Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung
Quốc sẽ gặp nhau hôm 6/4 ở Florida, Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón
tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/4 tại khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu
cá nhân của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida.
Hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Trần
Công Trục nhận định rằng khung cảnh không đặt nặng các thủ tục ngoại giao chính
thức và trịnh trọng cho thấy đó sẽ là cuộc gặp để làm quen, thiết lập mối quan
hệ trong không khí thân mật.
Mặc dù vậy, ông Hiệp và ông Trục
tiên liệu lãnh đạo của hai cường quốc chủ chốt trên thế giới cũng sẽ vẫn bàn thảo
một số vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Từ Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn 3 vấn đề chính
là thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, thứ hai là chương trình hạt
nhân của Bắc Triều Tiên, và thứ ba là vấn đề Biển Đông.
Đồng ý về dự báo của ông Hiệp, từ
Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, bổ
sung thêm ông Trump và ông Tập còn có thể bàn thảo về nguyên tắc “một nước
Trung Quốc”.
Ngay sau khi đắc cử, đầu tháng 12
năm ngoái ông Trump đã làm Trung Quốc tức giận khi điện đàm với Tổng thống Đài
Loan Thái Anh Văn, một động thái bị xem là phá vỡ chính sách đối ngoại Mỹ có từ
năm 1979 chỉ công nhận một nước Trung Quốc.
Trong số các vấn đề đó, Biển Đông
và kinh tế có liên quan với lợi ích thiết thân của Việt Nam.
Nhìn vào cuộc thảo luận dự kiến về
Biển Đông giữa hai ông Trump-Tập từ góc độ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục nói
không phải là không có cơ sở để Việt Nam lo ngại về một thỏa thuận ngầm nào đó
giữa hai nước lớn.
Ông điểm lại các sự kiện lịch sử
như - theo lời ông - năm 1974 Mỹ “để cho” Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo
Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, hay năm 2012 Hoa Kỳ không có động thái
gì sau khi Trung Quốc giành lấy bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc
và Philippines, một đồng minh của Mỹ. Từ đó ông nêu ý kiến:
“Đã có những hiện tượng đó, và chắc
chắn đối với người Việt Nam chúng tôi thì tôi nghĩ chắc rằng cũng đề phòng đến
khả năng có những sự thỏa thuận vì cái lợi ích của họ. Những cái chuyện họ thỏa
thuận là quyền của họ. Nhưng vấn đề là họ có làm được những điều đó không và ảnh
hưởng lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực này không, đặc biệt là Việt Nam”.
So sánh mức độ quan tâm của Mỹ đến
hai vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Tiến sĩ Trục, người có kinh nghiệm 30
năm làm việc ở Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá rằng Mỹ “lo lắng nhiều hơn” đến
việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa so với tình
hình Biển Đông. Trong khi ngược lại, Trung Quốc lại xem trọng Biển Đông. Đó có
thể là lý do để Mỹ và Trung Quốc “bắt tay nhau” phân chia ảnh hưởng về hai vấn
đề này. Tiến Trục phân tích:
“Biển Đông rõ ràng không phải là
lợi ích, sự sát sườn đối với Hoa Kỳ. Mà họ chỉ bảo vệ tự do hàng hải, hàng
không. Mỹ mà có quan tâm, thì tôi cho rằng họ quan tâm đến cái khu vực Đông Bắc
Á nhiều hơn là khu vực Biển Đông. Còn với Trung Quốc, họ muốn Biển Đông để vươn
lên để mà tranh giành vị trí của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là
vươn lên trở thành ngang tầm hoặc thậm chí vượt Mỹ nữa. Nhưng vấn đề Triều Tiên
cũng là vấn đề mà không phải là họ không gắn bó. Cho nên tôi nghĩ rằng hai nước
lớn này trong cái dịp gặp gỡ lần này có lẽ là họ cũng có những tính toán nào
đó”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng
Hiệp cho rằng không có khả năng Mỹ và Trung Quốc đi đến thỏa thuận bí mật “có
qua có lại” phân chia sự thao túng của họ đối với Biển Đông và Bắc Triều Tiên.
Ông Hiệp nêu ra các lý do:
“Vấn đề Bắc Triều Tiên thì kể cả
Trung Quốc có muốn nhường cho Mỹ thì Trung Quốc không dễ đạt được. Mặt khác, Biển
Đông thì Mỹ có muốn nhường cho Trung Quốc cũng không thể thực hiện được, tại vì
lợi ích của Mỹ ở Biển Đông cũng rất là lớn. Họ có lợi ích về mặt tự do hàng hải,
các lợi ích chiến lược để kiềm chế sự bành trướng về hàng hải, hải quân của
Trung Quốc. Cho nên Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông, đấy
là chưa kể tới sự cam kết hay lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực,
trong đó có các quốc gia đồng minh của Mỹ”.
Trái với phỏng đoán của một số
người rằng Mỹ, Trung sẽ có một thỏa hiệp nào đó, Tiến sĩ Hiệp dự báo căng thẳng
Trung-Mỹ về Biển Đông “sẽ gia tăng” vì Mỹ không từ bỏ quyền lợi, trong khi đó,
Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi và không nhượng bộ trong vấn
đề này.
Về Bắc Triều Tiên, vị tiến sĩ thuộc
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rõ thêm rằng Bắc Kinh “không có nhiều
ảnh hưởng, không có nhiều sự kiểm soát” đối với Bình Nhưỡng như nhiều người vẫn
nghĩ. Vì vậy, ông nói ngay cả khi Trung Quốc “có muốn giúp” Mỹ, Trung Quốc cũng
“rất khó” có thể làm gì.
Chủ đề thương mại giữa nền kinh tế
số 1 thế giới và đất nước đông dân nhất hành tinh cũng là mối quan tâm lớn của
Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định tổng
thống Trump sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập về giảm thâm hụt thương mại lớn của
Mỹ đối với Trung Quốc và đem công ăn việc làm từ Trung Quốc về Mỹ, hai nội dung
quan trọng ông Trump đã hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử.
Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá rằng
ông Trump sẽ khó đạt được mục đích của mình:
“Tại vì hàng xuất khẩu của Trung
Quốc sang Mỹ thì trong đấy có một phần đáng kể là của những công ty đa quốc
gia, trong đấy có những công ty của Mỹ thiết lập nhà xưởng ở Trung Quốc. Cho
nên, nếu hạn chế thương mại với Trung Quốc thì sẽ làm tổn thương, thiệt hại cho
các doanh nghiệp Mỹ là những đối tượng ông Trump đang muốn bảo vệ. Bây giờ có lẽ
một biện pháp khả dĩ hơn là làm sao để xuất khẩu hàng của Mỹ sang Trung Quốc
nhiều hơn để mà thu hẹp được thâm hụt thương mại đó. Tuy nhiên những lợi thế so
sánh không cho phép Mỹ có thể xuất khẩu mạnh được sang Trung Quốc như là từ
Trung Quốc sang Mỹ”.
Năm 2016, Mỹ chịu thâm hụt thương
mại với Trung Quốc lên đến 347 tỉ đôla. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là 116
tỉ đôla, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới 463 tỉ đôla.
Chỉ ít ngày trước cuộc gặp chính
thức đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung, hôm 31/3 Tổng thống Mỹ đã ký hai lệnh
hành pháp về điều tra gian lận thương mại và lý do làm cho Mỹ bị thâm hụt
thương mại lên tới hơn 500 tỷ đôla mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất
là Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm trong số 16 nước đó.
Nhiều nhà quan sát đánh giá đây
là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, song Washington nhấn mạnh hai sắc lệnh không tập
trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.
Trong trường hợp tổng thống Mỹ
theo đuổi đường lối cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hai nhà
nghiên cứu Trần Công Trục và Lê Hồng Hiệp cảnh báo điều này sẽ có ảnh hưởng tiềm
tàng đến Việt Nam. Tiến sĩ Trục nói:
“Mỹ mà thực hiện cái mà ông
Donald Trump tuyên bố, rõ ràng nó có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế
của Trung Quốc. Đương nhiên với Trung Quốc là nước láng giềng sát với Việt Nam,
với tất cả quan hệ kinh tế từ xưa đến nay, thì rõ ràng là Trung Quốc mà có những
ảnh hưởng thì nó cũng có thể tác động đến Việt Nam. Với một nước như Trung Quốc,
khi mà có khó khăn, có những khủng hoảng, thì chắc chắn điều đó nó cũng lôi kéo
cả tình hình kinh tế khu vực và thế giới chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc”.
Về phần mình, Tiến sĩ Hiệp nói cụ
thể hơn rằng Việt Nam sẽ khó có thể hưởng lợi được từ sự cứng rắn của Mỹ đối với
Trung Quốc trong vấn đề thương mại:
“Một mặt, những mặt hàng của
Trung Quốc xuất sang Mỹ thì chưa chắc Việt Nam đã có đủ năng lực hoặc là có khả
năng thay thế. Đấy là chưa kể những hàng hóa của Trung Quốc bị cấm là vì mục
đích giảm nhập khẩu của Hoa Kỳ. Cho nên nếu mà Mỹ mà cấm hoặc hạn chế hàng nhập
khẩu từ Trung Quốc, thì họ sẽ thay vì là tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ các nước
khác như Việt Nam, tôi nghĩ là họ sẽ tập trung vào việc đưa các cơ sở sản xuất
về Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Cho nên khả năng cao hơn là Mỹ sẽ
ưu tiên sản xuất các mặt hàng đấy ở trong nước Mỹ thay vì nhập khẩu từ một nước
thứ ba như là Việt Nam chẳng hạn. Thứ hai, bản thân Việt Nam cũng nằm trong
danh sách đen của Nhà Trắng trong việc điều tra thâm hụt thương mại lớn của Hoa
Kỳ. Việt Nam cũng đang là đối tượng bị Hoa Kỳ tìm cách giảm thâm hụt. Khả năng
Việt Nam được hưởng lợi từ sự trừng phạt hay các hành động của Hoa Kỳ đối với
Trung Quốc trong vấn đề thương mại thì tôi nghĩ là thấp, không đáng kể”.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu
sang Mỹ hơn 29 tỉ đôla. Vị tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thận trọng cảnh
báo rằng vào lúc Mỹ tìm cách giảm nhập siêu từ 16 nước trong đó có Việt Nam, điều
này cũng đồng nghĩa khả năng để Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian
tới sẽ thấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét