị ô nhiễm các
chất thải công nghiệp độc hại thì tất cả các thủy sản mà con người sử dụng làm
thực phẩm như: cá, tôm, mực, nghêu, sò, ốc, rong biển…đều bị nhiễm độc. Chất độc
được nói đến nhiều nhất ở vùng biển miền Trung là thủy ngân, xyanua, phenol,
cadimi, chì…và nhiều kim loại nặng khác có thể xâm nhập vào tất cả sinh vật, động
vật ở biển. Đặc biệt những chất độc này tồn dư rất lâu trong môi trường, nhất
là ở sinh vật, động vật biển. Con người khi ăn những thủy hải sản nhiễm chất độc
hại sẽ gây ngộ độc mãn tính, tồn dư các chất độc trong cơ thể lâu dài, đe dọa đến
sức khỏe.
Ông nói tiếp: “Nhiều nghiên cứu
trên thế giới cho thấy những người nhiễm thủy ngân, sau khi chết, mấy trăm năm
sau xét nghiệm tóc vẫn còn thủy ngân. Sử sách đã ghi lại vua Tần Thủy Hoàng khi
còn sống muốn “trường sinh bất lão” đã sai quân đi tìm chất thủy ngân để luyện
kim đan để uống. Vị vua này chỉ thọ 49 tuổi. Những năm gần đây, các nhà khoa học
đã phát hiện ra quanh khu vực lăng mộ của vua Tần Thủy Hoàng cùng 8.000 quân
lính có dòng suối nhiễm thủy ngân nồng độ cao, đất khu vực này cũng nhiễm thủy
ngân rất nặng. Như vậy sau hơn 2000 năm thủy ngân trong thi thể của vua Tần Thủy
Hoàng và quân lính đã không thể phân hủy. Trường hợp vua Sa Hoàng Ivan 4 của
Nga cũng như vậy. Ông vua này mắc bệnh xương khớp, các ngự y đã dùng một loại
thuốc có chứa thủy ngân để xoa bóp đã khiến cơ thể nhiễm thủy ngân qua da và
qua đời khi mới 34 tuổi (1530-1564). Sau này khi khai quật, xét nghiệm phát hiện
trong xương có chất thủy ngân.”
Vị Giáo sư nhiều kinh nghiệm này
còn kể: “Gần đây nhất tại Nhật Bản các nhà khoa học đã công bố bệnh Minamata do
nhiễm độc thủy ngân hữu cơ. Vào những năm 50 tại vịnh Minamata các nhà máy hóa
chất đã xả chất thải công nghiệp ra biển. 20-30 năm sau đã có nhiều người dân sống
tại vùng này mắc các bệnh liệt, điếc, run rẩy chân tay, teo não…Các nhà khoa học
đã nghiên cứu và phát hiện những người mắc bệnh này đều do ăn cá nhiễm thủy
ngân. Sau đó Nhật Bản đã phải mất hàng chục năm để xử lý biển ô nhiễm.” (Sức khỏe
& Đời sống, 30/08/2016)
KHÔNG THUYẾT PHỤC
Sau đó, Phóng viên đặt câu hỏi:
“Vừa qua Bộ Tài nguyên & Môi trường đã công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung
đã sạch, an toàn có thể nuôi trồng thủy sản. Liệu công bố này có quá vội vã
không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đáng đáp: “Theo ý kiến
riêng của tôi những công bố này chưa đủ sức thuyết phục, chưa có độ tin cậy
cao. Nhật Bản đã phải mất rất nhiều năm để làm sạch nước biển, đáy biển. Còn ở
nước ta, nếu chỉ xét nghiệm nước biển thấy nồng độ các chất độc giảm xuống thì
cho rằng nước biển đã sạch có thể nuôi trồng thủy sản là chưa đủ cơ sở khoa học.
Giáo sư Đáng lưu ý: “Thủy hải sản
sống ở biển có thể ăn thức ăn ở đáy biển, trong khi các kim loại nặng thường lắng
đọng ở đáy biển thì cá sẽ dễ dàng nhiễm độc. Người ăn các loại thủy sản đó sẽ
nhiễm độc và hậu quả lâu dài đến đời con cháu.
Phóng viên hỏi tiếp: “Có ý kiến
cho rằng hiện nay việc xét nghiệm các chỉ số an toàn thực phẩm ở cá, hải sản
chưa thực sự toàn diện. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Trần Đáng: “Theo tôi, các
mẫu xét nghiệm không nên chỉ thực hiện ở 1 phòng thí nghiệm mà cần phải làm tại
3-4 phòng thí nghiệm để so sánh. Không nên lấy kết quả xét nghiệm từ 1-2 phòng
thí nghiệm là có thể kết luận ngay là cá không nhiễm độc hay nhiễm độc. Tốt nhất,
cần phải gửi mẫu đến các phòng kiểm nghiệm chuẩn quốc tế để xét nghiệm, xem kết
quả có tương đồng hay sai lệch với phòng kiểm nghiệm trong nước. Việc này có thể
gây tốn kém nhưng vì sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng đến giống nòi nhưng vẫn cần
thiết phải làm.”
Cuối cùng, Giáo sư Đáng kết luận:
“Công việc giám sát, theo dõi phải được thực hiện thường xuyên, kéo dài nhiều
năm, mỗi năm phải lấy vài nghìn mẫu để xét nghiệm xem các thế hệ cá con sinh
trưởng ra sao, có còn tồn dư các chất độc nữa hay không. Bộ Y tế cần tiếp tục
giám sát, đến khi tất cả các chỉ tiêu quan trọng về an toàn thực phẩm ở trong
ngưỡng an toàn mới khuyến cáo người dân ăn cá, hải sản trở lại. Mọi quyết định
của các cơ quan chức năng đưa ra cần đặt lợi ích của người dân, sức khỏe của
nhân dân lên trên hết.”
CẢNH GIÁC THỨ HAI
Tiếng nói khoa học thứ hai là của
Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Phạm Ngọc Đăng trên báo Truyền thông Pháp luật (Pháp
Luật Plus), ngày 29/08/2016.
Nhà báo hỏi: “Thưa GS, ngày 22.8
(2016) vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố nước biển tại 4 tỉnh miền
Trung đã sạch có thể tắm biển, nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, ngay sau đó đã xuất hiện
một văn bản về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 có
1 mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng, 5 mẫu nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol. Như
vậy có thể hiểu là nước biển hiện vẫn đang bị nhiễm độc không?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng trả lời:
“Nước biển bị ô nhiễm có thể được pha loãng do tác dụng của các dòng hải lưu.
Thí dụ trước đây 100 km2 mặt nước bị ô nhiễm nay lan tỏa ra 1000 km2 mặt nước bị
ô nhiễm thì nồng độ chất ô nhiễm trong nước biển sẽ giảm đi khoảng 10 lần.
Ngoài ra môi trường biển còn có
các vi sinh vật cũng như các loại tảo, cỏ biển …, chúng có thể tiêu hủy chất ô
nhiễm, có tác dụng làm cho môi trường nước biển có thể được phục hồi.
Nhưng môi trường đáy biển, nơi
sinh tồn các loài giáp xác như các loài ốc, sò, ngao, v.v…, các chất ô nhiễm bị
lắng đọng ở đó, nhất là kim loại nặng, thì còn lâu chúng mới bị tiêu hủy.
Do đó cho đến nay chưa có số liệu
chứng minh sự an toàn của nuôi trồng các hải sản sống ở tầng đáy biển. Vì vậy
ngoài việc quan trắc kiểm tra ô nhiễm nước biển thì cần phải tiến hành quan trắc
kiểm tra cả ô nhiễm môi trường tầng đáy biển nữa.”
Giáo sư Đăng giải thích thêm:
“Khi nước biển bị Formosa đầu độc, tất cả các loài cá ở khu vực này đều bị nhiễm
độc, những con bị nhiễm nặng hoặc yếu thì bị chết, những con khỏe hoặc ít bị
nhiễm độc thì vẫn còn sống cho đến nay.
Các chất ô nhiễm cadimzi, xyanua và phenol xâm
nhập vào cá, cua ghẹ sẽ được lưu giữ trong cơ thể của cá, cua, ghẹ. Chỉ khoảng
30 -40% chất độc được chúng thải nhanh ra ngoài, còn lại chúng được thải ra rất
chậm chạp phải qua nhiều năm.”
Bấy nhiêu đã đủ giúp cho cán bộ
Tuyên giáo và Tổng cục Chính trị Quân đội “sáng mắt sáng lòng chưa”, hay họ cần
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà cho vào Hà Tĩnh nhậu ít cá biển
với vài xị đế nếp than thì mới tăng sức mà bênh đảng đến hơi thở cuối cùng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét